Tiểu đường: căn bệnh của Châu Á ở thế kỷ 21?

Bệnh tiểu đường đang bùng nổ ở Châu Á với tốc độ nhanh hơn bất cứ đâu trên thế giới ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng xã hội và vượt qua mọi dự đoán của các chuyên gia trước đây.

Tổ chức Y tế Thế giới-WHO cho biết các ca tiểu đường ở Châu Á sẽ tăng khoảng 90% trong vòng 20 năm tới và căn bệnh này (cũng như các triệu chứng liên quan) sẽ trở thành khủng hoảng y tế lớn nhất thế kỷ 21. “Trong vòng 20 năm tới sẽ có khoảng 330 triệu người nhiễm bệnh ở Châu Á và kể cả đại dịch Aids hay cúm gia cầm cũng không có số lượng bệnh nhân lớn đến như thế”, ông Paul Zimmet, Giám đốc Viện Tiểu đường Quốc tế ở Victoria, Úc nói.

Các nước có số lượng người mắc tiểu đường lớn nhất Châu Á là Ấn Độ (33 triệu ca), Trung Quốc, Pakistan (23,9 triệu ca) và Nhật Bản (7 triệu ca). Ngay cả một số nước nghèo như Campuchia, tỉ lệ người mắc bệnh ở khu vực thành thị cũng cao gấp 2 lần với tỉ lệ trung bình của các nước Châu Âu. Tại Việt Nam, người ta đã phát hiện được cả bệnh nhân tiểu đường ở lứa tuổi thiếu nhi, tức là mới 11 tuổi. Tiến sĩ Anil Kapur, Phó chủ tịch Quĩ Tiểu đường Thế giới WDF phát biểu mới đây tại một hội nghị quốc tế về bệnh tiểu đường ở Việt Nam: “Trẻ em hiện đang mắc căn bệnh mà ngày xưa chỉ thấy ở thế hệ ông bà hay cha mẹ chúng”.
Thủ phạm chính của căn bệnh này một phần là do gien của con người nhưng chế độ ăn uống thay đổi và hoạt động thể chất kém cũng góp phần gia tăng bệnh tiểu đường. “Trong thập nhiên vừa qua ở Hà Nội, nơi người ta đã chuyển phương tiện giao thông chính từ xe đạp sang xe gắn máy, bệnh tiểu đường đã tăng lên gấp đôi”, Tiến sĩ Gauden Galea, Cố vấn khu vực của WHO cho biết. Thói quen ăn uống, thí dụ ăn ở ngoài với các thức ăn không được chế biến tốt và ít bổ dưỡng hơn cũng tạo điều kiện cho bệnh tiểu đường phát triển. Tiến sĩ trích dẫn một nghiên cứu thực hiện ở TP HCM cho thấy món phở gà ở các nhà hàng thường có tỉ lệ calorie cao gấp 23% so với chế biến tại gia đình. Một số nghiên cứu khác cho thấy chế độ dinh dưỡng kém ở phụ nữ mang thai cũng có thể dẫn tới tiểu đường ở cả đứa trẻ cũng như bà mẹ trong nhiều năm sau đó.Theo tài liệu của WDF, bệnh tiểu đường có thể dẫn tới cơ thể suy kiệt từ từ và thậm chí hậu quả tai hại nhất của bệnh này là dẫn tới mù hoặc hoặc hư hỏng các chi (tay hoặc chân).
Một điều nguy hiểm nữa, vẫn theo Tiến sĩ Galea là nhiều nhân viên y tế hiện cũng chưa có nhận thức đầy đủ về căn bệnh này. Đa số các nước Châu Á hiện chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối đầu với căn bệnh này. Khi khủng hoảng xảy ra, bệnh tiểu đường rất có thể khiến các bệnh viện quá tải và gây khó khăn cho ngân sách của các quốc gia.
Tiến sĩ Hohan cho rằng các chính phủ ở Châu Á cần có các hành động ngay lập tức nếu không trong vòng 10-15 năm nữa, sẽ có hàng triệu người phải tách thận và điều trị laser vì mắc các căn bệnh này. Mới đây, Singapore cũng đã mở một chiến dịch vận động ăn uống lành mạnh để hạn chế căn bệnh nguy hiểm này

PV 
Nguồn tin: BBC

Tác giả