Tìm kiếm MH370: Cuộc trình diễn và tỉ thí KH&CN

Cho tới nay tổng cộng đã có 26 nước và vùng tham gia tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của Hàng không Malaysia mất tích hôm 8/3/2014, với chủ lực là Malaysia, Mỹ, Australia và Trung Quốc.

Các nước đều dốc sức vào chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn nhất trong lịch sử hàng không này, bởi lẽ nó có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều mặt. Nguyệt san Hán Hòa Phòng vụ bình luận (xuất bản tại Canada) số tháng 5 viết: “Ngay từ ngày đầu khi MH370 mất tích, hoạt động cứu nạn của các nước đã thể hiện đặc điểm tranh giành quyền chủ đạo các vấn đề ngoại giao, quân sự, an ninh tại khu vực Nam Hải [Việt Nam gọi là Biển Đông].”

Nhưng giới khoa học lại quan tâm tới một khía cạnh khác của sự kiện này. Rõ ràng đây là một cuộc trình diễn, tỉ thí sức mạnh quân sự và khoa học và công nghệ (KH&CN) của các quốc gia tham gia tìm kiếm. Mỹ điều hai tàu khu trục tên lửa Kidd và Pinckney (mang theo hai máy bay lên thẳng HM-60R có chức năng tìm kiếm), hai máy bay trinh sát chống ngầm P-3C và Boeing P-8 Poseidon cực kỳ hiện đại.

Trung Quốc cử một lực lượng tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử, gồm tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu hiện đại nhất, tàu hộ vệ tên lửa Miên Dương, hai tàu đổ bộ loại lớn, một tàu tiếp tế loại lớn và các tàu khác, tổng cộng đợt đầu có 10 tàu (hiện nay là 18). Báo Trung Quốc nói các tàu hải quân tham gia tìm kiếm của họ có tổng số tấn lớn hơn tổng số tấn của toàn bộ lực lượng hải quân bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào. Ngoài ra còn sử dụng nhiều máy bay và 21 vệ tinh. Bắc Kinh cho rằng chiến dịch này là dịp họ thể hiện sức mạnh và “quyền phát ngôn” trên biển của mình. Do có 154 người Trung Quốc trong số 239 người có mặt trên MH370 nên họ cho mình có trách nhiệm lớn nhất trong vụ này (không kể Malaysia).

Theo dõi quá trình tìm kiếm MH370 thời gian qua, có thể thấy Mỹ và các cường quốc phương Tây tỏ ra hơn hẳn Trung Quốc về nhiều mặt.

Thứ nhất, về tốc độ phản ứng. Mới đầu Bắc Kinh chần chừ chỉ cử tàu cứu viện dân dụng tham gia tìm kiếm MH370. Chỉ khi biết tin Mỹ đã cho máy bay tàu chiến đến vùng biển Nam Việt Nam (bị Malaysia nhầm lẫn nói là nơi MH370 mất tích), Bắc Kinh mới quyết định phái một lực lượng cứu viện mạnh nhất trong lịch sử tới vùng biển này. Báo Trung Quốc cho biết nước này đã đề nghị Việt Nam cho phép máy bay và tàu của họ vào vùng biển vùng trời nước ta tìm kiếm; và 15h41 (giờ Bắc Kinh) ngày 11/3, Việt Nam đã cho phép hai máy bay trinh sát điện tử TU-154 hiện đại nhất của Trung Quốc vào vùng trời Việt Nam. Nhưng trên biển, tàu Trung Quốc đến Nam Hải muộn hơn Việt Nam, Malaysia và Mỹ. Tàu hộ vệ Miên Dương xuất phát từ Hoàng Sa 23:30 đêm 8/3, mãi tới 3:50 ngày 10 mới đến nơi. Trung Quốc giải thích đó là do họ không có cảng ở vùng biển này và do có quá ít tàu đủ sức hoạt động viễn dương. Tàu khu trục USS Pickney đến vịnh Thái Lan 24 giờ sau khi MH370 mất tích; Trung Quốc lúc đó chỉ có tàu tuần tra biển tới đây.

Thứ hai, về nguồn tin. Trung Quốc chỉ tiến hành tìm kiếm theo thông tin do Malaysia cung cấp, bảo đến đâu thì đến đấy, hoàn toàn bị động. Ngược lại ngay từ đầu Mỹ đã có chủ kiến riêng. Ngày 13/3 báo Mỹ đưa tin một quan chức Mỹ giấu tên nói MH370 sau khi mất liên lạc với mặt đất vẫn còn liên lạc với vệ tinh và bay thêm hơn 3.600 km trong 4 giờ nữa. Ngày 14/3 người phát ngôn chính phủ Mỹ Carney nói Mỹ chuyển hướng tìm kiếm xuống Nam Ấn Độ Dương. Ngày 15/3 Thủ tướng Malaysia cũng tuyên bố như vậy, sau khi ngày 10/3, Tổ chức Vệ tinh di động quốc tế Inmarsat (International Mobile Satelline Organization) kết hợp với Cục Điều tra tai nạn máy bay Anh (AAIB), có sự hỗ trợ của hãng Boeing, dựa theo các quan sát của hệ thống vệ tinh đã tính toán chính xác đưa ra kết luận đường bay của MH370 chấm dứt trên bầu trời Nam Ấn Độ Dương. Inmarsat là một công ty đa quốc gia mà Trung Quốc là cổ đông nhưng không nắm được hoạt động của công ty, mọi công việc đều do Anh, Mỹ điều khiển.

Thứ ba, về trình độ KH&CN. Trước hết nói về vệ tinh. Trung Quốc là cường quốc vệ tinh thứ ba trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga (116 vệ tinh; Mỹ – 502; Nga – 118). Lần này Bắc Kinh huy động 21 vệ tinh tham gia tìm kiếm nhưng tất cả các vật thể được vệ tinh họ quan sát thấy đều bị Malaysia xác định là không liên quan đến MH370. Ngày 9/3 Trung Quốc tuyên bố 11 giờ trưa hôm đó vệ tinh Gaofen-1 (Gaofen nghĩa là Độ phân giải cao) của họ chụp ảnh được ba vật thể là mảnh vỡ của MH370; nhưng điều đó nhanh chóng bị Malaysia bác bỏ. Sau đó Malaysia còn lên án vì Trung Quốc cung cấp thông tin sai này làm cho Malaysia mất công tìm kiếm ở Nam Hải. Hơn nữa ảnh chụp không rõ. Theo báo Trung Quốc, vệ tinh Gaofen-1 có độ phân giải bằng 2 m, nghĩa là một vật hình vuông có kích thước 2mx2m sẽ chiếm 1 pixel (điểm ảnh) trong ảnh vệ tinh. Trong khi đó độ phân giải của vệ tinh trinh sát quang học Keyhole (Lỗ khóa; phóng từ thập niên 60) của Mỹ là 0,1~0,3 m. Ngay vệ tinh thương mại của Google cũng có độ phân giải 0,41 m.

Vệ tinh thông tin của Inmarsat nhận được bảy lần tín hiệu “Bắt tay” từ MH370; vệ tinh Trung Quốc không nhận được tín hiệu nào. Do vậy Bắc Kinh không có vai trò gì trong việc đưa ra kết luận quan trọng chuyển hướng tìm kiếm xuống Nam Ấn Độ Dương. Qua việc đó, một Viện sĩ Trung Quốc kêu gọi nên gấp rút nghiên cứu các công nghệ có chức năng tương tự vệ tinh hàng hải của nước ngoài, sao cho vệ tinh nước mình nhận được thông tin từ mọi máy bay đang bay.

Các phương tiện tìm kiếm của Trung Quốc nhìn chung còn thua kém phương Tây.

Việc tìm kiếm MH370 để lộ sự lạc hậu là Trung Quốc chưa có máy bay trinh sát chống ngầm loại lớn như P-3 (cánh quạt) và P-8 (phản lực Boeing 737). Nhật, Australia, New Zealand mỗi nước đều cho một chiếc P-3C tham gia tìm kiếm MH370. Máy bay cánh cố định là phương tiện tìm kiếm hiệu quả nhất. Trong vụ tìm kiếm chiếc máy bay Air France 447 mất tích năm 2009, một chiếc P-3 của Brazil phát hiện được mảnh vỡ đầu tiên. Hiện Trung Quốc đang thử nghiệm máy bay chống ngầm Gaoxin-6, được cho là tương đương P-3C.

Trung Quốc dường như chưa chú trọng nghiên cứu chế tạo thiết bị để đối phó với các tai nạn. Vụ trưởng Vụ Đo vẽ hải sự thuộc Trung tâm bảo đảm hàng hải Đông Hải Bộ Giao thông Trung Quốc nói: Các thiết bị tìm kiếm đều hoàn toàn nhập khẩu… Thật xấu hổ. Cụ thể chỉ có mấy thứ: – một thiết bị tìm hộp đen; – hai robot lặn; – một máy Sonar và một máy đo từ lực.

Trong lĩnh vực thiết bị dò nghe tín hiệu âm thanh “ping” phát ra từ hộp đen, công nghệ Trung Quốc cũng còn lạc hậu. Ngày 5/4, thiết bị tìm kiếm hộp đen trên tàu Hải Tuần 01 của Trung Quốc “lập kỷ lục” đầu tiên nghe thấy tín hiệu xung tần số 37,5 kHz mỗi giây phát 1 lần tại gần địa điểm 25 độ vĩ Nam, 101 độ kinh Đông. Thế nhưng mức độ đơn giản của thiết bị này thật đáng ngạc nhiên: trên xuồng máy, một người giữ thiết bị kéo theo dưới nước, một người dùng ống nghe để nghe tín hiệu ping phát ra từ hộp đen dưới đáy biển! Thì ra đó là loại thiết bị xách tay của Mỹ giá 16.000 USD có bán trên thị trường. “Có thể nghe được tín hiệu phát từ độ sâu mấy nghìn mét không ?” – một giáo sư ở Canada khi xem truyền hình nghi ngờ hỏi.

Dĩ nhiên thiết bị đó không thể sánh được với TPL, tức Thiết bị định vị tiếng ping kéo theo tàu (Towed Pinger Locator, tức định vị hộp đen). Trong 20 năm qua, Hải quân Mỹ đã dùng TPL để tìm kiếm hộp đen máy bay quân sự và dân dụng. Họ đã tìm thấy hộp đen của chuyến bay TWA800 (rơi năm 1996) và chuyến bay Air France 447 (rơi năm 2009, ở độ sâu 3900 m).

Tàu tiếp tế Ocean Shield của Hải quân Australia đã dùng TPL-25 để tìm hộp đen của MH370. Thiết bị nặng gần 34 kg, kích thước 76 ~ 89 cm, được nối với tàu bằng dây cáp (dài 4500 m, cho phép nó chạm đến đáy biển) và được kéo theo tầu chạy với tốc độ thấp 1 ~ 5 knot (1knot = 1852 m) tùy độ sâu; khi đó có thể nghe được âm thanh ở độ sâu 4.500 m. Ocean Shield thả TPL xuống biển và kéo nó đi theo ở độ sâu khoảng 3.000 mét, tức cách đáy biển 1.000-1.500 m. Ở độ sâu đó, TPL có thể phát hiện các tín hiệu “ping” cách nó khoảng 1,6 km từ mọi hướng.

Một chuyên gia điện tử Trung Quốc nói: Máy của ta có thể nghe được tín hiệu nhưng không thể định vị nguồn tín hiệu ở đâu. Chưa kể, xuồng máy không thể ra biển khi gió to sóng lớn, khi ấy thiết bị phải nghỉ; còn TPL-25 có thể làm việc trong mọi hoàn cảnh.

Kết quả dò tín hiệu bằng TPL-25 của Ocean Shield ngày 6/4 đã phủ nhận tin tàu Hải Tuần 01 đầu tiên nghe được tín hiệu hộp đen. Tướng Angus Houston chỉ huy tìm kiếm của Australia nói các dữ liệu của Trung Quốc “qua phân tích cho thấy không phải là tín hiệu tin cậy”.

Sáu ngày sau khi TPL không bắt được tín hiệu (pin hộp đen hết điện nên ngừng phát tín hiệu), ngày 14/4, Ocean Shield ngừng dùng TPL mà bắt đầu dùng Tàu ngầm không người lái Bluefin-21 tìm kiếm dưới đáy biển. Bluefin-21 dài gần 5 m, đường kính 0,5 m, nặng 750 kg, có trang bị máy định vị siêu âm để quét và vẽ bản đồ 3D đáy biển với độ phân giải cao, tốc độ bơi 4 knot/h, thời gian làm việc lâu nhất là 25 giờ, mỗi lần làm việc 16 giờ dưới nước. Nó có thể lặn sâu nhất 4.500 m; nếu gặp chỗ sâu hơn thì tự động nổi lên, ngừng hoạt động, chờ được điều chỉnh, lập trình lại. Theo đài RFI, ngày 19/4 nó đã lặn lần thứ 7, đạt độ sâu kỷ lục 4.695 m.

Bluefin-21 là thiết bị tìm kiếm dưới nước hiện đại nhất được Hải quân Mỹ sử dụng từ 4/2012, do công ty Bluefin Robotics chế tạo. “Thiết bị này làm việc như cái máy cắt cỏ.” — CEO công ty nói. Sau khi được thả xuống nước, nó phát các xung Sonar ra hai phía theo hình vòng cung quét đáy biển; rồi tiếp nhận sóng âm phản xạ từ các vật thể ở trong phạm vi tác dụng của xung, qua đó sẽ phán đoán được độ cao của vật thể và vẽ thành hình ảnh. Nhưng các hình ảnh đó không truyền ngay lên tàu, mà chỉ khi thiết bị nổi lên mới được giải mã.

Việc đưa Bluefin-21 vào hoạt động làm cho Tàu lặn có người lái Giảo Long (Jiaolong, Thuồng luồng) mà Bắc Kinh từng khoe lập kỷ lục lặn sâu nhất thế giới (7.062 m, 6/2012) bị ra rìa. Giảo Long lắp thiết bị Sonar và hai cánh tay máy, rất thích hợp làm nhiệm vụ tìm kiếm các vật thể dưới đáy biển. Báo Mỹ nói Trung Quốc không sử dụng Giảo Long vì sợ để lộ sự thua kém về công nghệ. Thôi Duy Thành một cán bộ thiết kế Giảo Long nói ông rất thất vọng vì tàu lặn này không được nhà nước cho phép dùng để tìm kiếm MH370; có lẽ vì tàu mẹ của nó chế tạo từ năm 1978 tỏ ra kém tin cậy. Một cán bộ thiết kế giấu tên nói Giảo Long có nhược điểm chạy chậm, chỉ đạt 1 knot/h, thời gian chạy tối đa có 12 giờ, trừ đi lặn, nổi, thời gian làm việc dưới nước không quá 5-6 giờ, thua xa Bluefin-21; nhưng nếu không đưa vào sử dụng thực tế thì sẽ mãi mãi không biết yếu kém ở chỗ nào. Australia đứng đầu chiến dịch tìm kiếm này cũng không kiến nghị dùng Giảo Long.

Trung Quốc chủ yếu dùng vệ tinh, máy bay và tàu thuyền để tìm kiếm MH370, nhưng các phương tiện cũng này đều thua kém Mỹ, Anh, Australia, khiến cho phần đóng góp của Trung Quốc rất hạn chế, nhất là khi tìm kiếm vùng biển rộng 0,3 triệu km2 ở Nam Ấn Độ Dương, nơi Bắc Kinh chưa từng có sự hiện diện quân sự. Hiện nay chiến dịch tìm kiếm MH370 ở đây do Australia dẫn đầu, các bên tham gia chính là Mỹ và New Zealand đều là các nước phát triển. Ba nước này từ lâu đã có thỏa thuận liên kết quân sự với nhau, vì thế họ phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Lực lượng tìm kiếm của Trung Quốc tuy rất hùng hậu nhưng không có những điều kiện thuận lợi như vậy cho nên hoạt động khó khăn, kém hiệu quả.

Trung Quốc đưa vào đây một lực lượng tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử nhưng thực tế chưa thu được hiệu quả tương xứng và trên nhiều mặt lại tỏ ra thua kém. Mấy lần họ công bố kết quả tìm kiếm của mình đều bị đánh giá là sai và vì thế báo đài nước ngoài nói thẳng là “mức độ Trung Quốc thiếu các thiết bị tinh sảo làm cho quốc tế ngạc nhiên”. Sự thực đáng xấu hổ đó khiến giới KH&CN và quân sự Trung Quốc suốt thời gian qua im hơi lặng tiếng không dám nói gì, trong khi dân chúng nước này nói đây là sự xỉ nhục đất nước, họ bất bình lên tiếng phê phán KH&CN Trung Quốc lạc hậu, chỉ giỏi khoe khoang các chỉ tiêu thống kê mà chưa coi trọng giá trị sử dụng thực tế.

Báo Thanh niên Trung Quốc nóng mắt tổ chức phỏng vấn một số chuyên gia liên quan xem họ nói gì. Tất cả họ đều tỏ ra thất vọng về biểu hiện của Trung Quốc trong cuộc tỉ thí sức mạnh KH&CN này. Họ vạch ra các thiếu sót như không chú trọng nghiên cứu sáng chế các thiết bị tìm kiếm, hầu như chỉ nhập khẩu mà nước ngoài không bao giờ bán thứ tốt nhất; rốt cuộc “người có, ta không có”; khi lâm sự mới thấy không thực hiện được khẩu hiệu “nuôi quân nghìn ngày, dùng quân một giờ”; thể chế đánh giá KH&CN vẫn là “có học mà vô dụng”, một mặt ra sức nhập thiết bị tiên tiến rồi bắt chước chế tạo, một mặt gửi đăng thật nhiều bài báo trên các tập san quốc tế, cho rằng như thế là được rồi.

Theo số liệu công bố trong “Báo cáo 2013 về chỉ số sáng tạo mới nhà nước” của Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển KH&CN Trung Quốc thì nước này hiện đứng đầu thế giới về số lượng cán bộ khoa học làm công tác R&D (3,247 triệu người); kinh phí R&D đứng thứ ba thế giới; số luận văn khoa học quốc tế – thứ hai, số luận văn được trích dẫn nhiều – thứ tư; số phát minh sáng chế xin cấp patent và được cấp patent – thứ nhất và thứ hai. Song tất cả các số liệu trên chưa phản ánh thực chất trình độ KH&CN Trung Quốc. Rõ ràng, không thể đánh giá đúng trình độ thật sự của thành quả nghiên cứu KH&CN nếu không đưa nó vào thực tế sử dụng.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Tác giả