Tìm ra chất xúc tác biến khí đốt thành cồn

Với thành công trong việc biến khí đốt thành cồn nhờ một chất xúc tác mới, các nhà nghiên cứu đang hy vọng có thể làm thay đổi một cách cơ bản nền công nghiệp nguyên liệu.

Các nhà nghiên cứu thuộc Scripps Research Institute ở thị trấn Jupiter (bang Florida, Mỹ) đã tìm thấy một chất xúc tác mới có thể biến đổi khí đốt ở nhiệt độ 180 độ C so với phương pháp hiện nay là trên 500 độ C. Như vậy phương pháp mới cho phép biến khí đốt thành nhiên liệu với giá thành thấp hơn nhiều so với các phương pháp đã được áp dụng cho đến nay.

Thành phần chủ yếu của khí đốt là Methane, Ethan và Propan. Nhóm nghiên cứu do GS Roy Periana đứng đầu đã dùng muối của chì và Thallium làm chất xúc tác biến khí đốt thành cồn. Các chất xúc tác này cũng dễ điều chế và có giá thành hợp lý – muối chì vẫn thường được dùng khi sản xuất diêm.

Một ưu điểm nữa của phương pháp mới là không phải chia tách khí đốt thành nhiều thành phần riêng biệt, theo công bố của các nhà nghiên cứu trên tạp chí Science. Methane, Ethan và Propan ở dạng khí hỗn hợp sẽ được chuyển hoá thành các loại cồn tương ứng, qua đó tiết kiệm các bước trung gian trong quá trình chuyển hóa.

GS Periana nói, “đây là tiềm năng để tạo ra các hoá chất và nhiên liệu với giá thấp hơn nhiều”. Theo tài liệu của Scripps Research Institutes, phương pháp này có thể tạo ra thay đổi cơ bản trong ngành công nghiệp nguyên liệu: vai trò của khí đốt đối với nền kinh tế sẽ tăng rõ rệt. Những chất chế biến từ khí đốt đều ở dạng lỏng nên vận chuyển và chế biến đều đơn giản hơn nhiều.

Hiện chưa rõ hương pháp mới sẽ được áp dụng trong thực tiễn như thế nào. Theo Periana, chưa thể áp dụng phương pháp mới ngay trong công nghiệp mà cần được tiếp tục nghiên cứu, nếu mọi sự diễn tiến thuận lợi có thể đưa vào áp dụng sau ba – bốn năm nữa. Hiện đã có các cuộc trao đổi nhằm quảng bá cho phương pháp này.

Mỹ, nước áp dụng phương pháp Fracking để khai thác khí đốt đang gây nhiều tranh cãi, được coi là quốc gia khai thác khí đốt nhiều nhất thế giới. Theo Tập đoàn Dầu mỏ và Khí đốt BP, riêng trong năm 2012, Mỹ đã khai thác trên 680 tỷ m3 khí đốt, chiếm 20% sản lượng toàn thế giới.

Khí đốt là nhiên liệu hoá thạch ít gây tổn hại đến môi trường nhất, khi đốt cháy sẽ phát sinh khoảng 200gr CO2/kWh, so với dầu mỏ (270gr/kWh) và than (từ 330 đến 400 gr/kWh tuỳ chất lượng than) đều thấp hơn.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)