Tình trạng khẩn cấp về khí hậu: 10 dấu hiệu

Thuật ngữ tình trạng khẩn cấp về khí hậu - dù mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng đã nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trong giới học thuật. Nếu năm 2015 mới có 32 bài báo trong cơ sở dữ liệu Web of Science đề cập đến thuật ngữ này thì đến năm 2022, đã có 862 nghiên cứu thảo luận về thuật ngữ này. Dưới đây là 10 dấu hiệu cho thấy thế giới đang trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu:

“Sóng thần đen” tấn công Miyako, tỉnh Iwate vào tháng 3-2011. Ảnh: Chính quyền TP. Miyako.

1. Lượng CO2 trong khí quyển ở mức cao nhất lịch sử nhân loại

Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii đã theo dõi nồng độ CO2 trong khí quyển Trái đất từ cuối những năm 1950. Vào năm 2022, nồng độ CO2 trung bình toàn cầu đạt mức 417,06 ppm. So với nồng độ ở thời kì tiền công nghiệp là 278 ppm, nồng độ CO2 trong khí quyển hiện nay gần gấp đôi.

2. Không có nhiều cơ hội để giữ nhiệt độ Trái đất tăng dưới 1,5oC

Thỏa thuận Paris đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: duy trì nhiệt độ nóng lên toàn cầu dưới 1,5oC. Nhưng báo cáo mô hình hóa năm kịch bản phát thải khác nhau trong tương lai – từ lượng phát thải rất cao đến rất thấp – và trong mỗi kịch bản, nhiệt độ bề mặt toàn cầu được dự đoán sẽ tăng ít nhất 1,5oC.

Nếu vẫn giữ lượng phát thải và các chính sách hiện tại, thế giới có thể phải hứng chịu mức nóng lên 2,7oC vào năm 2100.

3. Đã tiêu hết ngân sách carbon 

Từ năm 1850 đến 2021, con người đã thải khoảng 2500 gigaton CO2 vào khí quyển (1 gigaton = 1 tỉ tấn). Đến nay, lượng phát thải này đã khiến Trái đất nóng hơn 1,1oC so với thời kì tiền công nghiệp.

Để duy trì mức nhiệt nóng lên dưới 1,5oC, chúng ta chỉ có thể thải thêm 250 gigaton CO2 vào khí quyển – con số này bao gồm cả lượng phát thải từ đầu năm 2023. Nhưng chỉ riêng năm 2022, chúng ta đã phát thải 36,8 gigaton CO2 và lượng phát thải hằng năm trên toàn cầu vẫn chưa đạt đỉnh điểm. Nói cách khác, chúng ta đã tiêu hết ngân sách để giữ phát thải tăng 1,5oC.

Giờ đây, vấn đề là khi nào, chứ không phải là liệu chúng ta có vượt quá ngưỡng nóng lên hay không.

4. Nắng nóng cực đoan ngày càng nghiêm trọng   Trong giai đoạn 1850-1900, tần suất xuất hiện nắng nóng cực đoan là 10 năm một lần. Giờ đây là 2,8 lần trong vòng 10 năm. Nếu Trái đất nóng lên 1,5oC, tần suất này là 4,1 lần trong vòng 10 năm. Tương tự, với các sự kiện nắng nóng 50 năm mới xảy ra một lần trước đây, hiện tại có thể xảy ra 4,8 lần trong 50 năm và nếu thế giới nóng hơn 1,5oC, tuần suất có thể lên tới 8,6 lần trong 50 năm.

5. Nhiệt độ bề mặt toàn cầu tăng nhanh nhất trong lịch sử nhân loại

Kể từ năm 1970, nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng nhanh hơn bất kỳ giai đoạn 50 năm nào trong 2000 năm qua – tình trạng này đặc biệt rõ rệt trong những năm gần đây.

6. 2/3 hiện tượng thời tiết cực đoan là do con người 

Số lượng các đợt lũ lụt và mưa lớn đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 1980 và tăng gấp đôi kể từ năm 2004. Nhiệt độ khắc nghiệt, hạn hán và cháy rừng cũng xuất hiện nhiều hơn gấp đôi trong vòng 40 năm qua. Carbon Brief, một trang web về khoa học khí hậu có trụ sở ở Vương quốc Anh, đã thu thập dữ liệu từ 400 nghiên cứu về “nguyên nhân các hiện tượng cực đoan” và phát hiện 71% hiện tượng thời tiết cực đoan trong 20 năm qua xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do tình trạng biến đổi khí hậu (do con người gây ra).

7. Mực nước biển đang dâng nhanh chưa từng có

Các tảng băng, sông băng tan chảy và sự ấm lên của đại dương đang khiến mực nước biển dâng cao. Kể từ năm 1900 tốc độ dâng của mực nước biển đã tăng nhanh hơn bất kì thế kỉ nào trong 3000 năm qua, và điều này sẽ còn tiếp tục trong một thời gian rất dài.

Quá trình này đang được tăng tốc. Trong 140 năm qua, mực nước biển trên toàn thế giới đã tăng khoảng 21-24 cm, khoảng 10 cm trong số đó đã xảy ra kể từ năm 1992.

8. Băng ở Bắc Cực đang giảm nhanh

Nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên hành tinh. Từ năm 2011 đến 2020, băng ở biển Bắc Cực hằng năm đạt mức thấp nhất kể từ năm 1850. Đến năm 2022, độ che phủ băng ở Bắc Cực đang giảm với tốc độ 12,6% mỗi thập kỷ, so với mức trung bình trong giai đoạn 1981-2010.

Theo các kịch bản phát thải trong báo cáo mới nhất của IPCC, lượng băng tối thiểu ở Bắc Cực sẽ giảm xuống dưới 1 triệu km2 ít nhất một lần trước năm 2050 – dẫn đến sự biến mất của băng biển ở khu vực này.

9. Một thế giới ngày càng đói khát

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, nạn đói trên thế giới đang gia tăng – nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan từ hạn hán đến sóng nhiệt ảnh hưởng đến năng suất và giá trị dinh dưỡng của cây trồng, và có những vùng không thể canh tác mùa màng. Do căng thẳng nhiệt, vật nuôi cũng giảm năng suất và dễ bị nhiễm bệnh.

Trên khắp châu Phi, nơi nhiều quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lương thực, năng suất nông nghiệp đã giảm 34% do biến đổi khí hậu. Đến năm 2050, nạn đói và suy dinh dưỡng trên toàn thế giới được dự báo có thể tăng 20% do tác động của biến đổi khí hậu.

Cây trồng, vật nuôi, hệ sinh thái và con người đều cần đến nước – nhưng Liên Hợp Quốc ước tính khoảng một nửa dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước ở các thời điểm khác nhau trong năm. Trong vòng 20 năm qua, biến đổi khí hậu đã khiến tình trạng thiếu nước thêm trầm trọng do lượng nước ngầm suy giảm.

10. Động vật hoang dã suy giảm 60% sau 40 năm

Kích thước trung bình của quần thể động vật có xương sống (động vật có vú, cá, chim, động vật lưỡng cư và bò sát) đã giảm 69% trong giai đoạn 1970-2018.

Trong kịch bản Trái đất nóng lên 2oC, khoảng 5% các loài động vật thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Các rạn san hô  – bãi giống bãi đẻ của đại dương đặc biệt dễ bị tổn thương – độ che phủ của chúng có thể giảm xuống chỉ còn 1% so với hiện tại khi nhiệt độ tăng lên 2oC. □

Thanh An tổng hợp

Nguồn: https://www.wired.co.uk/article/climate-change-facts

https://www.washingtonpost.com/climate-environment/2023/10/30/climate-emergency-scientists-declaration/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)