Trên đường trở thành “siêu cường nông nghiệp”
Trung Quốc đang đổi mới các chính sách nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp nhằm thực hiện chiến lược trở thành một “siêu cường nông nghiệp” và “kho lương thực toàn cầu”.
Phát minh trong… phòng thí nghiệm
Những giống lúa mới siêu năng suất mang gen kháng bệnh, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng và thu hoạch ngắn; những cây cải đỏ ngọt chất lượng cao năng suất có thể đạt 80-100 tấn/ha; những giống cà chua đạt năng suất gần 250 tấn/ha…đang được các nhà khoa học di truyền nông nghiệp, sinh học Trung Quốc nghiên cứu lai tạo, chọn lọc thông qua những kỹ thuật công nghệ cao nhằm tạo tiền đề cơ bản hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
“Trong khoảng thời gian từ 1949 đến 1998, các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra trên 5000 tổ hợp các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh cao…Các giống cây trồng đã được đổi mới 4-5 lần, mỗi lần đổi mới sản lượng có thể tăng lên 10-30%”, ông Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Tham tán khoa học, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết. Theo thống kê, chỉ tính riêng việc trồng giống lúa lai đã làm tăng được 350 triệu tấn lúa gạo. Song song với những nghiên cứu nội lực, các nhà khoa học Trung Quốc tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của những nước phát triển để tái cấu trúc hệ thống khoa học công nghệ nông nghiệp. Lấy kinh nghiệm phương Tây thúc đẩy nền nông nghiệp phương Đông.
Không có gì ngạc nhiên khi số lượng bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc xuất hiện trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín có chiều hướng “tăng vọt”. Đa phần những bài báo này đều “xoáy” vào phát triển những hướng công nghệ mới như chuyển gen, nhân bản vô tính, lai tạo và chọn lọc “thế hệ” cây trồng có phẩm chất vượt trội. Đặc biệt, trong công tác di truyền chọn tạo giống đã có hàng loạt các kết quả đột phá trong tạo giống lúa thấp cây, cao sản, sử dụng ưu thế lai…Điều khiến các phòng thí nghiệm được đầu tư đặc biệt như vậy cho phép các nhà khoa học nông nghiệp và công nghệ sinh học “thả sức” nghiên cứu xuất phát từ bài toán áp lực cạnh tranh hai mặt ngày càng gay gắt, khẳng định vị thế của đất nước hơn một tỷ dân này trên thị trường nông nghiệp thế giới.
Hiện đại hóa…đồng ruộng
Tuy là một đất nước có diện tích thuộc “hàng top”, nhưng diện tích đất nông nghiệp của Trung Quốc không phải là nhiều. Bên cạnh đó, đối mặt với vấn nạn thu hẹp đất nông nghiệp ngày càng gia tăng do đô thị hóa cũng như những nguyên nhân do ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu như xa mạc hóa, xói mòn và ô nhiễm, Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển đổi hướng canh tác truyền thống bằng cách xây dựng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Với những mô hình này, việc bắt những vùng hoang hóa, khô cằn phải “đơm hoa kết trái” không còn là chuyện xa vời.
Ngay từ 2002, Trung Quốc đã xây dựng 400 khu nông nghiệp công nghệ cao, nhờ đó mà gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 42%, giá trị sản lượng bình quân gấp 40-50 lần so với mô hình sản xuất truyền thống. Tính đến nay, Trung Quốc hiện đã có trên 500 khu nông nghiệp công nghệ cao với hơn 4000 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái khác nhau. Rõ ràng, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao như vậy đang đẩy mạnh hiện đại hóa nền nông nghiệp của Trung Quốc.
Những khu nhà kính, hệ thống tưới nước, các kỹ thuật chăm bón được các nhà kỹ thuật một mặt phát triển, mặt khác tiếp thu công nghệ của nước ngoài sau đó chuyển giao trực tiếp cho người nông dân. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng thì hàng loạt công nghệ mới đã được sáng tạo và ứng dụng trong nông nghiệp, làm cho hơn 1/3 diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã trồng được nhiều vụ. Công nghệ trồng trọt được định lượng hóa, mô hình hóa, hệ thống hóa và khu vực hóa, công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ phòng trừ dịch bệnh tổng hợp nhằm hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững đã và đang được phổ biến. Ngoài ra, những vùng đồng bằng miền Bắc chiếm một phần lớn đất nông nghiệp nhưng lại phải đối mặt với sự thiếu nước nghiêm trọng do phân bố mưa không đều. Cho nên nhiều nhà khoa học Trung Quốc đang ấp ủ giấc mơ áp dụng công nghệ cao để làm mưa nhân tạo, và sử dụng những công nghệ này nhằm mục đích thay đổi dòng chảy của các dòng sông cung cấp nước cho những vùng đất canh tác khô hạn.
Nền nông nghiệp tri thức
Bên cạnh việc xây dựng những mô hình canh tác mới sử dụng những công nghệ tiên tiến, Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp. Chỉ có làm như thế mới có thể “nấu đủ cơm” cho một lực lượng dân số khổng lồ.
Một hệ thống khoảng 1600 các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy được thành lập với khoảng 1,5 triệu cán bộ đã được phân bổ ở các tỉnh. Đội ngũ các nhà kỹ thuật Trung Quốc (TTF) được thành lập đóng vai trò như “kim chỉ nam” định hướng thị trường nông nghiệp cho người nông dân. Nhiều tỉnh huyện đã áp dụng cơ chế TTF, theo đó, người nông dân được hướng dẫn trực tiếp để tiếp cận đến những công nghệ mới và công nghệ cao. Trong năm 2005, có khoảng 230000 cán bộ TTF được phái đi để “cầm tay chỉ việc” người nông dân, và thực tế đã có khoảng 6 triệu nông dân đã được đào tạo kỹ thuật mới, tiếp cận công nghệ cao. Kết quả, thu nhập của nông dân Trung Quốc đã tăng 20%. Xét về lâu dài, những mô hình như TTF không chỉ giúp nông dân phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh hiện đại nâng cao thu nhập, mà còn giúp Trung Quốc xây dựng những mô hình sản xuất mới nhanh chóng đạt tốc độ tăng trưởng bền vững.
Những năm trước, các dự án như “Xóa đói giảm nghèo thông qua chuyển giao công nghệ tiên tiến” đã trở thành một công cụ khuyến khoa học hiệu quả hơn cả. Mỗi người nông dân được xem như những “kỹ sư nông nghiệp” thực thụ để tự làm chủ được những mô hình canh tác mang đậm màu sắc công nghệ. Và như vậy, khái niệm “nền nông nghiệp tri thức” đang dần trở nên phổ biến ở đất nước đang đối mặt với những vấn đề cung đủ lương thực cho lực lượng dân số khổng lồ tương lai.