Trước thách thức của biến đổi khí hậu

Cuối năm 2007, báo cáo lần thứ 4 của IPCC (Chương trình quốc tế về biến đổi khí hậu) đã nhấn mạnh: trái đất ngày càng nóng lên là một hiện tượng chắc chắn sẽ xảy ra và sự biến đổi khí hậu sẽ gây ra những sự thay đổi đột ngột là không thể tránh khỏi. Nhiều tư liệu về tan băng ở Bắc Cực, về sự “chìm dần” của các hải đảo đã được dẫn chứng. Nhiều kịch bản đã được tính toán tùy thuộc vào lượng khí thải CO2.

I. Từ thập niên 1980, vấn đề biến đổi khí hậu, nguyên nhân, các hệ quả và hậu quả của nó đã được các tổ chức khoa học và các nhà khoa học nghiên cứu, theo dõi khá chặt chẻ và nghiêm túc với nhận thức đây là một vấn đề lớn, hệ trọng đối với tương lai của nhân loại.

Cuối năm 2007, báo cáo lần thứ 4 của IPCC (Chương trình quốc tế về biến đổi khí hậu) đã nhấn mạnh: trái đất ngày càng nóng lên là một hiện tượng chắc chắn sẽ xảy ra và sự biến đổi khí hậu sẽ gây ra những sự thay đổi đột ngột là không thể tránh khỏi. Nhiều tư liệu về tan băng ở Bắc Cực, về sự “chìm dần” của các hải đảo đã được dẫn chứng. Nhiều kịch bản đã được tính toán tùy thuộc vào lượng khí thải CO2.

Một điều chắc chắn là các vùng ven biển và các châu thổ sẽ bị tác động mạnh nhất. Các châu thổ sông Mêkong, sông Gange, sông Nil được báo cáo chỉ rõ là các địa bàn bị uy hiếp nặng nề nhất.

II. Rất cấp thiết phải nâng cao nhận thức trong xã hội về vấn đề biến đổi khí hậu và một hệ quả trực tiếp của nó, mực nước biển dâng.

Không phải chỉ là mức độ ngập, tác động của triều, dự báo bão, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng vật nuôi, … mà là nhìn nhận sự biến đổi khí hậu toàn diện hơn từ các góc độ khoa học, kinh tế, xã hội, dân số… từ đó đề ra các chính sách cần thiết để tồn tại và phát triển bền vững.

Khoa học và công nghệ phải dành một ưu tiên lớn cho việc nhận diện và góp phần giải quyết bài toán khẩn cấp này; góp tiếng nói để xã hội nhận thức đầy đủ về nó; và phản biện với tinh thần trách nhiệm cao các công trình đầu tư vào những địa bàn có nhiều khả năng bị tổn thương sao cho đúng chỗ, phát huy được hiệu quả tổng hợp cao nhất nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư xây dựng cơ bản.


GS.TSKH.Nguyễn Ngọc Trân

Ngành khoa học công nghệ biển của chúng ta còn rất non trẻ, có thể nói là hãy còn sơ khai. Số liệu điều tra cơ bản chưa nhiều, thiếu đồng bộ, tản mạn mỗi bộ ngành giữ một ít. Xây dựng ngành khoa học công nghệ biển, nắm được những hiểu biết cơ bản về điều kiện tự nhiên về biển, cập nhật những hiểu biết này theo những biến đổi khí hậu toàn cầu là việc cấp thiết phải làm.

Mặt khác tích cực góp tiếng nói vào quy hoạch sử dụng không gian các vùng duyên hải, cận duyên, đặc biệt vào quy hoạch hệ thống các cảng biển, phù hợp với quy luật tự nhiên về hải văn và bền vững. Nhớ rằng khi làm đề án xây dựng một công trình, chúng ta căn cứ vào các chuổi số liệu đã qua, càng nhiều năm càng tốt. Nhưng đối với một công trình biển, trong điều kiện biến đổi khí hậu và biển dâng như hiện nay, ngoài những căn cứ đó cần phải tính đến những mức độ biển dâng sẽ xảy ra.

III. Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn giao thoa giữa quá trình sông và quá trình biển. Cao độ mặt đất ở đây tương đối thấp. Ở Hậu Giang, Cà Mau chẳng hạn, có những vùng khá rộng, cao trình chỉ vào khoảng 20 – 30 cm. Nhà nước cần gấp rút xây dựng cho các tỉnh ĐBSCL, ưu tiên cho các tỉnh ven biển và địa hình thấp, bản đồ địa hình tỉ lệ đủ lớn để từ đó dự báo những địa bàn sẽ bị ngập theo từng độ cao biển dâng.

Hậu quả của biển dâng không phải chỉ có ngập tĩnh. Còn có động lực biển vùng ven bờ và cửa sông, sóng ngoài khơi và sóng vỡ khi tiếp cận bờ tùy theo mùa, tác động lên cơ sở hạ tầng, lên sản xuất và đời sống. Nhà nước cần huy động các viện trường, các tổ chức KHCN và các nhà khoa học vào việc tính toán các tác động này.

Ở những vùng mà người dân từ lâu đã quen với nền “kinh tế nước lợ và mặn”, như vùng duyên hải các tỉnh ven biển, thì tác động của biển dâng lên cuộc sống người dân sẽ ít khắc nghiệt hơn so với những địa bàn mà nền “kinh tế nước ngọt” chiếm lĩnh và cần nước ngọt cho lúa, cho cá, cho các khu công nghiệp, như Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre, …    

ĐBSCL, nơi hơn 18 triệu người đang sinh sống, hiện cung cấp cho cả nước 60% sản lượng lương thực, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 65% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Phải nỗ lực cao nhất để gìn giữ và phát huy các thành quả này, công sức của hàng trăm năm lao động của nhiều thế hệ. Đê ven biển, hệ thống đường giao thông phải được tính toán để trụ vững, kết hợp với bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.

Ở những địa bàn không thể đương đầu được với biển dâng thì tùy theo trường hợp mà bàn bạc với dân lựa chọn cách ứng xử tốt nhất, nơi nào có thể đương đầu, nơi nào phải thích nghi và khai thác các mặt lợi của tình thế mới, và các biện pháp tương ứng.

IV. Để kết thúc bài viết này, tôi muốn trở lại với phạm vi toàn cầu. Những nguy cơ, nếu không muốn nói là những thảm họa, gắn với biến đổi khí hậu đang chờ đợi loài người đã được nêu lên không phải bây giờ. Cũng không phải là những tiếng nói riêng lẻ mà là của cộng đồng các nhà khoa học có uy tín, tại những hội nghị rất chính thức, ở cấp lãnh đạo cao nhất của tất cả các nước trên hành tinh như tại Rio de Janeiro (1992) và tại Johannesburg (2002).

Thế tại sao lượng khí CO2 được thải ra vẫn cứ ngùn ngụt tăng, hiệu ứng nhà kính ngày càng trầm trọng, môi trường trên hành tinh ngày càng bị hủy diệt nhiều hơn?

Có ý cho rằng đó là vì dân số thế giới tăng nhanh, đến mức trái đất “không chứa nổi” với nguồn tài nguyên hữu hạn, trong đó có nước ngọt và nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Có ý cho rằng tỉ lệ sinh đẻ ở các nước nghèo quá cao; ở các nước này phá rừng quá nhiều đã dẫn đến lũ quét, sa mạc hóa, v.v. …

Nhưng còn nền kinh tế “tự do mới” đang tìm cách toàn cầu hóa, chỉ biết lợi nhuận trước tiên và trên hết, kích thích tiêu dùng, quảng bá lối sống tiêu thụ chạy theo mốt, đã dẫn đến lạm thác tài nguyên thì sao?

Đổ lỗi cho các nước nghèo khai thác quá mức tài nguyên liệu có đúng không? Hố ngăn cách giàu nghèo hiện nay quá lớn. Cánh kéo giá giữa hàng nông sản, hàng công nghiệp và dịch vụ hiện nay quá bất lợi cho nông dân và người lao động. Trả nợ và dịch vụ nợ quá cao buộc các nước nghèo phải khai thác cạn kiệt tài nguyên mà vẫn không trả nổi và nợ ngày càng chồng chất, các tầng lớp nhân dân ngày càng nghèo đi ngoại trừ một tầng lớp nhỏ giàu sang không thua bất cứ ai ở bất cứ nước giàu có nào.

Tôi thiết nghĩ các nguyên nhân và lời giải cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu còn phải tìm từ góc độ chính trị, xã hội và nhân văn./.

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)