TS Đỗ Vân Nam: Trên đường đi tìm tiếng nói riêng

Sáu năm nay, với mong muốn nuôi dưỡng một hướng nghiên cứu lâu dài, TS Đỗ Vân Nam  (Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ - AIST, Đại học Bách khoa Hà Nội) gần như hoàn toàn tập trung vào việc khảo sát các tính chất cơ bản và tiềm năng ứng dụng của graphene, loại vật liệu mới được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn trong ngành điện tử học tương lai.

Học từ “sư tử”

“Nam là một trong số những nhà nghiên cứu xuất sắc của Viện chúng tôi. Anh có ý tưởng nghiên cứu rõ ràng và quyết tâm để đi đến cốt lõi vấn đề,” PGS. TS Phạm Thành Huy, (AIST), nhận xét về người đồng nghiệp như vậy. Khi nói “ý tưởng nghiên cứu rõ ràng”, TS Huy muốn đề cập hướng nghiên cứu gắn với vật liệu graphene mà TS Nam theo đuổi từ khi anh làm sau tiến sĩ ở Pháp đến nay.

Những khám phá đầu tiên về graphene vào những năm 2004-2005 đã làm bùng lên mối quan tâm về loại vật liệu mới này vì người ta cho rằng với khả năng dẫn điện cao, độ mỏng lý tưởng nhưng lại siêu bền, và rất nhiều thuộc tính khác nữa, graphene sẽ đóng vai trò lớn trong ngành điện tử học tương lai. Tuy nhiên, khi nhiều nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành theo hướng khảo sát tiềm năng ứng dụng graphene thì người ta lại nhận thấy có quá nhiều yếu tố chi phối các tính chất cơ bản của nó, thậm chí làm suy giảm những thuộc tính đẹp đẽ vốn có.

Năm 2008, khi đang làm nghiên cứu viên sau tiến sĩ ở Pháp, Nam được chứng kiến cuộc tranh luận về graphene giữa những người làm lý thuyết và thực nghiệm: các nhà vật lý thực nghiệm đã phát hiện độ dẫn điện cực tiểu khác không (0) của graphene ở một trạng thái mà về nguyên tắc là không có hạt dẫn điện, khiến các nhà khoa học lý thuyết bối rối; đó là chưa kể, các số liệu thực nghiệm (năm 2005) và các tính toán lý thuyết vênh nhau một con số rất gần với số Pi khiến giới khoa học cho rằng có điều gì “bí hiểm” ở đây mà họ chưa hiểu nổi. Theo dõi và nắm bắt được câu chuyện đó, Nam tự đề xuất cho mình nhiệm vụ thực hiện mô phỏng các mẫu graphene mà người ta thường sử dụng để đo độ dẫn điện của loại vật liệu này. “Năm 2009 tôi cũng thu lại được một số kết quả tính toán quan trọng của các nhà lý thuyết trước đó. Điều này là mới và rất phấn khích đối với mình nhưng lại không mới với cộng đồng khoa học quốc tế nên tôi quyết tâm phải đi xa hơn nữa để có thể công bố các kết quả nghiên cứu của mình,” anh nhớ lại.

Đỗ Vân Nam sinh năm 1980 trong gia đình nông dân có năm người con nhưng chỉ mình anh theo đuổi con đường học vấn. Anh học đại học (1997-2001) và tốt nghiệp thạc sĩ (2002) tại Khoa Vật lý, Đại học sư phạm Hà Nội; bảo vệ luận án tiến sĩ (2007) tại Viện nghiên cứu điện tử học cơ bản, Đại học Paris-Sud, Pháp, với đề tài: “Mô hình và mô phỏng sự truyền dẫn lượng tử của điện tử trong các cấu trúc linh kiện bán dẫn kích thước nanomet/Modelling and Simulation of Quantum Electronic Transport in Semiconductor Nanometer Devices”.

Hướng nghiên cứu chính anh theo đuổi là nghiên cứu cách thức biểu hiện của các điện tử bên trong các cấu trúc vật liệu thấp chiều, đặc biệt là trong các cấu trúc linh kiện có kích thước nanomet, cũng như cách thức phản ứng của chúng đối với những tác động từ bên ngoài.

Nam bắt đầu tìm hiểu tác động của các điện cực kim loại dính vào bề mặt lớp graphene, xem các tính chất nội tại của loại vật liệu này bị ảnh hưởng như thế nào thông qua phân tích các công trình thực nghiệm. Sau đó, anh gửi kết quả nghiên cứu của mình đến tạp chí Physical Review B nhưng “bị chê không thương tiếc”. “Tôi biết mình là mèo con, còn họ [những người phản biện] là sư tử nên đứng ở góc độ chuyên môn, họ ‘chê’ mình là hiểu được, nhưng ở góc độ tâm lý thì không khỏi buồn vì thực ra mình đã làm hết sức rồi. Tuy nhiên, cũng nhờ những lời chê đó, tôi lại có động lực mới,” Nam kể. Mất một năm sửa chữa, hoàn thiện rồi gửi cho một tạp chí khác – Journal of physics: Condensed matters – cuối cùng bài báo của anh đã được chấp nhận đăng và được nhiều nhóm nghiên cứu trích dẫn. Mặc dù trong những năm 2009-2011, anh cũng từng đọc phản biện một số bài cho các tạp chí như Physical Review Letters, Physical Review B và Physica nhưng một cách hết sức khiêm tốn, Nam thừa nhận, anh học được nhiều nhất qua những lần “chiến đấu với sư tử”.

Sau công bố trên Journal of physics: Condensed matters, Nam tự tin là mình hiểu được vấn đề mà các đồng nghiệp nước ngoài đang tập trung vào. Năm 2010, muốn khắc phục những nhược điểm trong công bố trước đó để tìm ra cái sâu sắc hơn, bản chất hơn, anh bắt tay vào đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết về vật liệu và linh kiện điện tử/quang tử dựa trên các màng bán dẫn ZnO pha tạp các-bon và các màng tinh thể các-bon đơn lớp thuần túy (graphene)”. Đề tài này của anh được Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ và được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao năm 2012. Tới đây, anh sắp ký với NAFOSTED một hợp đồng nghiên cứu nữa, cũng tập trung vào vai trò và tác động của vật liệu kim loại lên tính chất của graphene.

Như vậy, kể từ năm 2008, khi bắt đầu dành mối quan tâm cho graphene, cụ thể là các vấn đề về cấu trúc điện tử và sự truyền dẫn của điện tử trong màng graphene dưới tác động của các yếu tố bên ngoài như điện cực, đế đỡ và tạp chất, đến nay Nam đã có chín công bố liên quan trên các tạp chí chuyên ngành thuộc danh mục ISI.

“Thế nhưng nhiều người vẫn sốt ruột hỏi tôi, nghiên cứu như vậy có ý nghĩa thực tế gì không hay chỉ để cho vui. Tôi cho rằng những câu hỏi kiểu này là rất đáng buồn nhưng cũng đáng thông cảm vì không phải ai cũng hiểu công việc nghiên cứu cơ bản của chúng tôi,” Nam chia sẻ. “Các nghiên cứu cơ bản có ý nghĩa ở chỗ khám phá hay củng cố một nhận thức nào đó và thường phải được nhiều nhóm nghiên cứu lặp đi lặp lại cho đến khi chín muồi thì mới có thể giúp hình thành nền tảng vững chắc cho công nghệ mới. Không có sản phẩm công nghệ nào được làm ra mà không cần đến lý thuyết.”

“Nghiên cứu có rất nhiều cấp độ để đi tới, rất nhiều việc để làm, mỗi người đều có thể chọn cho mình một vai trò, một công việc cụ thể mà nếu làm tròn hay hoàn thành thì đều có đóng góp thiết thực,” Nam nói thêm.

Điểm cân bằng

Học tiến sĩ tại Pháp ba năm, rồi thêm hai năm làm sau tiến sĩ, năm 2009, Đỗ Vân Nam quyết định về nước. “Quyết định này đối với tôi nhẹ tựa lông hồng. Tôi biết có người không nói ra nhưng nghĩ trong bụng, nếu giỏi sao không ở lại. Nhưng tôi hiểu mình cần gì và phải làm thế nào để tìm được điểm cân bằng cho cuộc sống vốn dĩ nhiều chiều trong khi vẫn tiếp tục làm tốt nghề nghiên cứu”, Nam giãi bày.

Với Nam, nghề nghiên cứu có nghĩa là khi còn đang mơ hồ, chưa định hình được bài toán cho mình, anh có thể “là tỷ phú về thời gian” vì chẳng biết phải làm gì, nhưng khi đã định hình được bài toán rồi thì chỉ còn biết đến nó, mọi nơi mọi lúc. “Có lúc đang ngủ, nghĩ ra một ý, cũng phải bật dậy để kiểm tra hoặc ghi ra giấy để hôm sau thực hiện. Mà với chúng tôi sai là chính. Nói một cách nôm na, bài toán chỉ có một nghiệm đúng nhưng để tìm ra nó, chúng tôi phải loại trừ rất rất nhiều nghiệm sai. Cái đúng ở đây do đó có thể hiểu là được tìm ra trong sự tương phản với cái sai.”

Đây cũng là cái nghề mà theo Nam bẵng đi một chút là sẽ bị mất dấu cộng đồng nghiên cứu ngay. “Chỉ có một cách để bám vào nó là bên cạnh việc liên tục duy trì hoạt động nghiên cứu của cá nhân thì phải luôn tìm đọc các công bố mới nhất của đồng nghiệp. Có thế mới tránh được trường hợp trong khi mình hì hụi với bài toán của mình thì thiên hạ đã giải xong từ lâu rồi hoặc đã công bố cái na ná, làm cho nghiên cứu của mình trở nên tầm thường hoặc kém hấp dẫn.”

Công cụ của người làm lý thuyết chủ yếu là giấy bút và một chiếc máy tính được kết nối tốt với các kho dữ liệu, vậy ngồi nghiên cứu ở Việt Nam hay ở Pháp thì có gì khác nhau? Trả lời câu hỏi này, TS Nam nói: “Khi ở Pháp, hằng ngày tôi đều có thể trao đổi với những người có mối quan tâm gần gũi với nghiên cứu của mình vì môi trường học thuật được tổ chức theo nhóm, nơi các bài toán khác nhau nằm chung trong một ngữ cảnh. Về nước, hằng ngày cũng tiếp xúc với đồng nghiệp nhưng rất khó tìm được người có cùng mối quan tâm vì ai cũng như ốc đảo, theo đuổi một bài toán riêng lẻ. Đó là chưa kể nếu thời gian ở Pháp tôi chỉ phải ‘sa lầy’ trong công việc của mình thì về nước lại được kiêm thêm nhiều nghề, như ‘nghề cắm cơm’, ‘nghề đón con’. Khi không thể toàn tâm toàn ý, tính hiệu quả của công việc cũng sẽ giảm,” Nam nói vui nhưng rất thành thực.

Một điều nữa khiến Nam cảm thấy tiếc là nếu như ở nước ngoài, các vấn đề khoa học nảy sinh thường được nhìn nhận và giải quyết trong những ngữ cảnh có tính tổng thể/hệ thống, thì ở trong nước chưa được như vậy. “Thường là một nhà nghiên cứu có năng lực vạch ra hướng nghiên cứu nào đó và tập hợp quanh anh ta những đồng nghiệp cùng chí hướng; nhà trường có thể trả tiền để anh ta tuyển thêm biên chế cơ hữu, giải quyết những nhu cầu của nhóm. Trong khi như trường chúng tôi chẳng hạn, năm nào cũng tuyển người nhưng vẫn là kiểu tuyển những cá nhân rời rạc chứ không phải tuyển nhân lực cho những công việc đã được thiết kế,” Nam nhận xét. Ở Việt Nam, theo anh, một ông thầy giỏi có thể có sinh viên đi theo nhưng đó vẫn chưa phải là nhóm theo nghĩa có định hướng phát triển lâu dài mà giống trạm trung chuyển nhiều hơn – sinh viên theo thầy để tìm kinh nghiệm và cơ hội du học là chính, du học rồi không biết khi nào về và khi về cũng chưa chắc quay lại nhóm cũ.

“Khi mới về nước, tôi tràn đầy nhiệt huyết, đi đến đâu cũng truyền tải ý tưởng nghiên cứu của mình, hy vọng lôi kéo được thêm người để tạo nhóm, nhưng tôi nhận thấy nhiều khi người nghe lại cảnh giác như thể tôi đang tiếp thị một món hàng đa cấp tào lao nào đó. Cuối cùng mới đây tôi cũng tìm được hai người vào nhóm của mình, đó là một bạn học và một sinh viên trong trường [ĐH Bách khoa Hà Nội],” anh kể, nhưng bản thân không dám chắc về tương lai của nhóm “vì mỗi người có cuộc sống riêng bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác”.

Bên cạnh tính chuyên nghiệp của môi trường học thuật, Nam không quên nhấn mạnh khía cạnh kinh tế trong cuộc sống của nhà khoa học ở Việt Nam. Suy từ bản thân, nếu tính trên giấy trắng mực đen, thu nhập hằng tháng của anh, bao gồm lương và thù lao làm đề tài NAFOSTED, là một con số không tệ, đủ bảo đảm cho cuộc sống tạm ổn. Nhưng vấn đề ở chỗ, trên thực tế mỗi tháng anh chỉ được lĩnh chằn chặn vài triệu đồng tiền lương, tiền đề tài mỗi năm quyết toán có một lần, cầm được tiền cũng chỉ để thanh toán các khoản đã phải ứng ra từ trước, bởi vậy cuộc sống “vẫn cứ lọ mọ”. “Đó là những người có đề tài, còn những người không có đề tài thì phải xoay sang những việc khác để tăng thu nhập như dạy thêm, điều này khiến họ chắc chắn không còn thời gian và tâm trí làm nghiên cứu nữa,” Nam nói.

Tuy nhiên, Nam tự hài lòng cho mình là người may mắn có một cuộc sống giản dị nhưng hài hòa và được làm điều mình thích. “Tôi yêu công việc và mong được đóng góp cho cộng đồng khoa học, để những người cùng chuyên môn với tôi có thể sử dụng hoặc kế thừa một vài khía cạnh nào đó trong công việc của tôi vào các nghiên cứu của họ.” Anh cũng không che giấu tham vọng nuôi dưỡng vấn đề mình đang theo đuổi thành một hướng nghiên cứu dài hơi, để tạo được tiếng nói riêng, phong cách riêng, đồng thời làm nảy sinh những gợi ý khác thu hút được sự quan tâm của đồng nghiệp.

Những kết quả nghiên cứu đã được công bố / đăng ký của TS Đỗ Vân Nam liên quan đến vật liệu graphene chiếm đúng một nửa trong tổng số 18 công bố của anh từ trước đến nay trên các tạp chí chuyên ngành thuộc danh mục ISI, bao gồm:

Các hiệu ứng của nhiệt độ, pha tạp và tính bất đẳng hướng của các mặt năng lượng của điện tử lên các biểu hiện của plasmons bên trong graphene / Effects of temperature, doping and anisotropy of energy surfaces on behaviors of plasmons in graphene (Physica E, 2014); Các hiệu ứng phi tuyến bên trong các linh kiện dựa trên graphene / On the non-linear effects in graphene devices (Journal of Physics D, 2014); Các đặc trưng truyền tải điện tích của các lớp tiếp xúc kim loại-graphene / Transport characteristics of graphene-metal interfaces (Applied Physics, 2012); Mô hình hóa liên kết kim loại – graphene và ảnh hưởng của nó lên các tính chất truyền tải điện của graphene trong trạng thái trung hòa điện tích / Modeling of metal-graphene coupling and its influence on transport properties in graphene at the charge neutrality point (Journal of Physics: Condensed Matter, 2010); Hiệu ứng trở vi phân âm trong các cấu trúc lớp tiếp xúc dựa trên các dải graphene với biên zigzag / Negative differential resistance in zigzag-edge graphene nanoribbons junctions (Journal of Applied Physics, 2010); Tính chất truyền tải spin điều khiển được trong các cấu trúc dải graphene với biên armchair / Controllable spin-dependent transport in armchair graphene nanoribbons structures (Journal of Applied Physics, 2009); Hiệu ứng của các tâm tạp mang điện và sai hỏng mạng lên các tính chất truyền tải điện của các cấu trúc graphene kích thức nanomet / Effects of charged impurities and lattice defects on transport properties of nanoscale graphene structures (Journal of Applied Physics, 2009); Bình luận về bài báo “Độ dẫn vi phân âm của điện tử bên trong rào thế graphene” / Comment on “Negative differential conductance of electrons in graphene barrier” (Applied physics letters, 2008); Truyền tải điện tử và các hiệu ứng phân cực spin của các hạt giả tương đối tính bên trong các cấu trúc graphene kích thức mesoscopic / Electronic transport and spin-polarization effects of relativistic-like particles in mesoscopic graphene structures (Journal of Applied Physics, 2008).

Hai đề tài khoa học do anh làm chủ nhiệm và được NAFOSTED tài trợ cùng một đề tài khác do Cơ quan Quốc gia phụ trách khoa học (Agence Nantional de Reserche – ANR), Pháp, tài trợ mà anh tham gia và làm đại diện đối tác phía Việt Nam cũng liên quan đến tính chất điện tử của graphene.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)