Từ dữ liệu mở đến chính phủ mở

Dữ liệu mở có thể coi là bước khởi đầu để chính phủ dần thay đổi tư duy để trở nên minh bạch và có trách nhiệm hơn.


Dữ liệu mở đang trở thành một phong trào lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Nguồn ảnh: The economist.

Jim Rich trở về nhà sau một trận đấu bóng rổ ở Texas với một bên chân đau khủng khiếp. Vợ ông, Rosemary, một y tá, sợ rằng vết thương của ông còn nghiêm trọng hơn một vết bầm tím. Bà nhập các triệu chứng của ông vào ứng dụng điện thoại có tên là iTriage và nhận thấy nó có dấu hiệu của hội chứng chèn ép khoang, có thể dẫn đến bại liệt hoặc hoại tử. Điều đó thuyết phục chồng bà đến bệnh viện ngay lập tức và một ca phẫu thuật đã diễn ra vài giờ sau đó.

Ứng dụng điện thoại đã cứu một bên chân của Jim Rich là một trong rất nhiều ứng dụng sử dụng dữ liệu chính phủ, trong trường hợp này là dữ liệu được bốn cơ quan y tế của Mỹ cung cấp. Vào năm 2009, Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt chế độ “mở mặc định” với tất cả các dữ liệu được thu thập bởi các cơ quan chính phủ, ngoại trừ thông tin cá nhân và bí mật quốc gia. Khoảng 200 nghìn bộ dữ liệu từ 170 cơ quan đã được đăng tải lên website data.gov. Tính đến năm 2015, đã có khoảng 70 nước trên thế giới theo “trào lưu” này. Tổ chức Tri thức mở (Open Knowledge) đặt trụ sở tại London, Anh, chỉ ra rằng có khoảng một triệu bộ dữ liệu được công bố trên các cổng dữ liệu mở sử dụng phần mềm CKAN, do tổ chức này phát triển năm 2010.

Thời gian biểu của những phương tiện giao thông công cộng, hồ sơ tội phạm, thông tin về ô nhiễm, các lưu trữ về thuế bất động sản vốn là những dữ liệu rất có giá trị. Nó cho phép các chính phủ phục vụ công dân của mình tốt hơn và trợ lực cho những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Giá trị nằm trong những gì miễn phí

Một số công ty trở nên lớn mạnh dựa vào các dữ liệu mở. Chẳng hạn như Zillow, một website bất động sản và Garmin, một công ty trị giá 7 tỉ USD tạo ra phần cứng và phần mềm định vị, được xây dựng dựa trên những dữ liệu mở của chính phủ. Tuy nhiên, Laure Lucchesi tại Etalab, một cơ quan tham mưu cho chính phủ Pháp về dữ liệu cho biết, chính các công ty nhỏ mới là những người thụ hưởng thực sự. Chẳng hạn như ai đó muốn mở quán cà phê ở New York có thể tham khảo địa điểm phù hợp trên ứng dụng Business Atlas, một bản đồ tương tác cho biết địa điểm nào đang tụ tập nhiều người đi bộ nhất, số người trẻ tuổi sinh sống ở đó hay các hàng quán mới đang tăng lên.

Ở hàng trăm thành phố, người ta sử dụng hằng ngày các ứng dụng miễn phí trên điện thoại để xem thời gian chạy của xe buýt hoặc tìm cách di chuyển. Thông tin kiểm toán chất lượng của bệnh viện và kết quả đánh giá các bác sĩ sẽ thúc đẩy những ứng dụng giúp bệnh nhân đưa ra những lựa chọn sáng suốt nơi nào để khám bệnh. GPS, hệ thống định vị của quân đội Mỹ, có thể tìm thấy ứng dụng của nó trong mọi thứ, từ những ứng dụng hẹn hò cho đến những chip siêu nhỏ gắn trong vòng đeo cổ của vật nuôi.

Nhưng quan trọng hơn, dữ liệu mở có thể thúc đẩy một nền hành chính công trở nên minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn: Các chính trị gia thì có một bức tranh toàn cảnh về hoạt động của các cơ quan công quyền còn người dân thì được theo dõi, đóng góp và phản hồi để cải thiện chất lượng của dịch vụ công.

Chẳng hạn, sau khi Anh công bố lưu trữ của tất cả hợp đồng mua bán của chính phủ vào năm 2010, một công chức nhận ra rằng những mua bán trùng lặp ở nhiều cơ quan chính phủ, tốn kém tới sáu triệu USD. Chính quyền San Francisco thì tính ra rằng, việc công khai các dữ liệu về vận tải trên mạng giúp họ không phải trả lời các yêu cầu điện thoại về lịch trình phương tiện, tiết kiệm hơn một triệu USD vào năm 2012.  

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều thành phố dựa vào người dân thông báo những chỗ hở nắp cống và hố ga, đèn đường bị hỏng…qua điện thoại. Đầu năm 2015, những nhân viên tình nguyện của OpenStreatMap, một dạng Wikipedia về bản đồ đã giúp chính phủ Pháp xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ ở tầm quốc gia. Nhiệm vụ cao cả này là việc khớp nối 25 triệu địa chỉ nằm trong lưu trữ của sáu cơ quan chính phủ với các thông số địa lý của nó trên bản đồ.  

Hai quốc gia tưởng như xa lạ với khái niệm “mở” như Trung Quốc và Nga cũng đang thúc đẩy phong trào này một cách mạnh mẽ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào năm 2015 đã tuyên bố rằng các dữ liệu bất cứ ở đâu đều phải được công khai “trừ phi nó liên quan đến an ninh quốc gia hoặc thông tin cá nhân”. Bản thân Chính phủ Nga cũng công khai 2400 bộ dữ liệu trong một năm từ 2014-2015 về giáo dục, giao thông và y tế trên cổng thông tin dữ liệu mở của mình.

Dữ liệu mở đã giúp phanh phui những vụ tham nhũng. Ở Nga, một tổ chức là Clearspending đã theo dõi và trực quan hóa dữ liệu chi tiêu của Chính phủ. Bằng cách giám sát hơn 12 triệu hợp đồng và 900 nghìn nhà thầu, từ đó họ đã xác minh tới hơn 4 triệu sự vi phạm mua sắm công, đây là tin tức chấn động ở một quốc gia mà thông tin chính phủ bị kiểm soát nghiêm ngặt.

Làm thế nào để tạo ra chính phủ mở?

Tuy nhiên, dữ liệu mở không tự động mang đến sự thịnh vượng của doanh nghiệp cũng như một nền hành chính công minh bạch. Trên thực tế, có đến 4/5 lượng dữ liệu được công khai không thực sự có ích, Joel Gurin, Trung tâm dữ liệu mở cho doanh nghiệp (Center for Open Data Enterprise, một think-tank ở Washington) cho biết. Số còn lại thì không có metadata – những thông tin mô tả mà dữ liệu thô có thể vô nghĩa nếu thiếu chúng. Bên cạnh đó, tìm kiếm thông tin trên các cổng dữ liệu mở là một nhiệm vụ gian nan, dữ liệu phục vụ mục đích hành chính chưa hề được điều chỉnh thành cơ sở dữ liệu có thể sắp xếp, phân tích và đồng bộ với các dữ liệu khác. Thậm chí nhiều dữ liệu còn không được cập nhật, đặc biệt là các dữ liệu về chi tiêu ngân sách.   

Dữ liệu mở chỉ có thể dẫn đến chính phủ mở nếu như cộng đồng có ý thức về tầm quan trọng của vấn đề này, nếu như có thể tập hợp tất cả các bên liên quan trong việc giải quyết những vấn đề xã hội dựa trên dữ liệu mở. Chẳng hạn như, cần các nhóm xã hội dân sự vận động thúc đẩy sự giải mật thông tin của chính phủ. Ở Trung Quốc có những nhóm như DJChina (dữ liệu báo chí Trung Quốc), UD Party (dữ liệu mở về thành phố thông minh), Open Knowledge China đóng vai trò tiên phong trong phong trào này. Ngoài ra, các nhà công nghệ, mặc dù có thể từng không quan tâm đến việc những thông tin nào nên mở hay không nhưng họ có vai trò quan trọng trong việc vận dụng, tận dụng những công nghệ và kĩ thuật mới nhất để những dữ liệu mở đem lại tác động xã hội, tăng cường sự tương tác với chính phủ và người dân. Thậm chí, họ còn có thể thay đổi văn hóa làm việc trong các cơ quan công quyền, theo hướng sắp xếp và xây dựng cơ sở dữ liệu sao cho người dân có thể tiếp cận và sử dụng một cách dễ dàng.

Nguyên Hạnh tổng hợp 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)