Từ ý tưởng đến kinh doanh công nghệ: SINH TỒN TRONG “BIỂN DARWIN”

Tại phiên giao dịch ý tưởng Việt Nam lần thứ 2 do Công ty Vietbook tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 3/12/2006, trong số 8 ý tưởng công nghệ (còn được gọi là sáng kiến khoa học) được chào bán, ý tưởng của tác giả Lê Hoài Việt về hệ thống làm mát ô tô trong 1 giây được bán với giá 15 triệu đồng. Hệ thống này sử dụng cho nhiều loại ô tô, có thể tích hợp vào máy lạnh hoặc cầm tay. Ngoài ra, nó còn có tác dụng chữa cháy và vệ sinh không khí. Đây là tin đáng mừng đối với KH&CN nước nhà. Nhưng hãy khoan bàn đến khía cạnh hiệu quả của việc này là ở đâu và bao nhiêu, chỉ xin thử phân tích, làm rõ thêm các mối quan hệ và lý giải quá trình chuyển hóa từ tư duy sáng tạo ý tưởng công nghệ sang ý tưởng kinh doanh đổi mới sản phẩm và thương mại hóa chiếm lĩnh thương trường.

Chu trình đổi mới công nghệ – các giai đoạn phát triển
Trong thuật ngữ quản lý kinh tế, nhiều nước trên thế giới gọi quá trình trong đó, sáng chế (ý tưởng KH&CN có tiềm năng mang lại giá trị thương mại) chuyển biến thành ý tưởng kinh doanh để tạo ra sản phẩm mới và xâm nhập thị trường thành công là quá trình đổi mới công nghệ.
Để có thể hiểu rõ các mối quan hệ trong quá trình đổi mới công nghệ, chúng ta hãy cùng nhau xem xét các giai đoạn cụ thể thông qua mô hình quá trình đổi mới. Mô hình được đưa ra xem xét là mô hình do Giáo sư kinh tế Đại học Harvard Lewis Branscomb trình bày trong công trình nghiên cứu “Between invention to innovation” theo đặt hàng của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) và Cục Công nghệ (TA) thuộc Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) được công bố tháng 12/2002
Mô hình (xem hình 1) gồm 5 giai đoạn (đã giản lược) xác định sự chuyển đổi tuần tự từ ý tưởng công nghệ đến sản xuất và chiếm lĩnh thị trường của quá trình đổi mới công nghệ.


Hình 1. Mô hình quá trình đổi mới công nghệ, Lewis Branscomb, Đại học Harvard.

Ở đây, giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất trong chu trình chuyển hóa ý tưởng công nghệ. Đây là giai đoạn công nghệ được chuyển đổi sang hình thức có khả năng ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, quy trình công nghệ sản xuất được định hình để từ đó có thể ước tính chi phí sản xuất, và căn cứ vào đặc tính kỹ thuật của sản phẩm đã có thể nhận dạng đối tượng tiêu thụ và quy mô thị trường.
Trong chu trình nói trên, 2/5 giai đoạn đầu thuộc miền hoạt động thuần tuý của các tổ chức nghiên cứu. Còn các nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm các cơ hội tạo ra lợi nhuận đủ cao để vượt qua các rủi ro trong kinh doanh dường như chỉ quan tâm một cách nghiêm chỉnh đến các kết quả đổi mới khi đã ở giai đoạn 5. Trong một số trường hợp, họ có thể liều đầu tư vào giai đoạn 4 để tạo ra các dây chuyền sản xuất thử.
Công đoạn đổi mới đặc thù chính là giai đoạn 3, hình thành các công nghệ sơ khai trong phòng thí nghiệm để chứng minh ý tưởng kinh doanh và nhận dạng thị trường tương lai. Giai đoạn này thường gặp phải khó khăn về đầu tư mà giới kinh tế gọi là khoảng trống đầu tư (capital gap).
Khoảng trống đầu tư là giai đoạn mà các nhà nghiên cứu sau khi đã thành công trong việc khẳng định ý tưởng công nghệ, tạo ra mẫu nguyên lý thường gặp phải. Khoảng trống đầu tư này hàm ý sự thiếu liên kết giữa ý tưởng công nghệ của nhà nghiên cứu với ý tưởng kinh doanh kiếm lời của nhà đầu tư hơn là sự thiếu nguồn vốn. Khoảng trống đầu tư này được nhà khoa học Mỹ Vern Ehler gọi là “thung lũng chết” (Valley of death- để mô phỏng một cách hình tượng địa điểm được gọi là thung lũng chết -Death Valley – ở bang Nevada) và tự vẽ minh họa như hình vẽ 2.


Hình 2. Thung lũng chết và khoảng trống đầu tư, Vern Ehler

Đặt tên khoảng trống đầu tư là “thung lũng chết”, người ta muốn minh họa khái niệm một lãnh địa trống vắng, không có sự sẵn sàng đầu tư từ doanh nghiệp và các nhà đầu tư khác. Sau này, Lewis Branscomb đưa ra một khái niệm mới hơn đó là “biển Darwin” (hình 3).
Với tên gọi đó, Giáo sư Lewis Branscomb muốn mô tả quá trình chọn lọc tự nhiên và quy luật sinh tồn trong đấu tranh giữa tồn tại và suy vong của các ý tưởng công nghệ và kinh doanh. Trong biển chọn lọc tự nhiên đó, có sự đấu tranh của cả cá lớn và cá bé, một ý tưởng nào đó muốn tồn tại phải hội đủ các tố chất như: sức sáng tạo; sự linh hoạt, nhanh nhạy và tính kiên định dẻo dai.

 
Hình 3. Biển Darwin và đấu tranh sinh tồn, Lewis Branscomb

5 thách thức
Câu nói nổi tiếng của Đác uyn “ không phải loài mạnh nhất, cũng không phải loài thông minh nhất có thể tồn tại, chỉ có loài biết thích nghi nhất sẽ tồn tại và phát triển” rất có ý nghĩa trong chu trình đổi mới công nghệ từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến khi thành công trên thị trường.
Lý giải quá trình chọn lọc tự nhiên trong chu trình đổi mới công nghệ, Lewis Branscomb đã phát hiện và chỉ ra 5 thách thức cơ bản mang tính khách quan của biển Darwin.
Thứ nhất, khác biệt về động cơ nghiên cứu đổi mới công nghệ
Ban đầu, khi trong giai đoạn nghiên cứu đề xuất ý tưởng công nghệ, nhà nghiên cứu thường hài lòng với việc đưa ra được minh chứng về lý thuyết và kết thúc giai đoạn đam mê nghiên cứu khi đã tạo xong mẫu nguyên lý cho sản phẩm của ý tưởng công nghệ.
Thực tế thường cho thấy, chỉ một số ít nhà khoa học hay cơ quan tài trợ nghiên cứu có đủ khả năng khuyến khích hay tạo ra động lực để thực hiện đến cùng quá trình chuyển đổi kết quả nghiên cứu đến thực tiễn sản xuất sản phẩm cuối cùng.
Thứ hai, khác biệt về tính chất công việc giữa nhà nghiên cứu và nhà doanh nghiệp hay nhà đầu tư
Ở hai bên bờ biển Darwin là 2 mẫu tính cách hoàn toàn khác nhau. Sự khác biệt này được tạo bởi sự khác nhau về quá trình học tập đào tạo và đam mê ban đầu.
Nhà nghiên cứu công nghệ nhận biết rất rõ đâu là tính mới trong khoa học, vấn đề nào có hàm lượng công nghệ cao, vấn đề nào khả thi về công nghệ.
Nhà đầu tư/ nhà doanh nghiệp lại hiểu rất rõ về cách thức đưa ý tưởng kinh doanh sản phẩm vào thương trường. Họ cũng nhận thức rõ ràng là để đảm bảo thành công trong kinh doanh, không thể thiếu được ý tưởng công nghệ. Do vây, đối với họ, công nghệ và sản phẩm chủ yếu là phương tiện để đạt mục tiêu kinh doanh.
Như vậy, một khi chưa đủ tin tưởng lẫn nhau hay nếu chưa thể trao đổi một cách thẳng thắn để đi đến kết quả tích cực và sự đồng thuận cần có thì biển Darwin sẽ trở lên sâu thẳm hơn và nguy hiểm hơn cho việc chuyển hoá ý tưởng đổi mới công nghệ.
Thứ ba, khác biệt về nguồn đầu tư tài chính
Tài trợ cho việc nghiên cứu tạo ra ý tưởng và trình diễn mẫu nguyên tắc thường từ nhà nước, hoặc từ ngân sách nghiên cứu của các công ty. Hiếm hơn là tài trợ từ tài sản cá nhân. Cũng có thể tìm được khoản tài trợ từ vốn đầu tư để biến ý tưởng thành mẫu sản xuất sản phẩm thương mại đối với trường hợp phương án kinh doanh được phê chuẩn. Ngay tại nước Mỹ, trong tổng số 266 tỷ USD đầu tư cho nghiên cứu phát triển của năm 1998 (từ các nguồn vốn khác nhau của nhà nước, của doanh nghiệp,…), Lewis Branscomb ước tính chỉ có không đầy 14% tổng kinh phí nói trên là đầu tư cho giai đoạn 3.
Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (EAB) cũng thể hiện quan điểm không bao giờ tài trợ tín dụng cho ý tưởng không được thể hiện thành dự án. Ông khẳng định, chỉ có thể hiện được thành dự án, các ý tưởng gia mới mong thuyết phục được nhà đầu tư “để mắt” nhằm biến ý tưởng của mình thành hiện thực.
Thứ tư, không đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc đưa ý tưởng công nghệ mới đến thị trường.
Một thách thức tiếp theo mà quá trình đổi mới công nghệ phải đối mặt là vấn đề thiếu thốn cơ sở hạ tầng cần thiết cho đổi mới công nghệ. Cơ sở hạ tầng ở đây không chỉ là hệ thống hạ tầng có quy mô công nghiệp để sản xuất ra sản phẩm đem bán ở thị trường mà còn là hạ tầng nghiên cứu và hạ tầng phụ trợ khác để đưa sản phẩm đổi mới ra thị trường một cách ổn định như: hệ thống cung cấp vật liệu mới, các loại hình phân phối, dịch vụ bảo trì sản phẩm, dịch vụ đào tạo cách thức sử dụng sản phẩm mới,…
Ví dụ điển hình về việc áp dụng công nghệ chuyển đổi động cơ chạy xăng sang chạy khí hoá lỏng cho ô tô và xe máy ở Việt Nam. Sự phổ cập của công nghệ chuyển đổi nhiên liệu chỉ có ý nghĩa và có thể tồn tại và phát triển khi nó mang lại lợi ích chung cho xã hội (nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, người tiêu dùng) và sự có mặt của hệ thống phân phối khí ga thuận tiện cho người tiêu dùng là tiền đề quan trọng.
Thứ năm, khả năng nắm bắt hay tạo ra giá trị từ đổi mới công nghệ
Động lực đổi mới công nghệ không chỉ ở chỗ hỗ trợ để làm ra công nghệ tạo được giá trị mới mà còn phụ thuộc vào khả năng nắm bắt công nghệ đó cao hay thấp và công nghệ đó sẽ được sử dụng như thế nào. Ngay cả trong trường hợp khi công nghệ được trình diễn có thể tạo ra giá trị mới cho người sử dụng vẫn còn lơ lửng câu hỏi sau: liệu khả năng nắm bắt công nghệ để tạo ra giá trị của doanh nghiệp muốn ứng dụng và đổi mới công nghệ đến đâu. Yếu tố thứ năm này hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của nhà sáng tạo ra các ý tưởng công nghệ mới. Thực tế cũng chỉ ra rằng, có nhiều phát minh, sáng chế phải sau nhiều năm mới được ứng dụng và trở thành tài sản vật chất cho xã hội do năng lực nắm bắt giá trị của xã hội chưa đủ để ứng dụng ngay các ý tưởng sáng tạo đó.
Tóm lại, tính chất hỗn độn của biển Đác uyn không thể khắc phục bằng cách tạo dựng một cơ chế hay tổ chức hoàn chỉnh nào dù cho có đồng bộ hay toàn diện đến mấy. Tuy nhiên, nhận thức rõ là nó rất cần thiết vì qua đó có thể giúp chúng ta lựa chọn giữa các khả năng khác nhau một phương án thích hợp khi giải bài toán giảm rủi ro kỹ thuật và công nghệ, để nhận dạng thị trường khi nó chưa xuất hiện, để điều hoà và phối hợp nhân lực và tiền của từ các nguồn lực khác nhau cho đổi mới công nghệ.
Các chương trình nghiên cứu quốc gia do nhà nước nâng đỡ nếu được thiết kế có tính đến cả các yếu tố đẩy và kéo công nghệ sẽ là hình thức neo đậu an toàn cho phía bờ nghiên cứu để duy trì hiệu quả và đồng thời giành được sự tin tưởng, ủng hộ tinh thần của xã hội và giới đầu tư./.
*Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đánh giá KH&CN, Bộ KH&CN

Tạ Doãn Trịnh*

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)