Tương lai của máy tính

“Nếu Chúa trời tạo con người theo hình ảnh của Chúa thì con người cũng tạo máy tính theo hình ảnh của mình...” - Tại hội thảo “Phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN tiên tiến” do Trung tâm thông tin KH&CN Quốc gia cùng Viện Thông tin KH&CN Hàn Quốc (KISTI) tổ chức tại Hà Nội vừa qua, bà Tiến sĩ Hahn Sun Hwa đã thuyết trình nghiên cứu của mình về Công nghệ máy tính trong tương lai như vậy.

Đã có không biết bao nhiêu tiểu thuyết, phim ảnh hình dung ra tương lai của máy tính. Cực đoan hơn, nhiều bộ phim còn hình dung ra cảnh tương lai máy tính sẽ thống trị loài người (như phim I, robot; Terminator, .v.v). Nhưng xu thế phát triển của máy tính trong tương lai, theo nghiên cứu của bà Hahn Sun Hwa, không phải chỉ dựa trên trí tưởng tượng, mà dựa trên sự phân tích xu hướng phát triển của nền công nghệp máy tính. Một số “máy tính của tương lai” đã thực sự được chế tạo, dù mới chỉ ở quy mô thử nghiệm. Dựa trên nền công nghệ hiện tại, theo TS Hahn Sun Hwa, máy tính trong tương lai sẽ phát triển theo 5 xu hướng sau:

Thiết kế hấp dẫn (Hot body)

“Một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể khoẻ mạnh”. Với máy tính, một bộ xử lý mạnh phải đặt trong một cỗ máy thiết kế hấp dẫn. Không còn là một cỗ máy vuông vức “lạnh lùng”, cũng không còn dây rợ lằng nhằng, máy tính trong tương lai sẽ hiển thị tạo cảm giác thật: từ hình ảnh 2 chiều (2D) kích cỡ lớn, hiển thị theo lớp với độ phân giải cao đến hiển thị 3 chiều (3D). Ngay hiện tại, máy tính cầm tay đã ngày càng nhỏ hơn và ngày càng mạnh hơn, nhưng màn hình lại không thể to theo! Một giải pháp đang được thử nghiệm là màn hình cuộn. Loại màn hình này đã được hãng Philips đưa ra mẫu thử nghiệm từ 2005.
Máy tính hiển thị không gian “space display” cũng được tính đến. Song đến nay loại máy tính này mới chỉ xuất hiện trên… phim Minority Report (Bản báo cáo nhỏ) do tài tử Tom Cruise thủ vai chính. Tuy nhiên công nghệ “multy touch” trong phim cũng đã xuất hiện trên Iphone của Apple.

Máy tính thông minh (Smart computer)

Liệu máy tính có thể nghĩ? Hơn 50 năm trước Alan Turing đã đặt ra câu hỏi như vậy. Ông đã đề ra “Phép thử Turing” (Turing test) để kiểm tra khả năng của máy tính tham gia vào các cuộc hội thoại như con người. Tuy nhiên, hơn 50 năm qua, những kết quả trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo không thực sự ấn tượng. Máy tính có thể rất giỏi trong logic nhưng lại rất kém trong “giao tiếp”. Người ta kỳ vọng, máy tính thông minh trong tương lai có thể: nhìn, nghe, nói – nhận thức, quyết định – dự báo, phỏng đoán – tham gia các trò chơi trí tuệ .v.v
Song, chỉ ở mức “thông minh” sơ cấp thôi, như nhận dạng hình ảnh đã là quá khó với máy tính hiện nay. Làm sao máy tính có thể nhận biết Michael Jackson từ một cậu bé da đen biến thành một “phụ nữ da trắng” là một? Đơn giản hơn, một người đi cắt tóc về, liệu hệ thống an ninh trong nhà có nhận ra để mở cửa? Tuy nhiên ở lĩnh vực trò chơi trí tuệ thì máy tính thông mình đã thể hiện xuất sắc: Máy tính Deep Blue của IBM đã đánh bại “vua cờ” Kasparov.
Một số lĩnh vực mà máy tính thông minh có thể đảm nhiệm trong tương lai gần là các chương trình thay thế chuyên gia thật: Chẩn đoán bệnh, tư vấn luật – giáo dục, đào tạo – đọc hình ảnh X – quang/ MIR – phân tích địa lý – phân tích lỗi, .v.v Máy dịch sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I translation) cũng đã được thử nghiệm và tiếp tục hoàn thiện. Trên thực tế, các chương trình phiên dịch như Babel Fish hay Google translator đang được hàng triệu người sử dụng.

Máy tính mang lại trải nghiệm (Expriencing computer)

Đây là lĩnh vực đã phát triển rất thành công, nhưng vẫn đầy hứa hẹn để khai phá. Không gì dễ minh họa về sự “mang lại trải nghiệm” hơn bằng trò chơi Second Life (Cuộc sống thứ hai). Trò chơi thế giới ảo này bắt đầu từ năm 2003, đến nay đã có gần 8,5 triệu đăng ký. Với Second Life, người ta có thể gặp gỡ, làm việc, xây  nhà, sở hữu tài sản… ảo. Có 2 nước là Maldive và Thuỵ Điển đã mở sứ quán trong Second Life để quảng bá hình ảnh và văn hóa.
Những ứng dụng khác, “trong tầm tay” của máy tính mang lại trải nghiệm là hội thảo ảo (virtual conference). Tham dự một hội thảo ảo, người dự không chỉ chia sẻ giọng nói, hình ảnh mà còn hiểu được cử chỉ và ánh mắt của người đối thoại.
Ứng dụng hấp dẫn nhất của máy tính mang lại trải nghiệm là thực tại ảo, cho phép người dùng tương tác với một môi trường do máy tính mô phỏng. Với đồ họa 3 D, các giao diện tương tác, người dùng có cảm giác đang ở trong thế giới thực.

Máy tính sống (Living computer)
Máy tính sống đòi hỏi nhiều công nghệ hợp nhất: khoa học máy tính, cơ khí kỹ thuật, khoa học vật liệu, khoa học về nhận thức, thiết kế công nghiệp… Máy tính sống gồm Người máy có hình dáng như thật (humanoid robot), Người máy phục vụ, Người máy quân sự và Người máy Nano  trong y học (Nanobot for medicin use).
 

“Đỉnh cao” của Người máy có hình dáng người thật hiện là Asimo của Honda: nó có thể lên – xuống cầu thang, thực hiện một số lệnh đơn giản. Người máy Kismet do MIT chế tạo còn có khả năng biểu đạt cảm xúc. Khả năng này không phải theo mệnh lệnh mà phụ thuộc vào môi trường xung quanh. Ví dụ: nếu nói nhẹ nhàng với Kismet, nó sẽ có gương mặt hạnh phúc, nếu xung quanh quá ồn ã, nó sẽ nhăn mặt…
Một trong những nguyên nhân khiến máy tính sống khó phổ biến hiện nay là… giá quá đắt. Rẻ tiền nhất trong số đó là người máy gia đình  ZMP – Nuvo mới ra đời năm 2006. Cao 39cm, nặng 2,5kg, nó có thể trả lời một số câu hỏi, báo thức, giám sát nhà bằng điện thoại di động, bước đi định hướng bằng mắt camera, ZMP – Nuvo có giá tới 588.000 Yên (gần 80 triệu đồng).

Máy tính tồn tại khắp nơi (Ubiquitous computing)

Thử tưởng tượng một tình huống trong thời đại Máy tính tồn tại khắp nơi: C. đang nghiên cứu về cuộc chiến tranh giành độc lập trong giờ lịch sử. Khi anh tranh luận với bạn học thì thiết bị nhận băng tần số vô tuyến (RFID) của toà nhà –  thông qua thiết bị kết nối phổ biến (U – terminal) –  sẽ cho biết toà nhà đó nổi tiếng với sự kiện 33 chiến sĩ hi sinh. C. tải dữ liệu đó xuống, sau đó cùng đọc với bạn. Một tình huống khác: Jack đi siêu thị Wallmart cùng con trai. Thiết bị U– terminal của siêu thị cho biết những mặt hàng nào đang được giảm giá khi anh qua các dãy hàng. Ngoài ra, thiết bị còn kết nối với tủ lạnh nhà Jack và sau đó thông báo sữa trong tủ lạnh đã sắp hết hạn dùng. Sau khi mua hàng, tất cả hàng hóa trong giỏ của Jack sẽ tự động được thanh toán bằng thẻ tín dụng…

Những tình huống “thường nhật” trên chỉ xảy ra khi máy tính được đặt và sử dụng ở khắp mọi nơi. Đó là mô hình tương tác giữa người và máy, trong đó các quá trình thông tin được tích hợp hoàn toàn trong các vật dụng hằng ngày. Nói một cách cường điệu, khi đó, sự tồn tại là thông tin, tri thức.
 
Tóm lại, dù đến nhanh hay chậm, tương lai của máy tính sẽ là máy tính có trí thông minh, nó có khả năng nhận diện tình huống, cung cấp dịch vụ cá nhân ở mọi nơi, mọi lúc. Khi đó chúng ta có thể truy cập máy tính ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào, có thể giao tiếp với những đồ vật xung quanh. Vậy chúng ta cần chuẩn bị gì cho tương lai? TS Hahn Sun Hwa cho rằng, điều quan trọng là một chế độ giáo dục mới. Khi đó “tri thức” nhiều không còn quan trọng nữa, mà cần nhất là khả năng sử dụng tri thức.

Anh Việt

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)