Vài nét về chính sách nhân tài của Trung Quốc

"Nhân tài" nói ngắn gọn là người có tài. "Từ nguyên" (bản hợp đính) thì định nghĩa "nhân tài" là "người có tài học". "Đại từ điển" của Đài Loan thì định nghĩa là "người có học thức tài hoa". Tuy nhiên khái niệm "nhân tài" của Trung Quốc hiện nay thường để chỉ những người có trình độ chuyên môn cao.

Chính sách quốc gia về phát triển nhân tài
Một vấn đề cốt tử trong quản lý nhân lực hiện đại là xem trọng tài năng chuyên môn. Tài năng chuyên môn bao gồm những người qua quá trình đào tạo có hệ thống và những người có tri thức kĩ thuật sâu về một lĩnh vực nhất định. Trung Quốc hiện xác định tài năng chuyên môn là then chốt để nâng cao sức cạnh tranh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Sau mở cửa cải cách, Trung Quốc bắt đầu “giải quyết vấn đề phần tử trí thức”, sau đó là đề xuất “tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài”. Đến năm 1982 thì Trung Quốc bắt đầu triển khai thống kê và dự đoán nhân tài, và đến nay đã có tới 149 văn bản nhà nước đề cập tới khái niệm “tài năng chuyên môn”. Việc đào tạo nhân tài và tài năng chuyên môn được đưa vào các kế hoạch 5 năm
Từ năm 2000, chính sách về nhân tài của Trung Quốc bước vào giai đoạn “phát triển tổng thể”, thực thi “nhân tài đặc biệt, đãi ngộ đặc biệt”. Tháng 12/2003, Hội nghị Trung ương đảng về công tác nhân tài của Trung Quốc còn đưa ra kế hoạch đào tạo nhân tài ở khu vực ngoài nhà nước, nông thôn, trong các dân tộc thiểu số, nhân tài đã nghỉ hưu. Đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân tài là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Trung Quốc.

Thống kê, đánh giá chất lượng
Đây chính là cơ sở để đưa ra chính sách về nhân tài, song tiêu chí để thống kê đánh giá lại rất khó thống nhất. “Tiêu chí lớn” để phân loại nhân tài ở Trung Quốc là nhân tài chuyên môn, nhân tài chính đảng (trong hệ thống đảng và chính phủ), nhân tài quản lý kinh tế nhà nước, nhân tài kỹ thuật… Đồng thời còn phải dùng các tiêu chuẩn phổ biến của quốc tế như bằng cấp để đánh giá.
Theo các tiêu chí đó, đến năm 2003 thì Trung Quốc có hơn 33 triệu nhân tài chuyên môn (cả ở khối ngoài nhà nước), gần 8 triệu nhân tài chính đảng, 45 triệu nhân tài kỹ thuật, hơn 25 triệu nhân tài quản lý kinh tế nhà nước, 1,2 triệu nhân tài ” nông thôn thực dụng” (được chứng nhận).
Nếu tính riêng nhân tài trong lĩnh vực khoa học thì đến cuối năm 2003, Trung Quốc có hơn 3,2 triệu người, trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển có hơn 2,2 triệu người, bình quân cứ 1 triệu người thì có 1745 nhà khoa học hay công trình sư.

Xu hướng chính sách phát triển nhân tài
Phân tích số liệu thống kê cho thấy nhân tài liên quan mật thiết tới tăng trưởng kinh tế. Từ năm 1978 tới 2004, bình quân số nhân tài Trung Quốc tăng 7,34, còn GDP của Trung Quốc giai đoạn đó là 7,8%. Người ta tính rằng số lượng nhân tài tăng lên 1% sẽ kéo theo GDP tăng 1,28%. Hiện bình quân GDP của Trung Quốc mới đạt hơn 1.000 USD/người/năm, nền kinh tế mới được coi ở giai đoạn “sơ cấp công nghiệp hóa” và đang phát triển theo hướng “tối ưu hóa cơ cấu nền công nghiệp; tạo dựng công nghiệp mũi nhọn; nắm chắc công nghiệp chế tạo, nâng cao công nghiệp dịch vụ”. Đây cũng là định hướng cho việc đào tạo nhân tài của Trung Quốc.
Trong công nghiệp mũi nhọn, Trung Quốc tập trung đào tạo một lượng lớn nhân tài các ngành công nghệ thông tin, vật liệu mới, kỹ thuật không gian, hải dương học… đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển.
Để tạo “đất dụng võ” cho nhân tài, ngoài thể chế hóa chế độ đãi ngộ thỏa đáng, Trung Quốc cũng chú ý tới tạo môi trường cạnh tranh, công khai, bình đẳng, tuyển lựa kỹ càng.

TRẦN ANH (Theo www.china.com.cn)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)