Vật lý cho mọi người

Nhà vật lý Robert B. Laughlin, Giáo sư trường Đại học Stanford (Mĩ) từng được giải thưởng Nobel nói về mối quan hệ tín ngưỡng đối với khoa học, về những máy tính cực nhanh và những khoảnh khắc không thể nào quên trong cuộc đời của nhà nghiên cứu.

Lễ trao giải Nobel Vật lý lại sắp diễn ra. GS còn nhớ gì về lễ trao giải thưởng đó đối với mình cách đây 9 năm không ?
Tôi giành được được giải thưởng Nobel cùng với Horst Ludwig Stoermer người Đức và Daniel Chee Tsui người Mỹ. Chúng tôi đã đánh chén, rồi đi đến hoàng cung, đến đây lại ăn một chút, sau đó khiêu vũ rồi lại ăn chút đỉnh. Đúng ra mà nói thì cả tuần đó bọn tôi chỉ đánh chén và đánh chén. Tôi nghĩ, giải thưởng Nobel có lẽ chỉ giành cho cánh già.

Nghe như GS không thích thú lắm.

Tất nhiên đó là một kỷ niệm đẹp, nhưng quả thật tôi không thể nghĩ nhờ đó mà vào hội những kẻ siêu phàm để rồi thay đổi căn bản cuộc sống. Một hôm tôi có mặt tại một bữa tiệc tối, hôm đó người được giải thưởng Nobel về Y học cũng được mời. Bà ấy phát biểu: “Đấy là khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời tôi”. Tôi trộm nghĩ: “Khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời tôi lại là buổi tối đốt lửa trại bên bãi biển”. Nhưng tôi hoàn toàn không được nói về chuyện đó.

Vậy thì việc được giải thưởng Nobel không phải là điều gì có ý nghĩa lắm đối với một nhà khoa học?
 

Robert B. Laughlin trong lễ trao giải Nobel Vật lý năm 1998

Có chứ, nhưng quan niệm cho rằng giải thưởng Nobel là thời điểm quan trọng nhất để xây dựng cơ đồ là không đúng. Cái khoảnh khắc quan trọng nhất chính là thời điểm mà người ta phát minh được một cái gì đấy. Mà cái thời điểm đó lại rất riêng tư, tĩnh lặng, nó diễn ra lặng lẽ, ngoài lề và ít ai biết đến.

Tuy vậy, bất chấp điều đó cho đến tận ngày nay giáo sư vẫn cài huy hiệu có chân dung Alfred Nobel trên ve áo của mình.
Một người được giải thưởng Nobel khác từng nói với tôi: “Người ta có thể đính cái huy hiệu này năm năm trên áo của mình, đeo lâu hơn thì ngượng lắm”. Tôi đeo tấm huy hiệu này chín năm rồi. Nhà báo có biết khi nhìn thấy hình phù điêu trên huy hiệu các em sinh viên hỏi tôi như thế nào không? “Thưa thầy, thầy đeo huy hiệu ai đấy ạ? Có phải đó là Lenin không?

Giải thưởng Nobel vật lý năm nay được trao cho Albert Fert, người Pháp và Peter Gruenberg, người Đức. Giáo sư có quen biết ông Gruenberg không?
Tôi không quen biết ông ấy. Phải nói thật, tôi cũng không biết ông ấy là người phát hiện ra hiệu ứng từ trở khổng lồ và nhờ đó mà ông ấy được giải thưởng Nobel. Tôi cứ tưởng IBM đã làm được chuyện đó kia đấy.

Người ta sử dụng hiệu ứng này thí dụ như với đĩa cứng loại mới trong bất cứ loại máy tính tương đối hiện đại nào – thậm chí cả trong iPod. GS đánh giá phát hiện của ông Gruenberg như thế nào?
Tôi hoan nghênh Ủy ban giải thưởng Nobel đã cất công tìm ra được người thực sự phát hiện ra hiệu ứng này. Đây là một sự lựa chọn thật tuyệt vời. Khác với tôi, phát kiến của Gruenberg có hiệu quả kinh tế thật to lớn. Phát kiến này đối với ngành công nghiệp có giá trị cỡ tiền tỷ Euro. Người ta thậm chí còn có thể sử dụng hiệu ứng này đối với cái gọi là MRAM. Đây là một loại hình mới của bộ nhớ trong máy tính.

Thưa GS, ông Gruenberg đã phát hiện ra hiệu ứng này cách đây19 năm. Tại sao Ủy ban giải thưởng Nobel lại cần một khoảng thời gian dài đến như vậy rồi mới đi đến quyết định?
Giải thưởng Nobel là một thương hiệu lớn, vì vậy Ủy ban không muốn mắc sai lầm, làm tổn thương thương hiệu đó. Người Thụy Điển đã tạo ra một giải thưởng quan trọng nhất thế giới. Chúng ta cần nhận thức được điều đó. Cả người Mỹ lẫn người Nhật cũng chi rất nhiều tiền để cố tạo ra một loại giải thưởng tương tự, nhưng thực chất chỉ có người Thụy Điển thành công. Tại sao ư? Vì họ đã loại trừ được yếu tố tham nhũng, chạy chọt. Đối với giải thưởng Nobel không có các quyết định chính trị – hoặc chí ít thì nó cũng ít hơn nhiều so với các giải thưởng khác.

Khi GS cùng với Horst Ludwig Stoermer được trao giải thưởng Nobel, GS đã rất ngạc nhiên khi người Đức quá vui mừng về giải thưởng này.
 

Đúng thế, thực sự là hồi đó tôi ngạc nhiên nhưng thực ra về mặt tâm lý thì điều này cũng dễ hiểu. Người Đức đã đặt nền tảng cho môn vật lý hiện đại. Sau đó nổ ra chiến tranh và truyền thống này bị đứt đoạn. Nhưng tôi không muốn chúng ta hiểu sai điều này: hiện tại các nhà vật lý Đức vẫn rất thành công.

Lý do chuyến đi Đức lần này của GS là việc xuất bản cuốn sách mới của GS “Sự giã từ công thức thế giới”. Ở tiêu đề phụ GS đề cập đến “Tái phát hiện ngành vật lý”. Thưa GS tại sao ngành vật lý lại phải ”tái phát hiện”?
Càng cao tuổi tôi càng ý thức được rằng môn vật lý luôn phản ánh các hệ tư tưởng. Điều này làm tôi lo lắng, khi còn trẻ tôi bị môn vật lý lôi cuốn, vì tôi từng nghĩ rằng vật lý không chịu sự chi phối của ý thức hệ. Tôi nghĩ những thí nghiệm tồi tệ là nguyên nhân của lỗi lầm này.

Thế nào là những thí nghiệm tồi tệ, thưa GS?
Đó là những thí nghiệm không đưa lại kết quả rõ ràng. Chúng không chứng minh, khẳng định được cái đúng và cái sai. Giờ đây chúng ta cần phải nỗ lực để có được những thí nghiệm tốt đẹp và chính xác.

Cuốn sách này là cuốn đầu tiên mà GS viết cho đông đảo bạn đọc. Tại sao nó lại ra đời vào lúc này, thưa GS?
Các nhà vật lý đang đứng trước một vấn đề, đó là các môn khoa học sinh học. Mọi người đều nói về kỷ nguyên sinh học và nghĩ rằng đây là lĩnh vực sẽ đem lại những tiến bộ lớn nhất. Dư luận chung có cảm giác dường như chúng ta chẳng còn cần đến vật lý, nhưng nghĩ như thế là sai.

Những tiến bộ trong các ngành khoa học sinh học dường như không đạt được sự nổi bật giống nhau.
Đúng vậy, trong những năm gần đây khoa học sinh học đạt được nhiều tiến bộ – đặc biệt là lĩnh vực di truyền học. Nhưng những tiến bộ này lại dựa trên một công nghệ không có sự thay đổi từ nhiều thập niên qua. Ở nhà tôi có một cuốn Encyclopadia Britannica xuất bản năm 1972, tôi thường và thích đọc cuốn đó. Tôi không buộc phải mua một cuốn mới vì nền tảng của các môn khoa học sinh học vẫn như cũ. Nguyên nhân là vì người ta có quá ít các thực nghiệm tốt. Vì thế nên đến một lúc nào đó nguồn sẽ bị cạn. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng, cái nguồn đó đã cạn rồi.

Vì vậy đối với Giáo sư thì vật lý mới thực sự là môn khoa học hàng đầu?
Tôi không thích khái niệm đó. Xét cho cùng thì vấn đề là ở chỗ kinh phí giành cho nghiên cứu. Chúng ta hãy thành thực với nhau: nhiều quốc gia trong một thời gian dài đã tạo dựng và duy trì những viện vật lý đồ sộ vì các nước đó sợ vũ khí hạt nhân. Những viện vật lý đó đại loại như một loại bảo hiểm nhân thọ vậy. Các chính phủ đều hy vọng những nhà khoa học của họ phát hiện ra một cái gì đó để có thể làm ra một loại vũ khí thật kinh khủng, ghê gớm. Chỉ có điều: những loại vũ khí như thế chưa từng được phát triển và có lẽ chúng sẽ không bao giờ được phát triển. Các chính phủ giờ đây không còn lo sợ nữa vì thế ngày nay ngân sách giành cho vật lý bị cắt giảm. Sự phát triển này ít nhất cũng kéo dài trong mươi, mười lăm năm tới.

Trong cuốn sách của mình GS đặc biệt phê phán một số xu hướng mới trong ngành vật lý. Thí dụ, GS hình như không thuộc trường phái ủng hộ lý thuyết- String, theo học thuyết này thì thế giới hình thành từ những sợi giây li ti luôn rung động.
Lý thuyết – String không tiên lượng được trước dù chỉ một kết quả duy nhất. Tôi thậm chí còn ngờ rằng, lý thuyết này là sai. Bây giờ chắc ông sẽ hỏi thế thì tại sao tôi lại quan tâm đến chuyện đó. Câu trả lời của tôi là: nếu các đồng nghiệp của tôi muốn nghiên cứu vấn đề này – không sao cả. Nhưng tôi là một GS và tôi có trách nhiệm với sinh viên của mình. Và tôi còn có con cái. Vậy một người cha sẽ làm gì, khi ông ta biết rằng, đứa con của mình phí phạm hàng chục năm trời vì một lý thuyết sai lầm? Ông ta sẽ lăm lăm khẩu súng tới gặp tôi và cho tôi một phát súng.

GS so sánh lý thuyết String với một tín ngưỡng thời trung cổ. Ví von như thế có sợ có phần hơi quá đáng không?
Lý thuyết – String là một ngôi nhà ý tưởng, nó hoàn toàn không có một thực nghiệm nào, dù chỉ một lần, để chứng minh cho lý thuyết đó. Vậy thì những lý thuyết như thế khác gì một tín ngưỡng thời trung cổ? Ở đây có một đặc điểm giống nhau. Người ta thành lập một ủy ban, cái ủy ban đó có nhiệm vụ phán cái gì đúng, cái gì sai. Tôi cho rằng điều này chẳng hay ho gì với ngành vật lý cả.

Tên cuốn sách của GS bằng tiếng Đức là “Giã từ công thức thế giới”. Tại sao người ta phải đoạn tuyệt với ý tưởng về một công thức chung, thống nhất để giải thích về mọi thế lực?
Phương Tây có một niềm tin sai lầm rằng có một cái gì đó đại loại như là một quy luật cuối cùng. Điều này xuất phát từ quan niệm tôn giáo của chúng ta. Cũng như trước đây chúng ta từng tin vào có một Thượng đế, thì ngày nay chúng ta cố tìm tòi một công thức cuối cùng có khả năng giải thích được tất cả.

Thay vào đó GS nhấn mạnh về khái niệm về tính trội (Emergenz), theo đó các đặc tính hoặc định luật sẽ hình thành sau khi các thành phần trong một hệ thống tác động vào nhau.
Cần nói thêm rằng khái niệm về tính trội xuất phát từ ngành sinh vật học. Nó hoạt động na ná như một bức tranh của chủ nghĩa ấn tượng: khi ta tiến sát bức tranh thì chỉ thấy dăm ba cái chấm. Nhiều định luật vật lý cũng có hiện tượng y như thế: Khi người ta chỉ nghiên cứu, xem xét một lượng rất nhỏ thì hiệu ứng sẽ biến mất, trong khi nếu tiến hành ở mức độ lớn hơn thì người ta có thể chứng minh được hiệu ứng đó.

Nhà khoa học được giải thưởng Nobel Philip Warren Anderson khi bình luận về cuốn sách của Giáo sư đã viết, đây là một chất trị độc chống lại sự suy luận dường như thần học của loại người như Stephen Hawking. Giáo sư có tán thành quan điểm đó không?
Stephen là một người sáng chói. Ông là người ngay từ đầu đã luôn hiểu rằng niềm tin vào môn vật lý dường như có những yếu tố tôn giáo, và ông ấy đã tận dụng nó cho mình. Một đồng nghiệp từng cùng đi với Stephen tới Chile đã kể rằng, có những bà mẹ đã tới gặp Stephen, vì họ muốn những đứa con bé nhỏ của họ có được chạm vào người ông với hy vọng khả năng của ông sẽ được truyền sang những đứa con của họ. Stephen đóng vai thầy phù thuỷ – loại người đó nền văn hóa nào cũng có. Và tay phù thủy sẽ mất thiêng khi những dự báo của gã không xuất hiện, vì thế Stephen đưa ra những lý thuyết mà người ta không thể thông qua thực nghiệm để bác bỏ. Thí dụ như chuyện những cái lỗ đen chẳng hạn. Stephen không phải là người duy nhất làm điều đó – nhưng ông ta là người làm điều này một cách xuất sắc nhất.

Như Giáo sư mô tả trong sách trong các buổi thuyết trình của mình người nghe rất rung cảm về các môn khoa học tự nhiên. Thưa GS, cái gì đem lại điều đó?
Tôi nghĩ rằng người nghe tin vào khoa học vì nó đưa ra các định luật mà người ta có thể kiểm chứng được. Ai đó có thể là một học giả chói ngời và toát ra quyền uy về trí tuệ – nhưng cái còn lại mãi mãi lại là quyền uy về đạo đức. Và vật lý học chính là môn khoa học có đạo đức cao cả nhất. Chúng ta có thể làm mất uy danh này nếu chúng ta không nghiền ngẫm và bám vào nền tảng của nó.

Và cái nền tảng đó là?
Một điều gì đấy có thể đúng hoặc sai và người ta có thể qua thực nghiệm chứng minh điều đó.

Hoài Xuân dịch (FR.online.de 8.12)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)