Vật lý thiên văn ở Việt Nam: Liệu có tương lai?

Tôi vẫn thường kiến nghị trên Tia Sáng rằng vật lý thiên văn cần được đưa vào chương trình đào tạo ở Việt Nam, cả ở cấp đại học và trên đại học bởi nhiều lý do: Trong khi thiên văn học là ngành khoa học tự nhiên cổ xưa nhất, vật lý thiên văn cùng một số ngành khoa học sự sống lại được xếp trong số những ngành trẻ trung và sôi động nhất.

Một thành viên trong hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội đang học sử dụng kính thiên văn. Nguồn ảnh: Infonet.vn.

Trong suốt năm thập kỷ qua, ngành thiên văn đã thu hút các nhà khoa học từ nhiều nhánh khoa học khác, từ vật lý hạt nhân, vật lý hạt, vật lý plasma, hóa học, sinh học, cho tới vật lý vật chất ngưng tụ. Những câu hỏi hóc búa nhất của vật lý đương đại đều nằm trong lãnh địa của vật lý thiên văn: năng lượng tối, vũ trụ giãn nở, và quan trọng nhất, sự không tương thích giữa thuyết hấp dẫn và vật lý lượng tử thể hiện ở thang Planck, nơi xảy ra vụ nổ Big Bang. Có thể coi vật lý thiên văn như một phòng thí nghiệm nơi các điều kiện nhiệt độ, mật độ khác xa nhiều bậc về độ lớn so với điều kiện chúng ta có thể tạo ra trên Trái đất. Vũ trụ chứa đựng những đám plasma khổng lồ (các ngôi sao), các đám khí Fermi suy biến (sao lùn trắng), vật chất hạt nhân (sao neutron), lỗ đen, và tất cả đều nằm ngoài tầm với của các phòng thí nghiệm trên mặt đất. Sự phát triển nhanh chóng của nó, minh chứng cho việc trung bình cứ ba năm lại có một giải Nobel vật lý trao cho các nhà vật lý thiên văn.

Tuy nhiên, sẽ chẳng mấy ai quan tâm nếu tôi cứ nhắc đi nhắc lại những luận điểm trên. Vì vậy, tôi chỉ xin đề cập đến hai câu chuyện mà tôi được chứng kiến, qua đó có thể làm rõ hơn về kiến nghị của tôi.

Hơn 15 năm qua, nhóm nghiên cứu nhỏ của chúng tôi đã đào tạo được bảy tiến sỹ và gấp đôi chừng đó các thạc sỹ. Theo quy trình bảo vệ, các nghiên cứu sinh phải trình bày luận văn của mình trước một hội đồng phụ trách việc cấp bằng. Trong suốt 15 năm, một kịch bản chung cứ lặp đi lặp lại: nghiên cứu sinh trình bày luận văn của mình trong khoảng nửa tiếng, sau đó hội đồng thể hiện sự hài lòng trong vòng năm phút, rồi… câu chuyện chưa kết thúc ở đó; nửa tiếng tiếp theo được hội đồng dành để bàn cách tháo gỡ một vấn đề không có lời giải đáp: làm thế nào để chấp nhận một luận văn thạc sỹ/tiến sỹ về vật lý thiên văn khi mà ngành này không nằm trong danh sách quy định? May thay, tất cả các thành viên hội đồng đều là những người tốt và nhạy bén, họ luôn tìm được cách để lách luật. Nhưng, thật khó hiểu sao người ta cứ phải làm mọi chuyện trở nên phức tạp một cách không cần thiết như vậy? Chẳng phải sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu họ đưa vật lý thiên văn vào danh sách các ngành học trong quy định hay sao? Điều đó sẽ giúp tiết kiệm thời gian, và hi vọng sẽ khích lệ các nhà quản lý giáo dục đại học xây dựng chương trình giảng dạy ngành vật lý thiên văn ở bậc đại học và sau đại học.

Hoàn toàn trái ngược với câu chuyện thứ nhất, câu chuyện thứ hai là câu chuyện đẹp. Trong một thập kỷ qua, cuộc thi Olympic Quốc tế Thiên văn học và Vật lý Thiên văn đã thu hút sự tham gia của nhiều học sinh trung học giỏi từ khắp nơi trên thế giới lại để cạnh tranh. Những nhà tổ chức lập ra cuộc thi này với mục đích “nuôi dưỡng tình hữu nghị giữa các nhà thiên văn ở tầm quốc tế nhằm xây dựng quan hệ hợp tác trong ngành thiên văn trong tương lai giữa các nhà khoa học trẻ”. Năm nay là lần đầu tiên Việt Nam cử một đội tuyển dự thi. Đội tuyển có năm em học sinh lớp 11 từ trường Hà Nội – Amsterdam. Cuộc thi diễn ra trong mười ngày, từ ngày 9 tới 19 tháng 12, tại Bhubaneswar, còn gọi là thành phố của các đền thờ, gần bờ biển đông bắc Ấn Độ. Các em được thử thách trình độ hiểu biết lý thuyết, kỹ năng quan sát, phân tích hình ảnh, và làm việc nhóm. Đội tuyển Việt Nam đã dành được một huy chương bạc và bốn huy chương danh dự.  

Tôi được gặp các em trước cuộc thi, vì hai thành viên nhóm nghiên cứu của tôi, Phạm Ngọc Điệp và Nguyễn Thị Thảo, tham gia giảng bài tập huấn cho đội tuyển và mời các em đến thăm nhóm nghiên cứu trong một buổi chiều. Pierre Lesaffre, một nhà thiên văn người Pháp, tình cờ cũng có mặt ở Việt Nam vào dịp đó đã giúp đào sâu thêm kiến thức cho các em và tôi. Hẳn các em phải hết sức thông minh và chăm chỉ mới có thể am hiểu nhiều kiến thức về thiên văn như vậy trong một thời gian chuẩn bị rất ngắn trước cuộc thi.

Khi các nhà báo hỏi các em trong đội tuyển về dự định theo đuổi ngành vật lý thiên văn trong trường đại học và nguyện vọng tương lai. Câu trả lời của các em khiến tôi thật đau lòng: “Cũng chưa có gì chắc chắn được về điều này. Nếu như có được học bổng đi Mỹ, Nhật, Anh, … hay có cơ hội làm ở nước ngoài thì bọn mình sẽ xem xét việc theo đuổi ngành Vật lý Thiên văn, bởi vì đây đều là những nước có kỹ thuật hàng không vũ trụ phát triển và cơ sở hạ tầng tốt. Còn nếu làm việc trong nước thì chắc là khó mà theo đuổi ngành này vì nó chưa được biết đến rộng rãi ở Việt Nam cũng như không có đủ thiết bị nghiên cứu. Chỉ mong trong tương lai ngành Thiên văn học và Vật lý Thiên văn sẽ được nhiều người quan tâm hơn, đặc biệt là qua cuộc thi lần này. ” 1. Vậy chẳng phải đã đến lúc Việt Nam tạo điều kiện cho con em mình theo đuổi những giấc mơ tốt đẹp hơn, thay vì để các em phải rời khỏi đất nước?

Thanh Xuân dịch.
————————
1 http://hn-ams.edu.vn/content/%C4% 91%E1%BB%99i-tuy%E1%BB%83n-v%E1%BA%ADt-l%C3%BD-thi%C3%AAn-v%C4%83n-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-thpt-chuy%C3% AAn-h%C3%A0-n%E1%BB%99i-%E2%80%93-amsterdam-tham-gia-thi-olympic-qu%E1%BB%91c-t

Tác giả