Vẽ ADN

Ai cũng biết Salvador Dali nổi tiếng ngông cuồng và hay khiêu khích người khác; nhưng ít ai biết đến niềm say mê khoa học và đặc biệt là sự si mê cấu tạo ADN của ông.

Ít có hình ảnh khoa học nào mang giá trị biểu tượng rõ nét như chuỗi xoắn kép ADN. Lý do thì có nhiều và đã được phân tích kỹ: vẻ đẹp cấu trúc; tầm quan trọng mà các nhà sinh học trao cho nó như “giải pháp cho những bí mật của cuộc sống”; vật tổ mà cộng đồng các nhà sinh học lượng tử xúm lại xung quanh nó, củng cố thêm cách nhìn mới về các hiện tượng sống, và điều này đúng với tất cả các loài, từ vi khuẩn cho đến con người.
Salvador Dali là một trong những danh họa đầu tiên nắm bắt được cấu trúc này: từ năm 1957-1958 trong tác phẩm Kẻ thủ dâm khổng lồ trong một khung cảnh siêu thực với ADN và năm 1962-1963 với Galacidalacidesoxyribonucleicacid (xem hình), mà ông vẽ nhân dịp giải Nobel được trao cho Jim Watson và Francis Crick năm 1962. Họa sỹ siêu thực này đã đóng góp cả thảy 9 bức tranh cho khoa học phân tử về ADN trong những năm 1956 và 1976.
Có thể coi Salvador Dali là người tiên phong, bởi lẽ mốt ADN ở giới nghệ sĩ chỉ được phát triển sau năm 1980, liên quan đến bộ gien đơn bội của người (xem ảnh). Đó là thành quả của niềm ham thích thường trực mà Dali dành cho khoa học. Ban đầu hướng theo vật lý lượng tử, sau đó là vật lý nguyên tử từ năm 1945, niềm đam mê này đã chuyển hẳn sang di truyền học từ giữa những năm 1950. Dali nhiều lần tuyên bố rằng khoa học là nguồn cảm hứng sáng tạo chính của ông, và cho đến cuối đời, ông vẫn say mê các nhà khoa học như Jim Watson, Ilya Prigogine và Rene Thom. Ông đã dành hai tác phẩm cuối cùng của mình để tưởng nhớ đến Schrodigner. Khi Dali mất năm 1989, người ta tìm thấy những cuốn sách gối đầu giường của ông là những cuốn nói về Stephen Hawking, Erwin Schrodigner và nhà toán học nữ Matila Ghyka.

Hiểu được các tác phẩm của Dali thường là điều rất khó, và Galacidalacidesoxyribonucleicacid, tác phẩm có thể nói ngắn lại bằng ADN, cũng không hề dễ chút nào. Ông mô tả ba giai đoạn tồn tại, sự sống ở bên trái mang biểu tượng ADN, cái chết ở bên phải dưới dạng những người đàn ông mang súng và được sắp xếp theo một trật tự cũng kiểu chuỗi xoắn kép, và cuộc sống sau cái chết là hình ảnh Chúa ở trung tâm.
Không một bức tranh nào có nói về ADN mà Dali lại không quan tâm đến từng chi tiết của cấu trúc phân tử của nó. Toàn bộ các nguyên tử giống như một đàn ong hơn là cấu trúc hóa học chính xác về nguyên tử. Đối với Dali, ADN là bằng chứng cho sự tồn tại của Chúa (còn đối với Crick và Watson thì ngược lại!). Để hiểu được lời khẳng định này, chỉ cần xem cách Dali mô tả ADN dưới dạng những khối lập phương lớn trong bức tranh mang tên Corpus Hypercubus, đó là những vật đối xứng bốn cạnh. Những vật “siêu nhiên” như thế đối với Dali là một phương tiện để đưa chúng ta đến một dạng thức cao hơn và siêu việt.

Ngô Vũ dịch
Pour la Science

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)