VN từng có động đất đến 8 độ Richter?

Các nghiên cứu khoa học khẳng định động đất mạnh nhất tại VN chỉ có thể đạt mức 7,5 độ Richter. Tuy nhiên, sau những nghiên cứu mới nhất và sau một số trận động đất mạnh hơn dự báo xảy ra trên thế giới, PGS.TS CAO ĐÌNH TRIỀU - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Địa vật lý VN - đã đưa ra cảnh báo cần xem lại mức động đất cực đại tại VN.

Ông Triều nói:

– Trước khi xảy ra động đất mạnh tại Sumatra (Indonesia) năm 2004 thì tkhu vực này hầu như động đất rất yếu và sau động đất năm 2004 thì vùng này đã xảy ra rất nhiều trận động đất, thậm chí có cả hoạt động núi lửa. Ở Nhật Bản cũng vậy, sau trận động đất ngày 11-3 cũng đã xuất hiện nhiều trận động đất khác xảy ra tiếp theo.

Tại VN, chúng tôi nghiên cứu thấy vùng ven biển Nam Trung bộ trong thời gian trước năm 2005 gần như không quan trắc thấy động đất nhưng từ năm 2005 trở lại đây đã xuất hiện động đất nhiều. Đấy là bắt đầu thời kỳ hoạt động trở lại của động đất.

* Liệu có phải đó là dấu hiệu sẽ xuất hiện động đất mạnh tại VN?

– Theo nghiên cứu của chúng tôi, có thể đến năm 2015 sẽ có nguy cơ lớn xảy ra động đất mạnh dưới 7 độ Richter ở Tây Bắc. Đây là kết quả nghiên cứu dự báo động đất trung hạn (thời gian từ 5-10 năm).

Nhược điểm của dự báo trung hạn là chỉ dự báo được trong một khoảng thời gian dài và trong một vùng tương đối rộng, không chính xác được điểm nào. Ví dụ muốn nghiên cứu cho vùng Tây Bắc thì phải nghiên cứu sang cả Lào. Còn dự báo ngắn hạn có thể chính xác hơn về vị trí nhưng VN chưa làm được.

* Động đất mới đây tại Nhật Bản đã vượt qua dự báo của các nhà khoa học Nhật Bản, vậy các nhà khoa học VN đặt vấn đề xem lại dự báo động đất cực đại tại VN như thế nào?

– Theo kết quả nghiên cứu được công bố chính thức của Viện Vật lý địa cầu, động đất cực đại tại VN có thể đạt tới 7-7,5 độ Richter đối với khu vực đứt gãy sông Cả (ven biển Nghệ An). Khu vực Tuần Giáo (Lai Châu) có thể xảy ra động đất 7 độ Richter. Đến nay VN vẫn chưa có trận động đất nào mạnh hơn mức các nhà khoa học dự báo.

Nếu mức độ xảy ra trong giới hạn đã dự báo thì không cần thay đổi dự báo, chỉ khi nào động đất xảy ra vượt qua mức đấy thì phải xem xét, đánh giá lại để có thể có kết luận mới về động đất cực đại. Tuy nhiên, trận động đất tại Sumatra năm 2004 là siêu động đất, đã vượt qua dự báo của các nhà khoa học. Trận động đất ở Nhật Bản hôm 11-3 cũng vượt qua dự báo, gây ra sóng thần cao đến 11,5m. Vì thế, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại. Các nhà khoa học cần phải tiếp cận những phương pháp mới hơn để cho ra kết quả tốt hơn.

* Nghĩa là rất cần thiết phải xem lại động đất cực đại tại VN?

– Những kết luận chúng ta đưa ra về động đất cực đại trước đây chỉ phản ánh thực tế trình độ khoa học của VN lúc đó nên chúng ta không thể dừng ở đó được. Từ năm 2004 chúng tôi đã tiến hành khảo sát động đất cổ, sóng thần cổ tại VN. Qua quá trình khảo sát, đánh giá động đất cổ trên đứt gãy Phong Thổ (Lai Châu), chúng tôi nghi ngờ cách đây khoảng 480-530 năm từng xảy ra động đất mạnh 8 độ Richter trên đứt gãy này. Hay qua nghiên cứu chúng tôi nghi ngờ từng có sóng thần xảy ra cách đây 3.900-4.100 năm tại vùng ven biển Nghệ An với độ cao của sóng khi vào đến bờ từ 10-15m, tức là phải có động đất mạnh ngoài biển. Nhưng những kết luận này còn cần phải được chứng minh chắc chắn, được khẳng định thì mới công bố và điều chỉnh lại các kết quả nghiên cứu của giai đoạn trước.

* Cơ sở nào để các nhà khoa học nghi ngờ có động đất cổ xảy ra tại Phong Thổ mạnh tới 8 độ Richter?

– Chúng tôi phát hiện những sạt lở rất lớn và thấy rằng chúng chỉ có thể xảy ra trong trạng thái bị tác động đột ngột chứ không phải sạt lở thông thường. Các sạt lở này cũng chỉ có thể được gây nên bởi một trận động đất mạnh. Qua tính toán, chúng tôi nghi ngờ có thể đã xảy ra động đất mạnh 8 độ Richter.

* Các kết luận trước đây về động đất tại VN có đáng tin cậy không?

– VN có trạm quan trắc động đất đầu tiên vào năm 1924 tại Đài vật lý địa cầu Phủ Liễn nhưng năm 1944 trạm đã bị phá hủy do chiến tranh. Năm 1957 trạm mới được khôi phục. Năm 1961 đặt thêm trạm ở Sa Pa. Năm 1967 có thêm trạm ở Bắc Giang. Sau năm 1975 mới hình thành mạng lưới trạm quan trắc. Đến nay cả nước có 24 trạm. Do hệ thống trạm quan trắc hình thành muộn nên đến giờ chúng ta mới quan trắc được động đất mạnh nhất là 6,7 độ Richter xảy ra tại Tuần Giáo năm 1983. Do đó, có thể nói số liệu quan trắc động đất của VN yếu và chỉ trong thời gian ngắn trong khi chu kỳ động đất ở VN có thời kỳ yên tĩnh rất dài.

Về tư liệu lịch sử, chúng ta cũng chỉ có hơn 100 tư liệu ghi lại động đất xảy ra trong quá khứ, trong đó có những tư liệu chúng tôi đánh giá đã có động đất mạnh 6,8 độ Richter xảy ra năm 1935 tại Điện Biên. Nhưng tư liệu cha ông mình viết hơi sơ lược nên khi đánh giá về động đất cực đại ở VN vẫn cần phải xem xét cẩn thận hơn.

Tác giả