WHO: Chính thức công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Trong một động thái mà nhiều người chỉ trích lẽ ra phải thực hiện một tuần trước đây, WHO đã tuyên bố dịch bệnh do coronavirus mới gây ra tại Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thông báo tin này trong cuộc họp báo vào tối thứ năm tại Geneva. Dịch bệnh mới, phát hiện lần đầu tại Trung Quốc vào ngày 31/12/2019 đã lây lan qua 18 quốc gia; 7834 bị nhiễm và 170 trong số họ đều ở Trung Quốc đã chết.

Một nhân viên y tế Nga dùng thiết bị chụp ảnh nhiệt để đo nhiệt độ của hành khách từ Trung Quốc đến sân bay quốc tế Novosibirsk. Nguồn: KIRILL KUKHMAR/TASS VIA GETTY IMAGES

Ủy ban tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh truyền nhiễm của WHO đã nhóm họp vào chiều thứ năm và đề xuất chỉ định dịch bệnh này là một tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng quốc tế (PHEIC), mức cảnh báo cao nhất của WHO. Đây là lần thứ sáu WHO sử dụng mức này, kể từ khi xây dựng các mức cảnh báo 15 năm trước. Quyết định này đã được “hoàn toàn nhất trí”, ông Didier Houssin, chủ tịch Ủy ban tình trạng khẩn cấp cho biết tại buổi họp báo.

“Nguyên nhân chính đưa đến tuyên bố này là không phải do diễn biến tại Trung Quốc mà bởi diễn biến tại các quốc gia khác,” Tedros nói tại buổi họp báo. “Mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi hiện nay là khả năng lây lan của virus tới những quốc gia mà hệ thống y tế yếu kém hơn và vẫn chưa đủ sẵn sàng để đối phó dịch bệnh. Hãy để tôi nói rõ, tuyên bố này không phải là chúng tôi thiếu tin tưởng vào Trung Quốc. Ngược lại, WHO tiếp tục tin tưởng vào năng lực của Trung Quốc trong kiểm soát dịch bệnh.” Tedros cũng xác nhận đã đưa ra nhiều kiến nghị từ ủy ban tình trạng khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh, bao gồm giải pháp phát triển các vaccine, thuốc và chiến đấu với cả sự lan truyền của tin giả.   

Tedros cũng nhấn mạnh, WHO cũng kêu gọi hạn chế hạn chế thương mại và đi lại giữa các quốc gia. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia đưa ra các quyết định dựa trên bằng chứng”, ông nói. “Tuyên bố này sẽ đem lại cho WHO khả năng đặt câu hỏi về các biện pháp đã được thực hiện tại một số quốc gia”.

Những chuyên gia y tế công cộng khác đã hoan nghênh động thái này của WHO. “Tôi nghĩ đây là quyết định đúng đắn. Đây rõ ràng là mối lo ngại quốc tế lớn,” Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm An toàn sức khỏe tại trường Y tế công cộng Bloomberg, ĐH Johns Hopkins, cho biết. “Không nghi ngờ gì nữa, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế sẽ giúp gia tăng các biện pháp bảo vệ công dân của chính phủ hơn,” chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Jeremy Farrar, người đứng đầu Quỹ Wellcome Trust, nơi tài trợ cho các nghiên cứu về y tế công cộng và y sinh, viết trong một thông báo.

Vào tuần trước, nhiều chuyên gia khác đã đề nghị Ủy ban tình trạng khẩn cấp xác nhận tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng quốc tế trong hai phiên họp của Ủy ban này. “Tôi nghĩ Tedros đã phải tuyên bố tình trạng này”, Ashish Jha, chuyên gia về y tế toàn cầu tại trường Y tế công cộng Harvard T. H. Chan nói. “Nhưng tôi không nghĩ trì hoãn một tuần lại gây ra nguy hiểm cho thế giới theo nhiều cách như vậy.”

Theo Những quy định Y tế quốc tế (IHRs), một bộ quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý đã được thông qua vào năm 2005, tuyên bố về tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng quốc tế đem lại cho WHO những quyền bổ sung đối với các quốc gia thành viên, trong đó có khuyến nghị về các hạn chế đi lại mà các quốc gia cần phải tuân theo. Tuy nhiên, trên thực tế thì WHO lại có rất ít quyền để thực thi các khuyến nghị đó, ví dụ khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi, nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới hoặc hạn chế đi lại theo những cách mâu thuẫn với khuyến nghị của WHO.

Dẫu tuyên bố này ít làm thay đổi khía cạnh kỹ thuật trong việc chống lại bệnh dịch nhưng có ý nghĩa về mặt chính trị, Jha nói: “Một PHEIC làm chỉ làm tăng thêm mức độ quyết tâm chính trị trong ngăn ngừa dịch bệnh. Và nó cũng đem lại nhiều quyền lực về mặt đạo đức cho WHO.”

Những PHEIC trước đây gồm cả cơn bùng phát dịch Ebola tại Tây Phi năm 2014, một dịch khác ở Cộng hòa dân chủ Congo (DRC) là dịch cúm, bại liệt năm 2014 và virus Zika năm 2016. Việc lây lan bệnh bại liệt và Ebola tại Congo vẫn đang được WHO coi là PHEIC.

Hệ thống này tự nó cần một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng. Tại phiên họp báo trước vào tối thứ tư, Tedros đã đề xuất cần cân nhắc quyết định có/không PHEIC. “Những quy định Y tế quốc tế IHR bây giờ là PHEIC hay không là PHEIC, liệu là mức cảnh báo màu xanh hay màu đỏ. Tôi nghĩ  chúng ta phải xem xét lại nó,” ông nói, và đề xuất là nên có mức cảnh báo màu vàng giữa hai trạng thái này. “Chúng tôi hi bọng sẽ giải quyết sau một vài cuộc tranh luận nữa.” Ý tưởng này đã được thảo luận trong nhiều năm.

Dẫu chưa ghi nhận ca nào chết vì chủng coronavirus mới ngoài Trung Quốc, nhưng đã có bốn quốc gia xảy ra hiện tượng lây nhiễm người qua người, Tedros nói. “Cách duy nhất chúng ta đánh bại dịch bệnh này là tất cả các quốc gia làm việc cùng nhau trong tình toàn kết và hợp tác. Tất cả chúng ta cùng nhau đối phó với dịch bệnh. ”

Tô Vân dịch

Nguồn: https://www.sciencemag.org/news/2020/01/outbreak-virus-china-declared-global-emergency

Tác giả