WHO khuyến nghị dừng các thử nghiệm chỉnh sửa gene người

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị về việc chỉnh sửa gene trẻ sơ sinh bằng công nghệ Crispr. Tám tháng sau vụ việc nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê tiết lộ tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới, WHO đã chính thức yêu cầu các quốc gia chấm dứt mọi thí nghiệm có thể dẫn đến sự ra đời của nhiều đứa trẻ tương tự trong tương lai.

Nhà sinh học tiến hóa Kathy Niakan (Viện nghiên cứu Francis Crick London) sử dụng kỹ thuật CRISPR để tìm hiểu sự ảnh hưởng của một loại gene tới sự tăng trưởng của tế bào. Nguồn: Francis Crick London

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom kêu gọi “các cơ quan quản lý tại tất cả các quốc gia không nên cấp phép bất kỳ hoạt động nào trong lĩnh vực này cho đến khi xem xét một cách đầy đủ các tác động của nó.”

Khuyến nghị này do ủy ban tư vấn gồm 18 chuyên gia của WHO về chỉnh sửa gene người, được thành lập vào tháng 12/2019, xây dựng. “Dù không có quyền lực pháp lý thực sự nhưng WHO có trong tay những quyền lực đặc biệt”. Carolyn Brokowski, nhà nghiên cứu đạo đức sinh học tại Trường Y Yale trả lời Wired. “Xét trên tình trạng chưa chắc chắn ở thời điểm hiện tại, thật không có lợi cho bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào dám đi ngược lại chống chỉ định của WHO. Nhìn chung, tôi hy vọng tuyên bố của WHO sẽ giúp hạ nhiệt các ý định muốn phát triển công nghệ này.”

Fyodor Urnov, nhà nghiên cứu về chỉnh sửa gene tại Viện Khoa học Y sinh Altius ở Seattle và Đại học California, Berkeley, hoan nghênh bước đi của WHO “vì đã đưa ra lập trường đúng đắn của vấn đề”. Từng là đồng tác giả bài bình luận “Không được chỉnh sửa di truyền trên người” trên Nature năm 2015, ông cho rằng công nghệ này không chỉ còn quá sơ khai mà còn không cần thiết về mặt y học, “do đó lập trường của giới chức y tế càng vững chắc thì càng tốt. Tuy vậy, nó vẫn chỉ đủ ràng buộc những người hoạt động trong các khung pháp lý có sẵn, và về lý không thể đối phó với những hành động ‘ngoài luồng’”.

Tại Mỹ, chỉnh sửa tế bào mầm ở người đã bị cấm tại Hoa Kỳ nhờ điều luật ngăn Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) xem xét các đăng ký thử nghiệm lâm sàng liên quan đến phôi người biến đổi gene. Còn ở Nga, ít nhất một nhà khoa học đã bắt đầu lên kế hoạch thử nghiệm Crispr tại các phòng khám thụ tinh ống nghiệm với lý do ngăn ngừa vô sinh di truyền. Dù rất khó hạn chế được hoàn toàn hoạt động chỉnh sửa gene “ngoài luồng” do các thành phần trong công nghệ Crispr có thể dễ dàng mua được qua mạng nhưng lập trường của WHO sẽ thực sự có sức nặng đối với những hoạt động thử nghiệm chỉnh sửa gene ở cấp độ phôi bề nổi.

Hiện tại, khắp thế giới đã có hơn 20 thử nghiệm lâm sàng sử dụng một phương thức chỉnh sửa gene khác ít gây tranh cãi hơn liên quan đến việc thay đổi ADN trong các tế bào soma (tế bào bạch cầu và tủy xương thay vì tinh trùng hoặc trứng). Chỉ trong tuần này, hai công ty chuyên chỉnh sửa gene ở Mỹ đã tuyên bố bắt đầu mở đăng ký điều trị lần đầu cho bệnh nhân. Công ty Editas Medicine hợp tác với Allergen để điều trị một dạng mù lòa di truyền bằng cách đưa các thành phần được chỉnh sửa bằng công cụ Crispr vào mắt bệnh nhân. NPR cũng đưa tin việc hai công ty Crispr Therapeutics và Vertex đã bắt đầu truyền hàng tỷ tế bào được chỉnh sửa bằng Crispr vào các bệnh nhân mắc bệnh hồng cầu hình liềm ở Nashville.

Các thành viên của ủy ban tư vấn WHO chưa đưa ra bình luận về các động thái này, nhưng trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 trên Science, đồng chủ tịch ủy ban Margaret Hamburg đã cho biết đến thời điểm phù hợp, có thể cho phép thử nghiệm tế bào soma và tế bào mầm, và nhấn mạnh, ủy ban có nhiệm vụ rộng hơn nhiều so với chỉ tạo ra lệnh cấm. Họ có kế hoạch thiết kế các tiêu chuẩn chi tiết – một danh sách những yêu cầu cho các thử nghiệm có trách nhiệm trên người – để buộc các quốc gia tuân thủ. Quá trình này dự kiến sẽ mất thêm 15 đến 18 tháng nữa.

Doudna, nhà hóa sinh tại UC Berkeley hi vọng cơ quan các chính phủ thay vì cố gắng cấm hoàn toàn các nghiên cứu sẽ giúp giám sát việc tuân thủ với các khuyến nghị của WHO. “Vấn đề không phải là cấm đoán, mà là một cuộc đối thoại, và tôi không còn nghi ngờ là mối quan tâm đến nghiên cứu chỉnh sửa tế bào mầm trên người sẽ vẫn còn đó.”

Tuấn Quang dịch

Nguồn: https://www.wired.com/story/the-world-health-organization-says-no-more-gene-edited-babies/

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)