Xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử

Sau khi chính thức báo cáo Chính phủ tháng 7/2007, dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử đã được Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện để trình trước kỳ họp thứ 2 Quốc Hội khoá XII.

Các cường quốc hạt nhân như Nga (Liên Xô trước đây), Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, do chính sách hạt nhân được khởi đầu xây dựng trên tiền đề phát triển tiềm lực quốc gia, trong đó yếu tố quân sự quốc phòng chiếm tỉ trọng lớn nên chương trình hạt nhân được đẩy trước lên một bước so với hệ thống luật pháp về hạt nhân. Song các nước này cũng đều sớm tiến tới việc hoàn thiện hệ thống luật pháp của mình. Đi sau đó là một nhóm các quốc gia đã xây dựng chương trình hạt nhân với mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và đáp ứng nhu cầu năng lượng. Những nước này trong đó có Nhật Bản, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil…ở những mức độ tuy có khác nhau nhưng nói chung là ngay từ đầu, trước khi các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được đưa vào vận hành đã xây dựng và ban hành những bộ luật hạt nhân của mình. Có thể nêu ví dụ của Nhật Bản, bộ Luật hạt nhân cơ bản được ban hành năm 1950 trong khi đó nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được đưa vào vận hành năm 1970. Trong khu vực Đông Nam Á, tuy mức độ phát triển còn thấp, Thái Lan đã ban hành Luật Năng lượng Nguyên tử từ năm 1956, Indonesia cũng đã sớm có hệ thống luật hạt nhân và gần đây đã thành lập cơ quan thẩm quyền trực thuộc Tổng thống về quản lý các hoạt động hạt nhân. Ngoài ra hàng loạt Hiệp ước, Công ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân đã được cộng đồng quốc tế cùng nhau soạn thảo và đi tới ký kết, tham gia như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân…
IAEA đã xây dựng một hệ thống tài liệu đồ sộ chú trọng hướng dẫn về mặt an toàn cho các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (NLNT) và bảo vệ vật liệu hạt nhân. Cùng với các bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn, quy tắc thì Sách hướng dẫn xây dựng luật hạt nhân và Luật mẫu của IAEA được coi là một cẩm nang pháp lý đưa ra những hướng dẫn chính xác, tương đối toàn diện và đầy đủ về các vấn đề cần phải quy định trong luật NLNT của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, kỹ thuật hạt nhân đã được ứng dụng từ khá sớm và đã thâm nhập vào rất nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. Tuy nhiên, có thể nói hệ thống luật pháp về hạt nhân của ta đã chưa theo kịp thực tế. Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1/1997 là công cụ pháp lý khởi đầu nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, song Pháp lệnh đã không đề cập tới những nội dung cần thiết cho một cơ sở luật pháp của chương trình phát triển năng lượng hạt nhân, cụ thể là việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Do vậy, năm 2002, Quốc hội khoá XI đã thông qua Nghị quyết về Chư¬ơng trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong đó có Dự án Luật Hạt nhân. “Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020” cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành tháng 1/2006.
Dưới chỉ đạo của Ban Chỉ đạo xây dựng Luật NLNT và lãnh đạo Bộ KH&CN, Ban soạn thảo đã nghiên cứu các điều ước quốc tế về NLNT cũng như một số mô hình luật của các nước khác nhau để xây dựng Dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử. Nhiều Hội thảo đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia cho dự thảo Luật tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Lạt đã được tổ chức. Ngoài ra còn có một số hội thảo chuyên đề tại Việt Nam với sự tham gia chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và  chuyên gia tư vấn luật của IAEA.
Tháng 7 vừa qua, Bộ KH&CN đã chính thức báo cáo Chính phủ về dự thảo Luật năng lượng nguyên tử. Sau khi được tiếp tục hoàn thiện, Dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử được trình để tại kỳ họp thứ 2 Quốc Hội khoá XII, tháng 11.
——
*Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Nguyễn Việt Hùng*

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)