Xây dựng nền văn hóa thống nhất thời đầu Đại Việt

Cho đến trước thế kỷ 10, vùng đồng bằng Bắc và Bắc Trung Bộ ngày nay là nơi tụ họp của các dòng di dân khác nhau. Khi nhà nước Đại Việt được dựng lên và bước vào giai đoạn ổn định, triều đình Lý – Trần thi hành nhiều chính sách góp phần tạo nên “một nền văn hóa Đại Việt” thống nhất. Trong quá trình đó, những yếu tố văn hóa “dị biệt” được chọn lọc và loại bỏ dựa theo mối quan tâm riêng của triều đình.


Trước thế kỷ 10, vùng đồng bằng Bắc và Bắc Trung Bộ ngày nay là nơi tụ họp của các dòng di dân khác nhau. Trong ảnh: Tượng cừu đá ở chùa Dâu, được cho là có niên đại khoảng 2000 năm, gắn liền với huyền sử  về một vị sư người Ấn Độ sang tu hành truyền bá đạo Phật, là chứng tích của dòng di chuyển của các cư dân phía Nam lên vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử VN.

Về khái niệm “Việt”

 

Ở thời điểm hiện tại, nhìn ở góc độ quốc gia, mỗi công dân sống trên lãnh thổ Việt Nam đều luôn coi mình là “người Việt”. Xét hẹp hơn ở góc nhìn lịch sử tộc người, “người Việt” thường được hiểu là nhóm người Kinh, bên cạnh hơn 50 cộng đồng dân tộc thiểu số khác. Trong những nghiên cứu lịch sử thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20 về nguồn gốc hình thành dân tộc Việt Nam, Lạc Việt hay được dùng để chỉ một khối cộng đồng dân cư sống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ từ khởi nguyên của lịch sử và là chủ nhân của nước Đại Việt từ thế kỷ 10.1 Tuy nhiên, như chúng tôi đã lược khảo trong kỳ trước, trong giai đoạn Bắc Thuộc, các cộng đồng di dân từ phương Bắc và phương Nam đã liên tục đến lưu trú tại khu vực Đại Việt, hòa cùng với nhóm người bản địa. Thêm vào đó, ở góc độ lịch sử khái niệm, đến khoảng đời Hán, “Việt” không phải để chỉ một tộc người, hay một nền văn hóa bản địa cụ thể nào, thay vào đó, đây là một khái niệm mở nhằm chỉ khu vực phía Nam sông Dương Tử. 2 Một trong những cứ liệu đầu tiên đề cập đến khái niệm “Việt” là trong sách Xuân Thu, để chỉ nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc.3 Câu chuyện của Việt Vương Câu Tiễn gắn liền với sự biến động chính trị của Trung Quốc, nên hầu hết sách vở ghi chép giai đoạn Tiên Tần Lưỡng Hán đều nhắc đến sự kiện nước Việt và đều khẳng định, nước Việt là nước xa xôi ở phía Nam, có phong tục và văn hóa khác với nhà Chu.4 Trong mắt người Trung Nguyên, người sống ở đất Việt “tóc ngắn, xăm mình, mặc quần áo bằng vỏ cây, và sống thành từng nhóm”. 5 Sau khi Việt Vương mất nước, vùng đất này bị nhập vào đất của đế quốc Tần Hán. Năm 111 TCN, Hán Vũ Đế mở rộng cương vực sâu xuống phía Nam, vùng cũ của nước Việt đã bị sáp nhập vào đất nhà Hán và mở rộng xuống tận Trung Bộ Việt Nam ngày nay.

Sử ký của Tư Mã Thiên gọi chung nhóm nằm ở vùng biên phía Nam của người Hán ở vùng Hoa Nam trở xuống là Bách Việt. 6 Theo sách này, sau khi nước Việt bị đánh bại, con cháu nước Việt phân tán ra các vùng xung quanh. Một số nhà nước ra đời trên nền đất cũ của nước Việt cổ thường dùng tên của sông Âu [thuộc tỉnh Chiết Giang] để đặt tên nước như Tây Âu, hay Đông Âu. Ở khu vực đã vượt ra khỏi biên giới nước Việt cổ, các nước này được coi là hậu duệ của Câu Tiễn, như nước Đông Việt và Mân Việt. 7 Thông qua không gian và huyết thống, Sử ký đã ghi dấu một diễn ngôn: Bách Việt là hậu duệ của nước Việt cổ. Về sau, diễn ngôn này trở nên phổ biến trong các truyền thuyết lập quốc hay nguồn gốc tộc người của các nhóm cư dân sống trên khu vực này. Nhìn chung, cho đến khoảng thời Hán, Việt vốn là một “tha xưng” – tên nhóm bên ngoài dùng để gọi nhóm cư dân bản địa, và dần dần biến thành “tự xưng” – nhóm bên trong tự gọi chính mình.


Tượng vũ công thời Lý trên bệ đá chùa Hoa Long, xã Vĩnh Thịnh
, huyện Vĩnh Lộc Thanh Hóa. Ảnh: Trần Quang Đức.

Ở khu vực Bắc Bộ Việt Nam, trong giai đoạn Bắc Thuộc, tên “Việt” được sử dụng nhiều trong quốc hiệu hay vương hiệu. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, các nhóm có tiếp xúc nhiều với nền cai trị của người phương Bắc có xu hướng dùng tên Việt để đặt tên, như Lý Bí từng giữ chức Giám quân của nhà Lương ở vùng Hà Tĩnh, tự xưng làm “Nam Việt Vương”; Triệu Quang Phục tự xưng làm “Triệu Việt Vương”; Đinh Bộ Lĩnh chọn đặt quốc hiệu “Đại Cồ Việt”, còn phong cho con trai Đinh Liễn là “Nam Việt Vương”. Trong khi đó, tên Việt lại ít được tiếp nhận từ những thủ lĩnh có ít mối liên hệ với chính quyền phương Bắc, như Mai Thúc Loan tự xưng mình là Mai Hắc Đế, Lý Thiên Bảo nổi dậy ở vùng đất Dạ Năng thuộc Lào ngày nay, không thuộc vùng đất Việt thì tự xưng là Đào Lang Vương. Mở rộng ra các vùng khác ở Lĩnh Nam, như Nùng Trí Cao người Tày hoàn toàn không dùng đến yếu tố Việt, mà chỉ tiếp nhận yếu tố tộc người – hay phương hướng Nam – Bắc để đặt tên nước như Đại Lý Quốc năm 1042, Nam Thiên Quốc năm 1048, Đại Nam Quốc năm 1052.8 Năm 1054, nhà Lý đánh thắng Nùng Trí Cao liền đặt đổi tên nước là Đại Việt. Ở một mức độ nào đó, Đại Việt được coi là “tiếm loạn”. Theo góc nhìn truyền thống của thiên triều Trung Quốc, “đại” thường là danh xưng để các nước chư hầu tôn nước của thiên tử, còn việc tự xưng là “Đại Việt” của nhà Lý thể hiện tư tưởng tự coi mình là trung tâm của cả vùng đất Việt, thay vì chỉ là phiên dậu của Trung Nguyên.9

Năm 1272,  Lê Văn Hưu, khi biên soạn chính sử đầu tiên đã lựa chọn nước Nam Việt của Triệu Đà trở thành điểm mở đầu quốc thống của Đại Việt. Bằng cách này, Lê Văn Hưu đã nối không gian của Đại Việt trong không gian của vùng Nam Việt. Nam Việt vốn chỉ giới hạn với không gian địa lý tương đương với khu vực nằm dưới sự quản lý của Triệu Đà. Sau khi Hán Vũ Đế thôn tính Nam Việt và mở rộng lãnh thổ xuống tận vùng Nhật Nam ở trung phần Việt Nam ngày nay, không gian ứng với vùng Nam Việt cũng được mở rộng theo đó.10 Đến đời Đường thì về cơ bản khái niệm Nam Việt đã hoàn toàn dùng để chỉ một không gian địa lý phía Nam của Bách Việt. Theo sách Thông điển, Nam Việt gắn liền với phía Nam của Ngũ Lĩnh, hay Lĩnh Nam.11 Cách hiểu này về cơ bản được thống nhất cho đến giai đoạn Tống Nguyên. Vì thế, ở thời điểm Lê Văn Hưu biên soạn Đại Việt sử ký, khái niệm Nam Việt đã chuyển từ vùng lãnh thổ của một nước sang không gian địa lý thuần túy ứng với phía Nam của Bách Việt. Không chỉ Đại Việt, mà các khái niệm không gian địa lý và hành chính khác như Giao Chỉ, Lĩnh Nam đều thuộc vào phạm vi của Nam Việt.12 Cho nên khi phong tước vương cho các vua Đại Việt, những năm đầu thời Tống đều là dùng danh hiệu Nam Việt Vương, đến năm 1175 thì mới chuyển thành An Nam quốc vương. Có thể nói, thông qua chính sử của Đại Việt, chính Lê Văn Hưu và các sử gia đời Trần, đã dùng yếu tố “Việt” tạo ra xu hướng định vị kết nối Đại Việt với không gian văn hóa phương Bắc, như Nam Việt hay Bách Việt của các vương triều Đại Việt sau này. Chính vì thế, dưới góc nhìn của người hiện đại, từ thế kỷ 15, mặc dù Đại Việt có hướng mở rộng xuống phía Nam và hòa cùng “văn hóa Đông Nam Á”, nhưng những đặc điểm thiết chế nhà nước và văn hóa lại được xét chung trong “văn hóa Đông Á”.

Nhìn chung, từ sau thế kỷ 10, quân chủ và cư dân vùng Bắc Bộ tự coi mình là chủ nhân của “Đại Việt” hay “Nam Việt”. Nhưng cần chú ý rằng, trước khi những nhận thức về tộc người theo hướng hiện đại được áp dụng, thì Việt, hay Đại Việt – Nam Việt, dùng để chỉ không gian địa lý nhiều hơn là một khái niệm về tộc tính. “Việt nhân” là chỉ nhóm người sống trên đất Việt, chứ không phải tên của một tộc người bất kỳ nào sống trên lãnh thổ của Việt Nam ngày nay.

 

Hình thành bản sắc Đại Việt

 

Đến thế kỷ 10, không có một nền văn hóa “Việt” duy nhất và đồng nhất trong khắp vùng Bách Việt hay Nam Việt. Nhà nước Đại Việt ra đời trên một nền dân cư có lịch sử di dân từ các nền văn hóa khác nhau, gồm có nhóm người bản địa – được coi chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn, nhóm di dân phương Bắc mang theo văn hóa ĐườngTống từ Trung Quốc, nhóm di dân phương Nam có nét văn hóa Chăm pa, Ấn Độ (xem lại kỳ 1 “Lược sử về cư dân thời tiền Đại Việt”, trong Tia Sáng số 12/202013).

Chỉ từ thế kỷ thứ 11, khi thể chế của Đại Việt có xu hướng phát triển từ tập quyền thân dân sang mô hình tập quyền quan liêu kiểu Trung Hoa14 thì triều đình Đại Việt mới mở rộng quyền hạn trong việc định hướng thực hành văn hóa của cư dân. Nhà nước quản lý, “nắn chỉnh” có chủ đích, từ định pháp luật cho các hoạt động quản lý nhà nước đến việc thực hành tôn giáo ở làng xã, trang phục hằng ngày, tế lễ trong gia đình… Trong quá trình đó, nhiều yếu tố văn hóa “dị biệt” của các nhóm di dân thời trước dần bị loại bỏ, các yếu tố giao thoa văn hóa của thời Lý – Trần dần thay thế bằng một nền văn hóa Đại Việt thống nhất từ cuối Trần và thời Lê.



Các nhà nghiên cứu đã biết đến những địa danh như thôn Bà Già bên Hồ Tây (nay thuộc đất làng Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) là nơi an cư của tù binh Chămpa từ thời Lý Thánh Tông. Qua bên kia sông Hồng, đến làng Võng La, một địa bàn ngay sát sông, các nhà khảo cổ học đã phát hiện trong ngôi chùa làng 2 pho tượng Chămpa chính hiệu, một là tượng thần Shiva, chất liệu sa thạch, một là tượng Bà mẹ Xứ sở (Thiên Yana), tiếc là pho tượng này đã bị đánh tráo từ những năm 1960. Tuy nhiên pho tượng đá còn lại và phiên bản phục chế của pho tượng bị đánh tráo thì không ai có thể nói là không phải của người Chăm. Ảnh: Tượng thần Shiva và Tượng Bà mẹ Xứ sở (Thiên Yana).  Nguồn: TS Nguyễn Tiến Đông.
 

Đầu thời Lý, các yếu yếu tố văn hóa phương Nam hiện diện phổ biến ở đất Đại Việt. Các vua Lý thể hiện rõ sự ưa chuộng với âm nhạc Chiêm Thành. Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép: Tháng 7, năm 1044, vua (Lý Thái Tông) đem quân vào thành Phật Thệ bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên. Năm 1046, (thời Lý Thái Tông) dựng cung riêng cho các cung nữ Chiêm Thành. Tháng 8, năm 1060, (thời Lý Thái Tông) phiên dịch nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát. Tháng 8, năm 1202, (thời vua Lý Cao Tông) Sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành, tiếng trong trẻo, ai oán buồn rầu, người nghe phải chảy nước mắt”. 15

Quý tộc nhà Trần cũng có sự yêu thích với văn hóa người Hồ, như năm 1268, Thượng hoàng Trần Thái Tông, cùng với anh trai là Tĩnh Quốc Công múa điệu múa của người Hồ, Thượng hoàng cởi áo ban cho Tĩnh Quốc Công, sau đó vua cũng múa điệu múa của người Hồ để xin lại chiếc áo ấy. [ĐVSKTT].

Một ví dụ khác cho sự đa dạng văn hóa ở triều Đại Việt là khả năng ngoại ngữ của Trần Quang Khải (1241–1294) và Trần Nhật Duật (1255–1330). Chính sử ghi rất nhiều về quá trình giao lưu văn hóa và khả năng am hiểu phong tục nhiều nước của Trần Nhật Duật: Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (thôn này hồi Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng Chiêm đặt tên là Đa Gia Ly, sau gọi sai thành Bà Già), có khi ba bốn ngày mới về. Lại hay đến chơi chùa Tường Phù, nói chuyện với nhà sư người Tống, ở lại đến hôm sau mới về. Người nước ngoài đến kinh sư, thường kéo đến nhà ông. Nếu là khách Tống thì ông kéo ghế ngồi gần, chuyện trò suốt buổi, nếu là người Chiêm hay người các man khác, đều theo phong tục nước họ mà tiếp đãi.  Đời Nhân Tông, sứ Sách Man Tích [Singapore] sang cống, không tìm được người phiên dịch, chỉ có Nhật Duật là dịch được. Có người hỏi vì sao ông biết tiếng họ, ông trả lời rằng: Thời Thái Tông sứ nước ấy sang nhân có giao lưu với họ, nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ”[ĐVSKTT]. Điều đáng bàn là sử ghi về quá trình Trần Nhật Duật tiếp xúc tự nhiên với các nhóm người có mặt ở lãnh thổ Đại Việt, cho thấy triều đình lúc đó chưa có một chế độ cưỡng chế về văn hóa nào với các cộng đồng di dân.

Nhưng dần dần nhà nước bắt đầu đưa ra những chính sách nhằm tạo ra sự khác biệt giữa nhóm người “người kinh” với các nhóm khác [văn hóa của nhóm “người kinh” chỉ nhóm người trực tiếp nằm dưới sự quản lý của triều đình, không kể các châu mục miền núi hay những vùng chịu sự quản lý theo kiểu lỏng lẻo – ki mi]. Điều này trước hết là để nhận dạng trong giao tranh với người nước ngoài, như năm 1287, Trần Khánh Dư đóng ở Vân Đồn, dân ở đó lấy buôn bán làm nghề nghiệp sinh nhai, ăn uống, may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo đồ dùng theo tục người Bắc. Khi Khánh Dư duyệt quân các trang, ra lệnh “Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi, ai trái tất phải phạt”. [ĐVSKTT] Đến năm 1347, nhà Trần xuống chiếu cho quân và dân không được mặc áo chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm Lào. Trước đó, vào năm 1314-1315, Nguyễn Trung Nhạn đi sứ nhà Nguyên thì đã không còn có thể xướng họa với văn nhân Trung Quốc bằng khẩu ngữ nữa. “Cộng dục hàm bôi chung nhật ngữ. Khước sầu Nam Bắc bất đồng âm.[Những muốn nâng ly trò chuyện mãi. Lại buồn Nam Bắc chẳng cùng âm.]16

Đến khoảng cuối thời Trần, sự yêu chuộng các yếu tố Chăm – Hồ đã dần mất đi. Các yếu tố gần với bản địa của người Việt cổ, như tục xăm mình, hay các tục hội thề của thời Lý Trần cũng bị loại bỏ. Phật giáo cũng bắt đầu chịu giới hạn của nhà nước, trong khi đó Nho giáo tiến lên vị trí thượng tôn. Kết quả là, đầu thế kỷ 15, một mô hình lý tưởng cho phong tục được cho là “thuần” của Đại Việt là “Y quan Đường chế độ, Lễ nhạc Hán quân thần” [Áo mũ theo chế độ của đời Đường, Lễ nhạc theo chế độ quân thần nhà Hán].17 Cũng kể từ đây đến thời Lê Thánh Tông, mô hình hành chính quan liêu được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, thương mại và di dân chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, vùng đất Đại Việt không còn là nơi cập bến của các dòng chảy di cư. Thay vào đó mảnh đất phương Nam trở thành điểm đến mới cho cả cư dân Đại Việt và di dân phương Bắc.

Như vậy nhìn chung, từ thế kỷ thứ 10 trở về sau, các triều đại Việt Nam góp công vào việc tạo nền cho văn hóa Đại Việt chứ không phải ngay từ đầu đã có một bản sắc có tính bản địa và bất biến theo thời gian. Trên nền tảng văn hóa đó, các vị quân chủ Đại Việt đã xây dựng lên một thực thể chính trị độc lập, đủ sức chống lại những ý định xâm lược của người phương Bắc và không ngừng mở rộng xuống phía Nam, hình thành nên nước Việt Nam hiện đại trong các thế kỉ tiếp theo.

—-

1 Đào Duy Anh, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Nxb Thế giới Hà Nội, 1950.
2 Brindley, E. (2003 ). Barbarians or Not? Ethnicity and Changing Conceptions of the Ancient Yue (Viet) Peoples, ca. 400-50 BC. Asia Major, 1-32.
3 Nước Việt khi đó nằm ở phía cực Nam của Trung Nguyên. Nước Việt và nước Ngô là hai nước nhỏ vốn không thuộc trong Ngũ Bá của phiên dậu nhà Chu. Nhưng trong giai đoạn cuối thời Xuân Thu (722 – 481TCN) hai nước này dần mạnh lên và bắt đầu giao chiến lẫn nhau. Nước Việt dưới thời của Câu Tiễn (496-465 BC) đánh thắng nước Ngô, và trở thành một trong Ngũ Bá. Sau đó, nước Việt bị nước Sở đánh bại năm 333 TCN, mở đầu cho thời kỳ Chiến Quốc.
4 Brindley, E. (2003 ). Barbarians or Not? Ethnicity and Changing Conceptions of the Ancient Yue (Viet) Peoples, ca. 400-50 BC. Asia Major, 1-32.
5司馬遷.《史記》.越王勾踐世家: 文身斷髮,披草萊而邑焉
6 Hai chữ hán của Việt là 越 hay粵, về căn bản có thể dùng thông nhau hoàn toàn không có ý phân biệt nhóm người “粤Việt ở vùng Phúc Kiến” Lary, D. (1996). The tomb of the king of Nanyue-the contemporary agenda of history: Scholarship and identity. Modern China, 3-27.
7司馬遷,《史記》,越王勾踐世家:楚威王興兵而伐之,大敗越,殺王無彊,盡取笔吳地至浙江,北破齊於徐州。而越以此散,諸族子爭立,或為王,或為君,濱於江南海上,服朝於楚。
其曰百越者,以周顯王時,楚子熊商大敗越,越散處江南海上,各為君長也。
8 Anderson, J. (2007). The Rebel Den of Nung Tri Cao (p.8). Seattle: University of Washington.
9 Trước đó, Đại Việt cũng từng được Lưu Nham sử dụng làm quốc hiệu ở vùng Quảng Châu, khi bị triều Lương Trung Quốc từ chối phong tước Nam Việt Vương, ông cũng tự xưng là Đại Việt Vương năm 917. Nhưng do Lưu Nham không coi mình là người Việt, mà cho tự coi mình là hậu duệ của nhà Hán,[1] và với tham vọng hướng tới Trung Nguyên thay vì Lĩnh Nam, Lưu Nham nhanh chóng đổi thành Đại Hán,[1] hay sử gọi là Nam Hán ( 917 – 971).
10 程爱勤. ( 1995年02期 ). 《后汉书•南蛮列传》所载“南越徼外蛮夷献白雉、白菟”质疑. 《佳木斯大学社会科学学报.
11 唐,杜佑,《通典》, 州郡典 第 一 百 八 十 四: 古南越: 自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地,亦謂之南越 (或云南越之君,亦夏禹之後。按甌越、閩越,禹後少康之庶子所封之地。即南越,非其種也.
12《宋史》-卷四百八十八-列傳第二百四十七 – 外國四元-交趾: 交趾,本漢初南越之地。漢武平南越,分其地爲儋耳、珠崖、南海、蒼梧、郁林、合浦、交趾、九真、日南,凡九郡.
13 http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Luoc-su-ve-cu-dan-thoi-tien-Dai-Viet-25315
14 Phạm Đức Anh, Biến đổi của mô hình tổ chức nhà nước ở Việt Nam (thế kỷ X-XIX), Luận án tiến sỹ Lịch sử, DHQGHN, 2014; Nguyễn Minh Tường, Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884), Nxb KHXH, 2015.
15 Trần Quang Đức. “Ngàn năm áo mũ: Lich sử trang phục Việt Nam giai đoạn.” TP Hồ Chí Minh: Nhã Nam (2013).tr.99
16 Phạm Văn Khoái, Cách gọi “Việt âm” trong phức thể danh xưng Việt âm thi tập từ góc nhìn của ngữ văn học chữ Hán Việt Nam trung đại (Tạp chí Hán Nôm, số 5 (120); tr. 26-35)
17 Thơ văn Lý Trần (tập III), NXB Khoa học xã hội, 1978, tập 3, trang 246.

Tác giả

(Visited 46 times, 1 visits today)