Ý tưởng “nghĩa trang” nguyên tử (kỳ cuối)

10.000 năm nữa, những hiểm họa từ chất thải phóng xạ vẫn còn chực chờ con người. Vì vậy nhiệm vụ dành cho đội đặc nhiệm “Human Interference Task Force” là xác định “nghĩa trang” nguyên tử và tìm ra một ngôn ngữ ký hiệu cảnh báo để 10.000 năm sau, con người vẫn còn hiểu được. Họ không ngờ, những đề xuất của mình đã đưa ra một ngành nghiên cứu mới.

Cảnh báo đáng sợ từ “nghĩa trang” nguyên tử

Theo báo cáo cuối cùng của nhóm đặc nhiệm thì trung tâm của cái cơ sở kỳ lạ hiếm có này là một cái đài tưởng niệm gồm ba phần, mỗi phần cao 7 mét để cảnh báo những kẻ đột nhập, để từ xa người ta thấy được các chỉ dẫn đại loại như “Cẩn thận, rác độc hại!” hay “Không đào bới ở đây!”. Lời lẽ được viết trên những phiến đá khổng lồ bằng sáu ngôn ngữ của Liên hiệp quốc: tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ả rập, Nga và Trung Quốc.

Trong trường hợp sau 10.000 năm, các ngôn ngữ này không còn tồn tại, thì phải có những bản vẽ mô tả những hậu quả khôn lường nếu đào bới, trộm cắp ở “nghĩa trang” nguyên tử: Kẻ nào đột nhập vào khu vực kho chứa cuối cùng này sẽ bị nôn mửa, đau đầu chóng mặt, rụng tóc và cuối cùng là chết.

Tuy việc làm mang ý nghĩa sâu xa nhưng trên thực thế, dư luận khen các chuyên gia thì ít mà chê cười thì nhiều. Tạp chí Time tháng 11.1984 đã trích dẫn câu nói của quan chức tại Hạ viện răn dạy, bảo ban như cha mẹ nói với con cái: “Lần sau họ phải cố gắng hơn một chút nữa.”

Ra đời một ngành nghiên cứu mới

Những kiến thức mà nhóm đặc nhiệm thu được đã động viên giới khoa học và thậm chí có một số người muốn làm theo, từ đó đã hình thành một môn nghiên cứu hoàn toàn mới có tên là ký hiệu học nguyên tử – nuclear semiotics.

Hoạt động trong lĩnh vực này, nhà khoa học xã hội Philipp Sonntag ở Berlin muốn thu thập tất cả các thộng tin về rác nguyên tử như bản đồ, các chất, và chỉ tiêu về phóng xạ để tàng trữ trên một “mặt trăng nhân tạo” trong vũ trụ. Ông cho rằng con người tương lai thông minh và việc đi lại trên vũ trụ là chuyện thường ngày nên thông tin vể phóng xạ nguyên tử được lưu trữ ở đây khá an toàn. Ngoài ra, các dữ liệu cũng cần để ở kho lưu trữ cuối cùng, vì nếu tình hình nghiêm trọng thì việc tiếp cận nguồn tư liệu nhanh hơn.

Mèo nhiễm xạ và linh mục nguyên tử

Hai nhà nghiên cứu Pháp và Italia, Françoise Bastide và Paolo Fabbri, còn tiến thêm một bước nữa: họ kiến nghị nên chọn giống một loại “mèo phóng xạ”, những con mèo giống đặc biệt này sẽ thay đổi mầu lông khi ở gần vùng có rác thải phóng xạ – như vậy loại mèo này sẽ trở thành một loại “máy dò tìm sống”.

Một kiến nghị có lẽ ly kỳ nhất chính là của chính giáo sư Thomas Sebeok. Theo ông, nên thành lập một nhóm “linh mục nguyên tử” độc lập với chính phủ và nhóm này kiểm soát mọi kiến thức về sức mạnh hạt nhân và nguy cơ của chúng. Nhóm linh mục bí mật này là gồm các nhà vật lý, các chuyên gia về bệnh phóng xạ, quản lý hành chính và đương nhiên có cả các nhà ký hiệu học cỡ như Sebeok – những sự hiểu biết của nhóm sẽ được truyền đạt tới các thế hệ ưu tú trong tương lai.

Còn đối với bàn dân thiên hạ – được ví như các môn đệ của “giáo phái” nguyên tử – có một “nghi lễ đổi mới từng năm” với các “dấu vết giả” được tạo dựng để tách con người với kho rác thải hạt nhân đầy nguy hiểm. Như vậy là người dân trong tương lai sẽ tìm cách lẩn tránh kho hạt nhân cuối cùng vì… mê tín dị đoan chứ không phải vì những hiểu biết có cơ sở khoa học – chí ít thì đây chính là suy nghĩ mà ông Sebeok đã đưa vào bản báo cáo kết thúc của nhón “Human Interference Task Force”.

Chưa có dấu hiệu về một kho chứa rác thải hạt nhân cuối cùng

Cơ sở Thiết bị thử nghiệm cách ly chất thải (Waste Isolation Pilot Plant) đặt tại bang New Mexico, Mỹ

Cho đến nay thế giới vẫn chưa có kho chứa cuối cùng dành cho rác thải phóng xạ. Năm 2011, chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố tạm thời ngừng chi ngân sách cho dự án Yucca Mountain. Các chuyên gia dự đoán, việc tìm kiếm có thể sẽ bị kéo dài thêm vài chục năm. Hiện rác thải nguyên tử vẫn chỉ được cất giữ tạm thời.

Tuy vậy ý tưởng về “Human Interference Task Force” có thể sớm được hồi sinh ở Mỹ: Cơ sở Thiết bị thử nghiệm cách ly chất thải (Waste Isolation Pilot Plant) ở New Mexico, một bãi rác thải quân sự có phóng xạ dự kiến biến phương án Stonehenge thành sự thật. Sau khi đóng cửa cơ sở này vào năm 2033, người ta sẽ dựng 32 “đài tưởng niệm” với những bảng cảnh báo trải khắp khu vực này. Toàn bộ thông tin về di sản phóng xạ sẽ được lưu giữ tại một trung tâm thông tin, tương tự như một viện bảo tàng. Chi phí cho kế hoạch này vào những thập niên tới dự tính lên đến một tỷ đôla.

Xuân Hoài – Hoài Trang

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)