Áp lực từ hợp tác quốc tế

Là một đơn vị nghiên cứu công nghệ định vị sử dụng vệ tinh tại Đông Nam Á, một lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng với mọi mặt của đời sống, Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Phát triển Định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) phải tự tìm hướng đi tiếp theo cho mình để phát triển.

“Phát triển đội ngũ, nhưng phải ‘tinh’”

Vào năm 2008, Liên minh Châu Âu thông qua Chương trình khung thứ 7 về nghiên cứu và phát triển công nghệ (FP7) đã tài trợ Dự án SEAGALvới sự tham gia của 5 nước đối tác Châu Âu và Châu Á. Mục tiêu chính của Dự án là thiết lập một trung tâm quốc tế chuyên về công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (Global Navigation Satellite System – GNSS) đặt tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) với các hoạt động đa dạng từ nghiên cứu phát triển, đến quảng bá, đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách liên quan đến công nghệ GNSS cho các nước trong khu vực Đông Nam Á. Kết quả của dự án là sự ra đời của Trung tâm Quốc tế NC&PT Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) vào tháng 10/2010. Trung tâm hiện tại có sự tham gia trực tiếp của các đối tác Việt Nam, và Italy thông qua mô hình đồng giám đốc được thực hiện từ tháng 2/2012.

Từ ngày thành lập, NAVIS đã và đang tham gia chủ trì và thực hiện hàng chục đề tài, dự án nghiên cứu khoa học (NCKH) với các đối tác Châu Âu, Úc và Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực: (i) định vị đa hệ thống GNSS; (ii) phương pháp và hạ tầng định vị chính xác (mm/cm); (iii) giám sát môi trường sử dụng GNSS; (iv) các dịch vụ hướng vị trí; và (v) đảm bảo an ninh trong định vị (chống phá sóng, và giả mạo tín hiệu). Trong đó, nổi bật nhất là Dự án FP7 Growing NAVIS, do EU tài trợ, với sự tham gia của 10 đối tác quốc tế từ Châu Âu, Châu Á và Châu Đại Dương, với nhiều hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của Trung tâm, nhằm mục đích phát triển NAVIS thực sự trở thành một trung tâm hàng đầu về công nghệ GNSS tại khu vực Đông Nam Á.

Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi coi hợp tác quốc tế, cũng như triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp là trọng tâm, tuy nhiên, để phát triển bền vững, chúng tôi phải sống “được” với các sản phẩm nghiên cứu khoa học của mình. Đó vừa là sự quyết tâm, vừa là trách nhiệm của chúng tôi với sự đầu tư của xã hội! Không còn cách nào khác!!!”, TS. Tạ Hải Tùng nói.

NAVIS đã và đang chứng tỏ được vai trò quốc tế của mình trong khu vực thông qua ba năm liền tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, và trường hè quốc tế hàng năm về công nghệ GNSS: NAVIS phối hợp với Diễn đàn định vị đa hệ thống châu Á (Multi-GNSS Asia), Uỷ ban quốc tế của LHQ về GNSS(ICG)… tổ chức Hội nghị cấp vùng Châu Á và Châu Đại dương về công nghệ GNSS (AOR), trong đó, hội nghị AOR-2013 đã được tổ chức thành công tại ĐHBK HN với sự tham gia của gần 200 khách quốc tế đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ.

NAVIS cũng trở thành địa chỉ hợp tác về GNSS đáng tin cậy của các tổ chức quốc tế về hàng không vũ trụ trên thế giới, qua việc đang vận hành 2 hệ thống trạm giám sát chất lượng tín hiệu định vị GNSS nằm trong mạng lưới toàn cầu của Cơ quan NC&PT hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), cũng như hợp tác chặt chẽ với Trung tâm nghiên cứu hỗn hợp trực thuộc Uỷ ban Châu Âu (EC) trong nghiên cứu tác động của tầng điện ly tại khu vực cận xích đạo lên chất lượng dịch vụ định vị.

Việc hợp tác quốc tế, nhất là trong triển khai các dự án, đề tài NCKH với các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực, tạo ra sức ép lớn với NAVIS trong việc thu hút, và phát triển đội ngũ nghiên cứu trình độ cao trong một lĩnh vực công nghệ cao, đầy mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà còn trên thế giới. TS. Tạ Hải Tùng – Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Khi mới thành lập, Trung tâm chỉ có duy nhất 2 người được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực. Làm thế nào để phát triển đội ngũ, mà phải “tinh” với kỹ năng làm việc quốc tế, chứ không chạy theo số lượng, trong bối cảnh không có biên chế nghiên cứu màphải tự chủ về nguồn thu là câu hỏi đau đáu với ban Giám đốc Trung tâm lúc bấy giờ”. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của Ban Giám hiệu nhà Trường trong việc cung cấp cơ chế mở, cũng như hỗ trợ hết mình cho hợp tác quốc tế phát triển Trung tâm. NAVIS đã dần dần thu hút được các nhà khoa học trẻ trong trường, những người “bị” thuyết phục bởi kế hoạch và tiềm năng dài hạn của NAVIS để chấp nhận chuyển đổi hướng nghiên cứu theo định hướng của Trung tâm. Tuy nhiên, những người “dũng cảm” như thế không nhiều, vì vậy, NAVIS phải tự xây dựng đội ngũ thông qua đào tạo và giữ lại công tác các sinh viên xuất sắc của Trường ĐHBK Hà Nội và gửi hàng chục sinh viên theo các chương trình thực tập ngắn hạn, Thạc sỹ và Tiến sỹ trong chuyên ngành GNSS tại Châu Âu và Úc. Nhiều người trong số họ đã trở về, đóng góp lớn vào sự thành công bước đầu của Trung tâm. Và thực tế này lại đặt Trung tâm dưới một sức ép mới, làm sao để giữ những con người như vậy.

“Đi bằng hai chân”

Với tầm quan trọng ngày càng gia tăng của định vị sử dụng vệ tinh trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ dẫn đường, theo dõi đối tượng; đến nông nghiệp chính xác, giám sát môi trường, đồng bộ giao dịch tài chính, ngân hàng, viễn thông, năng lượng; cũng như những ứng dụng thiết yếu trong an ninh quốc phòng;nhiều nước trên thế giới đã và đang tự phát triển hệ thống vệ tinh định vị của riêng mình như Galileo (Châu Âu), GLONASS (Nga), Beidou (Trung Quốc), QZSS (Nhật Bản), IRNSS (Ấn Độ)…

Việt Nam chúng ta hiện chưa có hệ thống vệ tinh định vị của riêng mình, và việc sử dụng dịch vụ hoàn toàn dựa vào các hệ thống của nước ngoài. Vì vậy, môi trường định vị đa hệ thống với nhiều lựa chọn về công nghệ và dịch vụ mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào một hệ thống riêng lẻ, nâng cao độ chính xác, và đặc biệt là tính sẵn sàng và độ tinh cậy của định vị sử dụng vệ tinh.

Nhận thức được vấn đề đó, NAVIS đã nghiên cứu và chế tạo thành công bộ thu định vị đa hệ thống NAVISOFT. NAVISOFT có thể hoạt động được với tất cả các hệ thống GNSS hiện tại (bao gồm: GPS/GLONASS/Galileo/Beidou), cũng như hệ thống cấp khu vực QZSS của Nhật Bản. Sản phẩm này đặc biệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực đặc thù, nơi không phải độ chính xác mà độ tin cậy của kết quả định vị mới được quan tâm nhiều nhất. Với sản phẩm này, NAVIS đã được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) chứng nhận là một trong 50 đơn vị đầu tiên trên thế giới (một trong ba đơn vị tại Châu Á, cùng với Nhật Bản và Trung Quốc) đã sử dụng thành công dịch vụ định vị sử dụng vệ tinh của Galileo.

Bộ thu độ chính xác cao NAVISA với các nghiên cứu cải tiến phù hợp với điều kiện hoạt động ngoài biển, kết hợp với các phần mềm xử lý, tính toán dữ liệu có thể giải quyết bài toán quan trọng liên quan đến theo dõi sự dịch chuyển và cảnh báo an toàn của nhà giàn chủ quyền trên biển Đông trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt. Tuy nhiên, quy trình đề xuất, xét duyệt phức tạp, kéo dài, đã cản trở việc triển khai đề tài, dù ai cũng nhận ra tính cấp bách của nó.

Ngoài ra, người sử dụng thông thường chỉ làm quen với các dịch vụ định vị tiêu chuẩn với độ chính xác cỡ 5-10m, tuy nhiên, hiện tại công nghệ định vị chính xác (precise positioning) rất phát triển, cung cấp cho người sử dụng chuyên biệt trong các lĩnh vực như trắc địa, xây dựng bản đồ, điều khiển phương tiện tự hành… các dịch vụ định vị có độ chính xác rất cao (cỡ mm, cm). Tại Việt Nam, giá thành của các bộ thu định vị chính xác ngoại nhập, đặc biệt các bộ thu cho kết quả theo thời gian thực có giá thành từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, là cản trở rất lớn tới sự ứng dụng của công nghệ quan trọng này. Trong bối cảnh đó, NAVIS đã chế tạo thành công bộ thu NAVISA với tính năng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một bộ thu định vị chính xác.“Nhưng con đường đưa sản phẩm KHCN vàothực tiễn không hề đơn giản. Sự cản trở đôi khi đến từ tâm lý nghi kỵ các sản phẩm NCKH do các nhà khoa học Việt Nam tạo ra của các doanh nghiệp cũng như các đơn vị có nhu cầu” TS. Tùng nói. Tuy nhiên, từng bước một, để xây dựng lòng tin, NAVIS tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu dùng thử sản phẩm của mình, cán bộ đã đến tận hiện trường để chứng minh năng lực của thiết bị.

Bên cạnh nghiên cứu ứng dụng, NAVIS cũng đang triển khai các định hướng nghiên cứu hàn lâm. Theo TS. Tạ Hải Tùng, “Bây giờ là thời điểm vàng để nghiên cứu định vị sử dụng vệ tinh”. Bởi đến năm 2020, khi các hệ thống ngoài GPS phát triển hoàn thiện, với hơn 30 vệ tinh từ tất cả các hệ thốngxuất hiện đồng thời tại mọi thời điểm (nhiều nhất trên toàn thế giới), Đông Nam Á sẽ là địa điểm “lý tưởng” cho nghiên cứu về định vị. Tuy nhiên do gần xích đạo nơi có tầng điện ly hoạt động bất thường, nênĐNA cũng là nơi có chất lượng dịch vụ định vị không tốt so với các khu vực ở vĩ độ cao. Vì vậy, những mô hình dự báo hoạt động của tầng điện ly của các hệ thống GNSS hiện nay (vốn được thiết kế tối ưu cho khu vực vĩ độ cao) đáp ứng không hiệu quả ở Đông Nam Á. Cùng với các đối tác, NAVIS đang tiến hành các nghiên cứu sử dụng tín hiệu GNSS để phân tích các đặc trưng của tầng điện ly trong khu vực, nhằm mục đích nâng cao chất lượng định vị. Bên cạnh đó, trung tâm cũng triển khai các nghiên cứu quan trọng liên quan tới “an ninh”trong định vị để giải quyết các bài toán liên quan đến phá sóng, và giả mạo tín hiệu GPS, có ý nghĩa tối quan trọng trong an ninh – quốc phòng.

Là một tố chức nghiên cứu trong trường đại học, TS. Tạ Hải Tùng xác định NAVIS sẽ phải tập trung song song nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu hàn lâm mà anh gọi đó là “hai chân” của trung tâm: “Chúng tôi sẽ đầu tư về con người, kết hợp với các dự án trong nước và quốc tế để ‘đi bằng hai chân’. Nhưng về lâu dài, một đơn vị nghiên cứu cần phải có các sản phẩm nghiên cứu cụ thể và phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức để áp dụng vào thực tế. Điều này nếu thành công sẽ tạo ra nguồn thu ổn định lâu dài cho Trung tâm. Từ đó, chúng tôi sẽ đầu tư trở lại cho nghiên cứuhàn lâm, tạo điều kiện phát triển đội ngũ NCKH trình độ cao, sẵn sàng cho những thách thức, và cơ hội phát triển mới”.

———————–——————

Có thể tham khảo thêm bài viết “Cần công khai, minh bạch trong xét duyệt đề tài” (TS. Tạ Hải Tùng) theo link:

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=8125

 

Tác giả