Cần đề xuất những chương trình nghiên cứu đáp ứng nhu cầu cấp bách của đời sống

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ nhất tổ chức ngày 22/11 của Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia (Hội đồng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi gắm ở Hội đồng nhiều kỳ vọng, và đưa ra những yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.

Phiên họp toàn thể lần này của Hội đồng có mục đích nhằm thông qua Quy chế hoạt động của Hội đồng trước khi trình Thủ tướng phê duyệt và xây dựng chương trình công tác và phân công nhiệm vụ các thành viên Hội đồng cho nhiệm kỳ 2012 – 2016. Tham dự phiên họp, ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các thành viên Hội đồng và lãnh đạo các Bộ, ngành.

Ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng, khẳng định Hội đồng trong nhiệm kỳ lần này sẽ tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho các đề án bổ sung, sửa đổi một số Luật trong lĩnh vực KH&CN như Luật KH&CN, Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Năng lượng Nguyên tử, v.v, đồng thời đóng góp ý kiến vào các đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ và Bộ KH&CN như: xây dựng quy hoạch hệ thống các tổ chức KH&CN; đổi mới mô hình và phương thức hoạt động của các tổ chức KH&CN; chính sách sử dụng nhân lực KH&CN và trọng dụng người tài; chính sách phát triển thị trường công nghệ; đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính cho các hoạt động KH&CN; đường lối hội nhập quốc tế về KH&CN.

Ngoài ra, có bốn vấn đề mà Hội đồng sẽ tập trung nghiên cứu trong thời gian tới, bao gồm: đánh giá tác động của hệ thống cơ chế chính sách đối với hoạt động KH&CN; chính sách ứng dụng những công nghệ của nước ngoài tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao; chính sách phát triển đội ngũ doanh nghiệp KH&CN; chính sách thu hút các nhà đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao.

Đa số các đại biểu tham dự phiên họp đều nêu những bất cập của cơ chế tài chính hiện hành dành cho các hoạt động KH&CN, với tình trạng các thủ tục rườm rà chậm trễ gây thiệt hại cho các dự án và lợi ích quốc gia. GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, chuyên gia cao cấp của Hội đồng, cho rằng trước những bất cập này, các Bộ, ngành, trong đó kể cả Bộ Kế hoạch Đầu tư, đã có những ý thức chuyển biến nhất định nhằm hướng tới cải cách cơ chế và chính sách, trong khi Bộ Tài chính thì “chuyển biến rất ít”.

Ông lấy ví dụ về hạn chế trong cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ qua bất cập trong chính sách thuế nhập khẩu, điều mà ông gọi là “nghịch lý” khi mà một thiết bị công nghiệp như giàn khoan khi nhập khẩu toàn bộ từ nước ngoài về Việt Nam thì không bị đánh thuế, trong khi linh kiện nhập về (để tận dụng công nghệ lắp ráp trong nước, giảm chi phí nhập khẩu cho quốc gia) thì lại bị đánh thuế. Đây là một trong những bất cập của cơ chế tài chính khiến không khuyến khích được nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu đổi mới công nghệ. Chưa kể thủ tục tài chính quá rườm rà khiến có những doanh nghiệp trích quỹ đầu tư đổi mới công nghệ nhưng không thể tiêu được, điển hình như Tập đoàn Viettel, theo phản ánh của TS. Trương Quang Khánh, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Hội đồng. Những bất cập này trong cơ chế tài chính khiến “công tư không thể hợp tác” trong đầu tư phát triển công nghệ, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, nguyên PCN Ủy ban KHCN&MT Quốc hội, nhận định. Đây là nguyên nhân khiến tỷ trọng đầu tư cho KH&CN của khu vực tư chỉ chiếm 3 phần, trong khi ở các nước có nền KH&CN phát triển hơn tỷ trọng này là 7 phần, ông đánh giá.

Nguồn tiền đầu tư cho KH&CN ở Việt Nam hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào Nhà nước, nhưng bản thân nguồn lực này ngoài vướng mắc về rườm rà trong thủ tục còn phổ biến tình trạng chậm phân bổ kinh phí. GS.TS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng, phản ánh tình trạng nguồn tiền phân bổ hằng năm cho hoạt động KH&CN quá chậm trễ, ví dụ như liên tiếp trong 2 năm 2011 và 2012, nguồn tiền Ngân sách Nhà nước phải chờ tới tháng 11 mới được phân bổ về.

Tập trung xây dựng cơ chế khoán sản phẩm

Để tạo một cơ chế tài chính khoa học thông thoáng cho các nhà nghiên cứu, các Ủy viên Hội đồng như GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, Giám đốc Công ty Vắcxin và Sinh phẩm số 1, Bộ Y tế, cho rằng Nhà nước cần sớm có cơ chế khoán sản phẩm đầu ra. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với quan điểm này, nhưng ông nhấn mạnh rằng Nhà nước sẽ không thể đầu tư khoán một cách dàn trải, mà cần tập trung đầu tư cho những sản phẩm có tiềm năng thành công và ứng dụng cao nhất.

Về cơ chế khoán theo ông phải có sự phân cấp mức độ rủi ro. Với các công trình nghiên cứu ở cấp cơ sở có thể cho phép một mức độ rủi ro nhất định, nhưng những công trình cấp càng cao thì mức độ rủi ro càng phải thấp đi, đặc biệt là các công trình nghiên cứu cấp Nhà nước, do các nhà nghiên cứu ở cấp độ này có nhiều điều kiện hơn trong việc tổng hợp, tham khảo, và sàng lọc các kết quả nghiên cứu ở những cấp thấp hơn.

Đồng thời, để giảm thiểu rủi ro trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ, ông đề nghị các nhà nghiên cứu chọn ra những sản phẩm sẵn có của nước ngoài có khả năng ứng dụng khả thi và đem lại giá trị gia tăng cao ở Việt Nam, sau đó tiến hành nghiên cứu, mổ xẻ ngược, và làm chủ công nghệ. Cách làm này sẽ đem lại tỷ lệ thành công cao.

Giao nhiệm vụ khoa học và thu hút nhà nghiên cứu

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra thực trạng là chính quyền các Bộ, ngành, và địa phương hiện nay vẫn chưa có ý thức chủ động đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu ra những sản phẩm thiết yếu phục vụ cho ngành và địa phương của mình. Chia sẻ quan điểm này, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng, phản ánh tình trạng nghịch lý, trong khi mà các nhà khoa học không được đặt hàng nghiên cứu, thì các nhà quản lý lại tham gia nghiên cứu một cách tràn lan. Ông lấy ví dụ như trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, các nhà quản lý hiếm khi chủ động đặt hàng các nhà khoa học, nhưng khi muốn tôn vinh di sản thì các nhà quản lý lại lao vào làm nghiên cứu, trong khi các nhà khoa học bị đứng ngoài cuộc. 

Nhiều ý kiến đề nghị xây dựng cơ chế thu hút các nhà khoa học có năng lực tham gia vào những nhiệm vụ trọng điểm, và cho họ chế độ đãi ngộ phù hợp, có như vậy mới hình thành nên những nhóm nghiên cứu mạnh. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thật xứng đáng cho các nhà khoa học có thành tích công bố khoa học đạt “chuẩn quốc tế”, qua đó tạo thành động lực phấn đấu cho các nhà khoa học trẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề xây dựng trung tâm nghiên cứu mạnh, Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN nêu ba điều kiện cần thiết để giúp dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc xây dựng thành công một viện nghiên cứu trọng điểm theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc tại Việt Nam, đó là: một cơ sở pháp lý đặc thù đặc biệt; sự ủng hộ sát sao của Thủ tướng; thu hút thành công đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong nước và nước ngoài. Nếu không có những điều kiện này, mô hình viện KIST sẽ không thể thành công tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Yêu cầu của Thủ tướng

Sau khi lắng nghe những ý kiến của các ủy viên Hội đồng và các đại biểu tham dự phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nhìn nhận rằng những vướng mắc về cơ chế chính sách và những hạn chế trong nhận thức của các nhà quản lý (chưa có ý thức đặt hàng các nhà khoa học) đã và đang khiến các nguồn lực KH&CN của đất nước chưa được phát huy đúng mức. “Cơ chế của mình kìm hãm sức của mình, gây thiệt hại cho đất nước”, ông nói.

Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu Hội đồng phải đề xuất được những điều chỉnh cụ thể về cơ chế, chính sách KH&CN, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương VI, đặc biệt trong đó có vấn đề cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học và cơ chế chính sách giúp thúc đẩy doanh nghiệp KH&CN, như chính sách về đất đai, thuế, tín dụng v.v.

Thủ tướng lưu ý rằng Việt Nam cần sớm có cơ chế khuyến khích, ưu đãi những sản phẩm KH&CN trong nước có chất lượng tương đương với sản phẩm quốc tế, ví dụ như sản phẩm vắcxin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là sản phẩm mà Thủ tướng chia sẻ rằng những vị khách quốc tế quan trọng như Cựu Tổng thống Bill Clinton, hay doanh nhân/nhà từ thiện Bill Gates khi gặp ông đều bày tỏ sự khâm phục. Thủ tướng yêu cầu rằng những sản phẩm có chất lượng cao như vậy mà “ta làm được thì cần khuyến khích đẩy mạnh, không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu.

Ông nhấn mạnh rằng Hội đồng cần đề xuất những chương trình nghiên cứu đáp ứng nhu cầu cấp bách của đời sống, ví dụ như nghiên cứu công nghệ chế biến để giải quyết vấn đề thất thoát sau thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Từ những đề tài này, Hội đồng cần đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để giúp nghiên cứu và triển khai thành công.

Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng nghiên cứu cơ chế xây dựng kế hoạch tài chính cho KH&CN trên khung thời gian 5 năm thay vì hằng năm như hiện nay. Tuy nhiên Ngân sách Nhà nước cho KH&CN sẽ tiếp tục được phân bổ hằng năm tùy theo nhu cầu sử dụng của từng năm; xây dựng những quy định phù hợp trong Luật KH&CN để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động nghiên cứu đổi mới công nghệ; đề xuất chính sách đãi ngộ xứng đáng, thể hiện sự trân trọng đúng mức đối với các nhà khoa học tài năng, qua những chính sách cụ thể như mức lương và chế độ nhà ở.

Trả lời đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Quân về dự án xây dựng viện nghiên cứu theo mô hình Viện KIST tại Việt Nam, Thủ tướng khẳng định sự ủng hộ cao của Chính phủ Việt Nam cũng như Chính phủ Hàn Quốc – đặc biệt là Tổng thống Lee Myung Bak – đối với dự án này. Ông yêu cầu Bộ KH&CN sớm đưa ra những đề xuất cụ thể, khẳng định rằng sẵn sàng nhất trí với những đề xuất cấp thiết trong phạm vi thẩm quyền, và sẽ đề xuất trình Quốc hội thông qua những vấn đề nào nằm ngoài thẩm quyền Chính phủ.
          

Tác giả