Cần một dự án dịch thuật cấp quốc gia về nhân học

Cần triển khai hiệu quả một dự án dịch thuật ở quy mô quốc gia, trong đó quy tụ những chuyên gia dịch thuật, nhà nghiên cứu, những người thành thạo ngoại ngữ chuyên ngành có tâm huyết tham gia để góp phần đưa nhân học Việt Nam phát triển đúng hướng và từng bước hội nhập với thế giới.

Bắt rễ từ những nghiên cứu dân tộc học thời kỳ thực dân và trải qua thời kỳ ảnh hưởng của nền học thuật Xô-viết, nhân học Việt Nam mới hình thành chừng 10 năm trở lại đây với một đội ngũ các nhà nghiên cứu, phần lớn chuyển từ dân tộc học, văn hóa dân gian, văn hóa học, sử học… sang hoặc các chuyên ngành khác có liên quan ở nước ngoài về. Các công trình nghiên cứu về nhân học của họ cũng mới bắt đầu được xuất bản trên tạp chí hoặc in sách chuyên khảo trong nước và quốc tế, số lượng chưa nhiều và chất lượng không đồng đều.

Vì vậy, dù ghi nhận những kết quả bước đầu nhưng ở góc độ một nhà nghiên cứu, phải thẳng thắn thừa nhận nhiều nghiên cứu nhân học của Việt Nam vẫn còn chưa “tới”, chưa cập nhật và chưa thực sự hội nhập với nền học thuật quốc tế. Có nhà nghiên cứu nhân học Mỹ sau khi đọc một số các bài viết, hay thậm chí những chú thích của hiện vật trong bảo tàng ở Việt Nam có trao đổi với tôi rằng, có lẽ nhiều người trong số họ chỉ “ngồi trong phòng làm việc tại Hà Nội” để tưởng tượng, mô phỏng lại các sinh hoạt, văn hóa, xã hội cộng đồng và đưa ra những quan điểm mang tính áp đặt, những lời nói của người ngoài cuộc. Nói như vậy cũng có phần oan uổng cho các nhà nghiên cứu Việt Nam bởi họ có đi điền dã, lặn lội ở địa bàn nghiên cứu, nhưng sự thực là điền dã chưa đủ, chưa kể còn thiếu những phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận, hệ thống lý thuyết cập nhật. Vì vậy, dù cũng thực hiện phỏng vấn, quan sát tham dự, kết hợp lý giải, phân tích nội dung nghiên cứu nhưng các công trình của họ vẫn chưa có độ sâu, chưa làm nổi bật những vấn đề của cuộc sống văn hóa, xã hội.. của cộng đồng cũng như tâm thức của người thực hành, người trong cuộc.

Tôi biết hai khoa Nhân học trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia HN, TPHCM và ở các Viện nghiên cứu cũng ở tình trạng thiếu sách đến mức các giảng viên chủ yếu vẫn phải “giảng chay”, còn sinh viên và nghiên cứu sinh thì rất thiếu một hệ thống tài liệu tham khảo để mở rộng kiến thức.

Trong khi đó, các công trình của các nhà nghiên cứu nước ngoài thường mô tả sâu và đề cập kỹ lưỡng đến con người chủ thể – con người hành động, tâm tư của họ, lý giải rất rõ nguồn gốc từng hành động, ý nghĩa từng nghi lễ, … dựa trên các phương pháp tiếp cận hiện đại. Clifford Geertz, nhà nhân học Mỹ nổi tiếng cho rằng nhân học không thể̉ là một ngành khoa học như ngành vật lý với các quy luật và sự tổng quát dựa vào các số liệu thực tế và thực nghiệ̣m. Nghiên cứu văn hóa dù phải dựa vào hiện thực cụ thể của một xã hội, nhưng phải là ý nghĩa do con người sống trong xã hội đó hiể̉u, chứ không phải là những phán đoán chủ quan của nhà nghiên cứu dựa vào số liệu thực tế. Các công trình nghiên cứu của Clifford Geertz luôn liên kết các quá trình tự biết, tự nhận thức, tự hiểu của người bản địa với sự hiểu biết của nhà nghiên cứu về văn hoá của họ. Trong cách tiếp cận này, mỗi vấn đề được phân tích, lý giải bắt đầu từ một tập hợp những nhận thức của người bản địa về vấn đề đó, so sánh với những nhận thức khác của họ, tiếp đến là những nhận thức và tri thức của nhà nghiên cứu (phương pháp, nhận thức, sự hiểu biết) kết hợp với nhận thức của người bản địa về chính văn hoá của họ.

Cuộc thoát ly với những phương pháp nghiên cứu truyền thống đã lạc hậu của nhân học Việt Nam còn diễn ra một cách chậm chạp, ngập ngừng chừng nào các nhà nghiên cứu còn chưa cập nhật các kiến thức mang tính hệ thống, lý thuyết, những quan điểm học thuật quốc tế… Để thúc đẩy quá trình này, bên cạnh nỗ lực tự thân của mỗi nhà nghiên cứu nhân học, họ cần phải được trang bị những bộ sách, những bài viết công cụ mang tính nền tảng của nhân học quốc tế bên cạnh những tài liệu của trường phái Xô-viết để có một hệ thống kiến thức về ngành dân tộc học và nhân học quốc tế trong suốt chiều dài lịch sử phát triển mạnh mẽ từ nửa đầu thế kỷ XX đến nay. Khi nhân học Việt Nam cần nhiều tài liệu tham khảo mang tính học thuật và những công trình nghiên cứu của quốc tế thì những công trình dịch quá ít ỏi, chủ yếu chỉ mới có một số tuyể̉n tập nhân học cùng một số bài nghiên cứu đã được dịch và in riêng lẻ trên các tạp chí chuyên ngành. Tôi biết hai khoa Nhân học trường Đại học KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia HN, TPHCM và ở các viện nghiên cứu cũng ở tình trạng thiếu sách đến mức các giảng viên chủ yếu vẫn phải “giảng chay”, còn sinh viên và nghiên cứu sinh thì rất thiếu một hệ thống tài liệu tham khảo để mở rộng kiến thức.

Đây là lý do khiến một dự án dịch thuật thật sự cần thiết với ngành nhân học Việt Nam. Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện phương án này một cách hiệu quả, đơn cử như Trung Quốc, Hàn Quốc đều tiến hành dịch và xuất bản rất nhanh các công trình nhân học mới xuất hiện trên thế giới với sự tham gia nhiệt tình của những nhà nghiên cứu. Ngoài việc bản thân muốn cập nhật tình hình học thuật thế giới, họ còn muốn có thêm tài liệu giảng dạy và phổ biến những hệ thống kiến thức mới cho sinh viên, nghiên cứu sinh trong nước. Trước khi trở về nước làm việc, TS. Laurel Kendall, Chủ nhiệm Khoa Nhân học (Department of Anthropology) Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ (AMNH), New York, đã tặng tôi mấy cuốn sách và dặn: “Hiền, em về nước cũng nên nhớ cập nhật sách mới và học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc. Công trình nào mới về nhân học thế giới là họ cũng dịch luôn ra tiếng Hàn”. Sau đó, mỗi lần sang Việt Nam, món quà quý giá nhất bà thường tặng tôi là một cuốn sách mới.

Ba yếu tố đảm bảo dự án thành công

Cũng như nhiều dự án khác, một dự án dịch thuật muốn thành công cần, tối thiểu phải đảm bảo được ba yếu tố: thứ nhất là tập hợp được những nhà chuyên gia “biết người biết việc”, thứ hai là tuyển chọn được những công trình (sách, bài viết) phản ánh sự phát triển, những quan điểm học thuật trong lịch sử của ngành nghiên cứu, và thứ ba là kinh phí thực hiện.

Ở Việt Nam, với nhiều dự án, có khi người ta mời các nhà quản lý, những chuyên gia chưa thực sự đúng chuyên ngành tham gia, mang tính chất “hợp thức hóa” hơn là nghĩ đến hiệu quả thật sự và cái đích cần đạt được. Kết quả là những dự án đó hoặc được điều hành bởi những người không thạo việc hoặc trở thành nơi tập hợp của các sản phẩm ít giá trị học thuật, ứng dụng thực tế. Như vậy, không những mục đích mà dự án đề ra không thực hiện được một cách hiệu quả mà còn dẫn đến việc lãng phí kinh phí đầu tư của nhà nước.

Để dự án dịch thuật sách nhân học tránh được những tiền lệ đó, ngoài việc tập hợp những chuyên gia dịch thuật, những nhà nghiên cứu tâm huyết thành thạo ngoại ngữ chuyên ngành nhân học, cần mời thêm một số chuyên gia giỏi ở nước ngoài tham gia tư vấn, chú giải, viết lời giới thiệu các cuốn sách… Chúng ta phải nhìn rộng ra rằng, ngành nhân học thế giới bắt nguồn từ thế kỷ XVIII và đến nay, qua nhiều thời kỳ phát triển, có hàng ngàn cuốn sách, bài viết và được bổ sung không ngừng hằng năm. Giữa hàng vạn công trình như vậy thì chỉ có những nhà nghiên cứu am hiểu hệ thống quan điểm học thuật mới đủ khả năng lựa chọn, tìm ra được những cuốn sách, công trình nào đáng dịch. Việc mời các chuyên gia quốc tế, những giáo sư đầu ngành nhân học tham gia tư vấn cho dự án gần như không mất quá nhiều công sức và tiền bạc, ngoài việc gửi e-mail trao đổi thông tin và nếu có tổ chức thảo luận thì mất tiền vé mời họ tới Việt Nam.

Về bản quyền các cuốn sách được dịch, với một dự án phi lợi nhuận, hoàn toàn mang tính phổ biến kiến thức học thuật và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu như vậy thì đây không phải là vấn đề đáng lo. Hầu hết các nhà xuất bản quốc tế đều rất sẵn sàng không yêu cầu phí bản quyền trước những dự án như thế này, chỉ cần chúng ta nêu rõ mục tiêu phi lợi nhuận của dự án với họ.

Ở Việt Nam, với nhiều dự án, có khi người ta mời các nhà quản lý, những chuyên gia chưa thực sự đúng chuyên ngành tham gia, mang tính chất “hợp thức hóa” hơn là nghĩ đến hiệu quả thật sự và cái đích cần đạt được. Kết quả là những dự án đó hoặc được điều hành bởi những người không thạo việc hoặc trở thành nơi tập hợp của các sản phẩm ít giá trị học thuật, ứng dụng thực tế

 

Khi mọi vấn đề về học thuật và bản quyền đã được giải quyết, vấn đề còn lại đối với dự án dịch thuật lại là kinh phí thực hiện, vốn được coi là khó hơn cả việc chọn lọc danh sách những công trình cần dịch. Cách đây vài năm, chúng tôi đã đề xuất một dự án dịch tài liệu về nhân học văn hóa, một bộ phận quan trọng của nhân học, với mục tiêu là dịch, hiệu đính, in ấn 12 tuyển tậ̣p, mỗi tuyển tập sẽ có khoảng từ 12-15 bài nghiên cứu hay các chương được chọn lọc trong một cuốn sách chuyên khảo và dày khoảng 500 trang, thời gian thực hiện trong vòng bốn năm với kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng. Số sách dịch sẽ được gửi cho các thư viện của các trường đạ̣i học, viện nghiên cứu Việt Nam. Tuy nhiên đến nay dự án đó vẫn bị gác lại vì không có kinh phí thực hiện.

Vì vậy từ góc độ một nhà nghiên cứu, đặt sự phát triển của ngành nhân học bên cạnh sự phát triển của KHXH&NV cũng như đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, tôi cho rằng, ngành nhân học mới hình thành ở Việt Nam sẽ dần dần hội nhập nền học thuật quốc tế nếu có được một trong những yếu tố mang tính nền tảng – những bộ tuyển tập các công trình chuyên ngành thông qua việc thực hiện nghiêm túc một dự án dịch thuật về nhân học ở tầm quốc gia.
————
* PGS. TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)