Cần thay đổi chiến lược tạo giống lúa

Theo PGS. TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cần điều chỉnh chiến lược tạo giống lúa và thắt chặt hơn nữa mối liên kết giữa nhà nghiên cứu với doanh nghiệp để xây dựng thành công thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam.

Tiêu chuẩn hóa hạt gạo

Từ nhiều năm nay, vấn đề xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cập tới bởi nếu không có thương hiệu thì lúa gạo Việt Nam vẫn sẽ chỉ xuất khẩu với giá rẻ. Trên thị trường quốc tế, lúa gạo Việt Nam thường được “định vị” ở quãng 300 đến 350 USD/tấn, trong khi gạo Jasmine (Thái Lan) 850 USD/tấn và gạo Basmati (Ấn Độ) 1.100 USD/tấn. Về thực chất, chúng ta mới chỉ xuất đi được sản phẩm vốn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước chứ không phải là sản phẩm thị trường cần. Nguyên nhân của vấn đề này bắt rễ từ chính hoàn cảnh của Việt Nam. Trước đây, để giải bài toán an ninh lương thực, chúng ta buộc phải ưu tiên số lượng trong sản xuất lúa gạo với những giống lúa cao sản ngắn ngày. Chỉ từ những năm 2000, chúng ta mới tính đến nâng cao chất lượng lúa gạo với các giống thơm, ngon cơm và tiến đến mục tiêu tăng hiệu quả sản xuất để xuất khẩu. Vì vậy, vấn đề tạo dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam lâu nay vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Muốn xây dựng thành công thương hiệu phải đảm bảo các chỉ tiêu về cả chất lượng lẫn số lượng, nếu tốt về chất lượng nhưng không đảm bảo về số lượng thì thương hiệu đó không có ý nghĩa lớn trên thị trường quốc tế.

Do phải giải quyết bài toán an ninh lương thực, Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn quốc gia cùng khu vực là Thái Lan, vì vậy chiến lược gia nhập thị trường quốc tế của Việt Nam và Thái Lan cũng có phần khác biệt. Họ tạo ra thương hiệu gạo Jasmine không phải bằng giống mới mà vẫn sử dụng nền tảng loại giống truyền thống như tám thơm của Việt Nam, giữ nguyên chất lượng độ dẻo, độ thơm của hạt gạo và chỉ cải tiến thêm tính kháng, tính chống chịu với các loại rầy nâu, đạo ôn, khô vằn, chịu hạn, virus… Không tạo ra giống mới nên Thái Lan không phải làm lại chất lượng và không mất thời gian tạo dựng lại thị trường, qua đó thời gian tiếp cận thị trường của họ dễ dàng hơn chúng ta.

Khi bắt tay vào làm thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam, chúng ta gặp thêm một khó khăn nữa là gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa, ví dụ gạo được xuất đi thị trường quốc tế không thuần nhất về giống mà có lẫn vài ba, thậm chí cả chục loại khác nhau trong một bao. Trên thực tế, gạo có thương hiệu, bán được giá phải đạt những tiêu chuẩn cụ thể, chặt chẽ của hạt gạo với độ ổn định cao về chiều dài, đường kính, độ trong, độ bóng, tỷ lệ bạc bụng, tỷ lệ hạt gẫy, độ ẩm, tạp chất, hàm lượng các chất, mùi thơm… Những tiêu chuẩn của hạt gạo phụ thuộc rất lớn vào việc nó hướng đến phân khúc thị trường nào, đáp ứng thói quen tiêu dùng của ai bởi yêu cầu của mỗi thị trường rất đa dạng, ví dụ cùng phân khúc thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thì thị hiếu mỗi nơi cũng có phần khác biệt. Ở khâu xác định phân khúc thị trường, theo tôi không ai làm giỏi hơn doanh nghiệp, những người có khả năng đánh giá và dự báo được mức độ tiêu dùng của các thị trường tiềm năng. Trên cơ sở yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ có quy trình chuẩn bị thương hiệu lúa gạo cho phân khúc đã chọn theo yêu cầu của thị trường.

Ở đây nảy sinh một vấn đề, đối với các mặt hàng công nghiệp có thể sản xuất hàng loạt, việc điều chỉnh sản phẩm theo yêu cầu thị trường có phần dễ thực hiện nhưng với giống lúa thì không hề đơn giản. Việc chọn tạo một giống lúa phải mất từ tám đến 10 năm, trong đó vài năm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm rồi sản xuất thử nghiệm trên năm, bảy ha; sau đó cũng phải có thời gian để nông dân chấp nhận giống để có thể triển khai canh tác rộng rãi trên diện tích lớn mấy nghìn ha… Muốn xây dựng thành công thương hiệu phải đảm bảo các chỉ tiêu về cả chất lượng lẫn số lượng, nếu tốt về chất lượng nhưng không đảm bảo về số lượng thì thương hiệu đó không có ý nghĩa lớn trên thị trường quốc tế. Như vậy, việc xây dựng thương hiệu cho giống lúa phải là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài và đồng bộ.

Điều chỉnh chính sách tạo giống

Nhìn nhận lại công tác chọn tạo giống lúa Việt Nam nhiều năm qua, có thể thấy chính sách bảo hộ bản quyền cho các tác giả tạo giống đem lại những tác động to lớn như thế nào. Trước kia, do chưa có chế độ bản quyền nên giống lúa làm ra không phải của ai, ai cũng dùng được nên không tạo ra được động lực hay khuyến khích người tạo giống. Từ khi chế độ bản quyền được ban hành, người tạo giống đã có quyền chuyển nhượng, thương mại hóa giống lúa và các doanh nghiệp cũng bắt tay vào đầu tư cho công tác nghiên cứu tạo giống. Nếu cách đây 10, 15 năm, Việt Nam chỉ có một số  ít các đơn vị tạo giống là các viện nghiên cứu, thì nay đã có hàng trăm nơi tạo giống, trong đó nhiều công ty tư nhân chưa từng tạo giống bao giờ. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở khu vực miền Bắc, tỷ lệ giống lúa do viện/trường nghiên cứu chỉ chiếm 28,9%, ở miền Trung tỷ lệ thấp hơn 10%, còn miền Nam là 76%.

Bên cạnh đó, cơ chế thông thoáng về xuất nhập khẩu và quy định nhập khẩu giống cây trồng của Việt Nam cũng cho phép các công ty nước ngoài đưa nhiều giống mới vào thị trường nội địa. Tất cả những nguyên nhân này dẫn đến sự bùng nổ giống lúa trên thị trường Việt Nam. Cũng theo số liệu thống kê, năm 2005-2010: khảo nghiệm 213 giống, công nhận tạm thời 157 giống; năm 2008-2012: khảo nghiệm 2.553 giống, công nhận 157 giống cấp vùng, 108 giống quốc gia – nghĩa là cứ trung bình mỗi năm 20 giống mới ra đời. Giống tạo ra nhiều nhưng trụ lại trong đời sống sản xuất không được bao nhiêu, và chính số lượng này cộng với số giống vẫn đang phổ biến đã làm hoa mắt nông dân khi chọn giống vào canh tác.

Mặt trái của thắng lợi về cơ chế bản quyền giống là có quá nhiều giống lúa lưu hành, dẫn đến tình trạng “loạn” giống khiến các nhà chuyên môn khó kiểm soát tình hình. Ở đây, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan. Họ có đủ tiềm lực khoa học, kinh nghiệm và kinh phí đầu tư để làm ra được giống lúa mới ưu việt hơn, chất lượng cao hơn giống Jasmine. Tuy nhiên khi giải bài toán thương hiệu, tính đến mức độ ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu nếu thay giống này bằng giống mới khác, họ đã quyết định không đưa ra giống mới mà vẫn giữ giống cũ. Nhờ vậy họ sẽ không mất thời gian để nông dân chấp nhận giống mới và điều quan trọng hơn là không mất kinh phí để xây dựng thương hiệu và để thị trường quốc tế chấp nhận thương hiệu giống mới (kinh phí dành cho xây dựng lại thương hiệu, làm quen thị trường…).

Các nhà khoa học chỉ có thể giải quyết được một khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo là tạo ra được giống lúa nhiều ưu điểm, còn việc tạo ra thương hiệu phải có sự góp sức của doanh nghiệp.

Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần tập trung lựa chọn được các giống phù hợp, giải quyết được những yêu cầu về chất lượng, năng suất, kiểu dáng sản phẩm, tăng cường tính kháng đa yếu tố với những yếu tố bất lợi của môi trường như bệnh rầy nâu, bạc lá, đạo ôn, khô vằn, chịu hạn, chịu mặn… Hiện nay các loại giống lúa của Việt Nam chỉ giải quyết được tính kháng một cách đơn lẻ nên có hiện tượng giống kháng bạc lá “chịu chết” trước rầy nâu, giống có khả năng ức chế đạo ôn lại không thể hiện được khả năng chống chịu trước bệnh khô vằn… Nhìn sang Thái Lan, họ đã tạo ra giống “siêu Jasmine” bằng cách đưa nhiều tính chống chịu vào bộ gene của hạt giống nhưng vẫn giữ được những đặc tính giống tốt cơ bản của Jasmine mà thị trường đã chấp nhận. Để làm điều này, Thái Lan đã đầu tư một triệu đô la/năm cho công tác nghiên cứu (chưa kể đến lương và trang thiết bị phòng thí nghiệm) trong vòng 15 năm.

Hiện tại, khoa học Việt Nam bắt đầu có khả năng giải quyết được vấn đề này, thực hiện nhiều phương pháp đưa các đặc tính chống chịu với các điều kiện bất lợi của môi trường, kháng sâu bệnh vào giống mà vẫn đảm bảo giữ nguyên được chất lượng hạt gạo, kiểu dáng thương mại của sản phẩm. Tuy nhiên để làm tốt hơn điều đó, cần giải quyết hai vấn đề: đầu tư quyết liệt công tác nghiên cứu chọn tạo giống và phải có đề bài đặt hàng rõ ràng với những yêu cầu cụ thể [về kích thước hạt gạo, độ trong, độ dẻo, tỷ lệ amylose…] từ doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Các nhà khoa học chỉ có thể giải quyết được một khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo là tạo ra được giống lúa nhiều ưu điểm, còn việc tạo ra thương hiệu phải có sự góp sức của doanh nghiệp.

Chiến lược tạo giống do đó cần phải thay đổi: viện/trường không cạnh tranh với doanh nghiệp mà ngược lại, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Nếu cả viện và doanh nghiệp cùng chạy đua tạo giống sẽ dễ tạo ra hiện tượng chồng chéo, giảm sức mạnh doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực xã hội. Do đó, viện nghiên cứu chỉ làm những việc mà doanh nghiệp không làm (vì không thu được lợi nhuận) và không làm được. Viện làm đúng chức năng của mình là đơn vị công ích phục vụ doanh nghiệp, tiến tới tập trung vào tạo nguồn vật liệu và phương pháp chọn tạo giống thay vì tự chọn tạo giống.

           

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)