Cần thoát khỏi sự tự ti trong quản lý khoa học và giáo dục

Sau nhiều thập kỷ đến nay, tư tưởng tự ti và tự kiềm tỏa hầu như vẫn đè nặng trong các cơ chế, chính sách quản lý khoa học và giáo dục (KH&GD). Điều kỳ lạ là tư tưởng này được quán triệt từ vi mô đến vĩ mô, được mỗi cá nhân chấp nhận một cách rất tự giác. Dưới đây là một số ví dụ.


1. Quy hoạch trường/viện

Luật Khoa học Công nghệ và Luật Giáo dục đều quy định khi lập trường, lập viện phải theo quy hoạch. Điều này mới nghe tưởng rất ngăn nắp, nhưng nghĩ kỹ thì rất có vấn đề vì khoa học cần có tính mới trong khi quy hoạch là một phương án được xây dựng dựa trên sự hiểu biết về KH&GD ở một thời điểm cố định nào đó. Như vậy, giả dụ trường nào đó muốn mở ngành đào tạo về công nghệ Nano, hoặc một nhà vật lý nào đó muốn lập một viện về công nghệ Nano, là một ngành công nghệ mới, sẽ không được chấp thuận, vì chưa có trong quy hoạch. Như vậy, quy hoạch viện/trường, quy hoạch ngành đào tạo là tạo ra một dây thòng lọng để tự trói tay mình.

2. Biên chế cơ hữu

Muốn mở ngành đào tạo, ngoài việc phải căn cứ quy hoạch, còn một điều kiện nữa, thoạt nghe tưởng rất đúng: đó là phải có một số nhân lực chuyên môn của ngành đó trong biên chế cơ hữu của đơn vị đào tạo. Điều này có nghĩa: Nước Việt Nam chỉ được đào tạo những ngành đã cũ, đã có sẵn chuyên gia.

Cách đây ít năm, tôi đến tìm hiểu công tác đào tạo tiến sỹ chuyên ngành Chính sách Công nghệ và Đổi mới (Technology Policy and Innovation) ở Đại học Roskilde (Đan Mạch) và thật ngạc nhiên là nó chẳng giống gì ở ta cả: giám đốc chương trình được mời đến từ Thụy Điển; các vị giảng viên được mời đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển; chỉ có một ông giáo sư thuộc “biên chế cơ hữu” của đại học Roskilde, nhưng lại là người Italia. Tôi hỏi đùa các vị ấy, làm thế nào xin cấp phép đào tạo khi các vị không có “biên chế cơ hữu”? Ông giám đốc chương trình cười rất hóm hỉnh “Đây là Đan Mạch, chứ không là Việt Nam”.

3. Xin cấp mã ngành đào tạo

Mã ngành về hình thức là một dãy số tương ứng với tên gọi của ngành mà đơn vị của bạn được cấp phép đào tạo. Mã ngành được xây dựng căn cứ vào việc chuẩn hóa và thống nhất hóa một ngành đào tạo sẵn có, căn cứ vào sự hiểu biết của nhà quản lý về ngành đó ở một thời điểm xác định. Như vậy, các đơn vị sẽ không thể đăng ký đào tạo các ngành mới chưa được cơ quan quản lý chuẩn hóa mã ngành.

Quy trình này ngược. Đáng ra nơi nào đó muốn mở ngành đào tạo mới thì xây dựng chương trình, rồi đăng ký với cơ quan quản lý để được cấp “mã ngành”. Tương tự như việc người dân xây nhà và đến cơ quan quản lý đô thị để được cấp số nhà. Cơ quan quản lý không thể làm ngược lại, nghĩa là chỉ cho phép những nhà tương ứng với các số nhà nhất định nào đó được xây dựng.

4. Phong giáo sư/Phó giáo sư

Ở Việt Nam, nay việc phong hàm giáo sư/phó giáo sư (GS/PGS) (nay được gọi là “công nhận chức danh GS/PGS” nhưng về bản chất vẫn không đổi) đòi hỏi bạn phải khai báo thành tích: đã đào tạo được bao nhiêu tiến sỹ, thạc sỹ (nghĩa là ngành cũ đã có sẵn), viết được bao nhiêu bài báo trên những tạp chí chuyên ngành (cũng là những ngành cũ đã có sẵn tạp chí), nghiên cứu được bao nhiêu đề tài, trong đó đề tài cấp nhà nước được đánh giá cao hơn cấp bộ, cấp bộ cao hơn cấp cơ sở. Còn những đề tài cấp cá nhân, như kiểu Học thuyết Tiến hóa của Darwin thì bị loại là cái chắc (!)

Như vậy, Việt Nam chỉ phong GS/PGS cho những nhà khoa học đang nghiên cứu, giảng dạy ở các ngành khoa học đã có sẵn, không hề có chuẩn đánh giá cho những nhà nghiên cứu mà các trường có thể mời về để bổ nhiệm GS/PGS nhằm giúp nhà trường mở ra những ngành đào tạo mới.
***

Tất cả những vấn đề được nêu trên đây, thoạt nghe có vẻ đúng về mặt chủ trương, nhưng nghĩ sâu một chút mới thấy nó dường như cam phận đi sau thiên hạ về KH&GD giữa một thế giới đang không ngừng phát triển.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)