Canh tân và tri thức từ phía người dân
Theo Curtis Carlson, trong một thế giới mà nhiều người được học hành và có các phương tiện công nghệ với giá thấp thì tri thức, sự canh tân từ phía dưới, từ người dân tuy có xu hướng hỗn độn, thiếu trật tự logic, nhưng thông minh. Còn tri thức, sự canh tân từ trên xuống thường trật tự hơn, nhưng sơ cứng và vô hiệu quả.
Theo Carlson, ngày nay, sự canh tân, dòng chảy của tri thức nên “đi xuống” chứ không “đi lên” (moving down, not up). Canh tân, tri thức phải từ phía người dân vì toàn dân thông minh hơn một nhóm người nhỏ và vì ngày nay, họ đã có các công cụ để sáng tạo và kết nối, hợp tác với nhau.
Lý do
Công nghệ thông tin-truyền thông (CNTT-TT) phát triển bùng nổ từ cuối thế kỷ 20 đến nay đã biến đổi hoàn toàn hoạt động sáng tạo, hợp tác và tương tác xã hội của con người. Nó trở thành cơ sở hạ tầng cần thiết nhất để đem tri thức, tư tưởng canh tân đến cho từng con người, ngoài ý muốn, sự bưng bít của từng nhà nước. Ban đầu CNTT-TT phát triển mang tính thị trường, nhưng về sau, tác dụng truyền bá tri thức, canh tân ngày càng được chú trọng. Chính vì vậy, ngoài các CNTT-TT chuyên dụng, đắt tiền cho nghiên cứu-sản xuất, người ta chú trọng tạo ra các công nghệ giá rẻ để hầu như ai cũng có thể có được. Họ không kinh doanh trên giá rẻ của sản phẩm CNTT-TT mà chú trọng đến các thông tin mà CNTT-TT đem đến cho con người cái gì. Các nhà nước chuyên chế, thường là nước đang phát triển, hấu như bắt buộc phải sử dụng và không thể từ bỏ được các CNTT-TT này. Ngày nay, thông tin, tri thức vượt qua mọi rào cản do con người đặt ra.
Chỉ vài năm nữa, công nghệ đám mây (cloud computing) sẽ còn đưa tri thức, sự canh tân thăng hoa và làm các nền toàn trị bất lực hơn nữa. Internet lúc đó, một mặt, như một máy tính ảo khổng lồ về cả khả năng xử lý và lượng thông tin. Mặt khác, giá truy cập sẽ rất rẻ vì đã được chế tạo dùng chung cho cả thế giới. Người dân chỉ cần mua một thiết bị truy cập internet với giá rất rẻ, có thể gọi là công cụ “lên mây”, để có thể đứng trên vai các khổng lồ của tri thức nhân loại và tung tăng tương tác với nhau.
Sự toàn cầu hóa của trí tuệ, sự tương ngộ của các tư duy khác biệt, sự tương tác rộng khắp, sự hội lưu của tri thức, ý tưởng của cả loài người sẽ tạo ra một sự cộng năng (synergy) chưa từng có, cả về khối lượng và về thuộc tính mới, mà con người chưa tiên lượng được. Một điều chắc chắn rằng: cho đến “vụ nổ lớn” đó (Big Bang), các thể chế, dù quốc gia hay quốc tế, chưa đủ cơ sở vật chất và năng lục để quản lý được khối tri thức và dẫn dắt được tư duy như vậy. Bàn tay vô hình (invisible hand) lúc này chơi xúc xắc với loài người. Nhưng ván xúc xắc của cả loài người nhất định sẽ thông minh hơn ván bài của vài cá nhân hay nhà nước chuyên chế đơn lẻ.
Gợi suy
Định luật Carlson đem lại một số gợi suy về khoa học-công nghệ-đổi mới (science-technology-innovation) và đặc biệt là tác dụng xã hội của nó.
Các thể chế sơ cứng, e dè cái mới, bưng bít thông tin, đừng ngăn cản canh tân công nghệ từ phía người dân. Nếu không hoạch định được sự canh tân từ trên xuống một cách hiệu quả thì tạo điều kiện tốt nhất để người dân, doanh nghiệp của người dân, tiếp cận thông tin, tri thức, đặc biệt là tri thức chung của nhân loại.
Các nhà nước, các định chế quốc tế hoạt động đúng theo tôn chỉ, ngày nay cũng trở nên sơ cứng, chưa theo kịp được sự bùng nổ về tri thức, ý chí canh tân của người dân, của xã hội. Họ chưa quản lý, định hướng, dẫn dắt được, chứ chưa nói đến khai tâm, khai lộ và thổi hồn cho thời kỳ phục hưng của tri thức, khoa học-công nghệ-đổi mới rộng khắp đang diễn ra.
Ngày nay, quốc gia, vùng miền hay khu vực, muốn phát triển phải dựa vào công nghệ và đổi mới. Sự phát triển trong giai đoạn này không còn đơn thuần là sự gia tăng về số lượng, ví dụ: phần trăm tăng trưởng, mà là sự thay đổi về triết lý, quan niệm về phát triển, về việc trả lời câu hỏi như: thế nào là phát triển? Phát triển để làm gì? Hoàn cảnh đang bắt loài người tái tư duy về con đường của mình. Chúng ta đang bước nhanh, nhưng cần biết đi về đâu. Chuyển đổi căn bản về mô thức đang thách thức loài người. Để làm được điều này, sự canh tân, mà ở đây chủ yếu là canh tân công nghệ (technological innovation), phải là một hoạt động, một lối sống của xã hội loài người. Cách mạng khoa học-công nghệ, công cuộc canh tân, không còn ở phạm vi quốc gia như ở các thế kỷ trước mà của cả loài người để mang lại sự biến đổi xã hội sâu rộng trên quy mô toàn cầu.
Định luật Carlson đem lại thông điệp rằng: tri thức, sự canh tân từ phía người dân là thông minh, tất yếu và không một nền chuyên chế nào ngăn cản nổi.
—
Tài liệu tham khảo:
– http://www.nytimes.com/2011/06/05/opinion/05friedman.html?_r=3
Thomas Friedman: Advice for China, The New York Times, 4-6-2011
-http://www.dailymotion.com/video/xhstpf_curtis-carlson-what-singapore-can-teach-us-innovators_news, phỏng vấn Curtis Carlson: Singapore dạy gì cho các nhà canh tân Mỹ? Tạp chí The Economist, 2011
– Phỏng vấn Dr. Curtis Carlson: Five disciplines of Innovation, 2008