Chính sách đồng bộ – nền tảng cho tiến trình tự chủ của các tổ chức KH&CN

Chính sách thúc đẩy tiến trình tự chủ của các tổ chức KH&CN và hình thành, phát triển các doanh nghiệp KH&CN được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học tự đứng trên đôi chân của mình bằng cách đưa những kết quả nghiên cứu vào phục vụ nhu cầu thực tiễn của đời sống. Tuy nhiên, để triển khai thành công các chính sách quan trọng này, cùng với các tổ chức KH&CN, nhà khoa học có quyết tâm và nỗ lực thực hiện, Nhà nước cần xây dựng, và ban hành các chính sách đồng bộ.

Đây là nội dung có thể rút ra từ phiên họp thường kỳ lần thứ IV ngày 25/4 tại Hà Nội của Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia (Hội đồng) bàn về kết quả thực hiện, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập và tình hình phát triển các doanh nghiệp KH&CN, trong đó Hội đồng đã lắng nghe đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ – Bộ KH&CN, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, cùng lãnh đạo một số đơn vị KH&CN báo cáo về thực trạng chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và tình hình phát triển các doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP.

Kết quả đạt được là hiện nay 100% các tổ chức KH&CN của Nhà nước đã được tự chủ trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN – họ có quyền chủ động trong việc xác định các nhiệm vụ KH&CN (ngoài các nhiệm vụ được Nhà nước giao và đặt hàng), ký hợp đồng, liên kết hợp tác thực hiện các nhiệm vụ và dịch vụ KH&CN, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và được sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp công lập cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định. Theo báo cáo của Bộ KH&CN, trong năm 2013 nhiều tổ chức có nguồn kinh phí từ các nhiệm vụ và dịch vụ KH&CN lớn hơn rất nhiều lần so với kinh phí hoạt động thường xuyên do Nhà nước cấp. Một số tổ chức như Viện Khoa học Vật liệu, và Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ (thuộc Vinacomin), v.v có nguồn thu từ các nhiệm vụ KH&CN từ vài chục tới hàng trăm tỷ đồng. 

Về hoạt động của các doanh nghiệp KH&CN, theo báo cáo của Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp KH&CN – Bộ KH&CN, một số doanh nghiệp đã hoạt động rất thành công, chú trọng vào việc đầu tư, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời sản xuất kinh doanh có hiệu quả mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận rất lớn như Công ty CP giống cây trồng Trung ương, Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, Tổng công ty vật tư và phân bón Nghệ An, Công ty Thiên Dược, v.v. Một số doanh nghiệp KH&CN đã quan tâm xây dựng mối quan hệ hợp tác với các viện, trường theo cơ chế đặt hàng nghiên cứu, thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển, đồng thời chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần vào công cuộc xây dựng thị trường KH&CN còn rất sơ khai của Việt Nam.

Những tồn tại, thách thức

Theo báo cáo của Bộ KH&CN việc thực hiện Nghị định 115 mặc dù đã đạt được một số thành công nhất định nhưng còn gặp nhiều khó khăn, trước hết do năng lực nghiên cứu triển khai của các tổ chức KH&CN còn hạn chế, doanh thu và nguồn kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn thiếu và lạc hậu, số lượng cán bộ có trình độ, năng lực và kinh nghiệm đang bị mai một dần, v.v. Trong khi đó, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN thực hiện quyền tự chủ theo Nghị định 115 vẫn chưa thực sự đi vào đời sống.

Khó khăn chung trong việc triển khai Nghị định 115, Nghị định 80, và Nghị định 96 của Chính phủ, theo PGS Chu Tuấn Nhạ, chuyên gia cao cấp của Hội đồng, là sự thiếu thống nhất, đồng bộ với một số Luật hiện hành (như Luật Đất đai, Luật Cán bộ Công chức), trong khi các cấp cơ quan Nhà nước chưa có ý thức tuân thủ cao đối với các chính sách KH&CN của Chính phủ, luôn mang tâm lý “ăn cây nào rào cây ấy”, làm khó dễ cho các tổ chức KH&CN thực hiện quyền tự chủ và các doanh nghiệp KH&CN. Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP. HCM, có nơi các cơ quan chức năng thậm chí không hề quan tâm tới sự tồn tại của Nghị định 115, khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc khi đề nghị được áp dụng các chính sách của Nhà nước tại những quy định của Nghị định này, như quy định về miễn giảm thuế, quyền trích lập quỹ, quyền hưởng ưu đãi về thuế, quyền tự chủ về tổ chức, v.v.  Họ viện cớ rằng Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định cụ thể, bà Ngọc cho biết.

Trong điều kiện hạn chế như vậy, số lượng các doanh nghiệp KH&CN được thành lập còn khá ít ỏi – tính đến hết tháng 3 năm 2014 mới có gần 100 doanh nghiệp đã được cấp hoặc đã thẩm định hồ sơ, chờ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Số lượng các tổ chức KH&CN của Nhà nước chuyển đổi tự chủ thành công cũng chưa đạt tiến độ mong muốn. Nhiều tổ chức KH&CN ngại chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ vì vẫn mong muốn được Nhà nước tài trợ tiền lương và nguồn kinh phí hoạt động bộ máy thường xuyên. Trong số 571 tổ chức KH&CN của Nhà nước mới chỉ có 249 tổ chức (44%) được phê duyệt sang loại hình tổ chức tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên, và việc phê duyệt này nhiều khi mang tính hình thức để đối phó với quy định về thời hạn thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Nghị định 96/2010/NĐ-CP – trong số 249 tổ chức tự chủ này vẫn có tới 84 tổ chức vẫn được các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục cấp nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên.

Trong khi đó, vấn đề tồn đọng, dôi dư những người lao động kém hiệu quả chưa được giải quyết, và lực lượng cán bộ nghiên cứu giàu năng lực vẫn tiếp tục mai một do tuổi tác cao hoặc chuyển ra ngoài làm để được hưởng nguồn thu nhập và những điều kiện làm việc tốt hơn.

Các giải pháp được đề xuất

Để có thêm các tổ chức KH&CN tự chủ và các doanh nghiệp KH&CN thành công, đa số các thành viên Hội đồng cho rằng sẽ cần có giải pháp từng bước, trước mắt là tăng cường các điều kiện thuận lợi giúp các tổ chức KH&CN thực hiện tự chủ thành công, thông qua việc xây dựng, triển khai một số chính sách giúp Luật KH&CN sửa đổi đi vào đời sống, như cập nhật, gia tăng mức chi thường xuyên, thực hiện cơ chế quỹ KH&CN và khoán chi tới sản phẩm cuối cùng, v.v. Theo ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng, những chính sách ưu đãi cho các tổ chức KH&CN tự chủ và doanh nghiệp KH&CN phải được tính toán chi tiết, cụ thể, ví dụ đối với chính sách miễn giảm thuế Bộ KH&CN cần phối hợp làm rõ với Bộ Tài chính về những khoản chi được miễn, lý do được miễn. Những quy định rõ ràng và minh bạch như vậy sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng thực hiện chính sách của nhà nước tại các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đồng thời tăng sự công bằng, giảm những vướng mắc và tiêu cực.

Bản thân Bộ KH&CN cũng cần sự minh bạch trong việc xây dựng các quy định phân loại mức độ tự chủ tại các tổ chức KH&CN, đưa ra các tiêu chí rõ ràng và phù hợp nhằm đánh giá tính chất đặc thù sản phẩm nghiên cứu mà các tổ chức này làm ra trong thực tế, từ đó xác định đâu là những tổ chức nghiên cứu cơ bản cần được Nhà nước tài trợ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên, và đâu là những tổ chức làm nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ KH&CN có nghĩa vụ tự chủ toàn phần hoặc một phần. Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp – Viện Nghiên cứu hạt nhân, hiện nay đang tồn tại những tổ chức khoa học chỉ có một vài người thực sự làm nghiên cứu cơ bản, nhưng toàn bộ bộ máy tổ chức vẫn đang được ngân sách Nhà nước (NSNN) bao cấp, gây ra sự thiếu công bằng, tâm lý ỷ lại, và lãng phí nguồn lực hạn chế của Nhà nước dành cho KH&CN.

Ngược lại, một số quan điểm cho rằng Nhà nước cũng không nên bắt buộc các tổ chức KH&CN phải tự trang trải kinh phí toàn bộ, vì nhiệm vụ chính của chúng là làm công tác nghiên cứu, không thể đòi hỏi có sức cạnh tranh như với các doanh nghiệp KH&CN. Đối với các tổ chức KH&CN làm nghiên cứu ứng dụng, theo ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, Việt Nam nên học tập theo kinh nghiệm từ New Zealand áp dụng mức tài trợ kinh phí hoạt động thường xuyên trong khoảng 50 – 60%, do đặc thù nghiên cứu ứng dụng luôn có những rủi ro không tránh khỏi.

Tuy nhiên, để giảm gánh nặng đối với NSNN và tăng hiệu quả sử dụng kinh phí nghiên cứu của Nhà nước, ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư và phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội, cho rằng Nhà nước cần tăng cường thu hút nguồn đầu tư của xã hội cho các hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ, trong đó thay vì tài trợ toàn phần cho các đề tài nghiên cứu và triển khai, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi để mời các doanh nghiệp đầu tư vào các đề tài đã được Nhà nước thẩm định – doanh nghiệp chỉ phải bỏ tiền sau khi đề tài có kết quả thành công.

Vấn đề tồn đọng, dôi dư cán bộ nghiên cứu kém hiệu quả

Đây là một trong những tồn tại khiến các nhà quản lý mong muốn thúc đẩy việc tự chủ các tổ chức KH&CN – người ta kỳ vọng rằng các tổ chức KH&CN được tự chủ sẽ chủ động hơn trong việc sắp xếp bộ máy, thay thế những cán bộ kém hiệu quả tại các vị trí làm nghiên cứu bằng những người có năng lực, trình độ cao hơn – nhưng lâu nay đã trở thành điểm nghẽn, khi việc thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy của các tổ chức KH&CN vẫn bị trói buộc trong những quy định của Luật Cán bộ Công chức hiện hành.

Trước tình trạng này, theo ông Đỗ Hữu Hào, ủy viên Hội đồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Nhà nước cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình tự chủ tại các tổ chức này, sau đó chuyển đổi chúng thành những doanh nghiệp KH&CN được cổ phần hóa, từ đó quyền tự chủ trong quản lý nguồn nhân lực và chế độ lương, thưởng, đãi ngộ nguồn nhân lực KH&CN sẽ tiếp tục được nâng cao thêm một bước.

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có tính khả thi ở những tổ chức KH&CN đủ năng lực và có tính chất phù hợp để chuyển đổi thành tự chủ hoàn toàn. Đối với những tổ chức KH&CN thiên về nghiên cứu cơ bản, hoặc những tổ chức mang gánh nặng quá lớn từ đội ngũ lao động dôi dư hiện có thì triển vọng để tự chủ thành công và tiến tới chuyển thành doanh nghiệp KH&CN là điều không thể xảy ra.

Vì vậy, chắc chắn trong thời gian tới Nhà nước sẽ phải nghiên cứu xây dựng những quy định đồng bộ, thống nhất, cho phép các cơ quan, tổ chức KH&CN được quyền quản lý nhân sự một cách chủ động và linh hoạt hơn. Như một số thành viên Hội đồng đã chỉ ra, chúng ta nên học tập kinh nghiệm từ những nước có nền quản lý KH&CN tiên tiến hơn, nơi lượng biên chế cố định không quá nhiều, phần lớn cán bộ nghiên cứu làm việc theo hợp đồng lao động và chế độ đãi ngộ được căn cứ theo sản phẩm thực tế mà họ mang lại. 
 
               

Tác giả