Chống gian dối, bảo vệ liêm khiết khoa học

Gian dối khoa học cũng cùng một loại bệnh như tham nhũng. Cho nên việc chống gian dối trong khoa học để bảo vệ sự trung thực, liêm khiết khoa học là yêu cầu bức thiết, cần quyết liệt ngay từ sớm, đừng để nó phát triển đến giai đoạn di căn không kiểm soát nổi. 

Một hình thức khá phổ biến của gian dối khoa học là đạo văn. Căn bệnh này trong xã hội ta đã từng bị phát hiện từ  nhiều thập kỷ trước, khởi đầu trong toán học. Lý do có lẽ vì trong toán học, khi một kết quả khoa học bị phát hiện là sao chép từ một công trình đã công bố thì rất khó chối cãi được.

Dù sao thì những vụ đạo văn trong khoa học tự nhiên thuở ấy vẫn còn hiếm. Một phần vì thuở ấy các nhà khoa học ta chưa có nhiều công trình công bố quốc tế, và cũng chưa bị nhiều áp lực phải có công bố quốc tế.

Nhưng khoảng mươi năm nay, tình hình đã thay đổi. Do xu thế hội nhập, công bố quốc tế ngày càng quan trọng đối với nhà khoa học. Từ đó đã nảy sinh không ít hiện tượng tiêu cực, và đạo văn xuất hiện ngày càng nhiều.

Cách đây ba năm trong ngành vật lý từng có môt vụ đạo văn rất tai tiếng. Một bài nghiên cứu vật lý của một số tác giả Việt Nam đã được đăng trực tuyến trên một tạp chí quốc tế có uy tín nhưng sau đó không lâu đã bị gỡ, với cáo buộc nặng nề là sao chép từ công trình của các tác giả khác ở nước ngoài. Tạp chí quốc tế có uy tín tất nhiên có cơ chế bình duyệt khắt khe, nhưng cũng không thể tránh khỏi thỉnh thoảng có trường hợp bài kém hoặc đạo văn vẫn lọt lưới. Có điều khi đã phát hiện ra có đạo văn thì họ xử lý thẳng tay, không chút nể nang, vì đó cũng là cách bảo vệ uy tín của tạp chí.

Tiếp theo vụ đạo văn tai tiếng trong vật lý, năm sau (2012) trong toán lại xảy ra một vụ lùm xùm về đạo văn. Tuy vụ này chưa gây tai tiếng trên quốc tế vì cả bài gốc lẫn bài sao chép đều là của các tác giả Việt Nam và đăng ở những tạp chí không mấy tiếng tăm, nhưng đáng tiếc việc xử lý trong nước không dứt khoát nghiêm minh, để tranh cãi kéo dài quá lâu làm mọi người tham gia ý kiến đều mệt mỏi, cuối cùng đành bỏ cuộc.

Điều nguy hại nhất hiện nay là hiện tượng bùng nổ đạo văn trong khoa học xã hội. Theo báo chí,  trong vòng 3-4 năm gần đây đã có đến hàng chục vụ luận án tiến sĩ về khoa học xã hội bị phát hiện đạo văn. Do vậy  muốn bảo vệ liêm khiết khoa học thì cần tôn trọng những chuẩn mực về công bố quốc tế ngay cả trong lĩnh vực khoa học xã hội.

Mà vấn đề thật ra cũng đâu có phức tạp gì lắm.  Khi ông A đăng một bài báo mà hết ¾ là sao chép nguyên si từ một bài báo khác đã công bố trước thì theo chuẩn mực quốc tế dứt khoát về lý đó là đạo văn, chưa cần xét nguyên nhân. Nhưng sau một hồi truy tìm được biết nội dung phần bài mà ông A sao chép là kết quả chung của một nhóm nghiên cứu trong đó A có tham gia tích cực, nhưng khi công bố kết quả này thì ông B là người hướng dẫn nhóm đã phạm sai lầm không ghi A là đồng tác giả. Như vậy cả hai người đều vi phạm đạo đức khoa học vì đã tìm cách tước đoạt kết quả nghiên cứu của nhau. Lẽ ra cả hai đều cần đăng bài công khai giải trình và nhận lỗi trước công luận thì việc cũng chỉ dừng ở đó. Nhưng đáng tiếc chúng ta đã không làm được như vậy. Vụ lùm xùm không được xử lý đúng đắn đã tạo một tiền lệ không hay về bảo vệ sự liêm khiết khoa học.

Điều nguy hại nhất hiện nay là hiện tượng bùng nổ đạo văn trong khoa học xã hội. Theo báo chí,  trong vòng 3-4 năm gần đây đã có đến hàng chục vụ luận án tiến sĩ về khoa học xã hội bị phát hiện đạo văn. Đặc biệt đáng chú ý, có một luận án tiến sĩ từng được bảo vệ xuất sắc cách đây mười năm (và tác giả nhờ đó đã được công nhận chức danh PGS), bỗng nhiên bị phát hiện có đến 1/3 nội dung sao chép nguyên si từ một công trình của một tác giả khác đã công bố trước. Ở nước ngoài trong trường hợp này vị tiến sĩ bị phát hiện đạo văn thường tự giác nhận lỗi và từ chức ngay chứ không cần đến tòa án phán xử. Nhưng ở nước ta,  với nhận thức kém cỏi về đạo đức khoa học người bị phát hiện đạo văn chẳng những không nhận ra lỗi mà còn kịch liệt phản đối, thậm chí kiện cả ra tòa cơ quan hữu trách đã xử lý họ. 

Công bằng mà nói, đạo văn không hoàn toàn chỉ là vấn đề ý thức đạo đức khoa học. Có thể còn do nhận thức chưa đúng đắn, chưa chặt chẽ về đạo đức nghề nghiệp, hay do trong một vài ngành chưa có chuẩn mực rõ về cách viết, cách công bố một công trình nghiên cứu khoa học. Nhiều người đạo văn dù biết rõ hành vi đó cũng xấu xa như ăn cắp, nhưng cũng nên tin rằng có người khác chỉ đạo văn một cách vô tư, không hề nghĩ rằng sao chép một kết quả nghiên cứu khoa học đã được công bố vào một bài được ký tên mình chẳng khác gì công khai chiếm hữu kết quả đó. Trong khoa học tự nhiên, một luận án tiến sĩ mà có đến 1/3 sao chép nguyên si từ công trình của người khác thì dù có ghi rõ nguồn trích dẫn hay không cũng đều không thể coi là công trình nghiên cứu nghiêm túc. Nhưng trong khoa học xã hội có vẻ điều đó chưa được coi là hiển nhiên lắm. Ngoài ra, đối với công bố quốc tế trong khoa học thì từ lâu đã có những quy ước cụ thể, tuy bất thành văn nhưng đã được chấp nhận rộng rãi, về cách bố cục, cách dẫn nhập vào đề tài được khảo sát, cách trích dẫn tư liệu, v.v. sao cho rạch ròi đâu là kết quả của chính tác giả, đâu là kết quả của người khác. Có thể do chúng ta ít có công bố quốc tế về khoa học xã hội nên chưa quan tâm đúng mức đến các quy ước đó chăng.

Dù sao muốn bảo vệ liêm khiết khoa học thì cần tôn trọng những chuẩn mực về công bố quốc tế ngay cả trong lĩnh vực khoa học xã hội.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)