Chủ động mới chỉ là điều kiện cần

Từ 3 hecta đất trồng được Đại học Nông nghiệp hỗ trợ, PGS. TS. Phan Hữu Tôn cùng một số đồng nghiệp đã tự bỏ tiền túi ra để xây dựng khu thực nghiệm của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nguồn gene Cây trồng.  Chủ động và say sưa trong nghiên cứu là phương châm hoạt động của họ. Tuy nhiên, để Trung tâm đứng vững, chỉ những phẩm chất đó không thôi thì chưa đủ.


Không thể bị động chờ đề tài, dự án

Từ Nhật trở về nước vào năm 1996, cùng với những người trong Khoa Nông học, Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Nông nghiệp Việt Nam), TS Phan Hữu Tôn đã bắt đầu nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng mới bằng phương pháp công nghệ sinh học. Đến nay, từ các nghiên cứu của mình, TS. Tôn đã chọn tạo năm giống lúa được công nhận cấp quốc gia bao gồm: TN 13-5 (2004), N91 và nếp NV1 (2011), T65 và nếp NV3 ( 2012). Các giống này có năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn và kháng được nhiều loại bệnh như bệnh bạc lá và đạo ôn như giống TN13-5, N91 và T65. Hai giống trong số đó, NV1 và NV3 đã được bán bản quyền với giá hơn 600 triệu/giống và hiện đang được trồng phổ biến ở nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng, trung du, miền núi phía Bắc.

Nguồn thu từ thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu như vậy chưa phải là nhiều, vì vậy trong thực tế, 70-80% kinh phí chi cho các hoạt động của Trung tâm là từ các đề tài, dự án của Nhà nước. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có dự án hỗ trợ của Nhà nước, TS. Tôn vẫn luôn sẵn sàng tập trung đầu tư nghiên cứu vào những hướng nghiên cứu tiềm năng có triển vọng ứng dụng rộng rãi. “Tiêu chí lựa chọn nghiên cứu của tôi là tập trung nghiên cứu chọn tạo giống mới những cây chủ lực quan trọng trong nông nghiệp Việt Nam. Mình phải chủ động chứ không thể bị động chờ đề tài, dự án” – TS. Tôn nhấn mạnh.

Học ở Nhật từ năm 1989 đến năm 1996, khi về nước, ông Phan Hữu Tôn được giao phụ trách dự án JICA của chính phủ Nhật (trị giá 6 triệu USD, hỗ trợ cho ba khoa của trường Đại học Nông nghiệp). Đồng thời, ông cũng là người thành lập khoa Công nghệ sinh học tại trường. Đến năm 2003, khi dự án JICA kết thúc, khoa Công nghệ Sinh học được “kế thừa” phòng thí nghiệm JICA khá hiện đại, đáp ứng đủ yêu cầu cho việc chọn tạo giống bằng chỉ thị phân tử DNA (là phương pháp nghiên cứu một đoạn gene để xác định tính trạng sinh vật), nuôi cấy mô và bảo tồn nguồn gene. Thực hiện dự án JICA trong bảy năm, từng đi dọc Việt Nam, sang cả Lào, Campuchia thu thập nguồn gene được gần 1000 giống lúa, TS. Phan Hữu Tôn nhận thấy tính thiết yếu của công việc lưu trữ, bảo tồn nguồn gen trong việc chọn tạo thành công giống mới theo mục tiêu. Đó là lí do ông Tôn cho ra đời Trung tâm bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng.

Không chỉ làm về lúa, TS. Tôn còn mở rộng đối tượng nghiên cứu sang các cây ăn quả, thực phẩm khác như cà chua, cam-quýt, khoai tây, ngô, bông, đậu tương và cây thuốc như nghệ. Ông chú trọng vào nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt và chống chịu được nhiều loại sâu bệnh, là những đặc tính thiết yếu của một giống để có thể thương mại hóa hay nói cách khác, để Trung tâm có thể bán được bản quyền giống. “Ngay cả khi lựa chọn cây chủ lực quan trọng, cũng không có gì chắc chắn là sẽ “xin” được đề tài, dự án” – TS Tôn nói. Chính vì vậy, lựa chọn hướng nghiên cứu hợp lí là điều kiện cần để đề phòng không có dự án, nhóm nghiên cứu vẫn có thể thu lại phần nào số vốn đã bỏ ra nhờ vào việc bán các sản phẩm nông nghiệp.

Bốn cây: ngô, đậu tương, bông, khoai tây trên gần mười loại cây đang được Trung tâm tiến hành nghiên cứu vẫn dựa trên “tiền túi” của những người sáng lập chứ chưa có đề tài, dự án triển khai. Ngoài ra, trong số các dự án Trung tâm tiến hành, với đề tài “Nghiên cứu chuyển gene vào dòng cây vô phối tạo cam, quýt không hạt” đã nghiệm thu từ năm 2013 nhưng những người sáng lập Trung tâm vẫn bỏ tiền của mình ra để tiếp tục nghiên cứu, thuê vườn để thử nghiệm một số dòng giống tốt, không hạt, chọn lọc từ nguồn gene đang sở hữu để hy vọng có khả năng nhân rộng và phát triển ra sản xuất.

Nhà nước cần đặt hàng để đưa sản phẩm nghiên cứu đến tay doanh nghiệp

Những dự án của TS. Tôn cho ra đời nhiều giống cây mới có giá trị thiết thực trong sản xuất bởi chúng  đều là những giống cây chống chịu với nhiều loại sâu bệnh nên giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tạo nông sản sạch nhưng vẫn có chất lượng cao. Với đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống cà chua chín chậm kháng virut xoăn vàng lá”, sản phẩm giống mới tạo ra sẽ giúp người nông dân bán cà chua với giá cao hơn vào thời kì trái vụ do cà chua có thể bảo quản được đến hai-ba tháng và khi muốn, người dân có thể xử lý để kích thích trái chín. Bên cạnh đó, virut xoăn vàng lá ở cà chua là virut chưa có hóa chất nào trị được nên giống cà chua này làm tăng năng suất khoảng 1,5 lần (từ 45 tấn/ha trung bình lên khoảng 60 tấn/ha). Hay, như công trình nghiên cứu khoai tây (vẫn chưa có dự án nào hỗ trợ) sẽ cho sản phẩm khoai tây chống bệnh sương mai (một loại nấm khiến lá, củ khoai bị thối, thường phát sinh trong điều kiện nhiệt độ thời tiết từ 22-23oC, nếu nặng có thể khiến người nông dân mất trắng vụ).

Tuy nhiên, TS. Tôn cho biết thường phải mất trung bình từ bảy-tám năm mới có thể chọn tạo được một giống mới ngay cả khi có sự trợ giúp của công nghệ sinh học. Chi phí để tạo ra một giống mới không hề nhỏ. Với Trung tâm của ông, mỗi năm cần khoảng ba-bốn tỉ đồng một chi phí hoạt động bao gồm tiền điện nước và tiền sửa chữa máy móc trang thiết bị phòng thí nghiệm; tiền thuê nhân công chăm sóc đồng ruộng, vườn cây; tiền hóa chất và cả tiền lương chi trả cho 10 nhân viên…Nếu không có kinh phí của đề tài thì đồng nghĩa với việc bảy-tám năm nhưng cũng không có gì chắc chắn rằng tiền bán bản quyền và giống cây có thể đủ để bù đắp cho các chi phí đã bỏ ra. Đó còn chưa kể, từ một giống mới được công nhận tạm thời cho đến khi được công nhận chính thức là một quy trình dài hơn hai năm bao gồm quá trình trồng thử nghiệm ở quy mô nhỏ, lẻ ở các ruộng, vườn cây và nhân rộng ở quy mô lớn hơn (vài trăm hecta) cũng đều phải cần đến kinh phí ứng trước.

Với điều kiện kinh phí hạn chế, không thể trực tiếp đến từng địa phương để thu thập các nguồn gen cây trồng nhưng hiện nay trung tâm đã có 3000 mẫu giống lúa; 500 mẫu giống cà chua; 150 dòng giống cam quýt trong đó có nhiều giống không hạt và kháng greening; 800 giống khoai tây; 600 dòng giống ngô; 400 mẫu giống đậu tương; 300 mẫu giống bông vải và khoảng 200 mẫu giống nghệ khác nhau…  TS. Tôn tự hào rằng, Trung tâm của mình có số lượng giống có thể không nhiều hơn nhưng đa dạng và phong phú hơn nhiều Trung tâm/viện có chức năng bảo tồn nguồn gene cây trồng khác. Phần lớn các giống cây trồng hiện nay mà ông có là những giống tốt ở nước ngoài. Để có được điều này, TS. Tôn đã nhờ sự giúp đỡ của những mối quan hệ mà ông có được từ những năm thực hiện dự án JICA, những khóa nghiên cứu ngắn hạn tại Mỹ và thời gian phụ trách quan hệ quốc tế ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Trong khi đó, theo TS. Phan Hữu Tôn, các doanh nghiệp thường không hỗ trợ Trung tâm trong quá trình chọn tạo giống mới mà chỉ mua khi đã có sản phẩm: “Kinh doanh nông nghiệp chủ yếu là bản quyền giống chứ chưa đến mức đặt hàng trước. Khi chưa có giống trong tay, họ sẽ không đầu tư cho mình”. Vừa qua, công ty Dược Bắc Ninh cũng yêu cầu Trung tâm của ông tạo ra một giống nghệ có năng suất và hàm lượng curcumin cao nhưng vẫn chưa dám mạnh dạn đặt hàng, đầu tư toàn bộ quy trình chọn tạo giống.  Hiện nay, 100% các đề tài mang tính đặt hàng mà Trung tâm trúng thầu đều là các đề tài cấp Bộ và cấp nhà nước.

Chính vì vậy, công tác đặt hàng của Nhà nước là rất quan trọng đối với hoạt động của Trung tâm, bởi qua đó, Trung tâm mới có thể đưa ra được các sản phẩm cụ thể, làm cơ sở để các doanh nghiệp cân nhắc triển khai áp dụng. Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nguồn gene cây trồng hiện đang sở hữu một nguồn gene lớn nhiều loại cây trồng rất đa dạng và phong phú, trong số đó có nhiều dòng giống chứa những gene đặc hữu. Với lợi thế này, ông Tôn khẳng định, chỉ cần đặt ra yêu cầu về các tính trạng từ trước, Trung tâm của ông hoàn toàn có thể tạo ra những giống cây trồng mới như mong muốn.

Cứ làm rồi sẽ có kết quả

Hiện nay, Trung tâm đang tiến hành ba đề tài cấp nhà nước và cấp Bộ. Nhưng với chi phí điều hành ít nhất là 200 triệu/tháng, kết thúc năm 2014, nếu không đấu thầu được thêm đề tài, Trung tâm sẽ không thể đứng vững. TS. Tôn kể: “Bạn không tưởng tượng được chúng tôi làm thế nào đâu: vất vả, say sưa. […] Từ Giám đốc trở xuống, làm việc như điên. Phó Giám đốc cũng phải chạy ra ngoài đồng cuốc ruộng. Chúng tôi không có kế toán, phải tự mình làm hết, tính toán chi li từng tí một.” (vị Phó Giám đốc Trung tâm ra ngoài đồng cuốc ruộng được ông nhắc đến ấy chính là Tống Văn Hải, từng tốt nghiệp loại xuất sắc Đại học Nông nghiệp năm 2002, sau đó từ bỏ lời mời của một công ty Nước ngoài để cùng TS. Tôn thành lập Trung tâm Nghiên cứu).

Học tập và nghiên cứu tại Nhật bảy năm,  TS Tôn cho rằng, ông hợp với người Nhật ở tinh thần làm việc hết mình, luôn đổi mới sáng tạo: “Người Nhật luôn tự hỏi, hôm nay đã làm được gì, ngày mai phải đổi mới những gì, làm thế nào để tốt hơn.[…] Chúng tôi phải làm tới nơi tới chốn, làm việc phải có hiệu quả, nếu không thì không có đề tài, không có đề tài thì không có nguồn thu”. TS. Tôn nghĩ nhiều đến sự bấp bênh của Trung tâm vì phụ thuộc quá nhiều vào khả năng tìm đề tài nhưng ông không bao giờ nghĩ đến thất bại của công việc nghiên cứu. Ông cho rằng, chỉ cần nhẫn nại là sẽ luôn tìm ra sản phẩm. “Nếu mình làm kiên trì, chăm chỉ, chịu khó, sát sao liên tục trong bảy-tám năm là sẽ có kết quả. Không có cái nọ thì có cái kia. Cứ làm thật nhiều. Trong 3000 mẫu giống lúa kia, tạo ra được năm, sáu giống lúa đạt theo mục tiêu là điều không hề khó. Vấn đề là phải ‘làm’ ” – PGS. Tôn chia sẻ.

Tác giả