Chủ trương trở lại với điện hạt nhân: Việt Nam có thuận lợi gì?
Việc Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với một tinh thần cởi mở và cầu thị đã mở ra khả năng trở lại của chương trình phát triển điện hạt nhân mà Việt Nam từng tạm dừng vào năm 2016.
Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano (thứ tư từ phải sang) tới thị sát địa điểm được lựa chọn làm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào ngày 10/1/2014.
Từ những ngày cuối tháng 10/2024, các cuộc thảo luận sôi nổi ở Quốc hội về những nguồn điện xanh, có thể phục vụ phát triển kinh tế bền vững và góp phần quan trọng vào kế hoạch đưa phát thải về không vào năm 2050 đã làm nóng nghị trường. Nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích về vai trò của điện hạt nhân trong xã hội hiện đại, khi các công nghệ số và các công nghệ lõi của nhiều ngành công nghiệp hiện đại cần nguồn điện năng ổn định, an toàn.
Tại phiên thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 7/11/2024, đại biểu Hoàng Đức Chính (Đoàn ĐBQH Hòa Bình) cho rằng, việc đưa nội dung về điện hạt nhân vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là bước quan trọng trong định hướng năng lượng quốc gia; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.
Hiện nay nhu cầu năng lượng ngày càng cao đã tạo ra xu hướng phục hưng điện hạt nhân trên thế giới. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) nhận định, Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng này và không thể không quan tâm đến quy hoạch đầu tư cho nhà máy điện hạt nhân được. Ông cho rằng Bộ Công thương cần sớm đề xuất, tham mưu cho Chính phủ báo cáo cấp thẩm quyền đề nghị sớm khởi động lại chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chưa khi nào, quan điểm về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam ở các cấp lại rõ ràng, dứt khoát và có sự đồng thuận cao như thế. Trước đó, trong phiên họp thường trực chính phủ với các bộ, ngành về tình hình triển khai các dự án quan trọng của Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào ngày 19/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trước mắt, dứt khoát không được để thiếu điện trong năm 2025, còn về lâu dài thì các cơ quan liên quan cần tham gia nghiên cứu về khả năng phát triển điện hạt nhân và tiếp tục hoàn thiện các quy định, thể chế và cập nhật, điều chỉnh quy hoạch điện VIII.
Với tầm nhìn về một nền năng lượng sạch, bền vững góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm, tại phiên thảo luận ở tổ 12 (gồm các đoàn ĐBQH Quảng Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn) về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ngày 26/10/2024, đã trao đổi về việc phải có chủ trương nghiên cứu về điện hạt nhân để xin ý kiến Quốc hội, sau khi Hội nghị Trung ương 10 nhất trí khởi động lại chương trình điện hạt nhân.
Sự đồng thuận này đã mở cánh cửa đầu tiên đưa điện hạt nhân trở lại Việt Nam. Vậy với chủ trương này, chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi hay thách thức?
Việc đưa nội dung về điện hạt nhân vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là bước quan trọng trong định hướng năng lượng quốc gia; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.
Ông Hoàng Đức Chính
Một nền tảng sẵn có
Tám năm trước, chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội biểu quyết dừng thực hiện, với 92,69% các đại biểu tán thành. Nghị quyết 31/2016/QH14 đã nêu rõ lý do dừng thực hiện là để “chú trọng phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường để cung ứng đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”.
Trong phiên thảo luận vào ngày 7/11, đại biểu Phạm Văn Hòa nhắc lại việc tạm dừng các dự án điện hạt nhân khi đó là vì nhiều nguyên nhân khác nhau như lo ngại về tính an toàn, chi phí đầu tư cao, vấn đề về công nghệ cũng như tình hình năng lượng toàn cầu vào thời điểm đó.
Chủ trương dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một quyết định mang tính thời điểm và phản ánh phần nào tình hình phát triển năng lượng lúc đó. Tuy nhiên, về bản chất, phát triển điện hạt nhân, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, đều thuộc về những chương trình hết sức dài hạn.
Không như nhiều loại hình năng lượng khác, công nghệ hạt nhân đòi hỏi rất nhiều thời gian, có thể lên tới hơn năm mươi năm, từ lúc phôi thai phát triển đến lúc được tối ưu, trưởng thành và nộp hồ sơ xin cấp phép lên các cơ quan pháp quy hạt nhân. Trên nền tảng công nghệ này, một nhà máy điện hạt nhân thông thường có thời gian vận hành dài tới cả 60 năm và có thể được mở rộng vòng đời tới hai mươi năm hoặc hơn nữa.
Vì vậy, khi lên kế hoạch cho một nhà máy điện hạt nhân, người ta phải coi đó là công trình thế kỷ và cam kết dành cho nó một sự quan tâm bền vững tương xứng. Năm 2014, TS. Nguyễn Quân, khi còn là Bộ trưởng Bộ KH&CN, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tia Sáng, đã lưu ý “Các dự án điện hạt nhân là vấn đề lâu dài, sẽ được sử dụng trong nhiều thập kỷ tới nên đòi hỏi một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt sự an toàn luôn được đặt lên hàng đầu”.
Dẫu dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng vào tháng 11/2016 nhưng rất nhiều công việc đặt nền tảng cho dự án vẫn còn tồn tại. Đó là thuận lợi quan trọng và cơ bản cho Việt Nam, nếu có chủ trương tái phát triển điện hạt nhân.
Theo tài liệu của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Thế giới (WNA) thì vào những năm 1980, Việt Nam đã có hai nghiên cứu ban đầu về điện hạt nhân, theo sau là một nghiên cứu khác vào năm 1995, trong đó có dự báo “Vào khoảng năm 2015, khi nhu cầu điện năng đạt tới mức hơn 100 tỉ kWh, điện hạt nhân nên được đưa vào cơ cấu điện năng để đáp ứng sự gia tăng liên tục về nhu cầu điện năng quốc gia vào thời điểm đó và những năm sau đó”.
Tuy không rõ WNA nhắc đến những nghiên cứu ban đầu nào nhưng sự thật là Bộ KH&CN (lúc đó là Bộ KHCN&MT) đã chuẩn bị chương trình này một cách thận trọng và khoa học thông qua việc thành lập chương trình KC 09-17 “Nghiên cứu Chiến lược phát triển KHKT và năng lượng hạt nhân ở Việt Nam”.
Lúc sinh thời, giáo sư Cao Chi từng kể, ông được giáo sư Nguyễn Đình Tứ, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (lúc đó là Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia) giao trọng trách chủ trì đề tài “Nghiên cứu Chiến lược phát triển KHKT và Năng lượng hạt nhân ở Việt Nam” (1992-1994). Với sự hỗ trợ của thư ký đề tài là TS công nghệ hạt nhân Lê Văn Hồng và một số đồng nghiệp khác, ông đã khảo sát tiến trình phát triển của công nghệ hạt nhân ở nhiều quốc gia nổi bật cũng như đánh giá các thế hệ công nghệ hạt nhân phổ biến trên toàn thế giới vào thời điểm thực hiện đề tài. Đó là nghiên cứu nền tảng để đưa ra những đề xuất về một công nghệ khả thi, có thể áp dụng và đem lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội cho Việt Nam.
Những đề xuất tin cậy về khoa học đã đem đến các bước phát triển quan trọng tiếp theo của điện hạt nhân. Với sự cho phép về mặt pháp lý và các chính sách quan trọng, đề án “Nghiên cứu tổng quan phát triển nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam” và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) dự án xây dựng điện hạt nhân tại Việt Nam vào năm 2002 đã được thông qua.
Dưới góc độ công nghệ, nghiên cứu tiền khả thi là đánh giá ban đầu cho một dự án điện hạt nhân để giúp xác định tính khả thi của dự án thông qua việc xem xét các yếu tố kỹ thuật, kinh tế, tài chính, điều hành và các nhân tố môi trường, xã hội. Theo MIT, một nghiên cứu tiền khả thi có thể bao hàm cả những vấn đề như an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân, đánh giá rủi ro, phát triển nguồn lực con người và các hệ thống năng lượng hạt nhân…
Trong tài liệu lưu trữ của WNA, Chính phủ Việt Nam đã thông báo vào tháng 2/2006 về việc lên kế hoạch cho thời điểm vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên 2000 MWe vào năm 2020. Sau đó, vào tháng 8/2007, kế hoạch tổng thể được ban hành với mục tiêu tăng tổng công suất điện hạt nhân lên 8000 MWe vào năm 2025. Sau đó, một nền tảng pháp lý và khung vận hành cho chương trình này được thành lập – Luật Năng lượng nguyên tử được Quốc hội ban hành vào tháng 6/2008, trong đó có một mục quan trọng về nhà máy điện hạt nhân với các quy định chặt chẽ về chủ trương đầu tư, địa điểm xây dựng, lập dự án, thi công xây dựng, vận hành nhà máy…
Với tinh thần cẩn trọng và sự hỗ trợ của các chuyên gia Nga và Nhật Bản, Việt Nam đã đánh giá, sàng lọc để từ rất nhiều địa điểm đề xuất ban đầu, xác định được hai địa điểm quan trọng, đáp ứng đủ các điều kiện rất khắt khe cho xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân là xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Các đoàn làm việc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tới thị sát tình hình ở cả hai địa điểm này. Đó là một thành quả quan trọng của dự án điện hạt nhân.
Cách đây một vài năm, Ninh Thuận đã “sốt ruột” đề xuất với chính phủ về việc bỏ quy hoạch ở Phước Dinh và Vĩnh Hải để dành đất cho các dự án phát triển khác của địa phương. Nhận xét về tình huống này, PGS. TS Bùi Huy Phùng (Hội đồng khoa học tạp chí Năng lượng Việt Nam) cho rằng “Theo kinh nghiệm quốc tế, các địa điểm chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân thường được quy hoạch và giữ trong vòng vài chục năm. Nhiều đơn vị, chuyên gia đã kiến nghị chưa nên chuyển đổi mục tiêu và Chính phủ đã giữ lại”.
Một thành quả quan trọng khác của chương trình là xác định được công nghệ cho nhà máy Ninh Thuận 1, công nghệ lò nước nhẹ cải tiến VVER-1200 (AES-2006) thế hệ mới do Nga phát triển. Đáng chú ý là Nga đã tuyên bố cung cấp nhiên liệu và tiếp nhận nhiên liệu đã qua sử dụng trong suốt vòng đời của nhà máy.
Dù kế hoạch ở Việt Nam đã hoãn lại vào năm 2016 nhưng công nghệ này được Nga sử dụng cho nhà máy Novovoronezh II (Nga), đồng thời xuất khẩu sang Ai Cập với nhà máy El Dabaa; Bangladesh với nhà máy Rooppur; Thổ Nhĩ Kỳ với nhà máy Akkuyu; Trung Quốc với hai nhà máy Tianwan, Xudabao.
Trong tháng 7/2024, Rosatom công bố đã thực nghiệm các điều kiện mới để đưa chu trình nhiên liệu lên 18 tháng và vận hành với sự thay đổi về công suất dao động từ 100% đến 40% mà vẫn đảm bảo được sự toàn vẹn và bền vững của thanh nhiên liệu.
Năm 2019, công nghệ VVER-TOI được Nga phát triển từ công nghệ VVER-1200 đã được Tổ chức Các yêu cầu hạ tầng kỹ thuật châu Âu (EUR) cấp giấy chứng nhận. Đây là những chỉ dấu quan trọng cho thấy công nghệ VVER-1200 thế hệ mới mà Việt Nam lựa chọn gần 20 năm trước vẫn là một lựa chọn đúng đắn.
Đáng chú ý, một trong những vấn đề trung tâm của dự án là nguồn nhân lực cũng được Nga hỗ trợ. Giáo sư Pierre Dariulat từng viết trên Tia Sáng, vào năm 2014, 344 sinh viên Việt Nam được cấp học bổng sang Nga để chuẩn bị cho dự án và 150 kỹ sư đã tham gia xây dựng nhà máy hạt nhân Rostov ở Nga. Vào đầu năm 2017, 28 sinh viên Việt Nam trở thành những sinh viên quốc tế đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo về công nghệ hạt nhân kéo dài sáu năm tại Trường Nghiên cứu ạt nhân Quốc gia Nga MEPhI. Bên cạnh đó, dù chưa lựa chọn được công nghệ cho nhà máy Ninh Thuận 2 thì Nhật Bản cũng bắt đầu đào tạo nhân lực cho Việt Nam, bắt đầu từ năm 2010.
Một bối cảnh quốc tế thuận lợi
Vào thời điểm Việt Nam quyết định dừng chương trình điện hạt nhân, sự phục hưng của điện hạt nhân mới bắt đầu le lói ở một số quốc gia với các quyết định dựa trên bằng chứng khoa học và tình hình kinh tế – xã hội nội tại. Một trong số đó là Nhật Bản, khi dần dần từng bước khôi phục vận hành các lò phản ứng với sự cho phép của cơ quan pháp quy và chính phủ.
Một trong những yếu tố thúc đẩy họ là tình trạng giá điện tăng lên 30% trong vòng ba năm sau tai nạn nhà máy Fukushima đã đặt thêm một gánh nặng cho ngành công nghiệp trong lúc đang căng sức đưa nền kinh tế đất nước trở lại mức cũ. Kể từ năm 2015 đến nay, Nhật Bản đã tái khởi động 13 lò phản ứng. Báo cáo của Viện Kinh tế năng lượng Nhật Bản lưu ý “nếu một nhà máy điện hạt nhân có công suất 1 GWe dừng hoạt động một năm ở một nơi có nhu cầu năng lượng hằng năm là 100 TWh thì tổng số chi phí nhiên liệu hóa thạch tăng lên 60 tỉ yên, phát thải CO2 do năng lượng tăng 4 triệu tấn CO2 và giá điện trung bình cũng tăng theo 400 yên/MWh”.
Những diễn biến sau đó cho thấy sự phục hưng của điện hạt nhân bắt đầu rõ nét khi một số quốc gia châu Âu bởi mục tiêu kép là đưa phát thải về không và tăng cường an ninh năng lượng. Czech, Hà Lan bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. Sau một chút, Ba Lan cũng mở cửa chuẩn bị cho việc vận hành một nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia mình. Là quốc gia từng có cuộc trưng cầu dân ý chống điện hạt nhân vào năm 1980, nhưng nay Thụy Điển đã dịch chuyển chính sách năng lượng từ chỗ “100% tái tạo” sang “100% không nhiên liệu hóa thạch” và tiến trên con đường xây dựng ít nhất hai lò phản ứng vào năm 2035.
Theo báo cáo mà IAEA công bố vào tháng 9/2024, vào cuối năm 2023, trên thế giới có 413 lò phản ứng đã đi vào hoạt động, với công suất là 371,5 GW. Trong một kịch bản lạc quan về triển vọng mới năm 2050, công suất dự kiến tăng lên 950 gigawatt, cao gấp 2,5 lần so với năm 2023 còn trong kịch bản dè dặt thì công suất sẽ tăng 40% với 514 gigawatt.
Hiện nay, có khoảng 30 quốc gia mới đang cân nhắc hoặc tiến hành các kế hoạch tích hợp điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng hỗn hợp còn nhiều quốc gia khác đang tiến hành kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân hiện có. Một trong những nguồn điện phát thải thấp hiệu quả nhất về mặt chi phí là kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân hiện có.
Mặt khác, các công nghệ số mới như dữ liệu và AI đang làm tăng mức tiêu thụ năng lượng chóng mặt, ví dụ trong tháng 9/2024, OpenAI đã đề xuất lên Nhà Trắng một kế hoạch xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu 5 gigawatt – mỗi trung tâm dữ liệu cần sản lượng điện tương đương với năm nhà máy điện hạt nhân – trên khắp nước Mỹ, Bloomberg đưa tin. Cơn khát năng lượng của các trung tâm dữ liệu hỗ trợ cho cuộc cách mạng AI khiến nhiều gã khổng lồ công nghệ ở Washington, Thung lũng Silicon… bắt đầu coi điện hạt nhân là câu trả lời.
Những tiến triển của ngành hạt nhân cũng đem lại những đề xuất mới về công nghệ, ví dụ như lò phản ứng công suất nhỏ (SMR) mà một số thảo luận trong và ngoài Quốc hội đã đề cập đến. Tuy nhiên, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trong nhiều cuộc trao đổi, cho rằng SMR là một công nghệ mới chưa được kiểm chứng trên thực tế và cũng chưa được một cơ quan pháp quy nào trên thế giới cấp phép. Bên cạnh đó, việc sử dụng kim loại làm mát của SMR là một vấn đề phức tạp và chưa được hiểu biết nhiều như làm mát bằng nước nên sẽ đặt ra nhiều thách thức trong vận hành, nhất là với quốc gia mới như Việt Nam.
Do đó, khi nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thể nhận thấy rằng, những gì đã làm được trong quá khứ đã đem lại những thành quả rất có ý nghĩa mà giờ có thể kế thừa khi có chủ trương quay trở lại với điện hạt nhân. Việc tận dụng nguồn lực sẵn có này sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và công việc cho quá trình tái khởi động dự án.
Quá trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam: Những mốc quan trọng
Thành lập chương trình KC 09-17 “Nghiên cứu Chiến lược phát triển KHKT và năng lượng hạt nhân ở Việt Nam”, trong đó có đề tài “Nghiên cứu Chiến lược phát triển KHKT và Năng lượng hạt nhân ở Việt Nam” (1992-1994).
Tháng 12/1996, Hội nghị TW 2 (khóa VIII) đã xác định “chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2020” và trong phần Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2001 – 2010 của Văn kiện Đại hội IX đã định hướng nhiệm vụ “Nghiên cứu phương án sử dụng năng lượng nguyên tử”.
Thành lập đề án “Nghiên cứu tổng quan phát triển nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam”; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) dự án xây dựng điện hạt nhân tại Việt Nam (năm 2002).
Tháng 9/2009, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TW Đảng nhất trí chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận trên cơ sở Nghị quyết số 18-NQ/TW về Chiến lược Năng lượng quốc gia đến 2020 tầm nhìn 2050; tháng 10/2009, Chính phủ có tờ trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2009 trong nghị quyết 41/2009/QH12.
Tháng /2011, Chính phủ ban hành quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, xác định hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với 8 lò phản ứng công suất 1000 MW sẽ được khởi công vào tháng 12/2014 và hoàn thành vào năm 2022 (trong đó phát điện hai tổ máy số 1 của 2 nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm 2020).
Tháng 11/2016, trong Nghị quyết 31/2016/QH14, Quốc hội đã cho “Dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận”.
Bài đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)