Chúng ta hiểu gì về Trung Quốc?
Có lẽ là không nhiều lắm!
Xe tải nối nhau chở nông sản qua cửa khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Dân Việt.
Vào năm 2012, tình trạng cấm biên ở cửa khẩu quốc tế Móng Cái diễn ra từ tháng 3 đến tháng 10, chưa bao giờ lâu đến như vậy1. Hàng ngàn container, phần lớn là hàng đông lạnh bị ách lại tại đây. Các cơ quan chức năng tìm mọi cách để đưa hàng hóa sang các lối cửa khẩu khác, nhưng chỉ giải quyết được 1/30 số hàng đang lưu kho. Ngoài ra toàn bộ các dịch vụ lo giấy tờ xuất nhập khẩu ở Móng Cái – nguồn sinh kế của nhiều người dân ở thành phố này bị đình trệ.
Đến bây giờ, tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu mỗi mùa nông sản vẫn là nỗi lo thường trực của người dân. Thậm chí trong dịp Tết Nguyên Đán vừa rồi, Thủ tướng đã phải đăng đàn để chỉ đạo thông quan cho các hàng hóa xuất khẩu2. Đó chỉ là một ví dụ cho thấy một động thái nhỏ từ phía Trung Quốc có thể ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế – xã hội của Việt Nam. Nó khiến dấy lên câu hỏi, chúng ta đã hiểu gì về tư duy, hành vi và lựa chọn của quốc gia này để có thể “chung sống” với họ? Có lẽ là không nhiều lắm!
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng. Vì vậy, nhu cầu nghiên cứu Trung Quốc của Việt Nam là “tự thân”, “thường xuyên” của ông cha ta trong suốt chiều dài lịch sử để “thích ứng”. Kể từ sau khi hai Đảng thành lập và trở thành đảng cầm quyền, Trung Quốc và Việt Nam lại càng có nhu cầu “trao đổi và tham khảo kinh nghiệm của nhau”, bởi hai nước cùng chung mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển đất nước. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ với tham vọng trở thành một đế chế siêu cường, thì nghiên cứu về Trung Quốc học càng trở nên hết sức cần thiết.
Có những điều kiện đặc biệt như vậy, nhưng Việt Nam chưa tổ chức nghiên cứu người láng giềng này một cách đúng mức. PGS. Jonathan London, nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc, Đại học Leiden, Hà Lan cho rằng: “Những nhà nghiên cứu Việt Nam ở một vị trí mà lẽ ra phải có một hiểu biết sâu sắc hơn các quốc gia khác về Trung Quốc, nhưng lại hiếm khi có cơ hội triển khai và công bố những nghiên cứu sử dụng những phương pháp và tiêu chuẩn được công nhận trên thế giới”.
Thiếu liên kết và thông tin
Hiện nay, nghiên cứu Trung Quốc học được tập trung ở một số nơi, trong đó lâu đời và có nhiều dấu ấn hơn cả là Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Bộ môn Trung Quốc học, trực thuộc Khoa Đông phương học, đặt tại trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, còn Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc trường Đại học KHXH&NV TP. HCM mới thành lập ba năm nay và chưa có kết quả nổi bật. Ngoài ra, số đơn vị, chương trình nghiên cứu khác như Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ĐHQGHN thường phân tích cập nhật tình hình kinh tế Trung Quốc; các khoa dạy ngôn ngữ Trung văn thuộc Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN hoặc Đại học Hà Nội tập trung vào giảng dạy, giao lưu về ngôn ngữ chứ không nghiên cứu khu vực học. Việc nghiên cứu về Trung Quốc của các bộ ngành như Ngoại giao, Công an, Quốc phòng… thường tập trung vào các đối sách chứ không nhằm nghiên cứu liên ngành và toàn diện về Trung Quốc. Để nghiên cứu cơ bản tốt, các đơn vị chuyên nghiên cứu về Trung Quốc như Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm KHXH tập trung vào các chương trình nghiên cứu lớn gồm: Nghiên cứu Trung Quốc truyền thống; Nghiên cứu về Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là cải cách mở cửa; Nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, ngoài ra nghiên cứu phát hiện và cảnh báo sớm những nguy cơ có thể xảy ra, như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện nay sẽ đem lại các nguy cơ gì về kinh tế xã hội.
Mặc dù nghiên cứu cơ bản về Trung Quốc học có vai trò là “đầu vào” cho các tư vấn, tham mưu chính sách của các bộ, ngành nhưng việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị nghiên cứu với nhau và với các cơ quan tư vấn chính sách còn chưa tốt. Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc thuộc ĐHQGHN được mở ra từ năm 2016 với kỳ vọng triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu có tính liên ngành, xây dựng và kết nối chuyên gia nhưng cũng chỉ tập hợp lực lượng nghiên cứu Trung Quốc họp một lần duy nhất để bàn bạc … rồi cho đến nay chưa thấy khởi động lại. Theo GS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu của Trung Quốc, cơ quan nghiên cứu và tham mưu chính sách cần ngồi lại với nhau một cách “phi chính thức chứ không nhất thiết phải có cơ chế cứng nhắc” để cùng phân tích nhận định tình hình, khoảng 3 – 6 tháng một lần, nhưng cũng chưa thực hiện được. Các đơn vị tham mưu thuộc các bộ, ngành có nguồn tin riêng cũng như cập nhật thường xuyên từ các địa phương, còn các cơ quan nghiên cứu về Trung Quốc lại thường xuyên giao lưu học giả, nên có rất nhiều thông tin có thể chia sẻ cho nhau, cùng nhau phân tích. Tuy nhiên, có điều đáng tiếc là, “nhiều thông tin từ phía các cơ quan tham mưu thường khó tiếp cận”.
Những tiểu thương buôn bán hàng qua cửa khẩu Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Văn Chính.
Mặt khác, việc đầu tư cho nghiên cứu khu vực học về Trung Quốc có thể nói là “nghèo nàn” và chưa có một chiến lược bài bản. Nhiều sản phẩm nghiên cứu về Trung Quốc là nghiên cứu “chay”, tức là mới chỉ dừng ở chỗ tìm hiểu thông qua các nguồn tài liệu bằng tiếng Trung qua các trang mạng, chứ ít có điều kiện đi khảo sát thực tế tại Trung Quốc. Chỉ có một vài nhà nghiên cứu kỳ cựu mới đủ năng lực và kinh nghiệm xin các quỹ kinh phí cho khảo sát và giao lưu học thuật quốc tế. Cho nên, khi trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, ấn phẩm duy nhất có tính hàn lâm về nghiên cứu Trung Quốc hiện nay là Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc cũng có nhiều công bố dựa vào nguồn tư liệu cấp hai, thậm chí là công bố các vấn đề về Trung Quốc “thông qua con mắt của người Trung Quốc”. Những thành tựu đáng kể hiện nay về nghiên cứu Nho học Trung Quốc phần nhiều nhằm thông qua đó để hiểu về Nho học Việt Nam truyền thống, hoặc chuyển tải các nghiên cứu Nho học của Việt Nam ra nước ngoài, hơn là hình dung một cách đầy đủ về Nho học Trung Quốc, theo một nhà nghiên cứu đề nghị giấu tên của trường ĐH KHXH&NV Hà Nội.
Mặc dù ít ỏi như vậy, hiện chỉ có Viện Nghiên cứu Trung Quốc là có nguồn đề tài nhất định, và thường xuyên từ hệ thống đề tài cấp viện, cấp bộ… về nghiên cứu Trung Quốc, còn đa số giảng viên ở các trường đại học thường phải kiêm nhiệm công tác giảng dạy và cũng không có đề tài thường xuyên mà phải “bươn chải” để có được xuất bản phẩm. Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội có hàng chục đầu sách về Nho học, trong đó nhiều sách là kết quả hợp tác với Đại học Bắc Kinh và Đại học Quốc gia Đài Loan, chủ yếu gắn với sự nỗ lực vận động của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, hiện nay là Giám đốc ĐHQG HN, kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm. Trong khi đó, Đại học Sư phạm Hà Nội từng thành lập Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc nhưng từ lâu cũng phải dừng hoạt động và giám đốc Trung tâm chuyển hướng sang nghiên cứu Hàn Quốc học – theo TS Nghiêm Thúy Hằng, Bộ môn Trung Quốc học, Khoa Đông phương học, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. “Không được đầu tư, để các nhà khoa học tự bơi, tự đi tìm kinh phí nghiên cứu, thì nhà khoa học chỉ … bơi được thế thôi”, TS. Nghiêm Thúy Hằng nói.
Việc đào tạo nghiên cứu khu vực học về Trung Quốc ở Việt Nam cũng đang thiếu bài bản. Thông thường, để có được một số nhà nghiên cứu “sắc nhọn” về Trung Quốc học hay bất cứ một khu vực nào khác, các cơ sở đào tạo cần phải nhận được “đơn đặt hàng” của các cơ quan nghiên cứu hoặc bộ ngành để tuyển chọn sinh viên xuất sắc. Số sinh viên này được đào tạo ở trong nước với những nhà khoa học thực sự am hiểu Trung Quốc và sau đó sẽ được cử đi nước ngoài rồi về với những địa chỉ sẵn sàng nhận họ trở lại. Hiện nay nguồn kinh phí từ các quỹ quốc tế cho nghiên cứu sinh nghiên cứu về Trung Quốc rất dồi dào, vì “cả thế giới đang phải nghiên cứu Trung Quốc”, nhưng vấn đề đặt ra là nghiên cứu xong các em sẽ về đâu? TS. Nghiêm Thúy Hằng đặt câu hỏi. Nhiều học viên của bà sau khi được đào tạo bài bản xong đã đi tìm kiếm công việc khác hoặc chỉ dạy ngoại ngữ là “rất phí”. Hoặc nhiều người đi theo con đường nghiên cứu nhưng cứ phải “lờ phờ” với nguồn kinh phí ít ỏi cho tới khi tự mình tìm kiếm hoặc đứng tên được đề tài cấp bộ, và con số đó không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay trong số nhà nghiên cứu về khu vực học vẫn còn ít ỏi ở Việt Nam. Trong khi đó, các chuyên viên ngoại giao hầu hết được tuyển chọn chỉ với tiêu chí thành thạo tiếng Anh. “Thứ quan trọng nhất không phải tiếng Anh mà là hiểu biết về sự tương đồng và khác biệt giữa các quốc gia, giữa các nền văn hóa, nhất là trong bối cảnh xung đột về ý thức hệ và giá trị cốt lõi giữa các quốc gia, các nền văn minh. Do đó, học khu vực học, là để có căn cốt văn hóa, có mẫn cảm khoa học, giúp đủ phẩm chất, đáp ứng nhu cầu công việc [công tác ngoại giao]”, TS. Nghiêm Thúy Hằng nói.
Nghiên cứu “khu vực học được coi như là công nghệ trong KHXH&NV, học hỏi tất cả những thành tựu mới nhất của các ngành KHXH&NV, sau đó giải bài toán thực tế liên quan đến những quyết sách, vận mệnh, lợi ích quốc gia”, để tạo ra một “vũ khí lợi hại nhắm tới thay đổi tư duy con người, khiến cho con người đáng lẽ ra không đồng ý thì nay lại đồng ý” đã trở thành một chiến lược được đầu tư bài bản, không chỉ bởi các nước hùng mạnh, mà còn cả các tập đoàn như Ford, Rockefeller. Những bài học của nhiều quốc gia đã cho thấy vai trò của khu vực học, như cuốn sách “Hoa cúc và gươm” của Ruth Benedict đã giúp cho Mỹ thực sự hiểu Nhật Bản và trả lời được câu hỏi “ Nếu Mỹ ném bom nguyên tử thì Nhật hoàng có đầu hàng hay không?”, từ đó có chiến lược và quyết sách mang tính quyết định trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai. Không chỉ “nhất thời” như vậy, công trình so sánh văn hóa này của bà Benedict đã trở thành kinh điển, gối đầu giường cho những người làm chính trị ở Mỹ và cả Nhật Bản trong nhiều năm sau. Ngay cả Trung Quốc, trước khi tiến hành chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979, GS Đái Khả Lai và các cộng sự ở Đại học Trịnh Châu tiến hành các nghiên cứu về Việt Nam, biên soạn “sách trắng” và sau này nhóm của ông còn sản xuất cả các tài liệu ngụy tạo lịch sử về Trường Sa và Hoàng Sa. Còn Việt Nam thì sao? Nhìn thẳng thắn như PGS.TS Nguyễn Văn Chính, trường ĐH KHXH&NV HN, thì Việt Nam chưa hình thành cái gọi là Trung Quốc học theo nghĩa đầy đủ và toàn diện của từ này, mà mới chỉ có nghiên cứu về Nho học, Hán nôm học mà thôi.
Không thể ngày một ngày hai mà có những câu trả lời ngay lập tức, có những thành tựu nghiên cứu đóng góp vai trò quan trọng cho việc xây dựng chiến lược quốc gia được. “Không thể chỉ “hớt váng” mà có khu vực học. Khu vực học là một ngành học rất ‘lâu công, đắt tiền’ và cần đầu tư bài bản từ đào tạo cho tới thành lập nhóm nghiên cứu – vừa có nhà nghiên cứu khu vực học là trưởng nhóm, vừa có các thành viên từ các chuyên ngành KHXH&NV khác”, TS. Nghiêm Thúy Hằng nói. “Và nghiên cứu là để nhằm tạo ra ‘công nghệ’ hữu dụng cho các chính sách chứ không phải nghiên cứu để chơi”. Trước hết, cần có định hướng với nhu cầu thực sự, đặt hàng các nhà nghiên cứu trả lời những câu hỏi quan trọng. Thay cho tình trạng hiện nay là, mỗi khi xây dựng các chiến lược, thì chỉ có các chuyên viên ở các bộ ngành tiến hành, đến sát ngày ra văn bản mới bắt đầu lấy ý kiến các nhà nghiên cứu. Nếu vẫn còn tư duy theo kiểu “ăn đong” tuỳ tiện như vậy thì sẽ gây thiệt hại cho đất nước, khó có chính sách bền vững, khó lòng giải mã văn hóa để có ứng xử phù hợp, đối thoại thành công và chung sống hài hòa với các quốc gia khác, tối ưu hóa lợi ích quốc gia.
Vắng bóng trên các diễn đàn quốc tế?
TS. Nghiêm Thuý Hằng chia sẻ, không chỉ bà mà nhiều nhà nghiên cứu nhận định, từ trước đến nay, Viện nghiên cứu Trung Quốc của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam mới chỉ chủ yếu kết nối với giới học giả Trung Quốc, còn chưa có điều kiện tiếp xúc với các nhà Trung Quốc học của Mỹ và các nước phương Tây khác vì kinh phí và rào cản ngôn ngữ. Nhiều công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc phần nhiều tham khảo từ nguồn sách báo tiếng Trung. GS. Đỗ Tiến Sâm cho biết, những người vừa có chuyên môn về một lĩnh vực, vừa biết tiếng Trung vừa biết tiếng Anh như TS. Phạm Sỹ Thành (VEPR) là “hiếm” trong giới nghiên cứu trẻ về Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, khi chia sẻ với chúng tôi, TS. Thành cho biết mình còn ít công bố quốc tế vì những lí do liên quan đến công việc tư vấn cho các công ty bên ngoài.
“Trong khu vực học cần phải kết nối với Mỹ, Nga, Ấn Độ, Đài Loan” – TS. Nghiêm Thuý Hằng nhấn mạnh nhiều lần. Mỹ được coi là một trong những “cường quốc” về Trung Quốc học, khởi nguồn từ những năm 1950. Tất cả các “ngõ ngách” của Trung Quốc đều ghi dấu chân của học giả Mỹ, kể cả những vùng “nhạy cảm” như Tân Cương và khu tự trị Tây Tạng. Người Mỹ đã có được cái nhìn sâu sắc và chi tiết về gần như tất cả các khía cạnh của Trung Quốc truyền thống và đương đại3. Các trường Đại học lớn của Mỹ từ công lập đến tư nhân, các think tank, quỹ tư nhân đều đổ tiền cho Trung Quốc học. Rất nhiều sinh viên Trung Quốc tài năng có chuyên ngành về Hoa Kỳ học được tuyển luôn cho các chương trình Trung Quốc học ở Mỹ, nơi họ có lợi thế không phải bàn cãi.
Hội thảo “Chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc” năm 2014 do Viện Nghiên cứu Trung Quốc tổ chức. Tại đây, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng đã trình bày về những vấn đề đặt ra trong quá trình đi sâu cải cách toàn diện và chuyển đổi phương thức phát triển gần đây ở Trung Quốc. Nguồn: vnics.org.vn
Thế nhưng, giới học giả nghiên cứu Trung Quốc ở Việt Nam có vẻ xa lạ với phương Tây. Bill Hayton, nhà báo và nhà nghiên cứu tại một trong những think tank có ảnh hưởng nhất thế giới – Chatham House, tác giả của hai quyển sách Việt Nam: Con rồng trỗi dậy và Biển Đông – Sự tranh giành quyền lực ở châu Á, trả lời chúng tôi: “Ngoại trừ một hai ngoại lệ, nếu có học giả Việt Nam nào có thể bình luận về chính trị khu vực mà các nhà báo quốc tế có thể phỏng vấn, thì họ là những người làm việc ở nước ngoài. Những nghiên cứu của Việt Nam về Trung Quốc tìm đỏ mắt cũng không thấy”. Còn PGS Jonathan London chỉ thấy những mẩu bình luận cảm tính về Trung Quốc trên báo nước ngoài của các học giả Việt Nam chứ không phải là các nghiên cứu khoa học có bình duyệt. Nếu công bố quốc tế của Việt Nam gọi là có liên quan đến Trung Quốc thì phần lớn là về Biển Đông.
Một vấn đề khác mà các học giả phương Tây nhận định, là nghiên cứu Trung Quốc ở Việt Nam bị hạn chế tự do học thuật. Bill Hayton thì cho rằng ông không thể phỏng vấn người Việt Nam ở trong nước về vấn đề chính trị khu vực, một phần lớn là do họ luôn đề nghị giấu tên và không thể nói một cách tự do và độc lập như các học giả nước ngoài. Jonathan London thì cho rằng, những nghiên cứu phản biện Trung Quốc dễ bị coi là “nhạy cảm”. Ông lấy ví dụ, những nghiên cứu so sánh những hành động của Trung Quốc hiện nay với những động thái của các quốc gia được cho là bành trướng sức mạnh đế quốc trong lịch sử sẽ bị kiểm duyệt ở Việt Nam, điều mà không nhà nghiên cứu nghiêm túc nào có thể chấp nhận.
Trong khi đó, Trung Quốc đã có một bề dày lịch sử trong lĩnh vực Đông Nam Á học, khởi đầu từ trước những năm 1950 – 60, học hỏi phương pháp và quan điểm tiếp cận từ Xô Viết, để phục vụ việc xây dựng chính sách ngoại giao. Thời điểm bấy giờ có bốn cơ sở đào tạo và nghiên cứu của địa phương, chủ yếu tập trung vào dạy ngoại ngữ của các nước Đông Nam Á, nghiên cứu về cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, lịch sử Đông Nam Á và chính sách ngoại giao của nước này. Tuy nhiên, đến năm 1980-90, ngành học này mới trở thành đầu tư mũi nhọn của Trung Quốc, bùng nổ và được giảng dạy rộng rãi ở hơn mười trường đại học uy tín, lớn nhất của nước này, từ học vị cử nhân đến tiến sĩ và các viện nghiên cứu quốc gia trực thuộc Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại Trung Quốc, nghiên cứu mọi khía cạnh đa dạng của khu vực này từ ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, ngoại giao, luật… Mỗi đại học và viện nghiên cứu như vậy đều có từ một đến hai tạp chí khoa học uy tín trong lĩnh vực Đông Nam Á học. Ở thời điểm này, phương pháp nghiên cứu của họ đã được cập nhật và theo tiêu chuẩn cũng như lý thuyết của phương Tây. Các đơn vị nghiên cứu ở trung ương tập trung vào những vấn đề cấp khu vực nhưng các đơn vị nghiên cứu địa phương tập trung vào từng quốc gia.
Các nhà nghiên cứu Đông Nam Á, không phân biệt ở tỉnh hay trung ương, thường xuyên được mời tham vấn chính sách cho chính phủ và ảnh hưởng của họ lên hoạt động ngoại giao của Trung Quốc. Cụ thể là phần lớn những điều khoản Trung Quốc đặt ra trong Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc là do các học giả Đông Nam Á học của nước này đề xuất.
Việt Nam là một trong số những quốc gia trong Đông Nam Á được Trung Quốc quan tâm đặc biệt. Từ những năm 1950 – 60, các trung tâm, viện nghiên cứu Đông Nam Á của Trung Quốc đều dạy tiếng Việt. Hai trường Đại học lớn của Trung Quốc là Đại học Trịnh Châu (Hà Nam) và Đại học Bắc Kinh đều có bộ phận nghiên cứu Việt Nam học. Riêng Đại học Trịnh Châu, “bộ phận” này là một viện nghiên cứu độc lập, được thành lập từ những năm 1980. Theo một khảo sát trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á từ 1992 – 2004 của hai nhà nghiên cứu John Wong và Lai Hongyi, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia được nghiên cứu nhiều thứ hai, sau Indonesia. Các sinh viên học ngành Việt Nam học nói chung, đều được tuyển chọn, mỗi đợt chỉ khoảng trên dưới 10 sinh viên, vài năm một lần. Đến năm thứ hai đại học, Bộ Ngoại giao sẽ về tận trường đặt hàng những người xuất sắc, tài trợ học bổng để đi học ở Việt Nam một thời gian, về sau trở thành người điều hành các chiến lược ngoại giao. Theo TS. Nghiêm Thúy Hằng, nhiều đại sứ Trung Quốc hay cán bộ ngoại giao Trung Quốc ở Việt Nam từng được đào tạo bài bản về Việt Nam học từ những giáo sư hàng đầu Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh hoặc các đại học nổi tiếng khác. Bản thân Trung Quốc cũng mời người Việt Nam sang dạy về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nhiều trường đại học, theo diện chuyên gia với mức lương vài chục triệu đồng/tháng (bao chỗ ở). Trung Quốc cũng tận dụng những sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt Nam học tập tại Trung Quốc nghiên cứu về Việt Nam. GS. Đỗ Tiến Sâm kể rằng, ông bất ngờ khi thấy nhiều luận án, luận văn về Việt Nam bằng tiếng Trung lại do học viên và nghiên cứu sinh người Việt Nam du học tại Trung Quốc thực hiện với sự hướng dẫn của các giảng viên Trung Quốc.
Oscar Salemink, một nhà Việt Nam học hàng đầu và cũng thực hiện một số nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, sự phiến diện trong nghiên cứu về Trung Quốc sẽ ngăn cản Việt Nam có chiến lược và động lực để hiểu biết sâu sắc hơn về quốc gia này, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang trên đà lấy lại vị trí “cường quốc” trên toàn cầu (bên cạnh Mỹ và vượt qua Nga, Ấn Độ, châu Âu): Việt Nam không may bị rơi vào trò chơi địa chính trị của nước này nhưng đồng thời cũng gặp may hưởng lợi về kinh tế khi ở gần một nước lớn đang phát triển. Làm sao để thăng bằng trên vị trí này phụ thuộc nhiều vào chiến lược nghiên cứu Trung Quốc học của Việt Nam. □
—–
1https://laodong.vn/archived/doi-ben-cung-thiet-vi-cam-bien-tai-cua-khau-mong-cai-672292.ldo
2https://tuoitre.vn/thu-tuong-chi-dao-thong-quan-hang-hoa-xuat-khau-tai-tan-thanh-20180209092327679.htm
3https://www.chronicle.com/article/Chinas-Deficit-in-American/123884