Chuyển đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động

Nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản trong quản lý KH&CN, ngày 28/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, trong đó đưa ra giải pháp có ý nghĩa đột phá: “Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập”.

Thực hiện giải pháp này, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập với nhiều quan điểm và nội dung quy định của Nghị định đã được cộng đồng khoa học đánh giá là một cuộc cách mạng trong quản lý và được coi như Khoán 10 trong hoạt động KH&CN. Sau khi Nghị định 115 được ban hành, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, ban hành tám Thông tư và một Quyết định để hướng dẫn chi tiết triển khai một cách có hệ thống và đồng bộ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương đến 31/12/2014, trong tổng số 642 tổ chức KH&CN công lập (gồm 473 tổ chức thuộc các Bộ, ngành và 169 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), có:

– 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (đạt 76%), trong đó có 380 tổ chức thuộc các Bộ, ngành và 108 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

– 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó có 93 tổ chức thuộc các Bộ, ngành và 61 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, đến nay còn 154 tổ chức chưa được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mặc dù Nghị định 115 sửa đổi quy định hạn cuối cùng các tổ chức phải được phê duyệt đề án là ngày 31/12/2013.

 

488 là số tổ chức KH&CN công lập đã chuyển đổi sang cơ chế tự chủ trong tổng số 642 tổ chức KH&CN công lập.

Nhằm xác định những nguyên nhân dẫn đến việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập vẫn chưa đạt được những mục tiêu đã đề ra và tìm giải pháp thúc đẩy vấn đề trên, Bộ KH&CN đã phối hợp với Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đã tổ chức “Hội nghị toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công lập” với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh thành. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng và Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã chủ trì và điều hành hội nghị.

 

Hầu hết ý kiến của các đại biểu tại hội nghị đều khẳng định tính đúng đắn của Nghị định 115, đồng thời chỉ ra một số nguyên nhân, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như chậm ban hành văn bản hướng dẫn thiếu đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật, tiềm lực KH&CN còn hạn chế… nhưng trước hết là do chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị định 115 đối với sự phát triển KH&CN, từ đó thiếu quyết liệt và nghiêm túc trong chỉ đạo thực hiện của nhiều ngành, địa phương.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ mục đích và động cơ của việc thúc đẩy tự chủ của các tổ chức. “Tôi khẳng định, tự chủ không phải để giảm chi cho KH&CN. Tổng chi phí cho KH&CN ở nước ta không thua kém nhiều nước phát triển trong khu vực, dù rằng hằng năm ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN mới đạt 2% nhưng đó chưa phải là tất cả vì ngoài Nhà nước còn có đầu tư của doanh nghiệp và cộng đồng cho KH&CN, tự chủ không phải là siết biên chế và giảm số người làm KH&CN bởi mục tiêu của Nhà nước luôn là làm sao tăng số nhà khoa học và tăng kinh phí làm KH&CN; nếu giảm, có chăng chỉ là việc sử dụng kinh phí, lãng phí; giảm số người làm việc không hiệu quả trong bộ máy làm KH&CN. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, tự chủ không phải là giảm số biên chế để cải cách tiền lương. Hiện nay, tổng số biên chế (trong đó có biên chế được mô tả, được giao theo quy định của Bộ Nội vụ và biên chế tự quyết của tất cả các đơn vị công lập) là 2,6 triệu người. Trong riêng khối KH&CN, chúng ta có 62.010 người, tức là mới chỉ chiếm có 2.5% tổng biên chế của tất cả các đơn vị trên cả nước.

Chúng ta đề ra quy định phải tự chủ trong các tổ chức KHCN không phải để làm một mô hình khác thế giới mà để khắc phục những bất cập để lại từ một thời gian dài bao cấp dẫn đến việc: Mặc dù cố gắng nhưng nguồn lực đầu tư cho KH&CN không được sử dụng một cách hiệu quả, không tạo được động lực để các thành phần ngoài nhà nước đầu tư cho KH&CN.

Từ những điều kể trên, theo tôi, chúng ta đừng bàn việc tự chủ là đúng hay sai mà chắc chắn đó là việc chúng ta phải làm, nếu chúng ta thực sự mong muốn đất nước có một nền KH&CN phát triển”.

Chìa khóa và cũng đồng thời là vấn đề cốt tử để nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN trong thời điểm này, theo như tôi nhận thức, đó là sự minh bạch hóa trong mọi hoạt động KH&CN từ việc ra đầu bài (tức là đăng kí đề tài, nội dung) đến quá trình nghiệm thu, đánh giá kết quả đề tài. Điều này đầu tiên phải được thực hiện ở Bộ Khoa học và Công nghệ và xuống đến cơ quan quản lí khoa học các cấp. –  Trích ý kiến của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam.

Để thực hiện được mục tiêu hết năm 2015 tất cả các viện nghiên cứu công lập phải chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cùng với việc nâng chất lượng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chính thức đề nghị “Bộ KH&CN chủ trì phối hợp với Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Nghị định 115 mới” nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhưng với nghị định này, chúng ta cần rút kinh nghiệm không để xảy ra trường hợp nghị định đợi thông tư rồi mấy năm nữa cũng chưa thực hiện được. Tôi đề nghị  Nghị định 115 mới khi được ban hành sẽ kèm thêm tất cả các thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện (và tốt nhất là đưa luôn vào nghị định)”.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)