CimaVax: Không chỉ là chuyện nghiên cứu vaccine
Ý chí của những nhà hoạch định chính sách và nỗ lực của các nhà nghiên cứu đã đưa Cuba trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tìm ra CimaVax - vaccine ung thư phổi không tế bào nhỏ. Không chỉ là loại chế phẩm có khả năng giúp ngăn chặn căn bệnh hiểm nghèo là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử vong cao thứ 4 Cuba, CimaVax còn đem đến cơ hội có thêm nguồn thu mới cho nền kinh tế Cuba.
Một nhà nghiên cứu Trung tâm Miễn dịch học phân tử Cuba. Ảnh: The Cuban Handshake.
Trong buổi làm việc với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại thủ đô Havana vào cuối tháng 3/2018, TS. Angelina Díaz García, giám đốc Trung tâm Công nghệ ứng dụng và phát triển hạt nhân (Ủy ban Năng lượng hạt nhân và công nghệ tiên tiến Cuba), đã cho biết: “Cuba bị cấm vận nên nhiều thứ [chúng tôi] tự phải làm. Tuy tự lực nhưng chủ trương của Nhà nước Cuba là phải làm ra những sản phẩm có chất lượng cao và đạt tầm quốc tế”. Câu nói của bà Angelina Díaz García đã gói gọn bí quyết thành công của khoa học Cuba nói chung và lĩnh vực nghiên cứu phát triển vaccine nói riêng – nơi Cuba có những sản phẩm thật sự đạt tầm quốc tế như CimaVax, loại vaccine được USAToday ca ngợi là “đột phá” hay đồng nghiệp tại Viện nghiên cứu ung thư Roswell Park (Mỹ) nhận xét “độc tính thấp, chi phí sản xuất và bảo quản thấp”.
Câu chuyện về vaccine CimaVax bắt đầu từ công trình “Vaccine ung thư trên cơ sở yếu tố tăng trưởng biểu bì để điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ” (Epidermal growth factor-based cancer vaccine for non-small-cell lung cancer therapy) xuất bản trên tạp chí Annals of Oncology vào tháng 3/2003 của các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Miễn dịch học phân tử tại Havana, Cuba. Thông tin này ngay lập tức “gây sốc” bởi người ta khó tin vào việc một trung tâm nghiên cứu của một quốc gia bị Mỹ cấm vận từ năm 1960 và mới được thành lập năm 1994 lại trở thành kẻ tiên phong về vaccine ung thư phổi – dạng ung thư thường gặp và gây tử vong thứ hai thế giới chỉ sau bệnh tim mạch. Việc tìm hiểu về ung thư phổi ẩn chứa thách thức bởi bản thân cơ chế hình thành và tiến triển của bệnh ung thư phổi rất phức tạp, liên quan đến nhiều dạng đột biến di truyền, mỗi loại đột biến lại có quá trình diễn biến bệnh rất khác nhau.
Nghiên cứu và phát triển vaccine theo tiêu chuẩn quốc tế
Bài báo của nhóm tác giả ở Trung tâm Miễn dịch học phân tử Cuba đã mô tả việc họ dùng loại vaccine trên cơ sở các yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF) để tăng cường hệ miễn dịch, ngăn chặn các khối u phát triển và điều trị thử nghiệm trên 40 bệnh nhân. Tuy lường trước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện và phát triển vaccine nhưng TS. Gisela González, người theo đuổi dự án từ năm 1992, không thiếu quyết tâm. Bà và các đồng nghiệp của mình, trong đó có TS. Tania Crombet Ramos – người sau này sẽ trở thành giám đốc Trung tâm, đã nỗ lực làm tất cả để thực hiện ước mơ của mình.
Một trong những thuận lợi ít ỏi mà họ có là sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo. Dù được thành lập vào giữa thời kỳ “đen tối” của đất nước nhưng Trung tâm Miễn dịch học phân tử là một phần quan trọng trong chiến lược đầu tư vào KH&CN của Chính phủ Cuba – chiến lược đưa ngành công nghệ sinh học đạt tầm thế giới với khoản đầu tư được cho là tốt nhất có thể.
Nhưng bản thân lợi thế này cũng chưa đủ sức lý giải thành công của các nhà nghiên cứu Cuba bởi ít ai bên ngoài Cuba biết được trên thực tế họ đã phải vật lộn với những khó khăn như thế nào trong quá trình nghiên cứu sản phẩm. Theo một số công trình nghiên cứu của họ được xuất bản trên các tạp chí quốc tế thì tính từ năm 1995 đến năm 2009, họ đã thực hiện tới 5 pha dự án để tối ưu loại vaccine này.
Từ góc độ của người có kinh nghiệm hợp tác kinh doanh vaccine với Cuba trong 10 năm qua, anh Đỗ Tiến Đạt – giám đốc Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), cho rằng, không riêng gì CimaVax mà với các loại vaccine khác, Cuba “làm nghiên cứu rất bài bản, họ cũng tự lực trong đánh giá các công nghệ, đánh giá đặc tính sản phẩm”. Theo anh, nguyên nhân sâu xa là “họ buộc phải tự chủ và bản thân các nhà khoa học của họ cũng phải cố gắng để có được một sản phẩm tốt phục vụ cho chính người dân”.
Trên The Guardian, TS. Gisela González khẳng định, các vaccine Cuba xuất khẩu đều được sản xuất trong nước. Có một sự thật là Cuba chưa từng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho đối tác nào và họ chỉ xuất khẩu vaccine thương mại ra một số thị trường quốc tế nên ít ai nắm được tường tận công nghệ của họ. Tuy nhiên với cái nhìn tỉ mỉ và tinh tế của một người từng làm nghiên cứu về vaccine trước khi đảm nhiệm công việc quản lý, anh Đỗ Tiến Đạt phân tích, việc thực hiện nghiên cứu một cách bài bản của Cuba được thể hiện ở hai yếu tố: 1. Nghiên cứu cơ bản tốt vì “muốn thử nghiệm cái gì thì cũng phải chắc chắn về mặt công nghệ” và họ xem xét rất kỹ bản chất dịch tễ học của bệnh tật nên “sản phẩm của họ có chất lượng và có nội hàm khoa học rất cao”; 2. Ý thức phải làm ra sản phẩm tốt nên họ vừa nghiên cứu cơ bản tốt để có bài báo, vừa có phát minh, sáng chế đi kèm. Ví dụ từ bài báo đầu tiên năm 2003, chỉ 6 năm sau, họ đã có trong tay 18 bài báo trên các tạp chí có hệ số IF cao và 4 phát minh cùng nhiều bằng độc quyền sáng chế ở Cuba và nhiều quốc gia khác.
Khi so sánh nỗ lực của Cuba với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong việc tìm ra vaccine ung thư phổi, anh Đỗ Tiến Đạt cũng nêu thêm nhận xét, tuy không bì được về kinh phí đầu tư so với các nhà sản xuất nhưng thuận lợi cơ bản của Cuba là có những cơ chế thuận lợi hơn để tiến hành thử nghiệm trên người- bước quan trọng trong phát triển và sản xuất vaccine, trong khi tại các quốc gia phát triển, bước này có những quy định ngặt nghèo và tốn kém. Anh cho rằng, bản chất của vấn đề là “họ phục vụ lợi ích của người dân, họ lại là những người làm nghiên cứu cơ bản rất giỏi nên họ kiểm soát được quá trình đó rất tốt”.
Do đó, theo nhìn nhận của anh, “Cuba là điển hình gần như duy nhất trên thế giới về tự lực trong nghiên cứu và sản xuất vaccine”.
Chiến lược thúc đẩy của chính phủ
Trong bài báo “Cuba lần đầu cho phép sử dụng vaccine điều trị ung thư phổi” trên The Guardian năm 2008, TS. Gisela González giới thiệu, sản phẩm này đã được điều trị thử nghiệm tại Canada và Anh. Bà dự đoán nó sẽ được thử nghiệm ở Mỹ trong vài năm tới. Trên thực tế, phải tới năm 2015, sau nới lỏng lệnh cấm vận của Tổng thống Mỹ Obama, công việc đó mới được thúc đẩy: tháng 10/2015, được sự chấp thuận của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Viện nghiên cứu ung thư Roswell Park bắt đầu thử nghiệm lâm sàng CimaVax trên người bệnh Mỹ.
CimaVax là vaccine ung thư phổi đầu tiên trên thế giới. Ảnh: The Cuban Handshake.
Vậy điều gì thuyết phục các quốc gia phát triển như Canada hay Anh đưa CimaVax vào thử nghiệm lâm sàng trước khi Cơ quan quản lý Dược và thiết bị y tế Cuba cho phép sử dụng vaccine rộng rãi? Câu trả lời là trong quá trình nghiên cứu, Trung tâm Miễn dịch học phân tử đã tư vấn cho Cơ quan quản lý Dược Cuba thiết kế một chiến lược mang tính toàn cầu, bắt đầu từ việc xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng, thông số kỹ thuật đi kèm đến việc chuẩn hóa các bước phát triển và sản xuất sản phẩm đạt yêu cầu về năng lực sản xuất thuốc tốt (GMP), thực hành lâm sàng tốt (GCP)– những tiêu chuẩn hết sức chặt chẽ của WHO về chất lượng sản phẩm. Rút cục, quy trình từ phòng thí nghiệm đến sản xuất trên quy mô công nghiệp này đã được Cuba xây dựng một cách tỉ mỉ với mục tiêu sẽ áp dụng trong phát triển các sản phẩm tương tự.
Hơn thế, tầm nhìn xa trông rộng đã đem lại cho Cuba “vũ khí” lợi hại khác, đó là việc được Tổ chức Y tế thế giới WHO công nhận đạt tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý vaccine quốc gia (NRA). Ông Rafael Pérez Cristiá, giám đốc Cơ quan quản lý Dược và thiết bị y tế Cuba trong một cuộc phỏng vấn trên Focus năm 2016 đã cho biết, WHO cấp phép tiêu chuẩn NRA cho Cuba ngay từ năm 2000 (để so sánh, có thể thấy mãi đến năm 2015, Việt Nam mới được WHO trao tiêu chuẩn NRA, chậm hơn Cuba 15 năm).
Nhờ hội tụ đủ những kinh nghiệm quản lý đến những nghiên cứu, thử nghiệm đã được chứng thực, vaccine của Cuba mới được quốc tế chấp nhận thử nghiệm lâm sàng. Việc chấp thuận cho các đối tác nước ngoài khác tham gia cùng cũng là một bước nhảy về tư duy phát triển của Cuba: 1. Bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ thông qua các bằng sáng chế được quốc tế công nhận; 2. Diện thử nghiệm được mở rộng ở nhiều quốc gia khác mà không phải mất thêm kinh phí; 3. Hoạt động hợp tác này cho phép họ có cơ hội trao đổi thường xuyên với những chuyên gia quốc tế nhằm tăng thêm hiểu biết, kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm về quản lý vaccine.
***
Khi được hỏi, điều gì rút ra được sau 10 năm hợp tác kinh doanh vaccine với Cuba, anh Đỗ Tuấn Đạt cho biết, đó là kinh nghiệm về việc tự chủ, tự quyết về công nghệ đi kèm với tầm nhìn của nhà quản lý về vai trò của vaccine.
Vai trò của vaccine ở đây không chỉ nằm ở ý nghĩa góp phần phòng chống và chữa trị bệnh tật mà còn là sự đóng góp vào nền kinh tế. Ngay từ năm 2008, TS. Tania Crombet đã dự báo vào khả năng “cung cấp vaccine cho bất cứ bệnh nhân nào bởi nhiều người khác cũng muốn được điều trị tại Cuba. Nếu được Cơ quan quản lý dược và thiết bị y tế chấp nhận, chúng tôi sẵn sàng đón nhận bệnh nhân quốc tế”. TS. Danay Saavedra, một thành viên của Trung tâm cũng nhận xét, “phát triển vaccine là chính sách của Chính phủ Cuba để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân cũng như phát triển nền kinh tế”.
Nếu mọi chuyện thuận lợi thì cơ hội xuất khẩu vaccine và một số dược phẩm khác của Cuba vào thị trường Mỹ, và có thể là châu Âu, sẽ rộng mở. TS. Gisela González ước lượng, thị trường vaccine ung thư sẽ đạt tới quy mô hàng tỉ USD. Hiện tại, người ta mới biết đến nền công nghiệp y tế của Singapore nhưng trong tương lai, khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, có khả năng sẽ thêm Cuba. Do đó, vaccine có thể là một nguồn thu quan trọng của nền kinh tế Cuba, sau xì gà và đường.
—-
Tham khảo:
http://scielo.sld.cu/scielo.php?script=sci_arttext&pid=S1027-28522009000400009
https://www.wired.com/2015/05/cimavax-roswell-park-cancer-institute/
https://www.raps.org/regulatory-focus%E2%84%A2/news-articles/2016/9/destination-cuba-regulator-prepares-for-influx-of-novel-us-pharmaceuticals
http://www.scimagojr.com/journalrank.php?country=CU