Cơ chế nghiệm thu… phế phẩm

Việc đầu tư và tài trợ cho nghiên cứu ở lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn có rất nhiều bất cập. Thay vì nghiệm thu các sản phẩm khoa học đã được công bố, nhiều nơi hội đồng khoa học chiếu lệ chấp nhận những sản phẩm sơ thảo theo lối đếm trang đếm dòng. Vô hình trung, chúng ta đang tạo ra những quy cách nghiệm thu phế phẩm, chứ không phải là sản phẩm khoa học.

Tôi được biết, trong mỗi cơ quan nghiên cứu khoa học hằng năm đều có ngân sách đầu tư có hạn định một cách vừa phải và khiêm tốn. Những luồng ngân sách đầu tư phải giải trình rất nghiêm túc theo quy định giải ngân, nhưng nhiều khi lại không dựa trên thực tế công việc, khiến các cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý cấp dưới và các nghiên cứu viên công chức phải nghĩ ra mọi thủ thuật biến báo nằm ngoài phạm vi bình xét của đạo đức nghề nghiệp. Việc đầu tư có kế hoạch, có hạn định (không được làm nhiều hơn, cũng không được làm ít hơn) khiến cho mỗi cơ quan lại có một kiểu giải ngân riêng.

Ở một số viện, số tiền rót cho khoa học được bổ theo tiêu chí “nhân đạo”, tức là ai cũng như ai, bất luận là giáo sư hay cử nhân mới ra trường, đều được hưởng thêm số tiền đề tài cơ sở khoảng hơn 20 triệu/ năm/ người. Bởi lãnh đạo các cơ quan này chủ trương rằng, ai cũng có con cái, ai cũng phải sống, và nhu cầu dân sinh tối thiểu như nhau. Một mức thu nhập thêm tuy rằng không nhiều, nhưng cũng khiến cho sự công bằng về thu nhập được thực thi một cách nghiêm túc.

Ở một số cơ quan khác, thì ngược lại, những người có học hàm học vị lại được ưu đãi hơn. Vẫn với ngân sách chừng ấy, Giáo sư, Tiến sĩ, những người có thâm niên công tác và các chức sắc sẽ có nguồn kinh phí khấm khá hơn so với những nhân viên nghiên cứu mới vào nghề. Bởi người lãnh đạo cơ quan cho rằng, đó là điều xứng đáng cho năng lực làm việc và quá trình phấn đấu. Nhưng dù có sân siu như vậy, số tiền các thành phần ưu tú hơn kia thu nhập cũng chỉ nhích lên dăm chục triệu/năm/ người. Nguồn kinh phí nghèo nàn đầu tư cho Khoa học xã hội khiến cho khuôn mặt chung, sinh khí chung của các cơ quan nghiên cứu trở nên tẻ nhạt hơn bao giờ hết. Đám nghiên cứu viên trẻ thấy mình không có chút cơ hội nào để kiếm sống và tồn tại thì coi cơ quan như một chỗ ghé chân an toàn trong cơ chế, còn thì tất cả phải bung ra ngoài bươn chải, làm đủ mọi nghề, từ làm gia sư, luyện thi, cho đến làm thông ngôn, làm bồi bút viết thuê luận án.

Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng của những chuyên đề này mới đáng nói. Sau khi đăng kí đề tài xong, đến cuối năm thì hội đồng khoa học của nhiều cơ quan tự “đóng cửa” nghiệm thu. Hơn nữa, kết quả được nghiệm thu chỉ ở dạng “bản thảo thô”, còn nghiên cứu đó có tác dụng hay không, có ý nghĩa ra sao hoặc có được đăng trên các tạp chí chuyên ngành hay không thì cơ quan quản lý “không xét đến”. Chính vì cơ chế đầu tư cho ra sản phẩm thô để “nuôi sống” nhau từng năm chứ chưa bao giờ đầu tư một sản phẩm chất lượng để có thể công bố trên các tạp chí như vậy nên các viện nghiên cứu và trường đại học thuộc khối Khoa học xã hội và Nhân văn nói chung chỉ nghiệm thu “phế phẩm”. Không có gì lạ khi có nhiều cán bộ mang danh “nghiên cứu viên” hay giảng viên đại học không có nổi một bài đăng trên tạp chí nghiên cứu trong nước chứ chưa nói đến nước ngoài.

Mặt khác, các cơ quan nhà nước cũng không có cơ chế để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, các giảng viên công bố những công trình lớn hơn một bài viết khoa học. Nhiều luận án tiến sĩ sau khi bảo vệ mãi mãi nằm trong thư viện mà không bao giờ được xuất bản. Nơi thì lấy lý do không có ngân sách để đầu tư xuất bản. Người thì xấu hổ bởi luận án cũng chỉ là một thứ bài tập viết lách đã được hội đồng chiếu cố thông qua. Cũng không thiếu kẻ mừng thầm với lỗ hổng ấy, bởi những trang luận án mang tên họ chỉ là những sản phẩm cóp nhặt, xé bìa, sang tên đổi chủ. Càng tù mù thì càng dễ sống. Những người làm việc nghiêm túc thì chỉ còn cách tự xắp xếp ngân khoản cá nhân, tự phát vốn in ấn, phát hành để khỏi phí công lao nghiên cứu, hầu mong mình có đóng góp gì đó với xã hội.

Sự ưu đãi của nhà nước cho các ấn phẩm khoa học (sách vở, chuyên luận) thường chỉ dừng lại đối với các công trình cấp bộ được hội đồng đánh giá là có chất lượng. Nhưng phần lớn các đề tài cấp bộ cũng chỉ là đặc ân dành cho những người đã có thâm niên công tác, có vai vế trong hệ thống, có kinh nghiệm giải ngân. Những điểm không minh bạch trong cơ chế đấu thầu xin – cho khiến cho các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học trở thành những nơi trì trệ, hủ lậu.

Mấy năm trở lại đây, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những cơ quan đi đầu trong việc “khoán sản phẩm tinh” (sản phẩm đã xuất bản). Tức là, cơ chế nghiệm thu nội bộ đang được dần dần thay thế bằng các cơ chế mới tích cực hơn. Mỗi giảng viên ngoài nhiệm vụ đứng lớp, mỗi năm phải có số lượng bài nghiên cứu công bố nhất định trên các tạp chí chuyên ngành. Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có cơ chế khuyến khích công bố quốc tế bằng cách quy đổi sang tiền thưởng, mỗi bài quốc tế sẽ được nhà trường trao thêm “nhuận bút” với giá trị vài chục triệu đồng.  Nhưng những điểm sáng như thế mới chỉ đang le lói!

Bên cạnh đó, trong khối giảng dạy đại học, việc đầu tư cho biên soạn giáo trình trước nay vẫn đang bị kìm hãm trong cơ chế. Với số ngân sách 20 triệu đồng cho một đề tài biên soạn giáo trình, hầu hết các giảng viên đại học đều không có đủ nghị lực, sức lực để cống hiến cho công việc khó khăn này. Điều đó dẫn đến rất nhiều môn học đại học vẫn đang được dạy bằng các “bài soạn viết tay”, các giáo trình nội bộ chưa công bố. Tôi còn nhớ thời học đại học, cô giáo tôi cầm một xấp giấy ngả màu từ thời bao cấp được viết bằng bút mực ngòi gai, cô “giảng bài” bằng cách đọc tất cả các câu chữ, dấu chấm dấu phẩy, cho gần trăm sinh viên ở dưới chép lại. Đúng hôm trời nóng, cô vuốt tóc trượt tay, cả xấp bài giảng bay tan tác trên bục giảng. Cả lớp không ai dám cười, mấy bạn gái đầu bàn te tái chạy lên giúp cô, còn cô bình thản nhặt lại những mảnh vụn thời gian.

Tôi nghĩ, việc nhà nước không chú trọng đầu tư cho các giảng viên soạn giáo trình hay cao hơn nữa là nghiên cứu khoa học, vô hình trung đã tạo ra những con người “tròn vo cơ chế”. Có nhiều lúc lũ sinh viên chúng tôi cực đoan gọi họ là những “người đi bán họng”, bởi ngoài việc ra rả trên giảng đường, mỗi năm cả ngàn tiết (từ đại học cho đến tại chức, và các lò luyện thi), họ chẳng còn phương thức mưu sinh nào khác. Về sau, khi bản thân đã trở thành giảng viên đại học, tôi thấy những ngôn từ thời sinh viên thật “ác độc”. Sự thương cảm, chán nản và bất lực dần thay thế cho những nhận xét nông nổi trước kia.

Sống đã không đủ thì đừng có bắt người ta yêu nghề và làm khoa học cho đến nơi đến chốn. Một cơ chế như thế sẽ chỉ tạo ra các giảng viên phế phẩm, với những bài giảng phế phẩm, và buồn đau hơn nữa là rất nhiều sinh viên/ con người phế phẩm. Vì thế, cần phải có các hành lang pháp lý và tài chính cụ thể, để mỗi một đề tài, giáo trình phải có một khoản đầu tư trực tiếp cho việc công bố ngay từ khâu xét duyệt. Công bố không còn là vấn đề quyền lợi của nhà nghiên cứu nữa mà chính là vấn đề thiết thân của chính nhà nước. Bởi một khoản kinh phí đã đầu tư thì phải có một sản phẩm tương ứng thu về cho xã hội. Nếu chỉ đầu tư mà không có chế tài bắt buộc phải xuất bản và không có kinh phí xuất bản tương ứng, chúng ta mãi mãi sẽ chỉ nghiệm thu những phế phẩm mà thôi.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)