Cớ sao phải lo?

Nhà nước đã chọn được nhà toán học người Việt xuất sắc nhất theo đúng nghĩa của từ này để lãnh đạo Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, cái viện đáng lẽ ra đã được thành lập từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cớ gì mà chúng ta phải lo lắng nhiều như vậy trong cái thời điểm mà có biết bao chuyện phải lo như lúc này?

Tôi xin tự giới thiệu là người của cái Viện Toán “cũ”, mà theo cách gọi đùa (khiến nhiều người tưởng thật) của anh  Ngô Việt Trung là “Viện Toán sơ cấp” sau khi Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) được thành lập với Ngô Bảo Châu là Giám đốc khoa học và GS Lê Tuấn Hoa là Giám đốc điều hành.
 
Quy chế hoạt động của VIASM có thể xem trên mạng
http://vms.org.vn/news/QD2343TTG.PDF
Nhưng chắc nhiều người không có thời gian đọc, vậy tôi xin có vài dòng vừa chủ quan (vì là người làm toán) vừa khách quan (vì không nằm trong cái viện mới đó).
 
Trước hết xin nói về tiền. 650 tỷ cho 10 năm, vị chi là 65 tỷ hàng năm, gấp khoảng 10 lần kinh phí Viện Toán “sơ cấp” hiện nay. Tôi cứ giả sử cái Viện “sơ cấp” hiện nay của tôi được cấp chừng ấy kinh phí, thì theo tỷ lệ, lương tôi được khoảng 40 triệu một tháng. Chừng đó là số lương mà Đại học Tân Tạo trả cho một số Ph.D. xuất sắc về Toán mới từ nước ngoài về. Như vậy, nếu mà Viện Toán “sơ cấp” hàng năm được nhận 65 tỷ thì cũng chưa phải là cái gì quá khủng khiếp khiến báo chí tốn nhiều giấy mực tới vậy. Mặt khác cũng xin lưu ý rằng chi phí xây dựng 1 km đường (như con đường Xã Đàn ở Hà Nội) là 100 tỷ (tính theo thời giá khi xây con đường đó). Như vậy VIASM trong 10 năm có kinh phí của 6,5 km đường.
 
Vấn đề không phải là bao nhiêu tiền, mà là tiêu như thế nào. Cái mà thiên hạ lo lắng, ngoài con số tiền tỷ không lồ là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về sự tự chủ của Viện. Theo như báo chí thì Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ không yêu cầu VIASM phải nghiên cứu cái gì, việc sử dụng số kinh phí trên như thế nào là quyền của GS Ngô Bảo Châu và Hội đồng khoa học*…
 

VIASM không có khả năng đóng góp vào việc sản xuất xe máy ở Việt Nam hay “mua vui cho mọi người trong vài trống canh” nhưng đóng góp của nó cho cộng đồng toán học Việt Nam, qua đó ảnh hưởng tích cực tới chất lượng giảng dạy Toán học ở bậc đại học, cho đào tạo giáo viên phổ thông,…, là hoàn toàn hiện thực. Và đó cũng là mục đích, nhiệm vụ của VIASM.

Tôi có may mắn được nghe bài phát biểu đó của Phó Thủ tướng. Tôi không ghi âm và không chép nhưng cái mà tôi hiểu qua lời phát biểu là tinh thần tôn trọng quyền tự quyết của VIASM, đặc biệt là trong nghiên cứu. Đối với tôi đó là một thắng lợi. Cantor nói: “Bản chất của Toán học là tính tự do của nó” (The essence of mathematics is its freedom). Toán học không phải là một khoa học làm ra sản phẩm trực tiếp cho xã hội, vật chất cũng như tinh thần. Cái mà nhiều người lo lắng là tại sao nước ta, một nước chưa phát triển, lại xài sang như vậy – bỏ ra tới 6,5 km tiền đường để đầu tư vào Toán học, một ngành, theo nhiều người, là chẳng có ích gì cho Kinh tế-Xã hội cả? Tôi xin chép nguyên văn một đoạn trong Điều 3 (Nhiệm vụ) của Quy chế hoạt động của VIASM.
 
b) Tạo điều kiện làm việc thuận lợi để nâng cao trình độ các nhà toán học trẻ của các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở ứng dụng Toán học trong cả nước;

c) Tạo điều kiện làm việc thuận lợi để các nhà toán học Việt Nam có năng lực trở thành các chuyên gia quốc tế;

d) Hỗ trợ thiết lập và tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo của các nhà toán học trong nước; hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài;

đ) Hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa Toán học và các ngành khoa học có liên quan như: Vật lý, Khoa học máy tính, Khoa học trái đất, Khoa học sự sống, Kinh tế…
 
Như vậy mục tiêu đầu tiên của cái viện mới này là nâng cao “chất lượng nghiên cứu” của cộng đồng toán học, cái “chất lượng” này sẽ ảnh hưởng tích cực tới chất lượng giảng dạy toán học ở đại học và phổ thông. Tại thời điểm này tôi có thể khẳng định rằng một Ph.D. về toán với đúng nghĩa của từ này có thể xin việc tại bất cứ khoa Toán nào ở các trường đại học của Việt Nam. Điều đó phản ánh thực tế: nền giáo dục và khoa học của Việt Nam đang thực sự thiếu những người có trình độ về Toán. Như vậy VIASM không có khả năng đóng góp vào việc sản xuất xe máy ở Việt Nam hay “mua vui cho mọi người trong vài trống canh” nhưng đóng góp của nó cho cộng đồng toán học Việt Nam, qua đó ảnh hưởng tích cực tới chất lượng giảng dạy Toán học ở bậc đại học, cho đào tạo giáo viên phổ thông,…, là hoàn toàn hiện thực. Và đó cũng là mục đích, nhiệm vụ của VIASM.
 
Quay lại cái chuyện Phó Thủ tướng giao toàn quyền tự chủ cho VIASM, tôi cũng xin chép nguyên văn một đoạn khác trong Quy chế:

Điều 6. Đánh giá hoạt động:

Kết quả hoạt động của Viện sẽ được đánh giá định kỳ 03 năm một lần theo thông lệ quốc tế với sự tham gia của các nhà toán học hàng đầu của Việt Nam và các nhà toán học quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập trên cơ sở đề nghị của Giám đốc khoa học.
 
Theo thiển ý của tôi, Nhà nước đã chọn được nhà toán học người Việt xuất sắc nhất theo đúng nghĩa của từ này để lãnh đạo cái viện đáng lẽ ra đã được thành lập từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cớ gì mà chúng ta phải lo lắng nhiều như vậy trong cái thời điểm mà có biết bao chuyện phải lo như lúc này?
 

(*) Thông báo tài trợ nghiên cứu của VIASM có thể xem trên trang web của Viện.

* GS.TS Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học:

Số tiền 650 tỷ là dành cho Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đến năm 2020. Phần lớn số tiền này sẽ dành cho việc xây dựng trụ sở Viện toán cao cấp. Để thấy số tiền này có lớn không ta chỉ cần so với kinh phí 450 tỷ xây Trường trung học phổ thông Amsterdam.

Kinh phí hàng năm của Viện Toán cao cấp được cấp theo Chương trình hoạt động cụ thể hàng năm và phải tuân thủ định mức chi tiêu đã được Nhà nước quy định. Ví dụ như định mức thù lao nghiên cứu được dựa theo mức của Đại học quốc tế ỏ TP. HCM (thua xa Đại học Tân Tạo). Có thể thấy ngay kinh phí hoạt động hàng năm của Viện toán cao cấp không thể “cao cấp” được. Ví dụ như kinh phí được duyệt cho năm 2012 là 15 tỷ. Số tiền này có lẽ chỉ bằng kinh phí chi cho 3 giáo sư toán học ở các nước phương Tây làm việc hàng năm.

Kinh phí hoạt động như vậy quá nhỏ so với kinh phí hoạt động năm 2011 của các Viện nghiên cứu cao cấp tương tự ỏ các nước châu Á(quy ra đồng Việt Nam): Viện toán Lahore (Pakistan): 40 tỷ; Viện toán INSPEM (Malaysia): 40 tỷ; Viện toán Viện hàn lâm Đài Loan: riêng tiền thư viện hàng năm là 20 tỷ; Viện nghiên cứu cao cấp Hàn Quốc: 400 tỷ cho 3 ngành Toán, Lý, Tính toán (100 cán bộ nghiên cứu); Viện Tata ở Mumbay (Ấn Độ): 600 tỷ cho 4 ngành Toán, Lý, Tin học và Sinh vật.

* PGS.TS Trần Minh Tiến, Viện Vật lý:

Tôi nghĩ Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đã là việc xong rồi, bàn ra tán vào cũng không có ích gì nữa. Giá như trước khi quyết định thành lập, Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng khoa học thì có lẽ bây giờ, và mai sau sẽ đỡ có ý kiến dị nghị hơn. Tôi thấy chung quy dư luận hay dị nghị này nọ chẳng qua là do công luận thiếu niềm tin vào cộng đồng khoa học nói chung và cộng đồng toán học nói riêng. Có thể có những lý do khác nhau khiến công luận không có niềm tin đó. Quá khứ là một lý do. Lý do khác là có những việc làm khiến công luận không thể đặt niềm tin được, tôi lấy ví dụ, Hội Toán học từng đề nghị đưa một số người, theo những cách đánh giá nào đó, là chưa xứng đáng, vào Hội đồng Học hàm ngành toán. Ngoài ra, bây giờ tôi mới biết con số 650 tỷ này còn cho xây dựng cơ bản nữa, mà mọi người đều biết thất thoát trong xây dựng cơ bản được thừa nhận là 40%. Thành ra tiên trách kỷ, hậu trách nhân.
 
Thôi đành hy vọng Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán sẽ lấy lại được niềm tin của công chúng vào khoa học.  
 
* GS.TS Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành VIASM:

Vì là người trong cuộc, tôi không muốn lên tiếng. Chỉ quyết cùng với các nhà toán học xây dựng thành công VIASM. Chúng tôi rất biết, nó ra mắt chưa có nghĩa là đã thành công. Còn khi nào thấy thành công thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Mọi lí lẽ chúng tôi có đưa ra cũng chỉ là biện minh.

Tất nhiên Ban Giám đốc và Hội đồng Khoa học, ban tư vấn có chiến lược phát triển đàng hoàng, nhưng công bố cũng phải theo tình hình triển khai. Chúng tôi cũng không chạy theo số lượng, vì ai đó dự Forum trước lễ ra mắt quốc tế của VIASM nghe báo cáo đã thấy: Malaysia có tạp chí toán ở SCI-E, Viện Toán ở Lahore của Pakistan có số bài báo khoảng trên 200 ở SCI-E trở lên trong năm 2010, còn KIAS của Hàn Quốc chỉ có chưa đến 40 (mà anh Ngô Việt Trung đã thống kê, ngân sách của họ là 20 triệu USD). Tất nhiên là do cách tính của mỗi nơi. Nhưng ai cũng biết Hàn Quốc tiến như thế nào trong 20 năm qua và vai trò của KIAS, KAIST như thế nào. Tôi chỉ bổ sung thêm một điều: VIASM sẽ chỉ được hưởng cỡ một nửa trong số 650 tỷ của Chương trình Toán. Con số 650 tỷ hay một nửa của nó có giải ngân được hay không thì không ai biết được. Dù sao chăng nữa điều đó không quan trọng. Nếu làm được việc có ý nghĩa thì gần 400 tỷ (như dự định ban đầu) hay có tất cả 650 tỷ đến 2020 vẫn là quá ít. Còn không làm được gì, thì dù có 10 tỷ cũng là xa xỉ.

Tác giả