Cuộc hôn phối đã được xếp đặt

Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) là hiện thân của nền khoa học Pháp. Chiếm gần ¼ kinh phí chi cho nghiên cứu khoa học với 30.000 nhân viên và 1.250 phòng thí nghiệm. Dưới làn sóng chỉ trích của Chính phủ và dư luận, hiện CNRS đang đứng trước bước ngoặt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, và… Và liệu nó có trở thành người bà con nghèo nàn trong liên minh bắt buộc với các trường đại học không?

Trung tâm nghiên cứu thừa thãi quốc gia? Hay trung tâm cải cách treo? Đó là những biệt hiệu châm chích CNRS. Từ bảy mươi năm nay, hoặc gần như thế, những lời chỉ trích tương tự cũng nhắm đến các cơ quan nghiên cứu công lập Pháp: thụ động, quản lý yếu kém, không có khả năng hợp tác với các trường đại học hay các công ty… “Liệu có cần đến CNRS không?”, tháng 11/1985 người Pháp đã tự hỏi như vậy trên diễn đàn của đài TF1; lúc ấy, cánh tả chuẩn bị lên nắm quyền định giải tán nó; mười lăm năm sau, Bộ trưởng Claude Allègre lật lại chức danh “nhà nghiên cứu suốt đời” của những người làm công tác nghiên cứu tại trung tâm này; về phần François Fillon, Thủ tướng Pháp đương nhiệm có ý định biến nó thành “cơ quan hỗ trợ phương tiện nghiên cứu” cho các trường đại học. Trước hành động được xem như sự phá hoại có chủ ý, toàn bộ CNRS, từ nghiệp đoàn, ban điều hành đến các trưởng đơn vị nghiên cứu, đã phát động một cuộc phản đối quyết liệt.
 
CÁC ĐƠN VỊ NGHIÊN CỨU HỖN HỢP
Nút thắt của vấn đề chính là mối quan hệ giữa CNRS với các trường đại học. Nó chưa bao giờ đơn giản và cũng chẳng thân thiện gì. Những người bảo vệ cho CNRS lập tức nhắc lại rằng trung tâm này được thành lập năm 1939 chính là để vực dậy nền khoa học Pháp đang ngủ quên trong các trường đại học, nền khoa học ấy đến tận bấy giờ vẫn chưa biết đến công nghệ gene hay vật lý lượng tử. Năm 1966, chính vì muốn đưa công tác nghiên cứu do các quan chức quá thờ ơ với khoa học điều hành, trở lại các trường đại học, các đơn vị nghiên cứu hỗn hợp (ĐVNCHH) đặt dưới sự quản lý của cả Trung tâm và một cơ sở đào tạo đại học mới được thành lập. Hiện có 940 đơn vị loại này trên tổng số 1.250 phòng thí nghiệm của CNRS.
“Tất cả đã là quá khứ!”, Giám đốc các trường đại học hiện nay bẻ lại. Tuy nhiên, không vì thế mà dẹp bỏ các ĐVNCHH nổi tiếng đã được nhân rộng từ những năm 1990. Các trường đại học “trưởng thành” sau đạo luật Pécresse mong muốn quản lý các đơn vị này: “Đối với các trường đại học, hiện chẳng ích lợi gì nếu duy trì một cơ quan điều phối nghiên cứu khoa học quốc gia hoàn toàn mang tính chất đại cương”, Jacques Fontanille, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu thuộc hội đồng các giám đốc đại học giải thích. Nói một cách cụ thể: CNRS lo việc của CNRS (những lĩnh vực nghiên cứu cần các trang thiết bị đồ sộ như kính viễn vọng, siêu máy tính hay máy gia tốc phân tử), chúng tôi [các trường đại học] lo việc của chúng tôi miễn chúng tôi được cung cấp nhân sự và phương tiện. Đó cũng chính là các đề xuất của Tổng thống Nicolas Sarkozy trong chiến dịch tranh cử và là công việc mà Bộ trưởng phụ trách Giáo dục đại học và Nghiên cứu khoa học Valérie Pécresse được giao nhiệm vụ triển khai.
  LÀN SÓNG PHẢN ĐỐI
    Để đạt được mục đích trên, từ nhiều tháng nay, bà Bộ trưởng đã không ngừng thăm dò dư luận: liên tục khép lại và mở ra các trận chiến mới.
Trận thứ nhất vào tháng sáu năm 2007 khi bàn thảo đạo luật Pécresse về quyền hạn và trách nhiệm của các trường đại học. Sao không chuyển giao trách nhiệm quản lý nhân sự của CNRS cho các trường đại học? Ý kiến này nhanh chóng bị bác bỏ trước làn sóng phản đối của nghiệp đoàn … và các trường đại học từ chối gánh thêm trách nhiệm đó. Trận thứ hai diễn ra vào quý ba. Tại cuộc họp hội đồng quản lý CNRS hôm 18 tháng 10/2007, các đại diện của Bộ đã không bỏ phiếu thông qua bản kế hoạch chiến lược với lí do nó không đề cập đến mối quan hệ với các trường đại học. Thêm một làn sóng phản đối nữa. Do đó, bức thông điệp khẩn của Yves Langevin, Chủ tịch hội đồng các giám đốc phân ngành của Ủy ban Nghiên cứu khoa học quốc gia (Cơ quan thẩm định của CNRS) trịnh trọng cảnh báo (Chính phủ) đừng “chuyển giao quyền quản lý toàn Bộ các ĐVNCHH hiện nay cho các trường đại học”.

 
Logo của CNRS nổi tiếng trong cộng đồng KH thế giới

Trước làn sóng phản ứng mạnh mẽ, thêm một lần nữa, Valérie Pécresse lại lùi bước. Bà liên tục phát biểu những lời trấn an dư luận, phủ nhận ý muốn giải tán CNRS và bổ nhiệm cựu thứ Trưởng phụ trách Nghiên cứu khoa học François d’Aubert làm Chủ tịch Ủy ban xem xét tương lai các ĐVNCHH. Trung tuần tháng tư, ủy ban này đề nghị duy trì các đơn vị này. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2007 đến tháng 04/2008, trận chiến thứ ba đã được phát động. Sau khi Nicolas Sarkozy đọc diễn văn hôm 28 tháng giêng khẳng định “sứ mệnh thực sự” của các cơ quan nghiên cứu là “chỉ đạo các nghiên cứu tiến hành trong các trường đại học”, Valérie Pécresse đã gửi một bức thư công vụ cho Chủ tịch CNRS, Catherine Bréchignac, để yêu cầu bà này đưa ra các đề xuất theo hướng đó. Và nhằm đạt mục đích một cách chắc chắn, một số đại diện Nhà nước tại cuộc họp hội đồng quản lý Trung tâm để xem xét đề xuất của ban Chủ tịch theo thư công vụ của bà Bộ trưởng diễn ra ngày 27 tháng 3 phải công khai im lặng.
Tuy nhiên, trò thao túng ấy đã vấp phải một trở ngại: Catherine Bréchignac (không công bố quan điểm chính trị của mình) dẫu đã tham gia soạn thảo mảng nghiên cứu khoa học trong chương trình tranh cử Tổng thống của đảng UMP [đảng của Tổng thống Nicolas Sarkozy và đảng chiếm đa số ở Quốc hội] năm 2005 cũng không mảy may có ý phá hoại CNRS. Đối với nhà nghiên cứu “chủ nhà” này, cuộc chiến bà theo đuổi ở một trận tuyến khác. Năm 1999, khi đang giữ chức tổng giám đốc CNRS, bà đã phản đối thành công ý định của Bộ trưởng Claude Allègre muốn giảm vai trò của Trung tâm theo hướng có lợi cho các trường đại học. Dù một năm sau bà bị cách chức nhưng đổi lại bà rất được các đồng nghiệp trong cơ quan quý trọng. Chín năm sau, Claude Allègre tham vấn cho Tổng thống và Catherine Bréchignac đứng đầu CNRS vào năm 2006…
 
CÁC VIỆN NGHIÊN CỨU ĐỘC LẬP
Đầu tháng 6, lúc bài báo này được đăng trên tờ La Recherche, các đề xuất của Catherine Bréchignac đang được thảo luận nội bộ và sẽ chỉ được thông qua vào cuộc họp hội đồng quản lý ngày 19 tháng 6. Nhưng, một vài định hướng lớn đã được công bố. Theo yêu cầu của bà Bộ trưởng, Catherine Bréchignac đề nghị tổ chức CNRS thành các viện nghiên cứu theo mô hình của Viện vật lý hạt nhân và vật lý phân tử quốc gia (IN2P3) và Viện khoa học vũ trụ quốc gia (INSU) thuộc CNRS hơn là thành các khoa.
Liệu đây có phải một sự tái cơ cấu hành chính đơn thuần? Không hẳn! Hiện nay, IN2P3 và INSU rất tự chủ vì hai viện này quản lý các trang thiết bị đắt đỏ (kính viễn vọng, máy gia tốc phân tử, tàu thám hiểm đại dương) và việc sử dụng chúng phải được lên kế hoạch trong khoảng thời gian cả chục, hai chục năm: một mô hình “hiệu quả” trong lĩnh vực ấy nhưng không thể “chuyển giao” cho mọi ngành được, một văn bản có chữ kí của hàng trăm giám đốc phòng thí nghiệm của Trung tâm tố cáo tính “mơ hồ” của dự án ấy nhấn mạnh.
Thế thì, sự tái cấu trúc ấy liệu có ích gì? Những người phản đối nghi ngại CNRS không thể tiếp tục điều hành các viện này được. Chẳng hạn, theo mô hình trên chỉ huy dưới đã được tiến hành ở Cơ quan Nghiên cứu khoa học quốc gia (ANR – một cơ quan hành chính chịu trách nhiệm tài trợ các dự án nghiên cứu), Bộ chỉ đạo trực tiếp hoạt động của CNRS. Hiện nay, trong một chừng mực nào đó, ban điều hành Trung tâm có thể dành nhân sự và ngân sách cho khoa này nhiều hơn khoa khác tùy theo ưu tiên của Trung tâm. Đối với các viện nghiên cứu độc lập, việc điều hành sẽ rắc rối hơn … hoặc thậm chí tuyệt đối không thể được vì giám đốc mỗi viện do Chính phủ bổ nhiệm và sẽ đàm phán ngân sách trực tiếp với Bộ.
 
CNRS BỊ BÁN ĐỨNG?


Các nhà nghiên cứu CNRS biểu tình ở Paris

CNRS sẽ bị “bán đứng”. “Chúng ta hãy cứu lấy Nghiên cứu khoa học”. Quan điểm này là khoa xã hội và nhân văn. Thường xuyên bị Frédéric Joliot công kích là CNRS không ở đó để “tài trợ các tiểu thuyết”, nhưng khoa này chỉ được C. Bréchignac bảo vệ một cách yếu ớt vì bà đã làm một phép tính đơn giản: đây là khoa có số người về hưu trong những năm tới nhiều nhất và cũng là khoa có tỉ lệ nhà nghiên cứu thuộc CNRS trong các ĐVNCHH thấp nhất. Do vậy, dự án chuyển giao một phần khoa này cho các trường đại học ra đời với hi vọng có thể bổ sung một số vị trí sẽ được bỏ trống cho các ngành khoa học xã hội.
Trở lại vấn đề then chốt. Đó là mối quan hệ giữa CNRS và các trường đại học, theo đó cần phải “hiện đại hóa quan hệ đối tác” như từ V.Pécresse dùng trong thư gửi C. Bréchignac. Nhưng bằng cách nào? Trước tiên, nó dính đến sự nghiệp của mỗi người. Các giảng viên trẻ phàn nàn 192 giờ dạy mỗi năm ngốn hết thời gian của họ và khiến họ không có nổi một, hai năm làm việc liên tục cho một cơ quan nghiên cứu. Ngược lại, các nhà nghiên cứu của CNRS không muốn giảng dạy thường xuyên hơn. Nếu 60% các nhà nghiên cứu đi dạy thì họ thường chỉ đảm nhận các môn trình độ cao về chuyên ngành của họ. Để khuyến khích họ ở lại trên bục giảng lâu hơn thì phải tăng thù lao đáng kể. Giải pháp này đã được C. Bréchignac tính đến nhưng cuối cùng bị bác bỏ vì quá tốn kém. Thay vào đó là giải pháp tạo ra các “chức danh giáo sư CNRS”. Nó giúp một vài nhà khoa học trẻ đậu cả kì thi tuyển nghiên cứu viên và giảng viên làm việc 5 năm ở CNRS trước khi về lại trường đại học. Ít người nghĩ phương pháp này đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề. Thứ nhất, hầu hết những người giành thắng lợi ở hai kì thi (hơn 1/3 trên tổng số 400 nhà nghiên cứu được CNRS tuyển dụng mỗi năm) đều chọn Trung tâm. Do vậy, không dễ gì thuyết phục họ vừa giảng dạy vừa làm việc ở CNRS. Thứ hai, ai sẽ đề ra yêu cầu tuyển dụng? CNRS hay các trường đại học? Hay cuối cùng Bộ cũng quyết định ngay cả khi luật quy định quyền hạn và trách nhiệm của các trường đại học ra đời. Trong việc này, CNRS cũng có khả năng tiến hành chính sách khoa học của riêng mình. Thứ ba, sắp đặt như thế, trong ngắn hạn, sẽ dẫn đến nguy cơ “chảy máu chất xám”, như lời của Y. Langevin: các nhà khoa học kì cựu của CNRS sẽ chạy sang các trường đại học sau năm năm làm việc ở Trung tâm.
Vấn đề chia sẻ quyền lực quản lí các ĐVNCHH cũng được đặt ra. Ủy ban Aubert đề nghị nên duy trì các đơn vị này và giảm số lượng cơ quan bảo trợ xuống còn hai (một trường đại học và một cơ quan nghiên cứu) trong đó chỉ một cơ quan đảm nhận việc quản lý. Vấn đề nhiệm kì quản lí ở đây đặt ra thách thức đáng kể. Hiện nay, giám đốc một ĐVNCHH nắm hai “tay hòm chìa khóa”: một là kinh phí do trường đại học cấp, một do cơ quan nghiên cứu cấp. Vốn sung sướng khi có thể lèo lái hai hệ thống nổi tiếng tệ hại đó, phần lớn các giám đốc đơn vị nghiên cứu không phàn nàn gì. “Để có các kì nghỉ, để thay thế một nhân viên đau ốm, chúng tôi thích yêu cầu trường đại học hơn. Ngược lại, CNRS lại giỏi quản lí các hợp đồng với châu Âu hơn”, một giám đốc ĐVNCHH nhận định. Tuy nhiên, văn hóa khéo xoay xở ấy cũng kéo theo những sai lệch, những lỗi do trùng khớp lên nhau (đối tác của một ĐVNCHH thường không biết danh sách nhân sự đã được các đối tác khác bổ dụng cho phòng thí nghiệm), những lãng phí đáng tiếc. Do vậy, Bộ muốn chấm dứt tình trạng trên bằng cách giao toàn quyền quản lí cho một đối tác có cơ sở hạ tầng: đại đa số là các trường đại học.
 
QUẢN LÍ YẾU KÉM
Thế nhưng, công tác quản lý của các trường đại học thì như thế nào? “Thường là yếu kém”, các giám đốc phòng thí nghiệm than phiền. “Từ năm 2006, Đại học Nice và CNRS thử nghiệm giao quyền quản lí cho một đối tác duy nhất: 8 trên 17 ĐVNCHH được giao cho trường đại học và 9 đơn vị còn lại do CNRS phụ trách. Kết quả: các đơn vị do trường đại học quản lí nhanh chóng thừa nhận mình đã “gặp vận đen”: không thể tiếp nhận đơn đặt hàng vào kì nghỉ của các trường đại học bởi các phòng quản lí đều đóng cửa chẳng hạn”, một nhà nghiên cứu người Nice phát biểu. Hiểu sâu xa hơn, một nhà quản lý duy nhất đồng nghĩa chỉ một đối tác phải trả các khoản đóng bắt buộc đánh trên đầu số hợp đồng các nhóm nghiên cứu của đơn vị đó nhận được. Khoản đóng góp (vừa được nâng từ 11 lên 15%) chỉ của riêng  ANR trong năm nay lên đến 90 triệu Euro, gần bằng số tiền CNRS đầu tư cho các phòng thí nghiệm của mình (trừ khoảng đầu tư cơ bản). Như thế, các khoản này có thể sẽ rơi vào tay các trường đại học trở thành người quản lý phần lớn các ĐVNCHH!
Bộ Đại học và Nghiên cứu Khoa học nói sẽ chờ đợi chi tiết các đề xuất của CNRS trước khi dứt khoát vấn đề tiền bạc tế nhị này. Ban Chủ tịch Trung tâm vốn khéo léo tung hứng sự phản đối các đề án chính phủ của đa phần nhà nghiên cứu nỗ lực giữ lại sáng kiến trên bằng cách tăng cường các hướng cải cách.
Tuy nhiên, cũng như ở CNRS, chính vào thời điểm này, hội đồng quản lý các trường đại học sẽ quyết định tương lai các chính sách cải cách của Chính phủ. Thật vậy, các cải cách này dựa trên việc các trường đại học đều có một hội đồng quản lí mạnh mẽ và hiệu quả. Ấy vậy mà, do luật về quyền hạn và trách nhiệm của các trường đại học quy định số ghế của giáo sư và phó giáo sư như nhau nên nhiều trường đại học và những trường nổi tiếng (Paris-VI-Pierre-et-Marie-Curie, Paris-X Nanterre, Paris XII, …) đang đứng trước các hội đồng bị “cuộc chiến đẳng cấp” giữa hai đội ngũ có nền tảng đối lập nhau chia rẽ. Liệu các hội đồng này có khả năng đề ra một chính sách khoa học thực sự cho các trường đại học không? Nhất là mười hai trường đại học lớn nhất, tại đó có đặt một nửa số văn phòng các ĐVNCHH? Nếu các hội đồng này không làm được, các trường đại học sẽ không thực sự học được cách tự chủ và CNRS có thể vui mừng vì có thể bảo vệ được Trung tâm.
Hồ Thủy An dịch từ La Recherche 6/2008

Nicolas Chevassus-au-Louis*

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)