Đãi ngộ theo hiệu năng làm việc của nhà khoa học

Mục đích của việc ưu đãi, trọng dụng các nhà khoa học và công nghệ chính là việc tạo cho các nhà khoa học cơ hội phát huy tài năng, sự đam mê và môi trường làm việc minh bạch, lành mạnh, công bằng - yếu tố quyết định hiệu năng làm việc của họ.

Hiệu năng làm việc của nhà khoa học và công nghệ được đánh giá bởi sản phẩm đầu ra của họ. Đó là các bài báo khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế, các bằng phát minh sáng chế, là việc giải quyết các vấn đề công nghệ cụ thể, dưới sự điều phối trực tiếp hoặc sâu xa của các quy luật kinh tế thị trường.

Các giải pháp công nghệ này phải được doanh nghiệp sử dụng và đưa vào thương mại hóa. Do đó, giá trị của các hoạt động công nghệ phải được định lượng. Nếu không, giải pháp này sẽ không có giá trị. Chính vì thế, với các hoạt động công nghệ, nhà nước chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ về cơ chế và hành lang pháp lý, và một phần đầu tư nghiên cứu ban đầu, còn thực hiện phải do các doanh nghiệp hoặc cá nhân được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động công nghệ này thực hiện, và đóng góp đầu tư.

Vì thế, thay vì chỉ chú trọng vào một số ưu đãi vật chất theo vị trí đảm nhiệm, có thể dẫn đến bất công, cần cải thiện việc tuyển dụng và đánh giá tài năng; giữ sự đam mê bằng cách giúp nhà khoa học sống được bằng lương; và đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh, minh bạch và công bằng để cho tất cả các nhà khoa học, không phân biệt thâm niên và vị trí đảm nhiệm.

Nếu nhìn vấn đề theo cách này, thì toàn bộ nội dung của việc Nghị định về việc sử dụng và trọng dụng các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có thể rút ngắn lại để gói gọn trong 2 điểm sau, mà vẫn đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của việc trọng dụng này, và trực tiếp nâng cao hiệu suất làm việc của nhà khoa học:

Với các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học có công bố trên các tạp chí quốc tế (ISI), nhà nước sẽ được hỗ trợ kinh phí công bố khoa học và được tưởng thưởng, chẳng hạn 2000 USD/bài báo khoa học, không phân biệt tuổi tác, vị trí quản lý và nơi làm việc. Điều này sẽ khuyến khích các nhà khoa học tập trung làm việc, và hưởng ưu đãi trực tiếp dựa trên kết quả làm việc của mình một cách minh bạch và công bằng.

Với các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, nếu đề tài được xét duyệt, nhà nước sẽ hỗ trợ, chẳng hạn 50% kinh phí nghiên cứu triển khai, phần còn lại sẽ đến từ doanh nghiệp hoặc cá nhân được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động công nghệ đó. Điều này sẽ đảm bảo sự nghiêm túc của doanh nghiệp trong các hoạt động công nghệ, cũng như cam kết trong việc đưa giải pháp công nghệ ra thị trường.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm rằng, bên cạnh các yếu tố vật chất thì tinh thần tự do học thuật và cạnh tranh lành mạnh mới là những điều quan trọng nhất để thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển.
                           

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)