Danh mục tạp chí quốc tế có uy tín

Việc đưa ra các tiêu chuẩn cứng trong việc đánh giá chất lượng nghiên cứu là việc không thể tránh khỏi ở một đất nước mà khoa học chưa phát triển như nước ta. Dĩ nhiên sẽ có những bất cập khi dùng tiêu chuẩn cứng trong các danh mục ISI có uy tín và quốc tế có uy tín.

Thế nào là danh mục đúng? 

Việc lập danh mục tạp chí có uy tín là một việc rất phức tạp, ví dụ như ai đó có thể cho rằng tạp chí nào đó tốt, sau đấy lại có người cho tạp chí khác cũng tốt cũng cần đưa vào, cứ như thế không bao giờ dừng. Hay nói chuyện SCI và SCI-E, nếu đưa cả SCI-E vào thì danh mục tạp chí ISI có uy tín sẽ quá nhiều còn việc đưa thêm xếp hạng của Scimago chỉ cốt có được một bộ lọc tốt hơn. Bất hợp lý lúc nào cũng có và bất hợp lý lớn nhất là tại sao có tạp chí được tính gấp đôi so với một tạp chí có uy tín gần tương đương. Nhưng những quyết định cấp tiến như vậy sẽ khuyến khích mọi người bỏ công sức để có những công bố có chất lượng tốt hơn. 

Theo quan điểm của tôi, vấn đề ở đây là Quỹ NAFOSTED phải đưa ra được một phương án đánh giá thỏa mãn được các tiêu chí sau đây:

1) Áp dụng cho tất cả các ngành, tránh tình trạng mỗi ngành đưa ra những tiêu chuẩn riêng.

2) Không nên để các hội đồng ngành thêm bớt các tạp chí vào trong danh mục vì mỗi hội đồng từng nhiệm kỳ không bao gồm đại diện đủ các chuyên ngành. Không thể tránh khỏi chuyện người chuyên ngành nào thì chỉ thay đổi danh mục có lợi cho chuyên ngành đó. Cũng vì lý do này mà cộng đồng khoa học cũng không thể bầu chọn các danh mục tạp chí có uy tín được.

3) Không thể dùng chỉ số ảnh hưởng (impact factor) để xếp hạng tạp chí trong cả ngành vì mỗi chuyên ngành đều có cách trích dẫn khác nhau. 

4) Quỹ có thể dễ dàng lập các danh mục hằng năm và ai cũng có thể biết trước được tạp chí nào thuộc danh mục nào.

Xét về phương diện quản lý thì việc khó nhất là đạt được sự đồng thuận của tất cả các ngành. Đại diện hội đồng khoa học các ngành NAFOSTED đã thống nhất chọn phương án sau đây (sau rất nhiều cuộc thảo luận trực tiếp và qua mạng):

– Tạp chí ISI có uy tín = SCI giao với Q1 trong từng chuyên ngành của Scimago. 

– Tạp chí quốc tế có uy tín = SCIE giao với Q1+Q2 trong từng chuyên ngành của Scimago.

Danh sách tổng hợp là hợp của tất cả các danh sách trong từng chuyên ngành. Khi lập danh sách thì Quỹ có làm thống kê các công bố trước đây và thấy cách làm này hợp lý, xét về nhiều phương diện. Tuy nhiên phương án này đã bị loại và thay thế bằng danh mục tạp chí quốc tế có uy tín với các tạp chí thuộc nhóm  Q1+Q2+Q3 của ISI. 

Tuy nhiên, hội đồng ngành có thể đặc cách nghiệm thu các bài báo đăng trong các tạp chí dạng trên nếu thấy nó xứng đáng. Tương tự, các hội đồng ngành cũng có thể không nghiệm thu các bài báo đăng trong danh mục quốc tế có uy tín và phán xét của hội đồng sẽ đóng vai trò quyết định.

Tác động của danh mục tạp chí với chất lượng nghiên cứu

Cộng đồng khoa học trong nước cũng biết tác hại của chuyện đếm bài ISI. Ngồi trong hội đồng khoa học ngành nên tôi biết được thêm rất nhiều tạp chí ISI làng nhàng mà trước đây mình không biết là nó tồn tại. Nhiều người trẻ và giỏi chỉ còn chăm chăm “sản xuất” bài báo vì nhiều trường đại học thưởng rất cao các bài báo ISI (lên đến hàng chục triệu) cho cả người ngoài trường miễn là người đó ghi địa chỉ của trường. Trách họ thế nào đây khi mà chuyện đó thực sự liên quan đến miếng cơm manh áo.

Việc đếm bài nghiệm thu chắc còn kéo dài, đến bao giờ chắc sẽ phụ thuộc vào tình hình phát triển ở nước ta. Ở một số nước Đông Nam Á, họ thậm chí chỉ đếm bài mà không có hội đồng xét duyệt như ở Việt Nam và ngay cả ở Nhật Bản, họ cũng để ý đến công bố ISI. Tại hội nghị hình học đại số Đông Á do Viện Toán tổ chức năm ngoái 2018, Đinh Tiến Cường đề xuất việc xuất bản một số báo Acta đặc biệt. Ông Yujiro Kawamata lập tức hỏi ngay là tờ Acta có nằm trong danh mục ISI hay không, và ông ấy nói rằng các nhà toán học trẻ ở Nhật chắc là không gửi bài đăng được vì Acta không nằm trong danh mục ISI. Tôi sững sờ cả người vì một người giỏi như ông ấy còn quan tâm đến chuyện này.

Để đẩy cao chất lượng nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiến nghị Bộ KH&CN phải có biện pháp khuyến khích để nâng cao chất lượng công bố. Vì thế, Quỹ mới có quyết định lập hai danh mục quốc tế có uy tín và ISI có uy tín (tạm gọi là A và A1). Danh mục A có thể hiểu là danh mục các tạp chí ISI loại đi các tạp chí chất lượng thấp. Còn danh mục A1 gồm những tạp chí ưu tú của A. Đăng bài trong A1 được tính bằng 2 bài trong A. Đến đây lại nảy sinh vấn đề thế nào là thấp, thế nào là ưu tú. Ban đầu Quỹ xét theo chỉ số ảnh hưởng (impact factor), cứ tạp chí nào xếp trong tốp 3/4 (Q1+Q2+Q3) là A và trong top 1/4 (Q1) là A1. Do chỉ số này phản ánh cơ học tần suất được trích dẫn của từng tạp chí, nên những chuyên ngành nào có “văn hóa trích dẫn” ít sẽ rất thiệt thòi. Ví dụ như không có bất kỳ một tạp chí hàng đầu nào của các chuyên ngành toán lý thuyết nằm trong A1 (gồm đại số, hình học, số học, tô pô, tổ hợp, chiếm khoảng 50% số lượng công bố trong nước), một số tạp chí này còn không thuộc loại A vì nằm trong Q4 của ISI. Sau đó Quỹ cho phép các hội đồng ngành bổ sung hay loại bớt các tạp chí trong hai danh mục A và A1. Nhưng thực tiễn cho thấy mỗi nhiệm kỳ hội đồng lại đưa ra các danh sách khác nhau. Việc thảo luận bổ sung hay loại bớt tạp chí nào rất mệt mỏi và tốn thời gian, thậm chí cũng không xác đáng và công bằng. Để khắc phục chuyện này có thể xét theo impact factor của Scimago vì Scimago chia nhỏ các ngành ra nhiều chuyên ngành. Ví dụ như ISI chia toán ra làm toán lý thuyết và toán ứng dụng, còn Scimago chia toán ra thành 10 chuyên ngành. Ngoài ra Scimago còn tính impact factor theo trọng số uy tín của các tạp chí trích dẫn nên phản ánh tốt hơn chất lượng tạp chí. Chỉ cần nhìn vào xếp hạng của Scimago trong toán học là thấy thứ tự các tạp chí của họ đúng hơn hẳn so với ISI. 

Do đó, Quỹ cần có các tiêu chuẩn cứng cho các danh mục tạp chí có uy tín và tất nhiên sẽ có tranh cãi về chuyện này rồi vì ai cũng chỉ nhìn thấy “bầu trời” hay “hòn đảo” của mình thôi. 

Cuối cùng là Quỹ cũng có quy định mỗi đề tài phải có ít nhất một phản biện từ nước ngoài. Nhưng thực tế là gửi 5 thư mời phản biện bên ngoài thì gần như 90% không có hồi âm và trong những người đồng ý nhận xét thì phần lớn cũng không gửi nhận xét (đúng hạn) mặc dù ta đã nhắc họ rất lịch sự. Chuyện này cũng rất mất thời gian. Đấy là còn chưa nói đến họ không hiểu thực tế VN nên nhiều khi đưa ra những nhận xét chỉ đúng với hoàn cảnh bên ngoài. Việc mời phản biện bên ngoài vẫn đang được thực hiện.

Với trình độ phát triển và tình hình cụ thể Việt Nam hiện nay, cách làm tham khảo rộng rãi ý kiến cộng đồng khoa học của Quỹ là phù hợp. Quả là nhiều nơi ở Việt Nam đang “đếm bài”, chạy theo số lượng nhằm nâng vị trí bảng xếp hạng ĐH. Tuy nhiên Quỹ không làm như vậy mà chỉ yêu cầu mỗi đề tài tối thiểu 2 bài loại 2 (hoặc 1 bài loại 1)  trong 2 năm, để giúp các chủ trì tập trung vào chất lượng. Anh có thể đăng ký tới 3, 4 bài, với kinh phí được tăng thêm nhưng không tới 2 lần đề tài bình thường (trong khi lương chủ trì vẫn giới hạn một mức tối đa như nhau) – và cần được Hội đồng ngành đánh giá thông qua về chất lượng. Tất nhiên một bài loại 2 nhưng chất lượng tốt, chủ trì có thể đề nghị hội đồng khoa học ngành xem xét đánh giá như 1 bài loại 1 để nghiệm thu đề tài. Ngược lại, 1 bài loại 1 nhưng cũng có thể bị hội đồng đánh trượt nếu thấy không xứng đáng. Tôi cho rằng, nếu 1 chủ trì đăng bài theo 1 hướng mới, độc và 1 tạp chí mà ở VN hiếm ai đăng được thì dù là bài SCIE cũng xứng đáng để hội đồng xem xét nghiệm thu. Hội đồng cũng có thể mời thêm đánh giá quốc tế cho các trường hợp cần thiết. PGS.TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)



Tạp chí quốc tế uy tín (khoảng ¾ danh mục SCIE đối với lĩnh vực KHTN) được sử dụng để đánh giá đầu vào và đầu ra chương trình nghiên cứu cơ bản. Đối với đánh giá đầu vào, điều kiện có công bố quốc tế uy tín đối với chủ nhiệm đề tài là tương đối cơ bản, có thể đáp ứng đối với đa số các nhà khoa học đang thực hiện công tác nghiên cứu liên tục. Điều kiện này cũng là bộ lọc rất tốt, giúp giảm bớt nhiều hồ sơ không phù hợp. Đối với đánh giá kết quả, do danh mục tương đối rộng, bao hàm đại đa số các tạp chí khoa học có chất lượng, điều kiện này không ảnh hưởng đến việc các chủ nhiệm đề tài chọn các tạp chí có chất lượng để công bố. Các tạp chí 1 2 3 hay A B C đều thuộc danh mục tạp chí quốc tế có uy tín mới ban hành. Tất nhiên, việc đánh giá đầu vào hay đầu ra phụ thuộc chính vào các thành viên hội đồng khoa học ngành và đánh giá của chuyên gia phản biện (các hồ sơ đều có chuyên gia phản biện ngoài hội đồng; khoảng 20% hồ sơ có phản biện quốc tế). Trong nhưng năm qua, khoảng 40-60% hồ sơ hợp lệ (có công bố quốc tế uy tín) được tài trợ, tương ứng với việc các hồ sơ đủ điều kiện cứng, được xem xét, đánh giá chủ yếu bởi hội đồng khoa học và chuyên gia. Các kết quả nghiên cứu đầu ra có nội dung và chất lượng không phù hợp, hoặc không do thành viên của nhóm nghiên cứu thực hiện, không được HĐKH chấp nhận dù có đăng trong danh mục quy định. Tạp chí ISI uy tín (khoảng ¼ danh mục SCIE đối với khoa học tự nhiên) nhằm khuyến khích các nhóm nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học chất lượng cao. Đây là định hướng quan trọng trong giai đoạn hiện nay (tương tự tăng cường số lượng nhóm nghiên cứu, công bố ISI giai đoạn trước). Hiện tại, phương án ban hành đã khá tối ưu trong các phương án đặt ra tuy nhiên vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Các hội đồng khoa học và cơ quan điều hành Quỹ vẫn tiếp tục tham khảo, trao đổi để đề xuất phương án phù hợp. TS. Đỗ Tiến Dũng (Giám đốc Quỹ NAFOSTED)


Có lẽ vấn đề lớn nhất vẫn là các hội đồng ngành của Quỹ NAFOSTED có được trao quyền quyết định cao nhất về đánh giá chất lượng khoa học công trình công bố không. Có lẽ có tâm lý e ngại nhất định, khi đánh giá chất lượng khoa học công trình công bố, phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của một nhóm người. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu công khai, minh bạch, trao đổi thẳng thắn thì sẽ không có những trường hợp như đã xảy ra ở các hội đồng giáo sư. Tôi thấy vừa kết hợp giữa bản danh sách tạp chí uy tín của Quỹ NAFOSTED, vừa trao quyền quyết định cho các hội đồng ngành đánh giá chung cuộc các trường hợp bị vướng giữa các bản danh sách, vừa công khai, minh bạch, trao đổi quá trình đánh giá các công trình công bố thì nói chung câu chuyện cũng ổn, chúng ta cũng đỡ vướng xây dựng các danh sách tạp chí hợp ý tất cả mọi người, và cũng không để các hội đồng ngành quyền sinh quyền sát tuyệt đối, và tác giả cũng được có ý kiến phản hồi cũng đỡ phải tâm tư. PGS. TS Trần Minh Tiến (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)

Tác giả

(Visited 8 times, 2 visits today)