Danh tiếng chưa cao

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Việt Nam đã được quốc tế thừa nhận trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng Châu Á Thái Bình Dương; hằng năm được trao theo Quyết định của Thủ tướng; từ tên gọi tới cách tổ chức thực hiện đều đã được quy định cụ thể trong luật; các tiêu chí đánh giá dựa trên chuẩn mực từ Giải thưởng Malcolm Baldrige uy tín của Mỹ; vậy mà sau 20 năm hoạt động, uy tín của nó lại rất hạn chế.

Lẽ ra, đó phải được coi là tấm giấy thông hành đáng tự hào cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khi doanh nghiệp rất cần những chứng nhận cho thấy họ đã được thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng dựa trên những tiêu chí phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, trên thực tế trong hàng trăm nghìn công ty trên cả nước, mỗi năm trung bình chưa đầy 100 doanh nghiệp đăng kí tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và trong đó thường không có mặt các tổng công ty, tập đoàn lớn.

Vậy phải chăng nguyên nhân do Giải thưởng Chất lượng Quốc gia thiếu tính thực chất, đưa ra những tiêu chí rất hay nhưng công tác thẩm định thì qua loa, hời hợt, mang lại những kết quả đánh giá thuần túy có tính hình thức?

Thực tế hoàn toàn trái lại. Thống kê của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho thấy, hầu hết doanh nghiệp tham gia giải thưởng đều đánh giá cao tính khách quan, chính xác của giải trong đánh giá doanh nghiệp, và cho biết những kết quả đánh giá ấy là cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục tự hoàn thiện mình. Đặc biệt, theo tìm hiểu của phóng viên Tia Sáng, các doanh nghiệp cho biết các hội đồng của giải thưởng làm việc hết sức nghiêm túc và kỹ lưỡng. 

“Rất khắt khe”…

Khi được phóng viên hỏi bộ phận phụ trách giải thưởng của Traphaco – một doanh nghiệp đạt hơn 20 giải thưởng các loại liên quan đến chất lượng, là họ nghĩ gì về giải thưởng quốc gia thì họ đều nhìn nhau cười: “Khó nhất trong các giải thưởng […] Kĩ nhất trong các giải thưởng. […] Không có giải nào mà chúng tôi tốn nhiều thời gian như cho giải thưởng này.”

Các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được đánh giá là khá cấp tiến bởi nó không đánh giá chất lượng của riêng sản phẩm mà của tất cả các hoạt động của công ty. Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng cho biết: “chúng tôi định nghĩa chất lượng sản phẩm là thỏa mãn nhu cầu khách hàng”, được thể hiện qua 7 tiêu chí “giống như vành bánh xe quay quanh các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giữ doanh nghiệp vận hành trơn tru”, bao gồm: 1) Vai trò lãnh đạo; 2) Hoạch định chiến lược; 3) Định hướng vào khách hàng; 4) Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; 5) Định hướng vào nguồn nhân lực; 6) Quản lý quá trình hoạt động; 7) Kết quả hoạt động. Trong đó, kết quả hoạt động được đánh giá cao nhất (45% số điểm).

Quy trình xét duyệt giải thưởng diễn ra trong khoảng 10 tháng, tính từ thời điểm nộp hồ sơ. Trong hồ sơ, doanh nghiệp phải trả lời 200 câu hỏi tương ứng với 7 tiêu chí của giải thưởng. Sau đó sẽ có hai vòng thẩm định bao gồm của Hội đồng tỉnh/thành phố (có 5-7 chuyên gia, đánh giá độc lập với nhau kéo dài bốn tháng) và Hội đồng quốc gia (có 9-11 chuyên gia, do Bộ KH&CN thành lập, thẩm định khoảng một tháng). Ở vòng thẩm định cuối cùng, các chuyên gia tới doanh nghiệp thường có các tư vấn, gợi ý và khuyến cáo để doanh nghiệp cải tiến hoạt động tốt hơn. Giữa hai vòng thẩm định này sẽ có vòng Hiệp y kéo dài năm tháng, doanh nghiệp sẽ nộp tất cả các giấy tờ, chứng chỉ để chứng minh các ứng dụng phương pháp quản lí tiên tiến của mình lên Ủy ban thi đua khen thưởng của tỉnh/thành phố để chứng nhận. Tổng số điểm chấm là 1.000 điểm nhưng kể cả các doanh nghiệp đạt giải Vàng cũng chưa bao giờ đạt điểm tối đa.

Giá trị lớn nhất mà doanh nghiệp thu được từ quy trình khắt khe trên đây chính là sự cải thiện chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình dựa trên sự định hướng từ các tiêu chí của giải thưởng. Trong cuộc khảo sát tất cả các doanh nghiệp đạt giải vàng do ban tổ chức giải thưởng thực hiện, 77%  trong số đó đang áp dụng toàn bộ tiêu chí của giải thưởng trong quản lý, vận hành. Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng GĐ Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn chia sẻ, công ty ông tiết kiệm được 5.000 tỷ đồng nhờ áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

… nhưng danh tiếng chưa cao

Tuy là một giải thưởng ở tầm cỡ quốc gia và mang lại giá trị thiết thực cho doanh nghiệp như vậy, nhưng Ban Tổ chức còn khá lúng túng trong công tác truyền thông, quảng bá. Năm nay, họ đã nỗ lực thay đổi, thay vì chỉ tập trung vào lễ trao giải (mà “có lẽ là không có ai nhớ” – theo lời ông Nguyễn Nam Hải), họ triển khai một chuỗi gồm sáu sự kiện bao gồm các tọa đàm có sự tham gia chia sẻ của một vài doanh nghiệp đoạt giải. Tuy nhiên, những sự kiện này chủ yếu vẫn theo hình thức cũ, phần lớn thời gian dành cho “từng người lên đọc báo cáo – cả hội trường ngồi nghe” thay vì tập trung cho thảo luận. Giữa thời gian diễn ra sự kiện, phần lớn hội trường về hết, chỉ còn “trơ trọi” các diễn giả.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã qua 20 năm phát triển nhưng đến nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể về hiệu ứng của giải thưởng.

Cũng cần phải nói thêm rằng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã qua 20 năm phát triển nhưng đến nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể về hiệu ứng của nó. “Những doanh nghiệp được giải thưởng cách đây 20 năm, bây giờ liệu họ còn có thể được giải vàng nữa không? […] Có thể các tiêu chí không thay đổi về câu chữ nhưng trong bối cảnh mới, cách hiểu đã thay đổi hoàn toàn” – Ông Nguyễn Nam Hải cho biết. Trong những sự kiện chào đón giải thưởng gần đây, mặc dù có sự chia sẻ của các doanh nghiệp được giải nhưng chủ yếu chỉ loanh quanh giới thiệu công ty và nói qua một vài ứng dụng công nghệ trong quản lý.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng cảm thấy có phần “bất công” khi vượt qua nhiều yêu cầu khắt khe của giải thưởng nhưng không được các cơ quan nhà nước ghi nhận thành những chính sách ưu tiên cụ thể, nhất là trong đấu thầu các dự án công. “Chỉ nhận giải thưởng không mà bán hàng thì vẫn không đấu thầu được… thì rất khó” – Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Traphaco chia sẻ với Tia Sáng

Gợi ý từ giải thưởng Malcolm Baldrige

Giải thưởng Malcolm Baldrige ở Mỹ có một phương thức khá hữu hiệu để nâng cao uy tín của mình, đồng thời lan tỏa nhận thức của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng các tiêu chí của giải thưởng vào việc tự đánh giá và tự hoàn thiện mình, đó là yêu cầu các doanh nghiệp đạt giải phải có trách nhiệm chia sẻ những gì họ học được từ giải thưởng với các doanh nghiệp khác, bằng cách tổ chức các seminar hoặc gửi nhân viên đến nói chuyện với các công ty khác. Phó Tổng giám đốc phụ trách chất lượng của Motorola, Richard Buetow nói rằng, nhân viên của công ty có tới 352 bài phát biểu trong các hội nghị và các công ty lớn trong một năm, trả lời các câu hỏi từ hơn 1,162 công ty và hằng tháng tổ chức một cuộc họp dài năm tiếng với 150 giám đốc của các công ty khác. 1
—-
1 http://archive.fortune.com/magazines/fortune/fortune_archive/1990/04/23/73432/index.htm
đốc

Tác giả