“Đất lành” AIST

Không phải sự dồi dào kinh phí cũng như những ưu đãi đặc biệt nào mà chính sự minh bạch và tự do trong môi trường học thuật đã trở thành một trong những yếu tố chính khiến các nhà nghiên cứu trẻ quyết định trở về để gắn bó lâu dài với Viện KH&CN Tiên tiến AIST (Đại học Bách khoa Hà Nội).


PGS. TS Phạm Thành Huy và một số thành viên Viện AIST.

Dù mới thành lập được 10 năm, còn khá “trẻ” so với nhiều viện nghiên cứu trong và ngoài trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng vài năm trở lại đây, AIST đã được biết đến như một cơ sở nghiên cứu quy tụ được nhiều nhà nghiên cứu trẻ, tài năng được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về. PGS. TS Phạm Thành Huy, Viện trưởng AIST tiết lộ, 90% số lượng các nhà nghiên cứu của Viện thuộc diện này. “Có lẽ khó giải thích được cặn kẽ nguyên nhân nào khiến các bạn ấy lựa chọn AIST nhưng tựu trung lại, các bạn ấy tin vào con người và môi trường làm việc ở đây, và cảm nhận mình có thể hòa nhập một cách nhanh chóng mà không mất thời gian ‘thăm dò’”, anh cho biết. 

Chủ động tìm người

Ở thời điểm ban đầu, Viện AIST không có lợi thế về danh tiếng hay bề dày thành tích, thậm chí “khi mới thành lập, Viện chỉ có 4, 5 người, trong đó có 2 tiến sỹ, không hề có trang thiết bị vật chất nào, tất cả đều trắng trơn”, PGS. TS Phạm Thành Huy nhớ lại.

Với các ngành khoa học thực nghiệm, thiết bị máy móc là điều kiện tiên quyết để thực hiện nghiên cứu, vì thế nhiều nhà nghiên cứu thường tìm hiểu cơ sở vật chất của đơn vị mình định đầu quân trước khi nộp hồ sơ. PGS. TS Lê Thị Lý (Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM) từng kể về trường hợp một nhà khoa học trẻ tài năng với nhiều công bố trên các tạp chí có hệ số IF cao ở Pháp về đã không chọn trường vì lý do thiết bị máy móc trong các phòng thí nghiệm ở đây không phù hợp với định hướng nghiên cứu của anh. Vậy bằng cách nào, AIST tuyển chọn được người? PGS. TS Phạm Thành Huy chia sẻ, “bọn mình cố gắng đón tiếp các bạn ấy một cách nồng nhiệt và chân thành, đồng thời thuyết phục các bạn ấy rằng AIST là một nơi có thể làm việc được, tuy chưa thể bằng nước ngoài nhưng trong tương lai gần thì chúng ta có thể cùng nhau xây dựng được một cơ sở và một môi trường làm việc tốt”.

Thông thường, khi chuẩn bị về nước, các nhà nghiên cứu trẻ có rất nhiều phương án lựa chọn và AIST cũng chỉ là một trong những gợi ý về cơ hội việc làm ở Việt Nam. Để “thăm dò”, họ gửi email trước và chờ phản hồi của nhà tuyển dụng. Một số đơn vị nghiên cứu trong nước chưa chú trọng đến việc trả lời những email như thế này nhưng AIST hồi âm tất cả các thư, “dù bận mấy mình cũng trả lời trực tiếp để các bạn ấy yên tâm. Các bạn ấy viết thư gửi ba bốn nơi nhưng cũng có những trường hợp mình là người duy nhất trả lời thì đương nhiên là họ chọn về đây”, PGS. TS Phạm Thành Huy kể. Đó cũng là trường hợp của TS. Nguyễn Thị Khôi, một nhà nghiên cứu trẻ từng làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia Mỹ (Sandia National Laboratories – SNL) và có công bố trên những tạp chí uy tín như Physical Review Letters, ACS Nano, Journal of the American Chemical Society…, hiện là thành viên Phòng thí nghiệm Nano Quang điện tử của Viện.

Tuy nhiên, AIST cũng không chịu ngồi yên chờ email gửi đến. PGS. TS Phạm Thành Huy cho biết, anh đã chủ động “nghiên cứu” hồ sơ của các ứng cử viên tiềm năng trước khi họ liên lạc với Viện nên “việc các bạn ấy ở đâu, làm gì thì ít nhiều mình cũng đều có thông tin, và ngay từ khi các bạn ấy có ý định trở về cũng đều biết”. Các nhà nghiên cứu trẻ thường làm việc tản mát ở nhiều quốc gia khác nhau, vậy AIST nắm thông tin về họ thông qua kênh nào? PGS. TS Phạm Thành Huy lý giải, thực ra, anh em làm trong lĩnh vực vật lý, khoa học vật liệu cũng không nhiều, “nếu tuổi gần bằng nhau thì đều biết nhau cả”, vì thế anh vẫn thường nhận được thông báo từ bạn bè ở nước ngoài “có bạn này, bạn kia sắp về đấy, anh thử trao đổi với các bạn ấy xem”, hoặc có giáo sư nước ngoài viết thư giới thiệu “bạn đó đang làm hồ sơ xin sang Mỹ nhưng tôi thấy phù hợp với Việt Nam”… Trước những lời “mách nước” như thế, anh đều chủ động tìm đọc lý lịch khoa học của những ứng viên tương lai đó, nếu thấy trường hợp nào tiềm năng và phù hợp với Viện thì chủ động viết thư mời. “Đó là ‘cái mẹo’ tìm người của mình”, PGS. TS Phạm Thành Huy cười.

Tạo môi trường thông thoáng, minh bạch

Tuyển được người giỏi đã khó, giữ chân được họ lại còn khó hơn, nhiều viện nghiên cứu của nhà nước đã thấu hiểu được điều này. PGS. TS Đỗ Hùng Mạnh đã rút ra bí quyết “giữ người” sau nhiều năm phụ trách Phòng Vật liệu từ và siêu dẫn (Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), “khi chưa giúp nhau được gì nhiều thì chúng ta [nên] hỗ trợ nhau bằng cách tạo ra môi trường làm việc tốt, trao đổi học thuật thẳng thắn, chia sẻ việc sử dụng thiết bị để phục vụ nghiên cứu” 1.

Đó cũng là cách mà Viện AIST đã áp dụng và coi là ưu tiên số một. “Mình luôn cố gắng để các bạn ấy cảm thấy ở Viện có ít hàng rào hành chính nhất. Ngay từ khi mới đến, mỗi người đều cảm nhận rằng mình được đón tiếp, được ký hợp đồng, được trao đổi về công việc một cách thoải mái”, PGS, TS Phạm Thành Huy nói.

Nói thì dễ nhưng để làm được việc này cũng không đơn giản. Nhiều năm qua, trong hệ thống quản lý của khoa học Việt Nam vẫn tồn tại sự đan xen giữa công tác hành chính và nghiên cứu học thuật, vì thế nhiều khi các nhà nghiên cứu khi chủ trì một đề tài nào đó thường mất rất nhiều thời gian cho việc kê khai thủ tục hành chính, giấy tờ, hóa đơn…, thậm chí dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý, nhiều tiến sỹ trẻ ở nước ngoài về cũng không khỏi ngỡ ngàng và bối rối về thủ tục khi thực hiện những đề tài đầu tiên. Để góp phần tháo gỡ khó khăn này, PGS. TS Phạm Thành Huy đã bàn bạc với bộ phận hành chính của Viện đơn giản hóa thủ tục, “gánh” hết những khâu liên quan đến chứng từ để các nhà nghiên cứu dành toàn thời gian cho các công việc chuyên môn. Lâu dần, mọi việc cũng vào nếp, anh nói, “bộ phận hành chính ở đây có thể sẽ bận nhiều việc hơn so với nơi khác nhưng điều quan trọng là ai cũng cố gắng làm tốt công việc của mình để tạo điều kiện cho nhau làm việc tốt hơn”.

AIST là một đơn vị đào tạo (sau đại học), nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nguồn kinh phí chủ yếu của viện đến từ hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Chủ trương của Viện là công khai mọi hoạt động thu chi tài chính, “chi bao nhiêu tiền và vào những việc gì thì mọi cán bộ đều có thể biết hết được, mình không có gì phải giấu giếm anh em cả”, PGS. TS Phạm Thành Huy thẳng thắn chia sẻ.

Cũng là người làm việc nhiều năm ở Hà Lan, PGS. TS Phạm Thành Huy hiểu được mong muốn của các nhà nghiên cứu trẻ là được làm việc ở một môi trường mang tính học thuật đúng nghĩa của nó, nghĩa là được tự do trao đổi ý tưởng nghiên cứu, phản bác những vấn đề mà mình thấy chưa đúng. Anh cho biết, những “rào cản” về thứ bậc quản lý hay tuổi nghề đều bị loại bỏ trong những tranh luận chuyên môn, “ở đây [mọi người] đều có thể trao đổi [với nhau] hết sức thẳng thắn, kể cả khi viện trưởng nói chưa đúng thì cũng bị các bạn ấy ‘ý kiến’ ngay. Nhưng chả ai vì thế mà giận dỗi hay để bụng gì cả”.

Nhờ vậy AIST, theo nhận xét của PGS. TS Phạm Thành Huy, vốn “không có lợi thế về kinh tế, tằn tiện và tiết kiệm được bao nhiêu thì cũng để nuôi máy nuôi móc hết”, đã quy tụ được 27 nhà nghiên cứu, số lượng công bố hằng năm cũng đều xấp xỉ ở mức 27 bài báo ISI.

Vai trò của người dẫn dắt

Đằng sau những việc đã làm được của AIST là những nỗ lực hết mình của viện trưởng Phạm Thành Huy, tuy nhiên anh không coi đó là “công lao” của mình mà chỉ cho đó là việc đương nhiên phải làm. Thái độ khiêm tốn, cầu thị và hết mình vì công việc của anh đều được các nhà nghiên cứu trẻ trân trọng. TS. Nguyễn Thị Khôi chia sẻ, một trong số lí do chị về AIST là do người lãnh đạo ở đây có tầm nhìn. Theo đánh giá của chị, PGS.TS. Phạm Thành Huy là một người công bằng, sẵn sàng giao cơ hội cho những người trẻ và tập hợp được một đội ngũ trẻ, có sức bật, dám liều, dám thử2.

Có lẽ, nếu không có những phẩm chất như vậy, khó có người phụ trách nào dám nhận những nhà nghiên cứu không chỉ ít kinh nghiệm làm việc mà còn có hướng nghiên cứu khác so với Viện như PGS. TS Phạm Thành Huy. TS. Nguyễn Đức Dũng, một tiến sỹ trẻ ở Nhật Bản về và hiện là trưởng phòng Phòng thí nghiệm Hiển vi điện tử và vi phân tích (BKEMMA-AIST), là một trường hợp như vậy. Khi còn ở Osaka, anh nghiên cứu về vật liệu từ, siêu dẫn nên “cũng lo khi lúc mới về AIST thấy tất cả đều xoay quanh vật liệu quang, bán dẫn…” và ngay cả PGS. TS Phạm Thành Huy cũng thấy “chưa có gì để bạn ấy triển khai nghiên cứu đúng theo những gì bạn ấy đã làm ở Nhật cả”. Thế nhưng ký ức từ cậu sinh viên Nguyễn Đức Dũng 7, 8 năm trước làm bài thi vào Viện ITIMS (Đại học Bách khoa Hà Nội) rất thông minh, hào sảng cùng với “chất” đam mê nghiên cứu cơ bản đã khiến anh quyết định mời về phụ trách TEM, một thiết bị tối tân bậc nhất của Viện. Cảm nhận của anh đã không chệch hướng: sau gần 5 năm làm việc với TEM, hiện TS. Nguyễn Đức Dũng đã trở thành chuyên gia hàng đầu Việt Nam về thiết bị này và mới có công bố trên tạp chí có hệ số ảnh hưởng IF 12.

Việc quản lý gần 30 con người đều là những tiến sỹ giỏi và cá tính là chuyện không dễ, PGS. TS Phạm Thành Huy thừa nhận, “thực ra làm lãnh đạo ở Viện này chỉ có khổ chứ không có sướng. Mình ở đây đóng vai trò phục vụ, tạo điều kiện cho các bạn ấy yên tâm làm việc thôi”. Vai trò phục vụ ở đây theo anh là “suốt ngày trả lời và tư vấn” và “cái khổ” của người lãnh đạo AIST bắt đầu từ khi tuyển dụng vì các nhà nghiên cứu trẻ “đến gặp mình phỏng vấn tuyển dụng nhưng thực ra là không phải mình phỏng vấn các bạn ấy mà là đến để phỏng vấn mình”. Có trường hợp, anh bị “phỏng vấn ngược” tới 50 câu, ngồi cả một buổi để “trả lời tất cả mọi chuyện một cách thẳng thắn”.

Có lẽ chưa ở đâu, viện trưởng lại là người tiếp nhận và giữ hồ sơ gửi đến, thông thường việc đó của bộ phận hành chính. PGS. TS Phạm Thành Huy giữ rất kỹ chồng hồ sơ đó, anh thuộc từng người, kể cả những bạn chưa về Viện ngay và trao đổi với họ, “anh coi em như người của Viện, bao giờ kết thúc công việc ở nước ngoài, em có thể về đây làm việc”, đồng thời giữ cả mối liên hệ với cả những người không về viện mà chọn một nơi khác để thi thoảng mời họ đến cùng tổ chức seminar, workshop như người một nhà.
10 năm gây dựng Viện AIST, PGS. TS Phạm Thành Huy rút ra một kinh nghiệm, “máy móc là một chuyện thôi, con người mới là quan trọng. Nếu mình có được người giỏi thì những thứ khác sẽ đến”.

1. http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Moi-truong-hoc-thuat-mo-10785
2. http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/dieu-hap-dan-nam-o-su-thay-doi-8978

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)