Đầu tư cho khoa học là con đường duy nhất giúp nông nghiệp phát triển

"Khi nền nông nghiệp đã khai thác đến mức tối đa tài nguyên đất, nước, sức lao động và muốn tăng trưởng ổn định, bền vững thì không có cách nào khác là phải đầu tư cho khoa học," đó là chia sẻ của TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn chung quanh bài toán phát triển "tam nông" ở Việt Nam thời gian tới.

Mất cân đối cơ cấu kinh tế dẫn đến mất cân đối cơ cấu xã hội

– Công bố về “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” do viện công bố gần đây, với những đánh giá bức tranh “tam nông” có nhiều nét ảm đạm hơn so với thời gian trước đó có làm ông thấy bất ngờ?

– Tôi hoàn toàn không bất ngờ bởi hai lý do. Thứ nhất: Từ năm 2008 đến nay, kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, kéo theo cả lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thứ hai: Qua gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong giữ vững an ninh lương thực, xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội… Tuy nhiên, đầu tư công cho nông nghiệp nói riêng và của toàn xã hội nói chung là chưa tương xứng khiến khả năng cạnh tranh của nông sản ngày càng yếu đi, đặc biệt là khi phần lớn tài nguyên đất, nước, lao động, khoáng sản chuyển dần ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp hoặc khai thác tới hạn.

– Ông có thể dẫn chứng cụ thể hơn về tình hình này?

– Nghiên cứu của viện chúng tôi phối hợp với các đơn vị bạn tại 12 tỉnh đại diện cho khắp các vùng, miền trên cả nước cho thấy, thu nhập và chi tiêu của hộ nông dân tăng mạnh trong giai đoạn 2006-2010 nhưng tốc độ giảm dần trong những năm gần đây. Tỷ lệ hộ nghèo giảm ít trong giai đoạn 2010-2012 đi cùng với hộ tái nghèo tăng; thu nhập từ nông nghiệp giảm dần trong khi đó thu nhập từ phi nông nghiệp chỉ tăng nhẹ. Hiện nay, nông dân còn đối mặt với nhiều rủi ro trong sản xuất, đời sống và phần lớn phải tự xoay xở, bươn chải để giải quyết khó khăn. Trong số hộ được điều tra, có tới 50% phải vay nợ và chủ yếu là vay tư nhân với lãi suất “cắt cổ”, vay từ ngân hàng chỉ chiếm khiêm tốn hơn 13%; có 20% số hộ trong diện điều tra có ít nhất một người di cư chính thức hoặc không chính thức và 60% là di cư tạm thời…

– Nhiều khu vực nông thôn đang trong tình trạng “001683”, tức là không có thanh niên, không công nghiệp, chỉ có thể tổ chức ngày Tết Thiếu nhi 1-6 và ngày Phụ nữ 8-3 vì lao động nam giới đã di cư lên đô thị kiếm sống. Đây rõ ràng là những con số “biết nói” và đáng để suy nghĩ.

– Đằng sau công thức dí dỏm này là tình trạng mất cân đối cơ cấu kinh tế dẫn đến mất cân đối cơ cấu xã hội. Cụ thể: Muốn phát triển một nền kinh tế ở nông thôn ổn định và hiệu quả thì phải tiến hành đô thị hóa, công nghiệp hóa nông thôn. Chúng ta phải đưa về đây các trường đại học, khu dân cư, bệnh viện lớn và nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ song song với phát triển khu công nghiệp, chế xuất. Khi đó, nông dân có điều kiện tham gia các lĩnh vực phi nông nghiệp ngay trên địa bàn nông thôn với tinh thần “li nông bất li hương”. Như vậy là kết cấu nông thôn được giữ nguyên, có già, trẻ, trẻ em, phụ nữ, nam giới…, dẫn đến kết cấu xã hội nông thôn sẽ không có sự xáo trộn. Đáng tiếc, điều đó không diễn ra ở nước ta theo một kết cấu hài hòa như thế, hình thành ở nông thôn một xã hội trì trệ bị tách ra khỏi xã hội năng động ở đô thị.

Thu hẹp diện tích trồng lúa là cần thiết

– Phải chăng, đỉnh điểm của thực trạng sản xuất nông nghiệp không đủ nuôi sống người dân chính là việc ở không ít địa phương, người nông dân đã bỏ ruộng. Dưới góc độ chuyên gia nông nghiệp, ông có bình luận gì về hiện tượng này?

– Tôi không muốn đề cập đến hiện tượng mà muốn lý giải vì sao lại có chuyện trên. Thật không có gì lạ khi người nông dân bỏ ruộng để đi tìm cuộc sống tốt hơn ở đô thị. Ở nước ta, kể cả trong trường hợp năng suất lao động cao thì quy mô sản xuất nhỏ bé cũng không đủ cho nhu cầu ngày càng tăng, thế mà trong điều kiện sản xuất nông nghiệp được đầu tư ít, khoa học – công nghệ (KHCN) lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém thì năng suất trong lao động nông nghiệp rất thấp. Quy luật diễn ra thì như thế nhưng kết cấu kinh tế của chúng ta lại không cân đối, bảo đảm để số lượng lao động đẩy ra từ nông nghiệp tương đương với sức hút vào của các ngành nghề phi nông nghiệp, do đó đa số nông dân ra đô thị kiếm việc phải đương đầu với nhiều rủi ro, làm việc không có lợi tức, không có nghiệp đoàn, không được rèn luyện tay nghề và có thể bị cho nghỉ việc bất kỳ lúc nào. Căn nguyên của tình trạng này là do chúng ta không quy hoạch gắn bó giữa nông thôn và đô thị nên người nông dân phải chấp nhận “li nông” kèm với “li hương”.

– Thưa ông, trở lại bài toán tranh luận “nóng” ở thời điểm hiện nay là có nên thu hẹp diện tích sản xuất lúa gạo hay không để dành quỹ đất canh tác cây trồng khác và đẩy giá trị xuất khẩu tăng lên. Đánh giá của ông về vấn đề này thế nào?

– Trước đây, tôi không ủng hộ cách đặt chỉ tiêu cứng về diện tích sản xuất lúa gạo thì bây giờ cũng không ủng hộ đặt chỉ tiêu cứng diện tích phải thu hẹp lại. Tôi cho rằng, lúa gạo là hàng hóa nên hãy để quan hệ cung cầu thị trường tự điều tiết. Chúng ta nên rút dần cách đặt vấn đề sản lượng, tốc độ tăng trưởng phải đạt một con số nào đó. Cũng không nên đặt vấn đề phải trồng cây gì, nuôi con gì một cách cứng nhắc mà cũng để thị trường tự điều tiết. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước phải cân đối cân bằng an ninh lương thực. Qua tính toán về biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số, tăng trưởng thu nhập thì thấy rằng diện tích sản xuất lương thực của chúng ta hiện nay là khá lớn so với nhu cầu. Diện tích ấy đồng nghĩa phải duy trì với xuất khẩu lượng lớn mà trong điều kiện thị trường lương thực bị can thiệp nhiều bởi chính sách tự vệ thương mại thì hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Do đó, về nguyên tắc thì nên chuyển sang sản xuất một số cây trồng khác để tiết kiệm nước, tài nguyên khác nhằm đem lại hiệu quả cao hơn trồng lúa.

– Vậy diện tích đất dôi ra nên đầu tư cụ thể theo hướng nào?

– Thị trường sẽ quyết định. Không bao giờ cho rằng người lãnh đạo hay nhà khoa học nên chỉ bảo người nông dân nên trồng cây gì, nuôi con gì và đó không phải là việc của Nhà nước. Việc của Nhà nước là tạo hành lang pháp lý thuận lợi, cung cấp những dịch vụ công phía sau cho người dân; đẩy mạnh công tác chế biến, kho tàng bến bãi, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tất cả những thứ chúng ta đang sản xuất mà an toàn, sạch, chất lượng cao, giá hợp lý thì vẫn có thị trường.

– Nhưng nếu không có định hướng thì có thể sẽ tiếp tục rơi vào viễn cảnh vải thiều, cà phê… trồng xong rồi không tiêu thụ được và phá bỏ…

– Tôi xin nhắc lại, trong cơ chế thị trường không nên định hướng số lượng mà hãy định hướng chất lượng. Chúng ta không nói không có định hướng mà phải đi vào định hướng từ nhu cầu thị trường.

Chưa “nhón chân” cũng không “lội ruộng”

– Không còn nghi ngờ gì nữa, muốn ngành nông nghiệp phát triển, người nông dân có đời sống khấm khá thì khoa học nông nghiệp (KHNN) phải đi trước một bước. Quan điểm của ông ra sao về chính sách đầu tư cho KHNN những năm qua?

– Trong điều kiện của nước ta, xét về động lực thì KHCN là lối thoát duy nhất để nông nghiệp Việt Nam phát triển, tăng trưởng ổn định. Vì sao thế? Vì đất sản xuất của chúng ta ngày càng ít đi, nước cũng thế, các loại tài nguyên khác đều mất dần. Những lợi thế không tồn tại đương nhiên là ngành nông nghiệp khó tăng trưởng. Đầu vào duy nhất, là vô tận và có khả năng phát huy được nữa chính là KHCN. Vì tầm quan trọng của KHCN như thế nên thời gian qua, Nhà nước đã chú ý đầu tư trụ sở, trang bị cho KHCN nói chung và KHNN nói riêng nên so với thế giới thì thấp kém nhưng so với nội lực của chúng ta thì đó là sự cố gắng to lớn.

Hiện ngành nông nghiệp có khoảng 6.000 – 7.000 người chuyên làm công tác nghiên cứu. Lực lượng này mỗi năm được đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, cộng với 500 tỷ đồng của khuyến nông thì con số khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Tôi nghĩ, dù còn nhiều thiếu thốn nhưng tiền và cơ sở vật chất không phải là yếu tố cản trở ngành KHNN. Cái cản trở chính của chúng ta là cơ chế làm việc, cơ chế quản lý. Toàn bộ nền kinh tế của ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường nhưng cơ chế quản lý dịch vụ công của chúng ta, trong đó có KHCN vẫn là hình bóng của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp. Các kế hoạch khoa học được nhà khoa học, cơ quan quản lý đề xuất hằng năm giao xuống các đơn vị dưới dạng các đề tài. Các đề tài này thực hiện với sự kiểm soát rất chặt chẽ về thủ tục thanh quyết toán; soi xét từng hóa đơn, vé xe, tàu… trong khi hiệu quả nó đem lại cho sản xuất lại không được đánh giá đầy đủ, nói cách khác là thứ yếu. Thường một đề tài được đánh giá bởi hội đồng các nhà khoa học nhưng không thấy vai trò của nông dân, doanh nhân trực tiếp thụ hưởng tiến bộ kỹ thuật, vì thế các kết quả nghiên cứu chủ yếu phục vụ mục tiêu giải ngân, ít vào đời sống mà không ai phải chịu trách nhiệm gì. Với một hệ thống mang tính quan liêu, không gắn với thực tế, thiếu yếu tố thị trường thế thì không ngạc nhiên là KHNN yếu kém.

– Đánh giá một cách khách quan thì KHNN nước nhà đang “nhón chân” hay “lội ruộng” thật sự cùng người nông dân, thưa ông?

– Rõ ràng, nếu các nhà khoa học được đánh giá bởi cũng chính bằng hội đồng các nhà khoa học thì điều quan tâm của họ là quan hệ của họ với đồng nghiệp, cấp trên. Nếu nhà khoa học được đánh giá bằng người nông dân sử dụng tiến bộ của họ thì chắc chắn lúc đó nhà khoa học không những “lội ruộng” mà họ sẽ xắn tay áo lên cùng sản xuất, kinh doanh, cùng nếm trải những khó khăn để tìm ra giải pháp cùng với nông dân. Còn nếu nhà khoa học gắn chặt với quyền lợi với thu nhập của nông dân thì lúc ấy họ gắn là một với mọi cố gắng của nông dân.

Chính sách nông nghiệp chậm đổi mới

– Trong 10 năm trở lại đây, chính sách nông nghiệp nào theo ông là thành công nhất?

– Điều đó không nằm trong một văn bản cụ thể nào. Theo tôi, chính sách tốt nhất chúng ta tạo ra được là tạo cho nông dân, doanh nhân một định hướng về động lực là họ làm gì thì được hưởng đó. Vì thế cho nên nông dân, doanh nhân thời gian qua đã huy động hết nội lực của mình trên đồng ruộng, khai thác tối đa tự nhiên để sản xuất nông nghiệp. Dù có không ít khó khăn nhưng nhiều mặt hàng nông sản của ta vẫn đứng vào tốp đầu thế giới. Tuy nhiên, nếu không có hỗ trợ, đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp thì đấy là chính sách hy sinh tạm thời để chiến thắng và chấp nhận thương vong, dẫn đến tình trạng người nông dân chúng ta đang bị kiệt sức. Chính sách đó phải đổi mới càng sớm càng tốt.

– Ông nhận định bức tranh “tam nông” Việt Nam 10 năm tới sẽ ra sao?

– Tôi không phải là thầy bói! Việc phát triển “tam nông” phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Khách quan thì phụ thuộc vào kinh tế thế giới, nếu kinh tế thế giới phát triển thì cầu nhiều, giá cao dẫn đến sản xuất có lợi. Ngoài ra, vấn đề biến đổi khí hậu cũng sẽ tác động lớn đến sản xuất và đời sống. Yếu tố chủ quan cũng có nhiều bất định. Đó là quan điểm phát triển của chúng ta cũng biến động, không ổn nên mới phải đặt vấn đề tái cơ cấu kinh tế. Thật sự chúng ta đã coi trọng, đặt phát triển nông nghiệp ngang với công nghiệp hay chưa? Vì nói đến công nghiệp thời gian qua hầu như không nói đến sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc nông nghiệp, chế biến nông sản xây dựng kho tàng bến bãi phục vụ sản xuất nông sản. Nếu đô thị chỉ phát triển theo cách lấy đất nông thôn rồi đổ thải về nông thôn thì câu chuyện khác. Có thể nói những “ẩn số” đó chúng ta không tự quyết và đoán định được. Tuy nhiên, thời điểm này mọi người đã nhìn về nông thôn, nghĩ về nông dân thì chúng ta cố mà nắm bắt lấy thuận lợi ấy, đừng để tuột mất cơ hội như những lần trước.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả