Đầu tư cho nhóm nghiên cứu khởi phát

Bài viết dưới đây kiến nghị giải pháp phát triển các nhóm nghiên cứu khoa học từ việc đổi mới cấp đề tài xây dựng nhóm nghiên cứu qua việc tham khảo mô hình các nước có nền khoa học tiên tiến.

Một nhà khoa học sau khi trải qua những đào tạo cơ bản (đại học, sau đại học) và qua thời gian thực tập (hậu tiến sĩ) sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn nghiên cứu độc lập (nếu đủ khả năng theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu). Đó là thời điểm mà nhà khoa học bắt đầu tìm các nguồn tài trợ để lập một nhóm nghiên cứu của riêng mình, bao gồm kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho nhóm nghiên cứu (phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu đồng bộ…), nhân sự cho nhóm nghiên cứu (cộng sự, nhân sự làm việc dưới quyền: các nghiên cứu viên, sinh viên, kỹ thuật viên…) và kinh phí duy trì cho nhóm nghiên cứu (tiền trả lương cho nhân sự, tiền chi cho các hoạt động nghiên cứu,…). Do đó, ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới, luôn có các quỹ cấp tiền cho các nhà khoa học thiết lập những bước ban đầu cho sự nghiệp nghiên cứu của mình. Quỹ này có thể từ chính các cơ sở nghiên cứu, khi đăng tuyển dụng nhà nghiên cứu sẽ cam kết cấp kinh phí để ban đầu cho các ứng viên trúng tuyển. Hoặc từ các quỹ chính phủ cấp cho ứng viên dưới dạng các “học bổng” hay “đề tài” (fellowship, fund). Lúc này, cơ sở nghiên cứu (trường đại học, viện nghiên cứu) sẽ đóng vai trò các nơi bảo trợ cho fellowship của ứng viên.

Một nước nhỏ trong khối ASEAN là Singapore đang có chương trình khá hiệu quả mang tên “National Research Fellowship” (NRF) nằm trong Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (National Research Foundation) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Singapore, dành cho ứng viên bắt đầu trở thành các lãnh đạo nghiên cứu được bắt đầu từ năm 2007. NRF có thể cấp cho nhà khoa học một đề tài ban đầu tối thiểu 3 triệu SGD trong vòng năm năm, có thể coi là tạm đủ để thiết lập một nhóm nghiên cứu nhỏ, với khả năng mua sắm những thiết bị nghiên cứu cơ bản và trang trải kinh phí duy trì hoạt động của nhóm nghiên cứu. NRF xét duyệt hai lần một năm dựa trên hồ sơ cá nhân ứng viên, phản biện đề tài và kế hoạch nghiên cứu, và nhận hồ sơ thông qua cơ sở nghiên cứu bảo trợ cho ứng viên. Ứng viên NRF (phải dưới 40 tuổi) ở các trường đại học ở Singapore sẽ có hợp đồng (tenure track) 5-6 năm cho vị trí giảng sư (assistant professor). NRF là một trong những “con bài” chính của Singapore trong việc thu hút nhiều nhà khoa học trẻ xuất sắc đến đầu quân trong những năm qua.

Cũng tương tự như vậy, Hội đồng Nghiên cứu Úc (Australia Research Council) cũng có rất nhiều chương trình cấp kinh phí cho các nhà khoa học bắt đầu nghiệp nghiên cứu độc lập.

Xa hơn về phương Tây, Hội Hoàng gia London (Royal Society London) – Hiệp hội khoa học tương tự như Hàn lâm Viện quốc gia Anh quốc cũng là nơi tạo ra nhiều “fellowship” cấp cho các nhà khoa học bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu độc lập. Hệ thống fellowship của Royal Society London phân thành nhiều nhóm, có thể dành cho nhà khoa học bắt đầu nghiệp khoa bảng (early career schemes), hoặc dành cho nhà khoa học đang ở độ chín sự nghiệp (senior career schemes), hoặc cho nhóm các ngành khoa học có định hướng công nghiệp hoặc các đề tài dành riêng cho mua sắm có cơ sở vật chất nghiên cứu (Research and infrastructure schemes). Các đề tài cấp bởi Royal Society cùng với cấp kinh phí nghiên cứu, kinh phí mua sắm cơ sở vật chất nghiên cứu còn trả tiền lương cơ bản cho nhà khoa học chủ trì đề tài. Cùng với Royal Society, các quỹ nghiên cứu của Chính phủ Anh cũng có rất nhiều fellowship tương tự.

Các trường đại học ở các nước phát triển (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…) luôn cam kết đầu tư một đề tài ban đầu cho các ứng viên là các lãnh đạo khoa học mới được tuyển dụng. Đề tài này được dùng để mua sắm cơ sở vật chất cơ bản ban đầu cho nhóm nghiên cứu, chi trả chi phí nhân công và hoạt động nghiên cứu của nhóm.

Thực trạng ở Việt Nam

Ngoài những rào cản về cơ chế, cung cách làm việc thì các nhà khoa học khi bắt đầu sự nghiệp khoa học luôn gặp vấn đề khó khăn về việc xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng nhóm nghiên cứu. Cách để một người làm khoa học bắt đầu sự nghiệp là nộp hồ sơ thi tuyển công chức (thường là giảng viên- ở các trường đại học, hay nghiên cứu viên – ở các viện nghiên cứu) để có biên chế chính thức, sau đó sẽ xin các đề tài nhằm trang trải kinh phí nghiên cứu. Việc xin các đầu tư lớn đối với các nhà khoa học trẻ mới bắt đầu sự nghiệp để xây dựng một nhóm nghiên cứu ở Việt Nam là rất khó và Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) hiện nay có thể coi như một nơi “cứu trợ” nhằm trang trải một phần nhỏ kinh phí nghiên cứu với các đề tài khoảng 2-3 năm. Họ buộc phải sử dụng các trang thiết bị sẵn có (thường không đồng bộ) tại cơ sở làm việc, tức là phải “nắn bóp” nghiên cứu sao cho phù hợp với trang thiết bị hiện có, thay vì xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ để theo đuổi các hướng nghiên cứu mà họ đang làm chủ trước đó.

Do vậy, rất cần một chương trình lớn đầu tư từ chính nguồn ngân sách của chính phủ tài trợ cho các nhà khoa học trẻ có năng lực nhằm xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh lãnh đạo bởi các nhà khoa học trẻ sẽ là một chìa khóa giải quyết vấn đề. 

Một số giải pháp

Bộ Khoa học và Công nghệ có thể mạnh dạn đổi mới NAFOSTED, song song với việc cấp các đề tài thường niên như đã có tiền lệ, nên xây dựng một quỹ học bổng (ví dụ như đặt tên là NAFOSTED Research Fellowship) cấp một lượng kinh phí lớn cho các ứng viên bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu độc lập (early stage career). Fellowship có thể kéo dài năm – sáu năm, bao gồm kinh phí mua sắm các trang thiết bị để thiết lập một nhóm nghiên cứu ban đầu, một phần lương cơ bản cho ứng viên, trợ cấp (nếu có), tiền lương chi trả cho nhân công tham gia đề tài (bao gồm một – hai nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, một – hai nghiên cứu sinh tiến sĩ…), tiền chi phí cho nghiên cứu (running cost), chi phí xuất bản, công bố khoa học, tham gia hội thảo khoa học, chi phí mời chuyên gia… Để nhận được fellowship, ứng viên cần có đủ kinh nghiệm làm nghiên cứu sau khi có bằng tiến sĩ (ví dụ như thời gian làm hậu tiến sĩ từ hai – ba năm), có lý lịch khoa học mạnh (với quá trình đào tạo tốt, có kinh nghiệm làm việc liên tục với đầu ra là sản phẩm khoa học…) cộng với một kế hoạch nghiên cứu (hay đề cương nghiên cứu) đủ mạnh cho một hướng nghiên cứu theo đuổi lâu dài.

Quy trình đánh giá lý lịch khoa học và kế hoạch nghiên cứu thay vì sử dụng hội đồng ngành toàn quyền chấm điểm quen thuộc lâu nay, nên thay bằng phản biện bởi chuyên gia độc lập (ví dụ ba phản biện kín). Và tất nhiên, ứng viên cần được cơ sở nghiên cứu xác nhận làm nơi bảo trợ cho fellowship này. Và thời gian của fellowship cũng chính là thời gian ứng viên “tập sự” ở ngạch “giảng sư – assistant professor” (nếu ở trường đại học) trước khi có thể bổ nhiệm chính thức thành các Phó Giáo sư, hay Giáo sư. Và ứng viên khi nhận được fellowship này có toàn quyền chọn đội ngũ cộng sự cho hướng nghiên cứu mình theo đuổi (tất nhiên quy trình tuyển dụng nên theo chuẩn quốc tế). Và để đúng mục tiêu xây dựng nhóm nghiên cứu từ các nhà khoa học trẻ có năng lực, tuổi của ứng viên nên hạn chế (ví dụ dưới 40 tuổi). Với thời giá hiện nay, có thể mạnh dạn cấp kinh phí từ 1-2 triệu USD cho mỗi fellowship trong vòng năm – sáu năm cho các ứng viên có đủ năng lực. Nếu như mỗi năm cấp cho 25 ứng viên thì sẽ tiêu tốn 25-50 triệu USD mỗi năm, và số tiền này hoàn toàn trong khả năng của ngân sách (có tổng đầu tư lên tới 750 triệu USD đầu tư mỗi năm)1 nếu như ngân sách được sử dụng một cách hợp lý, giảm bớt lãng phí ở bộ máy hành chính. Tất nhiên đây chỉ là một con số mang tính chất tham khảo. Chi phí tối thiểu nên được tính toán một cách cụ thể các chi phí cần thiết (cơ sở vật chất, thù lao, phụ cấp…) từ việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia khoa học có kinh nghiệm.

Để có thể làm như vậy thì trước hết cần minh bạch hóa các khâu xét duyệt, chuyên nghiệp hóa các khâu phản biện xét duyệt đề tài; đồng thời cần cải cách thủ tục nộp hồ sơ, giảm bớt các giấy tờ phiền hà, tạo ra hệ thống nộp hồ sơ hoàn toàn bằng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử. Bên cạnh đó, sử dụng hợp lý nguồn đầu tư ngân sách nhà nước sẽ góp phần giảm lãng phí, tăng cường kinh phí đến tay người làm khoa học. Ngoài ra, kêu gọi sự ủng hộ đầu tư từ khối tư nhân, doanh nghiệp sẽ tạo thêm những nguồn lực đáng kể.

Trên đây là một giải pháp cụ thể trong việc đầu tư khoa học với kỳ vọng có thể hút được nguồn chất xám chất lượng cao đang làm việc ở nước ngoài, cũng như khích lệ các nhà khoa học trẻ đang gặp nhiều khó khăn trong nước. Minh bạch hóa các khâu xét duyệt, chuyên nghiệp hóa các khâu phản biện xét duyệt đề tài sẽ là chìa khóa thành công của ý tưởng.

1 “Để được nghiên cứu, nhà khoa học phải biết “lách””, VietnamNet.vn 11/04/2013. Theo Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân: “Trong 2% ngân sách nhà nước (khoảng 15.000 tỉ đồng) chi cho KH-CN, thì 90% trong số này dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Tức nguồn này chủ yếu để nuôi bộ máy các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước (hơn 6.000 người làm NCKH và 1.600 tổ chức KH-CN từ trung ương đến địa phương) và đầu tư trang thiết bị… Trong khi, phần dành cho hoạt động NCKH chỉ có 10% (khoảng 1.500 tỉ đồng) và chi cho tất cả các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ đến cấp cơ sở…”. Có nghĩa là tổng số tiền đầu tư cho khoa học và công nghệ ở Việt Nam không nhỏ, nhưng việc sử dụng bất hợp lý dẫn đến số tiền thực chi cho các hoạt động khoa học còn lại không nhiều.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)