Dự án Skolkovo: Giấc mơ của nước Nga hiện đại

Cuối cùng, Nga cũng đã quyết định đầu tư mạnh cho khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm lấy lại vị thế cường quốc về khoa học kỹ thuật từng đạt được trong giai đoạn Chiến tranh lạnh. Được xây dựng trên diện tích 370 héc ta, nằm cách Moscow 20 km về phía Tây, “thành phố đổi mới” trong dự án Skolkovo được xem là thung lũng Silicon theo kiểu Nga, hiện thân của nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế của tổng thống Dmitry Medvedev.


Thung lũng Silicon kiểu Nga

Dự án Skolkovo được Tổng thống Medvedev chính thức thông báo vào cuối tháng 3/2010 với mục đích xây dựng trung tâm công nghệ và sáng tạo tại Nga. Nằm trong những ưu tiên về phát triển kinh tế và hiện đại hóa của Tổng thống Medvedev, dự án Skolkovo sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), truyền thông, công nghệ sinh học, năng lượng, hạt nhân. Dự án sẽ được cả các tổ chức tư nhân cũng như Nhà nước quản lý và đầu tư tài chính.

Mục tiêu thứ nhất là tạo ra một phòng thí nghiệm với sự tài trợ của Nhà nước và một tổ hợp kinh doanh, từ đó tạo ra các công ty start-up (công ty đang trong giai đoạn đầu phát triển), dựa trên các công nghệ có sẵn của nước Nga cũng như của các công ty đa quốc gia. Mục tiêu thứ hai của dự án là hình thành một trường đại học nghiên cứu, nơi mà các tiến sĩ khoa học làm việc được đảm bảo có một đồng lương xứng đáng, có các phương tiện nghiên cứu hiện đại và được tiếp cận các siêu máy tính để phát triển ra các công nghệ kinh doanh được trên thị trường. Mục tiêu chung của thung lũng Silicon kiểu Nga là hướng đến thương mại hóa các công nghệ đang được ưa chuộng trong các lĩnh vực năng lượng, y sinh, công nghệ thông tin, viễn thông và kỹ thuật hạt nhân, từ đó có thể đa dạng hóa nền kinh tế của Nga, giúp nền kinh tế này khỏi lệ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt.

6 ưu tiên hiện đại hóa của Tổng thống Medvedev
Tổng thống Nga giải thích chi tiết dự án hiện đại hóa đất nước trong bài viết “Tiến lên nước Nga”, ra ngày 10/9/2009 trên tờ nhật báo Gazeta.ru. Từ nay đến năm 2030, để theo kịp các nước phát triển, Medvedev  loại bỏ mô hình hiện đại hóa cưỡng bức mà Pierre đại đế và Staline đã thực hiện. Những cải cách mới sẽ phát triển từng bước, chín chắn và dài hơi hơn.
1. Dân chủ và giải phóng tiềm năng
Hiện đại hóa về mặt chính trị: trở lại nhiệm kỳ tổng thống 5 năm, trở lại hình thức phổ thông đầu phiếu đối với bầu cử Tỉnh trưởng và Tổng thống, xóa bỏ kiểm duyệt, thay đổi vị trí thống trị của Nhà nước trong lĩnh vực truyền thông, hạn chế vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế (không quá 30% GDP)…
2. Khuyến khích đổi mới sáng tạo
Hiện đại hóa kinh tế diễn ra trên 5 lĩnh vực: sử dụng hiệu quả năng lượng, công nghệ hạt nhân, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng của thông tin trên mặt đất cũng như trong không gian, nghiên cứu về y học và dược phẩm. Việc phát triển các công nghệ đỉnh cao sẽ đi cùng với nỗ lực thương mại hóa. Medvedev dự định tạo ra thung lũng Silicon tại Nga để thu hút các nhà khoa học nước ngoài và ngăn chặn chảy máu chất xám.
3. Tạo sức sống mới cho các vùng miền
Tạo ra các vùng kinh tế liên bang cho phép hướng hành động của các nhà lãnh đạo tới các mục tiêu kinh tế (có thể lên tới 12 vùng kinh tế liên bang). Những người quản lý mới sẽ thay thế những quan chức và cảnh sát hay nhũng nhiễu. Việc phân lại địa giới hành chính này sẽ diễn ra trước tiên ở khu vực Siberie, sông Volga và núi Oural.
4. Cải cách luật pháp và hệ thống xử phạt
Mục đích cuối cùng: làm cho hệ thống xử phạt trở nên nhân đạo hơn. Mục đích trung hạn: hạn chế số lượng người bị giam giữ (ước tính lên tới 884.000 người vào tháng 8/2009). Để làm được điều này cần phải đưa vào những hình thức xử phạt mới công bằng hơn.
5. Tinh giản hệ thống cảnh sát
Lực lượng cảnh sát mật vốn nổi tiếng về những vụ tham nhũng sẽ được tổ chức lại. Một trong những hướng đó là tạo ra lực lượng cảnh sát liên bang chịu trách nhiệm về những vụ án lớn, khác với cảnh sát vùng hoặc thành phố. Quân số của lực lượng cảnh sát sẽ giảm xuống khoảng 20% (khoảng 300.000 người) và bộ máy cảnh sát nội vụ giảm xuống 50% (tương đương 10.000 người). Để tránh tham nhũng, các biện pháp tăng lương, cải thiện điều kiện ăn ở của các cán bộ ngành cảnh sát sẽ được áp dụng.
6. Đổi mới quân đội
Việc bổ nhiệm Anatoli Serdioukov- một công chức ngoài ngành vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng là dấu hiệu báo trước một cuộc cải cách triệt để. Mục tiêu: làm cho lực lượng quân đội thích ứng với các cuộc xung đột của xã hội hiện đại, tối ưu hoạt động của quân đội. Điều này cũng sẽ dẫn tới việc tinh giản bộ máy (sẽ mất đi khoảng 165.000 vị trí sĩ quan).
    (Courrier International)

Trong vòng 3 năm tới, Chính phủ sẽ xây văn phòng, phòng thí nghiệm tại trung tâm Skolkovo. Nếu mọi việc đúng theo kế hoạch thì vào năm 2014, thành phố mới này sẽ là nơi cư ngụ của khoảng từ 30.000-40.000 người.    

Hoạt động kinh doanh tại trung tâm đổi mới Skolkovo sẽ nhận được những ưu đãi đặc biệt: tiền thuê đất thấp, miễn thuế thu nhập 10 năm, thuế hải quan được giảm và hạn chế tối đa thủ tục hành chính. Đổi lại, những người hoạt động tại đây sẽ phải phát triển các công nghệ mới để bán cho thị trường thế giới. Vai trò của Chính phủ chỉ đơn giản là cung cấp môi trường nơi những doanh nghiệp đổi mới có thể phát triển tốt.


Steve Jobs giới thiệu sản phẩm iPhone của Apple với Tổng thống Medvedev

Chính phủ hiện vẫn chưa đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để xét duyệt các doanh nghiệp phát triển tại trung tâm đổi mới Skolkovo, nhưng sẽ ưu tiên cho những doanh nghiệp hoạt động trong 5 lĩnh vực mà Tổng thống Medvedev cho là then chốt để thực hiện các kế hoạch hiện đại hóa của mình.

Nhiều nước cũng đã cố gắng bắt chước Mỹ xây dựng Thung lũng Silicon theo kiểu riêng mình. Nga không phải là quốc gia đầu tiên trong số này. Malaysia xây dựng thành phố máy tính Cyberjaya, gợi cảm hứng từ Bay Area (trung tâm công nghệ tại San Francisco). Trung Quốc cũng có cụm công nghiệp cao tại Tianjin, ngoại ô Bắc Kinh, còn tại Pháp, thành phố Sophia Antipolis, gần Nice cũng là một trong những nỗ lực đẩy mạnh công nghệ cao của Chính phủ nước này.


Putin – Medvedev: bảo thủ và hiện đại có thể cùng song hành?
Vladimir Putin và Dmitry Medvedev
Từ khi quốc gia này chọn con đường hiện đại hóa, cặp đôi Putin-Medvedev đã tạo ra nhịp cho sự phát triển. Theo đó, sự bảo thủ của Putin tạo ra nền tảng cho sự ổn định của quốc gia nhưng việc đảm bảo hiện đại hóa thuộc về Medvedev. Đối với nhiều người dân Nga, Putin vẫn là lãnh tụ quốc gia còn Medvedev là hiện thân của sự đổi mới, hình ảnh mà ông có được từ khi còn là Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm các dự án quốc gia (tiền thân của các dự án lớn đang được triển khai hiện nay).
Khi Vladimir Putin nói về việc khôi phục sự vĩ đại của nước Nga, ông đã nêu ra một tầm nhìn sâu sắc trong thế kỷ 20 về việc sử dụng sức mạnh Nhà nước, khả năng quân sự và sự dồi dào dầu lửa khiến thế giới phải tôn trọng. Đề cập đến vấn đề này, Tổng thống Medvedev, lại nói về việc xây dựng một thành phố sáng tạo ở khu vực ngoại ô Skolkovo của Moscow, nơi  sẽ trọng dụng những khối óc giỏi nhất của quốc gia để tạo ra những đột phá về KH&CN, nền tảng cho kinh tế tri thức trong thế kỷ 21. Tầm nhìn của Medvedev được thiết kế để giải phóng nước Nga khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí, và để khôi phục sự vĩ đại của một dân tộc đã từng nổi tiếng thế giới về những thành tựu KH&CN.
Hai người đàn ông quyền lực này chia sẻ lĩnh vực hoạt động rất rõ ràng: Thủ tướng chịu trách nhiệm về các vấn đề xã hội, kinh tế trong khi Tổng thống gánh vác trọng trách hiện đại hóa nước Nga. Dĩ nhiên, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của cả hai người. Khi đó, đảm bảo sự hài hòa trong phối hợp hành động trở thành thách thức của cả hai để giữ cho nước Nga phát triển một cách ổn định.

Medvedev, tuy chậm chân hơn, nhưng cũng đã tuyên bố rằng dự án này là một niềm hy vọng lớn của nước Nga. Bản kế hoạch phát triển nền kinh tế Nga của ông đưa ra năm 2008, được biết dưới cái tên Chiến lược 2020, đòi hỏi khu vực công nghệ phải chiếm 15% sản phẩm xuất khẩu, hoặc 8-10% GDP vào năm 2020. Hiện nay, tỷ lệ này chỉ khoảng 1% GDP, và phần lớn là nhờ xuất khẩu vũ khí quân sự hạng nặng. Chính vì vậy, Medvedev đang đổ nhiều tỷ USD trong ngân sách Nhà nước vào các dự án KH&CN, bao gồm dự án Skolkovo, dự án quỹ đầu tư công nghệ nano lớn nhất thế giới, và một chương trình lôi kéo những người Nga sống lưu vong và các công ty của họ trở lại quê hương.


Roger David Kornberg và cha Arthur Kornberg

Hút ngược chất xám

Đã từng là quốc gia “cung cấp” rất nhiều nhà khoa học tài năng cho các nước phương Tây, hiện nay Nga đang nỗ lực thu hút dòng chất xám ngược trở lại. Mong muốn thể hiện thông qua sự cởi mở của các nhà lãnh đạo Nga: mời các nhà khoa học có tiếng của thế giới cùng tham gia Ủy ban khoa học của dự án Skolkovo.

Nhà sinh hóa người Mỹ hiện là giáo sư sinh học cấu trúc tại trường Y, Đại học Stanford, Roger David Kornberg được mời làm đồng Chủ tịch Ủy ban KHCN dự án Skolkovo. Zhores Alferov, người giành giải Nobel Vật lý năm 2000, được mời làm Cố vấn khoa học cho trung tâm, và cũng là đồng Chủ tịch Ủy ban khoa học. Chính Alferov đã đề cử Kornberg làm Chủ tịch Ủy ban nói trên vì cho rằng một trong những hướng phát triển hiện đại của nền kinh tế Nga chính là công nghệ y sinh và Kornberg, người được trao giải Nobel Hóa học cho các nghiên cứu về quá trình sao chép thông tin di truyền từ DNA sang RNA là người phù hợp để đảm nhiệm vai trò này.


Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều để tạo ra những điều kiện thuận lợi cho “Vườn Silicon” của Nga phát triển
Khu vườn Silicon của Nga
Liệu có thể xây dựng được thung lũng Silicon tại Nga? Đây là câu hỏi mà nhiều người muốn đặt ra cho tổng thống Medvedev sau chuyến thăm thung lũng Silicon của Mỹ hồi tháng 6 vừa qua. Câu trả lời ngắn gọn là không. Tuy nhiên với ý chí chính trị đủ mạnh, Nga có thể tạo ra các điều kiện để cho một phiên bản nhỏ hơn của thung lũng Silicon để nó có thể tự phát triển.
Để làm được điều này, Nga cần có những điều kiện sau đây:
1. Doanh nhân phải được hoạt động tự do, không bị gây phiền hà, nhũng nhiễu bởi các quan chức và cảnh sát tha hóa. 
2. Cần phải có chế độ thu hút và đãi ngộ những tài năng khoa học, những người có ý tưởng tốt.
3. Phải có nguồn nhân lực ổn định và tài năng trong các lĩnh vực quản lý, kinh doanh, marketing và bán hàng…
4. Phải có những cố vấn cho doanh nghiệp cũng như khách hàng để mua các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng, với giá cả hợp lý.
5. Phải tạo ra được môi trường có tính tương tác cao để mọi người có thể học hỏi và cạnh tranh với nhau.
6. Phải có tính minh bạch tối đa.
Điều quan trọng nhất vẫn là con người và văn hóa sẽ được thiết lập ở đây. Doanh nhân cần được khuyến khích để chấp nhận rủi ro. Họ cần nhận được trợ giúp và cố vấn để xây dựng những công ty sản xuất ra những sản phẩm, dịch vụ từ các phát minh và thương mại hóa chúng một cách thành công.
Lợi ích của mô hình thung lũng Silicon, bất kể nó được xây dựng ở đâu, chính là việc tạo ra một địa điểm tập trung cao những con người táo bạo và tạo điều kiện để những người này có thể tương tác được với nhau. Tại thung lũng Silicon, mọi người có thể đảm nhiệm nhiều vai trò cùng một lúc: sinh viên, nhà nghiên cứu, doanh nhân, giáo sư, nhà đầu tư. Nó giống như một hệ thống kinh tế sáng tạo: sự tương tác không chỉ dẫn tới sự đổi mới trong sáng tạo mà còn dẫn tới tới thành công trong thương mại. Nếu mọi thứ thuận lơi, Skolkovo sẽ được xây dựng với sự minh bạch. Các hoạt động ở đây sẽ mang lợi ích tới cho toàn nước Nga chứ không chỉ cho một vài doanh nhân, một vài công ty lớn và khách hàng ngoại quốc của họ.
Triết lý quan trọng nhất được sử dụng như là nền tảng cho việc xây dựng thành phố thông minh tại Skolkovo là: các cá nhân có quyền tạo ra các giá trị cho chính họ và cho cả những người khác, các thể chế chỉ đóng vai trò chất xúc tác ban đầu.
(Esther Dyson, The Moscow Times)

Viktor Velselberg, Chủ tịch tập đoàn Renova, người được Forbes đánh giá là một trong 10 nhà tài phiệt giàu nhất nước Nga, được chỉ định làm Tổng chỉ huy Dự án Skolkovo. Medvedev nhấn mạnh nhiệm vụ của Viktor Velselberg không chỉ dừng lại ở việc lên kế hoạch sử dụng vốn Nhà nước mà còn phải đưa ra những công việc cụ thể giúp quản lý dự án một cách hiệu quả. “Chúng ta bắt đầu dự án này không đơn giản chỉ để xây dựng các toà nhà, hay tạo ra các phòng thí nghiệm. Điều quan trọng là tạo ra cơ sở hạ tầng và thu hút những con người sẽ làm việc ở đây. Trung tâm chỉ có thể hoạt động tốt khi hệ thống quản lý của nó được vận hành một cách minh bạch”, ông nói. 

Bên cạnh việc lựa chọn nhân sự cấp cao cho dự án, các nhà lãnh đạo Nga chủ động củng cố quan hệ với Mỹ, quốc gia được xem là một trong những đối tác chính của Nga trong tiến trình hiện đại hóa đất nước.

Đầu năm nay, một số quan chức cao cấp của Nga bao gồm Phó Thủ tướng Igor Shuvalov, Bộ trưởng Tài chính Aleksei Kudrin, đã tham dự buổi hội thảo 2 ngày tại Học viện Công nghệ Massachusettes (MIT), Mỹ. Mục đích của chuyến đi là để tìm hiểu xem tại sao những người Mỹ thành công trong khi phần lớn các quốc gia khác bao gồm cả Nga lại thất bại.


Viktor Velselberg, chủ tịch tập đoàn Renova, một trong 10 người giàu nhất nước Nga, được chỉ định làm tổng chỉ huy dự án Skolkovo

Cuối tháng 6 vừa qua, trong chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Nga Medvedev đã gặp gỡ người đứng đầu của các tập đoàn công nghệ của Mỹ tại thung lũng Silicon như Twitter, Cisco, Google, Apple… Trong diễn văn đọc tại Đại học Stanford, Medvedev nói về dự án xây dựng Trung tâm công nghệ tại Skolkovo với mục đích thu hút tài năng và vốn đầu tư cho dự án. Ông cũng thừa nhận khó khăn của Nga trong việc xây dựng “thành phố đổi mới” theo mô hình của thung lũng Silicon. “Nhiệm vụ của Chính phủ là tạo ra các điều kiện thuận lợi cho các công ty start-up. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng. Điều quan trọng là tiền phải được chi tiêu đúng cách, được giao cho người xứng đáng và phải có những hệ thống luật pháp phù hợp”.

Bên cạnh tạo ra tiếng vang cho dự án Skolkovo, thành công lớn nhất trong chuyến thăm thủ phủ công nghệ của Mỹ là việc ký kết hợp tác giữa Tổng thống Nga Medvedev và chủ tịch tập đoàn Cisco John Chambers. Cisco đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD để tiến hành hoạt động kinh doanh, sáng tạo tại Nga. Như vậy, công ty này đóng vai trò như một đối tác quan trọng giúp Nga hoàn thành được các mục tiêu đề ra.

Công ty Kaspersky


Yevgeny Kaspersky, người sáng lập Phòng thí nghiệm Kaspersky

Yevgeny Kaspersky, người sáng lập ra phòng thí nghiệm Kaspersky, công ty sản xuất phần mềm chống virus, mong muốn một môi trường kinh doanh tốt hơn tại Nga. Ông ủng hộ dự án nhưng cho rằng để thu hút các doanh nghiệp công nghệ, Chính phủ Nga cần có các chính sách ưu đãi như nhiều quốc gia công nghiệp khác đã làm như miễn thuế hay tạo ra được cơ sở hạ tầng tốt…
Yevgeny Kaspersky, sinh năm 1964, tốt nghiệp Đại học Mật mã, tin học và Truyền thông năm 1991, sau đó làm việc tại một trung tâm nghiên cứu và phát triển. Tại đây, ông cùng với các đồng nghiệp đã phát triển gói phần mềm diệt virus (Kaspersky anti-virus). Hiện nay, ông là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về an ninh mạng.
Kaspersky bắt đầu công việc kinh doanh tại Moscow vào những năm 1990, làm việc ngày đêm để nghiên cứu về các virus máy tính nhưng ông chỉ hưởng lợi được từ khu vực kinh tế đặc biệt dành cho các start-up khi ông mở văn phòng tại Tianjin vào năm 2003. Chính phủ Trung Quốc đã cho ông văn phòng miễn phí và miễn thuế trong vòng 1 năm.
Theo Kaspersky, Nga có nhiều tài năng về phần mềm nhưng không có nhiều dự án kinh doanh thành công. Các tài năng dường như vẫn tập trung một cách lệch lạc vào hoạt động bất hợp pháp, như tạo ra các loại virus, thí dụ như virus “Storm” tấn công khắp thế giới, làm 1,5 triệu máy vi tính bị nhiễm vào năm ngoái.

Ngoài ra, một số tập đoàn lớn như Nokia, Boeing… cũng tuyên bố ý định tham gia vào dự án. Tuy nhiên, phần lớn vẫn đang chờ đợi những bước đi cụ thể của Chính phủ Nga trước khi quyết định hiện diện chính thức tại Skolkovo.

Những trở ngại cần phải vượt qua

Thách thức đầu tiên là bảo vệ các doanh nghiệp mới hình thành trong khuôn khổ của Dự án Skolkovo trước các quan chức Nhà nước và cảnh sát tham lam của Nga. Tiền trợ cấp và các đặc quyền đặc lợi mà Nhà nước Liên Xô đã từng hào phóng cấp cho các dự án khoa học và kinh doanh trước kia thường dẫn đến các vụ “ăn cắp trắng trợn”. Trong một cuộc điều tra gần đây của Pricewaterhouse Coopers về các tội phạm kinh tế toàn cầu, 71% số doanh nghiệp của Nga là mục tiêu của những hành động vi phạm như vậy của cảnh sát hay các công chức Nhà nước (mức tồi tệ nhất trong số 33 nước trong cuộc nghiên cứu). Bản thân Medvedev đã công khai chỉ trích “văn hóa tham nhũng” ở Nga và cố gắng tạo ra các bức tường chắn để bảo vệ Skolkovo, thí dụ như đơn giản hóa các luật về doanh nghiệp, đơn giản hóa chế độ cấp thị thực, tạo ra những ưu đãi về thuế…

Thách thức thứ hai là trong hai thập kỷ tới, tinh hoa giới trí thức của Liên Xô sẽ dần mất đi và để lại một hệ thống giáo dục xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn các viện nghiên cứu truyền thống của Nga đã từng đánh mất nhiều người giỏi nhất vào tay các trường đại học được tài trợ tốt hơn ở phương Tây, và hiện nay không một trường đại học nào của Nga đứng trong top 100 trường tốt nhất của thế giới. Theo thống kê năm 2009, công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế của Nga ít hơn so với Ấn Độ hay Trung Quốc, và người Nga chỉ đoạt 4 giải Nobel trong thập kỷ qua, so với 76 giải Nobel mà nước Mỹ giành được. Trong hệ thống thứ bậc các quốc gia có khả năng cạnh tranh nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Nga đã tụt 12 bậc xuống vị trí thứ 63 kể từ năm 2008, và lĩnh vực CNTT đã tụt 4 bậc, xuống vị trí thứ 74 trong số 134 nước.

Cisco: 1 tỷ USD đầu tư trong vòng 10 năm


Medvedev và chủ tịch Cisco John Chambers

Thỏa thuận giữa Chủ tịch tập đoàn Cisco và Tổng thống Medvedev nêu rõ 5 bước tiến hành để đảm bảo cho sự thành công của tập đoàn này tại thành phố đổi mới của Nga:
Bước 1: Nỗ lực thu hút tài năng, ý tưởng, và các nguồn đầu tư bằng cách cộng tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Cisco thông báo sẽ tăng tiền đầu tư mạo hiểm hiện tại cho Nga và đồng thời cũng sẽ tăng số lượng người làm việc cho hệ thống Cisco tại Nga lên 300 người.
Bước 2: Thành lập nền tảng cho đổi mới sáng tạo và kinh doanh mạo hiểm. Cisco cam kết sẽ hiện diện tại Skolkovo. Thỏa thuận hợp tác được ký tạo cơ sở cho sự hợp tác của Cisco với Chính phủ và giới doanh nhân tại Nga.
Bước 3: Tăng cường khả năng nghiên cứu, phát triển của tập đoàn tại Nga. Những nhân sự chủ chốt trong nhóm kỹ sư của Cisco sẽ được gửi tới Skolkovo. Cisco dự định sẽ thành lập một vài công ty start-up tại Skolkovo và góp phần biến Skolkovo thành một trong những khu vực công nghệ phát triển nhất trên thế giới.
Bước 4: Đảm bảo cho sự thành công của các start-up bằng việc cộng tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm của Nga. Song song với nỗ lực này, Cisco cũng đã công bố giải thưởng I-Prize trị giá 175.000 USD dành cho một nhóm doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh độc đáo và tham gia vào các công ty start-up, có tiềm năng trở thành những công ty phát triển lớn mạnh trong tương lai của Cisco tại Skolkovo.
Bước 5: Xây dựng mô hình hợp tác với các công ty, quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ tại Nga. Cisco mong muốn cùng hợp tác trong những lĩnh vực như phát triển hệ thống lưới (smart grid), dịch vụ tài chính, triển khai băng thông rộng, mạng xã hội để phát triển các sản phẩm xuất khẩu, các giải pháp và mô hình kinh doanh mới. 

Sự phản đối của một số quan chức vốn muốn nước Nga luôn ở trong tình trạng ngu dốt cũng là một trong những trở ngại cần phải vượt qua. Medvedev đang đẩy mạnh sự đổi mới KHCN như là một trong bốn trụ cột của chương trình hiện đại hóa của ông, ba trụ cột còn lại là các thể chế, cơ sở hạ tầng và đầu tư. Nhưng sự thật là ông vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ. Nga mới chỉ xây dựng được thêm 1.000 km đường vào năm ngoái, so với 47.000 km đường đã được xây dựng ở Trung Quốc. Cựu nghị sĩ thuộc phe đối lập Vladimir Ryzhkov mỉa mai rằng 4 trụ cột thực sự của chương trình hiện đại hóa của Nga là “sự ảo tưởng, thiếu hiệu quả, không ổn định và không có khả năng”. Yevgeny Gontmakher, Chuyên viên cao cấp của Viện phát triển đương đại, nói rằng sai lầm trong chiến lược của Tổng thống là: “mong đợi các nhà khoa học đến và phát minh ra mọi thứ cho họ”.

Tuy không chủ trương cải cách toàn bộ hệ thống chính trị từ trên xuống dưới một cách triệt để, nhưng rõ ràng Medvedev thấu hiểu thách thức mà ông phải đương đầu, thể hiện trong bản tuyên bố “Tiến lên nước Nga” của ông vào năm 2009: “Các quan chức tham nhũng không muốn có sự phát triển và họ lo sợ về điều đó. Nhưng tương lai không thuộc về họ mà thuộc về chúng ta. Chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng lạc hậu và tệ tham nhũng”.

Thắng lợi rất có thể sẽ thuộc về những người mong muốn thấy một nước Nga hiện đại và thông minh. Chúng ta hãy chờ xem.
            Ngọc Tú   tổng hợp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)