Ghi chép từ Hội nghị Toán học phối hợp Pháp-Việt 2012

Hội nghị Toán học Pháp-Việt (FVC 2012) được tổ chức hồi tháng 8 vừa qua tại Đại học Sư phạm - Đại học Huế là một dịp hiếm có để nhìn lại quá trình hợp tác trong nhiều năm qua giữa hai cộng đồng toán học Việt-Pháp cũng như hướng đến các cơ hội hợp tác về nghiên cứu, đào tạo và triển khai ứng dụng trong tương lai.

Về mặt lịch sử, trong suốt quá trình hình thành và phát triển của nền toán học Việt Nam, Toán học Pháp luôn có một ví trí đặc biệt. Những nhà toán học đầu tiên đặt nền móng cho Toán học Việt Nam đều đã học ở Pháp. Tiêu biểu là giáo sư Lê Văn Thiêm, nhà toán học chuyên nghiệp đầu tiên theo nghĩa là có công trình nghiên cứu ở trình độ quốc tế. Năm 1941 ông thi đỗ vào trường Đại học Cao cấp danh tiếng (École Normale Supérieure) ở Paris, nơi đã đào tạo cho nước Pháp rất nhiều nhà khoa học lừng danh. Giáo sư Lê Văn Thiêm là một trong những người Việt đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sỹ khoa học tại Pháp (năm 1948, khi đó ông mới 30 tuổi). Hưởng ứng lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, ông và một số nhà khoa học đã về nước và lập nên những trường đại học đầu tiên ở miền Bắc.

Do hoàn cảnh chiến tranh nên các quan hệ giữa Toán học Việt Nam và Pháp bị gián đoạn trong thời gian dài, dầu vẫn có những mối liên hệ gián tiếp. Quan hệ giữa hai bên được nối lại vào khoảng những năm 1965 bởi các giáo sư L. Schwartz, A. Grothendieck, Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Hoàng Tuỵ,… và một số giáo sư là Việt kiều tại Pháp như giáo sư Bùi Trọng Liễu, Lê Dũng Tráng, Nguyễn Thanh Vân. Một số chuyến thăm Việt Nam của các chuyên gia Pháp, trong đó hầu hết là các giáo sư hàng đầu thế giới, đã được tổ chức. Những chuyến thăm ấy luôn đi kèm với các bài giảng về những hướng toán học thời sự của thế giới lúc bấy giờ. Giáo sư A. Grothendieck, huy chương Fields năm 1966, đã sang Việt Nam trong vài tháng trời và giảng bài trong khi bom đạn của quân đội Mỹ đang rơi đầy bên ngoài. Ngày nay chúng ta vẫn có thể thấy kết quả trực tiếp của những nỗ lực ấy qua một số nhóm nghiên cứu ở Việt Nam có gốc rễ bắt nguồn từ những lớp học như vậy.

Sau những năm 1980, một số nhà toán học Việt Nam có điều kiện sang Pháp thực tập. Đặc biệt là từ sau năm 1990 cho đến nay, đã có hàng trăm người Việt sang Pháp học tập và nghiên cứu toán từ trình độ đại học trở lên. Một bộ phận trong số này khi trở lại Việt Nam là nguồn bổ sung quan trọng cho lực lượng nghiên cứu và giảng dạy trong nước. Về sự hợp tác và giúp đỡ của các đồng nghiệp Pháp, giáo sư Ngô Bảo Châu nhận xét, “nước Pháp tuy không phải là nước có tiềm lực tài chính mạnh nhất nhưng có những con người thực sự có tình nghĩa, tấm lòng đối với Việt Nam”.

Hội nghị phối hợp Pháp-Việt (FVC 2012) là hội nghị chung đầu tiên giữa Hội Toán học Việt Nam và một hội toán học nước ngoài. Trên thế giới, các hội nghị chung (joint meeting) giữa các hội toán học được tổ chức khá thường xuyên. So với các hội nghị thông thường, các hội nghị chung có quy mô về số người tham gia và số chuyên ngành (tiểu ban) lớn hơn nhiều. Những hội nghị như vậy cho thấy mức độ hợp tác sâu sắc và có tính “toàn diện” giữa các nền toán học. Những nước châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, … đều có tổ chức hội nghị chung với các hội toán học Mỹ, Pháp, … Theo lời một số nhà toán học nước ngoài đã tham gia các hội nghị này, FVC 2012 không hề thua kém về quy mô và chất lượng các báo cáo, thậm chí còn lớn hơn một vài hội nghị đã tổ chức.

Gần 450 đại biểu đã tham gia FVC 2012, trong đó có khoảng 70 chuyên gia từ Pháp, 20 chuyên gia đến từ các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, … và khoảng 350 đại biểu Việt Nam từ khắp các miền đất nước và từ nhiều nước trên thế giới. Trong đó có các giáo sư lão thành như giáo sư Hoàng Tuỵ, Nguyễn Đình Trí (Hà Nội), Nguyễn Thanh Vân (Toulouse), P. Cartier (Paris) không quản tuổi cao vẫn đến tham dự hội nghị. 13 báo cáo toàn thể của các chuyên gia (có hai người từng nhận huy chương Fields), một bài giảng đại chúng về toán học thế kỷ XXI và khoảng 200 báo cáo chia thành 14 tiểu ban là những con số ấn tượng của hội nghị lần này. Mỗi tiểu ban do ít nhất một nhà toán học Việt Nam và một nhà toán học Pháp chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các hoạt động của tiểu ban. Sự tham dự của các chuyên gia ngoài Pháp và Việt Nam là sự ủng hộ đáng kể đối với việc tổ chức hội nghị và cũng nói nên sự nhìn nhận khác đối với cộng đồng toán học nước ta.

Có hai điểm nổi bật tại FVC 2012 dễ nhận thấy là sự tham gia tích cực và bình đẳng của các nhà toán học Việt Nam trong tất cả các hoạt động của hội nghị và số lượng đáng kể các gương mặt báo cáo viên trẻ người Việt, cả đang làm việc trong nước và ở nước ngoài. Sự tham gia bình đẳng của chúng ta được thể hiện qua việc tổ chức hội nghị, hợp tác với các đồng nghiệp Pháp tổ chức các tiểu ban và đặc biệt là qua các báo cáo và trao đổi học thuật trong suốt thời gian hội nghị. Nếu nhìn vào thời gian và quá trình phát triển của Toán học Việt Nam thì rõ ràng đây là một kết quả đáng chú ý, mặc dù về mặt tổng thể vẫn còn một khoảng cách lớn giữa hai nền toán học. Bên cạnh các hướng nghiên cứu “truyền thống” trong nước, qua các báo cáo đã xuất hiện nhiều hướng nghiên cứu mới và nhiều hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tế. Các báo cáo như vậy phần nhiều được trình bày bởi những gương mặt trẻ, bao gồm cả một số đã làm nghiên cứu chuyên nghiệp được vài năm và một số nghiên cứu sinh tiến sỹ xuất sắc.

Song song với các hoạt động của hội nghị FVC 2012 có hai triển lãm đáng chú ý của viện Nghiên cứu khoa học cao cấp (IHÉS) ở Paris và của nhà xuất bản Springer. Triển lãm của viện IHÉS nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập viện gồm một loạt các bức ảnh của những nhà toán học, vật lý lý thuyết nổi tiếng chụp trong thời gian làm việc tại đây. Triển lãm sách của Springer có lẽ là triển lãm đầu tiên dạng này của Springer ở Việt Nam (đối với Toán). Hoạt động triển lãm sách của các nhà xuất bản tại các hội nghị lớn (ví dụ, đại hội toán học thế giới ICM) là một việc bình thường, tuy nhiên điều đó còn khá mới mẻ ở nước ta. Triển lãm này cùng với sự hợp tác gần đây của Springer để xuất bản hai tạp chí Vietnam Journal of Mathematics và Acta Mathematica Vietnamica cho thấy sự quan tâm của các nhà xuất bản lớn đến Toán học Việt Nam. Sau triển lãm Springer đã tặng lại toàn bộ sách trưng bày cho viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và một vài cơ quan nghiên cứu ở Việt Nam.

Sự thành công của hội nghị Toán học phối hợp Pháp-Việt, tổ chức đúng hai năm sau ngày giáo sư Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields, mang nhiều ý nghĩa. Hội nghị này là một trong những hoạt động chính trong năm của viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, cơ quan được thành lập trong khuôn khổ chương trình phát triển toán học đến năm 2020 của chính phủ và vừa chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm nay. FVC 2012 là một mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai cộng đồng toán học Việt-Pháp, kể từ sự cố gắng hơn nửa thế kỷ trước của các nhà toán học tiền bối. Hội nghị phần nào cho thấy khả năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, đặc biệt khi nhu cầu về lực lượng giảng viên và nghiên cứu ở trình độ cao của nước ta tăng nhanh cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi nhận được nhiều trái ngọt từ những hợp tác ấy.

Tác giả