Giải pháp Khoa học Công nghệ cho nông nghiệp VN

Giải pháp... Phát triển nông nghiệp ở nông thôn sẽ đồng nghĩa với việc xây dựng trước hết cho nông dân một kiến thức cao về khoa học công nghệ. Phải ứng dụng những công nghệ trọng điểm của thời đại như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thủy canh, công nghệ nhà có mái che, công nghệ sau thu hoạch, cơ khí hoá dụng cụ nông nghiệp, ứng dụng quy trình nông nghiệp tốt VietGAP... để sản xuất nông sản có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn vệ sinh và giá thành thấp. Những công nghệ này phải được nghiên cứu, yểm trợ bằng những dự án ít rườm rà về thủ tục giấy tờ, và được trình diễn ở những Trung tâm xuất sắc ở mỗi vùng sinh thái hoặc ở mỗi địa phương, tạo điều kiện để nông dân học tập và cập nhật kiến thức. Trung tâm xuất sắc sẽ là nơi nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mang tính đột phá, giải quyết được nhiều thách thức của vùng và địa phương mình, giúp phát triển toàn diện các ngành nông nghiệp để cạnh tranh tốt với nông sản nhập khẩu ở thị trường trong nước, đồng thời làm tiền đề phát triển thị trường xuất khẩu, đưa nông nghiệp Việt Nam tiến vào biển lớn, hội nhập WTO. 

Kiến thức cao về khoa học công nghệ sẽ giúp nông thôn biết quy hoạch đất đai, mạnh dạn khoanh vùng để giữ gìn “bờ xôi ruộng mật”, chỉ xây dựng công trường ở nơi thuận tiện, và sân golf  – cũng quan trọng để phát triển du lịch – phải ở nơi không phải đất nông nghiệp, với con số chừng mực bao nhiêu sân là hợp lý. 
Kiến thức cao về khoa học công nghệ sẽ giúp nông thôn biết ứng dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ, IPM, GAP để bảo vệ môi trường, các phương pháp xử lý làm sạch nước, nâng cao chất lượng nước dùng trong nông nghiệp.
Kiến thức cao về khoa học công nghệ cũng sẽ giúp nông thôn biết ứng phó với thiên tai bão lụt, tìm giải pháp thích ứng khi khí hậu biến đổi, và sẽ cho Việt Nam những giống lúa chống lụt (gene Sub1), chống mặn, phương pháp trồng hoa màu trên cát.
Nông sản Việt Nam được sản xuất, dĩ nhiên ở nông thôn, đã và đang kinh qua muôn ngàn trở ngại vì: 1) hạ tầng cơ sở kém nên vận chuyển khó khăn, 2) kỹ thuật sản xuất thô sơ nên chất lượng chưa đạt, 3) tổ chức hành chính rườm rà nên ngăn cản việc sản xuất tập trung với lượng hàng hoá lớn, 4) giá cả vận chuyển đắt nên giá thành nông sản bị đội lên, khó cạnh tranh ở cả hai thị trường trong và ngoài nước, và 5) thủ tục hải quan chưa gọn nhẹ nên việc xuất khẩu mất tính hấp dẫn, không lôi kéo được đầu tư. Đó là chưa nói đến tình hình nông dân bị thương lái và tổ chức tài chính tại địa phương khống chế, mất cơ hội làm giàu, tạo nên hình ảnh không mấy đẹp khi nói đến nghề nông. Đây là những lý do chính ngăn cản sức bật của nông nghiệp Việt Nam, cho nên phải mạnh dạn phá vỡ những tương quan chằng chịt này để lột xác nông thôn, biến nơi này thành một mảnh đất phì nhiêu, sẵn sàng cho hạt giống khoa học công nghệ sinh sôi nảy nở. 

… và Cơ hội

Về mặt chiến lược phát triển nông nghiệp, Việt Nam không thể không tiếp cận với kỹ thuật biến đổi gene vì đây là một trong những thành tựu của khoa học hiện đại. Nghiên cứu, đánh giá cây biến đổi gene cho các loại nông sản quan trọng như lúa, ngô, đậu tương, bông vải, cải dầu và rau quả, cũng như chẩn đoán CÓ hay KHÔNG gene biến đổi trong nông sản hoặc thức ăn nhập khẩu như ngô, đậu tương, sữa, bơ, pho mát, khoai tây chiên… là những việc rất quan trọng mà Việt Nam cần phải làm, sửa soạn cho đến khi giới tiêu thụ thế giới chấp nhận thức ăn biến đổi gene, thì lúc đấy Việt Nam cũng đã có sẵn chuyên viên và các kỹ thuật công nghệ sinh học về giống, tạo giống và nhân nhanh giống biến đổi gene, phục vụ kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam, phát triển xuất khẩu.
Như vậy vào thời điểm này, có lẽ chúng ta chỉ nên triển khai nghiên cứu cây biến đổi gene  ở đại học hoặc viện nghiên cứu vì đây là những cơ quan có chức năng nghiên cứu và phát triển công nghệ, giúp Việt Nam không bị tụt hậu trong bước tiến chung về KHKT của thế giới. Nghiên cứu cây biến đổi gene ở đại học hoặc viện nghiên cứu có lý do tốt giúp Việt Nam giải thích với bạn hàng nhập khẩu Việt Nam vẫn là một quốc gia GM-free. Chúng ta cần phải hết sức thông minh để đi vào con đường GM. Không nên vội vã mà bị rơi vào cái bẫy của những công ty siêu quốc gia khi họ bị mất thị trường Âu châu và Nhật Bản nay quay sang Việt Nam tìm kiếm thị trường mới: Việt Nam cần xây dựng thương hiệu nông sản và thực phẩm made in Vietnam “tươi ngon, sạch đẹp và GM-free”.

Mặc dù còn có nhiều khó khăn trở ngại, cộng thêm với thiên tai bão lũ, hạn hán, rét đậm rét hại… vậy mà trong năm 2008, Việt Nam đã xuất khẩu được 2,87 tỷ USD gạo, 2 tỷ USD cà phê, 1,6 tỷ USD cao su, 1,5 tỷ USD tôm và 1 tỷ USD cá tra. Tổng cộng các mặt hàng nông lâm ngư nghiệp xuất khẩu trong năm 2008 là 16,24 tỷ USD. Đạt được con số này là một kết quả ngoạn mục. Nhưng thực ra đấy không phải do ta đã thành công trong việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà do ở thị trường thế giới đang trong thời kỳ thiếu nguồn cung cấp nên đã trả với giá cao hơn. Như vậy rõ ràng cơ hội vẫn còn nhiều do thực phẩm càng lúc càng hiếm và nông sản càng lúc càng trở thành một mặt hàng có giá trị. Nếu nông sản được tăng thêm giá trị (value added) bằng cách chế biến, thì nông sản sẽ có giá trị cao hơn, thu nhập trên một hecta sẽ không thua các mặt hàng công nghiệp.
Với một diện tích đất có thể canh tác không nhiều, chỉ 10-11 triệu ha nhưng lại có một thành phần nông dân trẻ, đông đảo, hùng hậu, Việt Nam phải tính toán để phân bổ hợp lý đất, người và đặt ưu tiên phát triển mặt hàng nông nghiệp nào kinh tế nhất cho thị trường trong và ngoài nước. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy trong quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá, thành phần nông dân Nhật đã tụt giảm từ 60% xuống còn khoảng 5-6%. Kết quả là quốc gia này đã gặp muôn vàn khó khăn trong sản xuất vì số nông dân quá ít, phải nhập khẩu đến 60% lương thực cần dùng. Nếu nông thôn Việt Nam quyết tâm lột xác để xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở tốt, một môi trường sản xuất thông thoáng, và áp dụng một nền khoa học công nghệ cao, thì thành phần nông dân trẻ sẽ trụ lại, xây dựng thành công một đất nước có cả nông nghiệp và công nghiệp hiện đại, vừa bảo đảm tính bền vững về an ninh lương thực vừa bảo đảm “môi trường xanh” cho Việt Nam.  Dioxin, Vedan… là những bài học xương máu, nên đừng bao giờ quên rằng Nông nghiệp ngoài vai trò làm đầy bao tử, làm ấm cơ thể, còn là bầu không khí trong lành cho buồng phổi nữa.
Thách thức nào cũng khó khăn, nhất là đối với tầm cỡ của một quốc gia, của một dân tộc. Nhưng nếu không nhìn thấy và quyết tâm vượt qua, chúng ta sẽ bỏ mất cơ hội. Đã qua rồi thời kỳ hậu chiến. Cũng qua rồi thời kỳ đổi mới. Việt Nam đã đổi mới và đã đi vào biển lớn. Vậy phải nhìn thẳng vào khó khăn để mạnh dạn dứt bỏ những chính sách vốn xây dựng cho sông, suối nay không còn thích hợp với sóng lớn đại dương. Sự kiện melamine của Trung Quốc, sự kiện cúm lợn ở châu Mỹ… đang tạo thêm cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam. Thời cơ ấy sẽ qua đi nếu ta không kịp thời bắt lấy!
——————
Trích tham luận tại Hội thảo: Định hướng và Giải pháp phát triển KH&CN Việt Nam 2010 – 2020

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)