Giảng dạy và nghiên cứu ở đại học Mỹ

Vì một số lý do, hoạt động giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Mỹ dường như đang bị xem nhẹ so với việc nghiên cứu.

Các giáo sư đại học có hai trách nhiệm chính yếu: tạo ra các tri thức mới và đào tạo sinh viên. Mặc dù giáo dục các kỹ năng học tập suốt đời là những điều tối quan trọng trong thế giới thay đổi nhanh chóng và phụ thuộc nhiều vào công nghệ, các nhiệm vụ giảng dạy tại nhiều môn khoa học thường quá tải. Thêm vào đó, hệ thống khen thưởng tại các trường đại học chú trọng tới những nỗ lực của các giáo sư trong nghiên cứu hơn là trong giảng dạy, đặc biệt là trong những lĩnh vực có sự tài trợ mạnh mẽ của các nguồn tài chính bên ngoài. Những điều này đã dẫn tới tại nhiều trường đại học của Mỹ, các hoạt động giảng dạy có vẻ bị xem nhẹ.

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng có ít hoặc không có sự liên quan giữa giảng dạy hiệu quả do sinh viên đánh giá và nghiên cứu được đo bằng hiệu quả nghiên cứu và trích dẫn. Tuy nhiên, sự xuất sắc trong nghiên cứu và giảng dạy không loại trừ nhau mà ngược lại còn tương tác cộng năng để cùng nâng cao hiệu quả của cả hai. Sự phân biệt giữa nghiên cứu và giảng dạy nhiều khi chỉ mang tính hình thức, giáo sư giảng dạy sinh viên từ các nguồn tri thức đã biết trong lớp học nhưng cũng dạy cách tạo ra các tri thức mới trong các phòng thí nghiệm.

Văn hóa của trường đại học và các khoa thường không có cách đánh giá, hỗ trợ tương xứng việc giảng dạy tốt. Những đóng góp lớn cho nghiên cứu thường được đánh giá bằng các tiêu chuẩn như công bố công trình khoa học, thu hút tài trợ và được công nhận ở mức quốc gia cũng như quốc tế. Trong khi đó, giảng dạy ít được đánh giá bên ngoài công chúng cũng như trong trường. Để tạo dựng văn hóa khuyến khích các khoa khoa học cam kết một cách công bằng cho các nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu, các trường đại học phải công nhận, tôn vinh và hỗ trợ nỗ lực của các nhà nghiên cứu là những nhà giáo tài năng và tận tâm.

Một số sáng kiến được đưa ra, mặc dù phần lớn không mới nhưng quan trọng trong bối cảnh giáo dục đại học thay đổi vì những lo lắng đào tạo đủ các nhà khoa học cũng như phổ biến khoa học cho các công dân và vì các nguồn lực dành việc nâng cao chất lượng giáo dục đang được tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Nghiên cứu về hoạt động học tập. Không một nhà khoa học nào có thể tham gia vào việc nghiên cứu nếu thiếu sự tìm hiểu những công trình trong lĩnh vực này trước đó, tuy nhiên chỉ có ít giảng viên đọc các nghiên cứu về giáo dục. Các trường đại học có thể xem nghiên cứu về giáo dục như một hoạt động học thuật ví dụ như qua việc tập huấn về giảng dạy cách tiếp cận khoa học dựa trên bằng chứng cụ thể. Việc tập huấn nên đề cập tới lý thuyết giáo dục, các phương pháp thử nghiệm và đánh giá học tập. Các giáo viên phải có thời gian để thử nghiệm những phương pháp mới, xác định các chiến lược mà họ có thể triển khai hiệu quả và tận dụng được nguồn lực cho phép chuyển đổi các nguyên tắc học tập vào thực hành giảng dạy. Những phương pháp này phải bao gồm cả chiến lược khuyến khích sinh viên tham gia vào các khóa học nhập môn.

Tạo ra những giải thưởng vinh danh các giảng viên giỏi. Nhiều trường đại học công nhận các giáo viên xuất sắc với những danh hiệu đặc biệt nhưng với các khoản tiền thưởng khiêm tốn. Sự công nhận rộng rãi tại trường đại học nên bao gồm cả nguồn tài chính dồi dào cho các giáo sư, điều này sẽ giúp hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu đồng thời tiếp tục đóng góp vào giảng dạy. Đưa các cuộc nói chuyện của các nhà khoa học vào loạt bài giảng về khoa học là một cơ hội tốt để giới thiệu phương pháp giảng dạy tiên tiến. Điều này có thể thu hút những nhà tài trợ quan tâm tới việc tài trợ cho các khoa chứng tỏ được sự xuất sắc trong đào tạo các nhà khoa học tương lai. Bên cạnh sự công nhận tại trường đại học, ở cấp độ khoa cũng cần có những giải thưởng ghi nhận thành tích trong giảng dạy cùng với nguồn tài chính do các trưởng khoa cấp để hỗ trợ hoạt động học thuật của người đoạt giải. Điều này không chỉ giúp khoa có những nỗ lực trong giảng dạy duy trì các chương trình nghiên cứu mà còn chứng tỏ cho các đồng nghiệp rằng những nỗ lực để hoàn thành tốt công việc giảng dạy cũng được đánh giá cao. 

Đưa thành tích xuất sắc trong giảng dạy thành tiêu chí thăng chức. Tiêu chuẩn chính cho biên chế và thăng tiến cho thấy giảng dạy và nghiên cứu có mức quan trọng như nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các trường đại học nghiên cứu thăng chức cho giảng viên chủ yếu dựa vào các thành tích nghiên cứu và khả năng thu hút các nguồn tài trợ bên ngoài các trường đại học. Trong khi đó, thăng tiến dựa vào sự xuất sắc trong giảng dạy có thể dẫn tới việc cải thiện chất lượng giáo dục. Chúng ta cần phải đạt được sự nhất trí về các mục tiêu giáo dục khoa học ở các trường và có đánh giá mức độ các giảng viên đạt được những mục tiêu này.

Tạo ra các nhóm thảo luận về phương pháp giảng dạy. Giảng dạy thì thường không có sự theo dõi của các đồng nghiệp. Do vậy, các thành viên mới và cũ cần phải tạo thành những nhóm giảng dạy nhỏ, có sự theo dõi lẫn nhau. Các thành viên có thể dự giờ, đưa ra những nhận xét chỉ ra những chiến lược giảng dạy hiệu quả và sáng tạo và phân tích các bước thực hiện nhằm tăng tính hiệu quả. Sự giúp đỡ từ phía đồng nghiệp sẽ cho thấy khoa đánh giá cao và chia sẻ những trách nhiệm trong việc tạo ra chất lượng cao trong giảng dạy.

Tạo ra các chương trình liên ngành ở bậc học đại học. Nhiều trường đại học chưa chú trọng tới việc khai thác nguồn tri thức ở các khoa khoa học tự nhiên. Phần lớn các trường đại học đều có khoa giáo dục song chỉ có một số là có mối liên quan mật thiết với giảng viên của các khoa khoa học. Trong khi đó sự hợp tác này có thể tạo ra những chương trình sáng tạo về việc thử nghiệm và đánh giá giảng dạy.

Trợ giúp cho hoạt động giảng dạy khoa học hiệu quả. Học viện mùa hè quốc gia tài trợ cho giảng viên của khoảng 100 trường đại học nghiên cứu triển khai các nguyên tắc giảng dạy khoa học. Các trung tâm giảng dạy tại các trường đại học cũng trợ giúp cho giáo sư trong việc đánh giá và đào tạo các trợ giảng. Cách tốt nhất để giảng dạy khoa học là khuyến khích sinh viên làm khoa học. Để đáp ứng cho một số lượng lớn sinh viên, cần phải hỗ trợ các giáo sư-cố vấn cho sinh viên và cung cấp các cơ sở vật chất cho việc giảng dạy và nghiên cứu.

Có sự cam kết của trưởng khoa, hiệu trưởng. Yếu tố chính để tạo ra văn hóa khuyến khích cả nghiên cứu và giảng dạy là nằm ở vai trò của người lãnh đạo. Chủ nhiệm các khoa khoa học tự nhiên, hiệu trưởng các trường đại học cần phải nâng cao chức danh giảng viên-nhà khoa học, nói về tầm quan trọng của giảng dạy hiệu quả, và tạo ra các chương trình khuyến khích đổi mới trong giảng dạy khoa học.

Sự phát triển của các trường đại học nghiên cứu đòi hỏi chúng ta cần phải tăng cường văn hóa đại học theo đó giảng dạy và nghiên cứu không được xem là các nhiệm vụ mang tính cạnh tranh mà là các hoạt động bổ trợ cho nhau cùng hướng tới mục tiêu: tạo ra tri thức mới và đào tạo sinh viên.

Lê Ngọc (Theo Science, 1/2011)

Tại sao dạy học không phải là ưu tiên số 1?

Với các trung tâm giải trí rộng rãi, các phòng thí nghiệm tiến tiến, cuộc sống tại các trường đại học thực sự khác biệt so với 100 năm về trước. Nhưng có một điều vẫn giữ nguyên: hoạt động giảng dạy. Giáo viên vẫn thiết kế bài giảng, lựa chọn tài liệu, và trong nhiều trường hợp quyết định việc thi cử sẽ tiến hành như thế nào như cách mà họ vẫn làm lâu nay.

Một vài năm gần đây, do Chính phủ chi nhiều tiền hơn cho các hoạt động giáo dục, họ mong muốn có nhiều bằng chứng hơn về chất lượng giáo dục. Nhưng có một trở ngại nảy sinh, đó là văn hóa của các trường. Không phải vì các giáo sư ít quan tâm tới chất lượng hay sinh viên  mà bởi vì các trường nói với họ điều gì là quan trọng. “Các phần thưởng của khoa không có gì liên quan tới việc đánh giá việc học tập của sinh viên”, Adriana Kezar, phó giáo sư về giáo dục đại học tại trường Nam California (USC) nói. “Tôi được thăng tiến là nhờ viết nhiều bài báo chứ không phải là chỉ ra các kết quả của quá trình học tập của sinh viên”.

Cách đánh giá chất lượng ở bậc đại học vẫn là công việc rất khó. Một cuộc điều tra do Viện đánh giá kết quả học tập của quốc gia thực hiện vào năm ngoái đã cho thấy hiệu trưởng của các trường có đào tạo tiến sĩ xem việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên là thách thức số 1 của họ. Các thành viên của khoa từ lâu được hưởng sự tự chủ trong các lớp học, do vậy việc thuyết phục họ thay đổi cách dạy  là rất khó khăn.

Các giảng viên thường là người có tiếng nói cuối cùng và đôi khi là duy nhất về điều đang xảy ra trong lớp học. Chỉ khi giảng viên đi chệch khỏi chuẩn mực thì quản lý mới can thiệp. Một giáo sư tại trường Louisiana đã bị sa thải sau khi cho điểm trượt phần lớn sinh viên trong lớp học nhập môn sinh học vào năm ngoái. Tuy nhiên, về cơ bản, giảng viên có quyền điều hành lớp học theo cách họ thấy phù hợp nhất.

“Nếu sinh viên đạt điểm A trong lớp của tôi, và điểm A trong lớp của anh, chúng ta có thể nói đó là một sinh viên giỏi”, Tierney, giám đốc trung tâm Phân tích chính sách giáo dục đại học tại USC nhận xét. “Nhưng chúng ta không bình luận về việc sinh viên đó đang học cái gì”.

Thực tế là một số giáo sư ít cảm thấy sức ép để thay đổi. Họ cũng quá bận rộn để dành thời gian cho việc đánh giá. Và những câu hỏi “chống đối” thường là, “Tại sao tôi lại phải dành nhiều thời gian làm việc với đồng nghiệp để thu thập tài liệu về kết quả của học tập? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không làm? Không có sinh viên nào tới lớp của tôi? Không có sinh viên nào đăng ký học trường này?”

(Chronicle of Higher Education)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)