Giáo sư ngành Toán qua 40 năm công nhận

Không kể những lần phong đặc cách, năm 1980 là năm đầu tiên Chính phủ chính thức ban hành quyết định công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các cán bộ làm công tác giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học.

BCH Hội Toán học Việt Nam khoá 1. Hàng đầu (từ trái): Hoàng Tụy (thứ 3), Nguyễn Thúc Hào (4.), Lê Văn Thiêm (5.), Nguyễn Cảnh Toàn (6.), Nguyễn Đình Trí (7.)

Từ đó đến nay vừa tròn 40 năm công tác công nhận/bổ nhiệm chức danh (chức vụ) giáo sư, phó giáo sư Toán. Đây là dịp tốt để tiến hành sơ kết, đánh giá về công tác này, đặc biệt là xem xét ảnh hưởng của nó đối với công cuộc xây dựng và phát triển đào tạo, nghiên cứu của ngành Toán Việt Nam.

Giáo sư ngành Toán

Về tổng thể, đã có 91 người được công nhận giáo sư về Toán, trong đó có 4 giáo sư được công nhận đặc cách. Đó là các giáo sư Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm (trước 1980), Ngô Bảo Châu (năm 2005) và Vũ Hà Văn (năm 2009). GS Tạ Quang Bửu và GS Lê Văn Thiêm là những người xây dựng nên nền khoa học Việt Nam nói chung (chứ không riêng gì ngành Toán), năm phong không được biết chính xác, còn cơ quan công tác lúc đó thay đổi rất nhanh. GS Ngô Bảo Châu và GS Vũ Hà Văn là những nhà toán học xuất sắc, làm việc ở nước ngoài, được công nhận như là một hình thức tôn vinh. Để sự phân tích chính xác hơn, trong các thống kê và nhận xét dưới đây sẽ không bao gồm 4 giáo sư được công nhận đặc cách.

Trong 87 giáo sư, ngoài 6 giáo sư được công nhận tại đợt 1 đương nhiên không qua phó giáo sư, thì chỉ có 9 giáo sư được phong thẳng. Đó là các giáo sư: Nguyễn Hữu Anh, Nguyễn Xuân Lộc, Nguyễn Đình Ngọc (năm 1984), Đinh Dũng, Nguyễn Văn Khuê, Đào Trọng Thi, Trần Đức Vân (1991) và Trần Văn Nhung, Nguyễn Văn Thu (1992). Mới chỉ có 2 nữ giáo sư được công nhận là GS Hoàng Xuân Sính (47 tuổi, năm 1980) và GS Lê Thị Thanh Nhàn (45 tuổi, năm 2015).

Bảng 1: Số giáo sư ngành Toán (so với các ngành khác).

 

Thống kê ở Bảng 1 cho thấy, số người được công nhận chức danh giáo sư ngành Toán có chiều hướng giảm. Có một số lí do giải thích cho hiện tượng này. Nhưng lí do quan trọng nhất là sau năm 1986, với những biến động khác nhau trong xã hội và trên thế giới, đã có một thời gian dài có sự thiếu hụt khá trầm trọng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu về Toán; tạo nên một khoảng trống khá nghiêm trọng. Rất may trong thời gian 10 năm trở lại đây, với sự ra đời và hỗ trợ đáng kể của Quỹ NAFOSTED, với sự tài trợ của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 – 2020 – mà trọng tâm là sự ra đời và hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, tình hình đã được cải tạo đáng kể. Tuy nhiên, phải có thêm thời gian để đội ngũ cán bộ trẻ đó phát triển tiếp, tích lũy đủ thành tích để đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của chức danh giáo sư.

Độ tuổi khi được công nhận

Về tuổi khi được công nhận, tuổi bình quân của 87 giáo sư Toán (chính qui) là 51,7. Người trẻ nhất là GS Phạm Hoàng Hiệp (35 tuổi, năm 2017), có lẽ là giáo sư trẻ nhất ở trong nước trong 40 năm qua? Tiếp theo là GS Nguyễn Quang Diệu (37 tuổi, năm 2011), GS Ngô Việt Trung (38 tuổi, năm 1991) và GS Sĩ Đức Quang (38 tuổi, năm 2019). Người cao tuổi nhất là GS Đỗ Văn Lưu (75 tuổi, năm 2019). Như vậy có thể thấy, tuổi trung bình của giáo sư ngành Toán vẫn còn khá cao; dù rằng tương đối thấp so với đội ngũ giáo sư trong cả nước.

Hiện nay

Rất tiếc trong 89 giáo sư làm việc trong nước, có 13 người đã mất (tuyệt đại đa số do tuổi cao, sức yếu). Có 41 giáo sư hoặc đã trên 70 tuổi, hoặc đã quá 60 tuổi và đã về hưu, không còn làm nơi nào cả. Như vậy, chỉ còn 35 giáo sư chưa quá 70 tuổi và còn làm việc (kể cả ngoài công lập). Tuổi bình quân của các giáo sư này là 61 tuổi, và chỉ có 11 giáo sư dưới 60 tuổi. Đây là một con số quá ít cho một nền đại học và một ngành nghiên cứu cơ bản như Toán học trong thời đại cách mạng 4.0.

Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Toán, nhiệm kì 2014 – 2018.

Số lượng tuy không nói lên tất cả, nhưng phần nào phản ánh khả năng làm việc của các giáo sư. Theo MathSciNet, nếu tính tổng số bài quốc tế đã đăng trong toàn bộ sự nghiệp cho đến thời điểm này, thì trong 35 giáo sư, người có nhiều công trình nhất là 142 bài, còn người ít nhất là 25 bài. Tính bình quân, mỗi giáo sư công bố 63.6 bài. Tuyệt đại đa số bài được liệt kê là các công bố quốc tế, và ước tính hơn 2/3 số bài được đăng ở tạp chí ISI.

Một vấn đề được dư luận quan tâm tiếp theo là việc nghiên cứu sau khi được công nhận. Ở Việt Nam, có một e ngại là sau khi được công nhận chức danh giáo sư thì nhiều người sẽ thôi làm nghiên cứu. Rất đáng mừng là tất cả 35 giáo sư này vẫn hăng say nghiên cứu. Chỉ có điều rất khó làm thống kê, vì nếu tính số lượng tuyệt đối, thì thông thường những người được công nhận đã lâu sẽ có số lượng cao hơn. Ngược lại, nếu tính tỷ số công trình trên số năm được công nhận, thì ở những người mới được công nhận, thông thường con số sẽ lớn hơn (do lúc mới được công nhận còn trẻ và còn đang sung sức). Theo MathSciNet, người có tỷ số thấp nhất là 0.85 bài/ một năm (GS này đã được công nhận 13 năm), còn người có tỷ số cao nhất là 9 bài/năm (GS này mới được công nhận 1 năm), người có tỷ số cao thứ nhì là 5.61 bài/năm. Điều đó có nghĩa là sau khi được công nhận, mỗi giáo sư bình quân mỗi năm công bố ít nhất gần 1 công trình. Nếu tính trung bình toàn thể 35 giáo sư, thì con số là 2.2 bài/1 năm/1 giáo sư (bằng tổng số bài chia cho tổng số năm – cả hai thông số đều tính từ khi công nhận giáo sư – của tất cả 35 người). Đây là một con số khá cao, chứng tỏ ham mê nghiên cứu và năng lực sáng tạo của các giáo sư sau khi được công nhận vẫn được phát huy, thậm chí trong nhiều trường hợp còn hiệu quả hơn so với trước lúc được công nhận.

Các chuyên ngành có nhiều giáo sư được công nhận gồm có: Lý thuyết Tối ưu, Giải tích phức, Phương trình Đạo hàm riêng, Phương trình vi phần và Hệ động lực, Lý thuyết Xác suất và Thống kê Toán học và Đại số giao hoán.

Thay cho lời kết

Với một đội ngũ giáo sư hiện nay còn ít ỏi như trên đã nêu, có thể nghĩ tới một bức tranh ảm đảm trong việc duy trì, chứ chưa nói đến phát triển ngành Toán học trong tương lai. Vì vậy, việc phát triển đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ giáo sư Toán luôn là bài toán thời sự. Theo ước tính của chúng tôi, có khoảng 300 – 350 là phó giáo sư, nhưng chưa là phó giáo sư. Trong số đó, không đến 100 người có tuổi ít hơn 60. Rất may, một số không nhỏ trong số đó còn tương đối trẻ và có thành tích nghiên cứu tốt. Hy vọng trong thời gian sắp tới họ sẽ tiếp tục phát huy được khả năng của mình, để nhanh chóng được công nhận chức danh giáo sư và gánh vác trách nhiệm phát triển nền Toán học Việt Nam của các thầy, cô, các lớp đàn anh để lại.

Khi nói về phát triển của một ngành khoa học, hay một đội ngũ cán bộ khoa học mà chỉ thuần túy nói về số lượng thì rất lệch lạc. Chỉ riêng nói về nghiên cứu, thì không phải cứ số lượng công bố cao hơn là giỏi hơn, tốt hơn. Nhưng cũng không thể nói người có công bố ít lại rất xuất sắc. Đã nói về chất lượng nghiên cứu và ảnh hưởng của ai đó, thì cần đi sâu phân tích, đánh giá các công bố của người đó. Ngay nói về chuyên môn, đóng góp của một cá nhân cũng không chỉ gói gọn trong những công bố khoa học, mà một việc rất có ý nghĩa là xây dựng hướng nghiên cứu và nhóm nghiên cứu. Đôi khi, đây lại là phần đóng góp để đời nhất của một giáo sư đối với hậu duệ của một ngành.

Hơn nữa, việc đóng góp của đội ngũ giáo sư không chỉ bó hẹp trong mỗi phạm vi nghiên cứu. Không có những người tiên phong xây dựng và tạo tiền đề như GS Tạ Quang Bửu và GS Lê Văn Thiêm, thì không thể có nền Toán học hiện nay. Không có những giáo sư đứng đầu dẫn dắt lớp lớp các thầy, cô giáo đào tạo học trò các cấp khác nhau hơn một nửa thế kỉ qua, thì cũng không thể có nền Toán học hiện nay. Không có những người hi sinh sở thích nghiên cứu để làm công tác tổ chức, thì cũng khó có nền Toán học hiện nay. Việc ghi nhận đó cần có sự đánh giá, đóng góp ý kiến của nhiều người, nhất là những bậc cao niên, mới hy vọng vẽ nên một bức tranh tương đối tổng thể. Một cá nhân như tôi, trong điều kiện tìm kiếm tư liệu vô cùng khó khăn, bài viết này chỉ là một đóng góp nhỏ.

Điểm qua lịch sử bổ nhiệm chức danh giáo sư Trước năm 1980, có tất cả 29 nhà khoa học Việt Nam được công nhận chức vụ giáo sư. Trong số đó, ngành Toán học có hai giáo sư là GS Tạ Quang Bửu và GS Lê Văn Thiêm. Năm 1976, Nhà nước mới ban hành Quyết định số 271-CP ngày 1/10/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc công nhận chức vụ Giáo sư và Phó Giáo sư trong lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Thực hiện quyết định này, năm 1980 và 1984, Chính phủ đã hai lần ban hành quyết định công nhận chức vụ khoa học giáo sư và phó giáo sư (sau đó có bổ sung bốn lần vào các năm 1984-1989, nhưng không có Toán). Từ năm 1989, theo Nghị định số 153-HĐBT, ngày 25/9/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước, thì việc xét và ban hành quyết định công nhận chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư do Hội đồng Xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước đảm nhiệm. Sau đó, Hội đồng này lần lượt được thay đổi tên bằng: Hội đồng Học hàm Nhà nước (năm 1995), Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước (năm 2001) và Hội đồng Giáo sư Nhà nước (năm 2018). Chức vụ khoa học GS, PGS lần lượt được đổi thành chức danh GS, PGS (năm 1989), học hàm GS, PGS (năm 1995) và chức danh GS, PGS. Từ năm 2008, việc bổ nhiệm (chứ không phải công nhận) chức danh GS, PGS lại được sửa đổi, chia thành hai bước: Hội đồng chỉ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS là của cơ sở giáo dục đào tạo. Trong giai đoạn đầu trung chuyển, từ năm 2008 – 2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định bổ nhiệm; còn từ 2012, thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm. Trên thực tế, đã có một vài trường hợp được công nhận đạt tiêu chuẩn, nhưng không được cơ sở đào tạo nơi mình công tác bổ nhiệm. Chính vì vậy, năm được bổ nhiệm và năm được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh có thể khác nhau. Cho đến nay đã có tổng cộng 21 đợt công nhận chức danh GS, PGS (không kể các đợt bổ sung). Các năm 1980, 1984, 1991, 1992, 1996 được xét không thường xuyên. Từ năm 2002, công tác này được tiến hành thường xuyên, chỉ trừ có hai lần gián đoạn (các năm 2008, 2018) để thay đổi qui chế.
Theo khoahocphattrien.vn

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)