Giống biến đổi gene: Nên sử dụng hay loại trừ?

Gần đây có không ít ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp bày tỏ sự lo ngại trước quyết định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho ngô biến đổi gene của Bộ NN&PTNT, khiến tôi nhớ lại mùa thu năm 2003, nhân dịp tham quan Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học của Giáo sư Marc Van Montagu thuộc Bộ môn Di truyền của Đại học Gent, Bỉ.

Ở đó, tôi đã gặp ông James Taylor, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Tổ chức GreenPeace (Anh Quốc) trong buổi mạn đàm với Tổ chức Dịch Vụ Quốc tế Tiếp nhận những Ứng dụng công nghệ sinh học Nông Nghiệp (ISAAA) mà tôi là một thành viên Ban tín chấp (Board of Trustees). Ông Taylor trình bày quan điểm của GreenPeace chống đối công nghệ sinh học (CNSH) nói chung và sản phẩm của CNSH là giống có gene biến đổi (GMO), với những lập luận lấy từ những quan sát khó chứng minh bằng phương pháp khoa học. Tôi đưa ra trường hợp rau cải trồng tại Đà Lạt bị sâu đo (Plutella sp.) cắn phá khủng khiếp mà không có thuốc trừ sâu nào trị được khiến bà con nông dân phải trộn nhiều loại thuốc với nhau để xịt hằng ngày làm ô nhiễm đất đai và thuốc ngấm vào nước Hồ Xuân Hương, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của thành phố Đà Lạt. Trường hợp này xin ông ấy cho ý kiến trong ba chọn lựa: (1) khuyến cáo dân chúng không nên ăn rau cải Đà Lạt, (2) Ăn rau và sử dụng nước Hồ Xuân Hương có lưu tồn chất độc thuốc trừ sâu, hoặc (3) sử dụng giống rau GMO (có gene Bt trừ sâu đo hữu hiệu). Chần chừ một lát, ông Taylor nói rằng trong tình huống này thì dùng giống rau GMO có lợi hơn biện pháp thuốc trừ sâu. Câu trả lời của ông Taylor làm tôi liên tưởng đến trường hợp nên đi máy bay hay nên tẩy chay hẳn việc sử dụng máy bay, khi ai cũng biết máy bay không phải an toàn 100% mà thỉnh thoảng cũng có tai nạn. Thực tế là mọi người vẫn tự nhiên dùng máy bay để di chuyển chứ không ai lội qua đại dương.

Giống cây trồng biến đổi gene phát triển nhanh

Thế giới ngày càng sử dụng nhiều hạt giống có gene biến đổi (GM) như bắp Bt, bắp kháng thuốc diệt cỏ Roundup, đậu nành Bt, bông vải Bt, cải dầu, cà chua Bt, cà tím Bt… Trong báo cáo mới công bố tháng 2-2014 (James, Clive. 2013. Global Status of Commercialized Biotech/GM Crops: 2013. ISAAA Brief No. 46. ISAAA: Ithaca, NY.) Tiến sĩ Clive James đã tổng hợp toàn cảnh thế giới đang trồng giống cây trồng công nghệ sinh học (giống biến đổi gene, GM), cho thấy Hoa Kỳ là nước dẫn đầu, kế đó là Brazil, Argentina, Ấn Độ, Canada, và Trung Quốc, qua đó chúng ta nhận thấy các quốc gia tiếp cận đỉnh cao khoa học đã mạnh dạn trồng các loại cây trồng biến đổi gene phù hợp nhu cầu của quốc gia họ. Tại một số vùng trồng bông lớn ở nước đang phát triển đang triệt để sử dụng hạt bông vải Bt để giảm sử dụng thuốc trừ sâu đục bông. Đặc biệt là Philippines đã công nhận và cho trồng đại trà giống bắp Bt vì sâu đục thân bắp gây tác hại lớn. Khảo sát vùng trồng bắp Bt đại trà ở Mindanao, Philippines (100 nông dân trồng giống bắp Bt và 300 nông dân trồng giống thường) cho thấy năng suất giống mới Bt cao hơn, giảm tối thiểu chi phí xịt thuốc trừ sâu đục thân bắp đem đến lợi tức tăng hơn 50% so trồng giống cũ. Tuy nhiên sau bảy năm sử dụng giống, đã có dấu hiệu giảm tính kháng sâu trong giống bông vải Bt. Vấn đề mất tính kháng tương tự trong giống bắp Bt có thể sẽ xảy ra trong tương lai.

Tại Việt Nam, các cơ quan hữu quan của nhà nước đã thông qua chính phủ những qui định khắt khe về an toàn sinh học và qui trình thử nghiệm giống GM. Bộ NN&PTNT đã cho phép trồng thử nghiệm giống bắp GM tại nhiều tỉnh miền Bắc nhưng kết quả trong hai năm qua chưa cho thấy những ưu việt so với giống bắp lai tạo trong nước vì điều kiện trồng của Việt Nam là khô hạn chứ không nhất thiết là có nhiều cỏ dại hay sâu đục thân bắp. Trong khi đó bắp GM chỉ tập trung vào gene chống sâu đục thân và kháng thuốc diệt cỏ Roundup chứ không có gene kháng hạn. Do đó không lý gì ta lại chọn giống bắp GM. Nhưng ta có thể cần đến giống đậu nành Bt vì đậu nành trồng ở Việt Nam có rất nhiều sâu bệnh, nông dân hầu như phải xịt thuốc trừ sâu bệnh nhiều lần trong tuần, rất tốn kém. Nhưng không chắc công ty Monsanto muốn bán đậu nành Bt cho ta, vì không như bắp GM là bắp lai mỗi lần trồng mới là phải mua giống mới, thì giống đậu nành Bt là giống rặc, nông dân có thể tự để giống, không cần mua tiếp của công ty. Công ty Monsanto đã rút giống đậu nành Bt ra khỏi Indonesia vì không bán được hạt giống lần thứ hai (do nông dân chỉ mua một lần rồi họ tự để giống cho mấy lần sau).

Nhận xét chung

Giống GM là đỉnh cao của khoa học hiện đại, không thể phủ nhận được. Các công ty tạo giống GM, như Monsanto, Pioneer, Syngenta, phải tiêu tốn nhiều tỉ đôla để thuê những nhà di truyền chọn giống tài giỏi và mua thiết bị tối tân, làm việc dưới sự kiểm soát ngặt nghèo về an toàn sinh học, để cho ra đời những giống cây trồng có đặc tính chống chịu sâu bệnh và cỏ dại nguy hiểm mà phương pháp lai tạo thông thường không đạt được. Các nhà khoa học phải tìm từ hàng trăm ngàn dòng Bt (Bacilus thurigiensis) để có một dòng ký sinh được trên loại sâu ta muốn diệt trừ. Nếu nông dân tiếp tục trồng giống cũ sẽ phải tiêu tốn tiền của, tổn hại sức khỏe và tổn hại môi trường khi bơm xịt thuốc trừ sâu bệnh cho cây trồng.

Những công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật châu Âu – luôn rêu rao những tác hại của giống GM qua những nhận xét nhất thời của họ. Tuy nhiên rất ít người có thể chứng minh một cách khoa học về những tác hại này.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng giống GM thường mang lại lợi lớn. Tuy nhiên, muốn trồng giống GM, nông dân phải mua hạt mới mỗi khi trồng, không có quyền tự để giống trồng cho mùa tới, vì công ty giống giữ trọn quyền tác giả. Đây là một bất tiện cho nông dân nghèo, vì giá giống GM cao hơn giống qui ước vì công ty phải lấy lại chi phí quá lớn để tạo giống GM.

Điều đáng lưu ý là ở các nơi trồng nhiều giống GM, sự kháng gene Bt đã xảy ra, và gene chống thuốc diệt cỏ Roundup (glyphosate) cũng đang xảy ra. Tin trên Globalresearch News (Canada) vào tháng 1/2014 cho biết nông dân Mỹ đang quay về dùng giống tự nhiên để trồng bắp và đậu nành vì trồng giống Bt không lời như trước nữa. Lý do giá bắp và đậu nành Bt xuất cho Á châu rẻ hơn giống thông thường, và trồng giống Bt bây giờ lại phải tốn thêm phân thuốc. Các công ty giống phải tiếp tục tìm ra những gene mới từ những dòng Bt mới để thay thế. Và như thế thì giá giống GM đã cao rồi, sẽ cao hơn nữa.

Nhiều dư luận, nhất là từ các tổ chức phi chính phủ được sự tài trợ khổng lồ của những “nhà tài trợ vô danh” – được hiểu là những công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật châu Âu – luôn rêu rao những tác hại của giống GM qua những nhận xét nhất thời của họ. Tuy nhiên rất ít người có thể chứng minh một cách khoa học về những tác hại này. Thực chất đây là một thủ đoạn rào cản của các công ty lớn không muốn để nông sản Mỹ tràn vào lấn át nông sản của châu Âu. Các nhà khoa học hiểu biết về công nghệ sinh học thường ít để tâm vào cuộc chiến không cân xứng này.

Tóm lại

Về mặt khoa học, chúng ta không thể để cho các nước trên thế giới cho rằng Việt Nam không biết tiếp thu thành tựu cao nhất và hiện đại nhất về công nghệ sinh học trong nông nghiệp vì chúng ta hùa theo các lập luận căn cứ trên những sự kiện nhất thời mà loại bỏ giống GM. Ví như ta không thể vì một phi cơ bị rơi chết hết hành khách mà không đi phi cơ khi có nhu cầu.

Về mặt khoa học, chúng ta không thể để cho các nước trên thế giới cho rằng Việt Nam không biết tiếp thu thành tựu cao nhất và hiện đại nhất về công nghệ sinh học trong nông nghiệp vì chúng ta hùa theo các lập luận căn cứ trên những sự kiện nhất thời mà loại bỏ giống GM.

Về mặt kinh tế, thị trường sử dụng giống GM sẽ tự điều chỉnh. Nước Mỹ và nông dân của họ đầu tiên sử dụng giống GM một cách tự do, và sau một thời gian hưởng lợi với giống GM, cũng từ những nông dân hàng đầu đó đã tự nhận thấy những bất lợi khi dùng giống này lâu dài, và họ tự trở về giống thông thường lúc này lại phát triển tốt trong môi trường sâu bệnh và cỏ dại đã tự biến đổi để chống với các gene biến đổi trước.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)