Gỡ bỏ quả bom Thụy Điển
Vì sao các quốc gia phát triển vũ khí hạt nhân, và làm sao để khuyến khích họ từ bỏ việc đó? Đây là một câu hỏi trọng tâm trong quan hệ quốc tế kể từ khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Ngày nay, câu hỏi này nhận được sự quan tâm ngày càng lớn trong bối cảnh thế giới dường như đang bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới, sau một thời kỳ cắt giảm thành công. Nhiều chuyên gia quốc tế đang lo ngại sẽ có thêm nhiều quốc gia phát triển vũ khí hạt nhân trong kỷ nguyên mới này. Liệu chúng ta có thể tránh, hoặc ít nhất là hạn chế, sự lan rộng của vũ khí hạt nhân? Một cách để trả lời câu hỏi đó là nhìn vào các quốc gia đã từ bỏ tham vọng hạt nhân. Thụy Điển là một thí dụ rất thú vị. Từ một nước khát khao vũ khí hạt nhân trong thập kỷ 1950, nước này đã chuyển hướng và trở thành một trong những nhà vận động tích cực nhất cho việc giải trừ vũ trang trên thế giới1. Với việc ký Hiệp ước “Không phổ biến vũ khí hạt nhân” vào ngày 19 tháng 8 năm 1968, Thụy Điển chính thức đồng ý không sở hữu vũ khí hạt nhân, mặc dù trong suốt hơn 20 năm trước đó, họ đã liên tục phát triển một chương trình [hạt nhân] cho phép tự sản xuất vũ khí hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân Ågesta bên ngoài Stockholm. (Nguồn ảnh: Holger Ellgaard, CC BY-SA 3.0.)
Bước đầu của chương trình hạt nhân ở Thụy Điển
Quân đội là cơ quan đầu tiên ở Thụy Điển xem xét khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Chỉ hai tuần sau khi hai quả bom nguyên tử được ném xuống Nhật Bản, các lãnh đạo quân đội yêu cầu Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (Försvarets forskningsanstalt, FOA), khi đó vừa mới được thành lập, viết một báo cáo về khả năng sử dụng công nghệ mới đó. Năm 1948, báo cáo đầu tiên của FOA về vấn đề hạt nhân kết luận rằng triển vọng cho một chương trình vũ khí hạt nhân là tươi sáng: mặc dù việc xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân đòi hỏi những đầu tư tài chính khổng lồ, trình độ khoa học của Thụy Điển khi đó khá tiến bộ, và Thụy Điển có trữ lượng uranium lớn, dù chất lượng thấp. Việc phát triển một chương trình năng lượng hạt nhân dân sự cũng nhận được sự đồng thuận mạnh ở Thụy Điển. Năm 1947, công ty nhà nước AB Atomenergi (AE) đã được thành lập để phát triển chương trình hạt nhân dân sự.
Năm 1949, FOA và AE ký một thỏa thuận tiếp nghiên cứu và phát triển lâu dài. FOA chịu trách nhiệm chung về nghiên cứu vũ khí hạt nhân, trong khi AE sẽ xây dựng các lò phản ứng và nhà máy sản xuất plutonium và các nhiên liệu hạt nhân. Nói cách khác, chương trình hạt nhân dân sự được thiết kế để có thể dễ dàng phục vụ cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân, nếu Quốc hội Thụy Điển (Riksdag) quyết định theo đuổi chúng.
Trong hai thập kỷ 1950 và 1960, Thụy Điển đầu tư rất nhiều cho chương trình kép này. AE xây hai lò phản ứng nước nặng để sản xuất plutonium, một nhà máy uranium và một nhà máy nhiên liệu hạt nhân, còn FOA thiết kế một chương trình phát triển các hệ thống vũ khí. Từ năm 1955, FOA đã kết luận rằng nhờ có nguồn plutonium, Thụy Điển đủ điều kiện kỹ thuật để tự sản xuất vũ khí hạt nhân. Các nhà khoa học của FOA đã thiết kế một chương trình vũ khí hạt nhân với mục tiêu sản xuất 100 vũ khí hạt nhân chiến lược.
Một mục tiêu của các chính trị gia và các nhà khoa học Thụy Điển là tự làm chủ chu trình nhiên liệu. Nhập khẩu uranium quá khó khăn dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của Mỹ đối với xuất khẩu nguyên liệu và thiết bị hạt nhân, đặc biệt khi mục đích sử dụng là sản xuất vũ khí. Vì lý do đó, Thụy Điển lựa chọn một công nghệ cho phép các lò phản ứng, dùng nước nặng làm chậm neutron và uranium tự nhiên, không phải làm giàu. AE dự định nhập nước nặng từ Na Uy. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo Na Uy đáp ứng được nhu cầu của Thụy Điển. Nên Thụy Điển mong muốn xây dựng một nhà máy nước nặng qui mô lớn ở thị trấn miền Bắc Ljungaverk.
Nhưng nhà máy đó đã không được xây; đến giữa thập kỷ 1960, công nghệ nước nặng đã được thay thể bởi công nghệ nước nhẹ. Lò phản ứng nước nặng Ågesta ở phía Nam Stockholm sử dụng nước nặng nhập từ Na Uy và Mỹ, nhưng chỉ cho mục đích dân sự. Một lò phản ứng nước nặng thứ hai, Marviken, được xây ở ngoài thành phố Norrköping, nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động.
Cuộc tranh luận về sở hữu vũ khí hạt nhân
Cho đến giữa thập kỷ 1950, các kế hoạch vũ khí hạt nhân của Thụy Điển chỉ được thảo luận giữa một nhóm nhỏ các chính trị gia, quan chức quân đội và nhà khoa học. Một cuộc tranh luận nghiêm túc công khai giữa các đảng phái chính trị nổ ra vào năm 1954, sau khi một báo cáo của tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển, Nils Swedlund, được công bố. Trong bản báo cáo “ÖB-54” này, Swedlund kêu gọi ủng hộ việc sở hữu vũ khí hạt nhân – trước hết có thể được dùng khi bị xâm lược, nhưng cũng có thể phục vụ cho mục đích ngăn ngừa. Đảng Bảo thủ ủng hộ vũ khí hạt nhân, Đảng Tự do thiên về ủng hộ nhưng không kiên quyết, Đảng Trung dung chưa khẳng định quan điểm. Các thành viên đứng đầu Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng thì chia rẽ, một số ủng hộ, số khác phản đối. Trong Đảng Dân chủ Xã hội còn có một phái hòa bình phản đối mọi sự mở rộng quân đội. Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Xã hội (Sveriges socialdemokratiska kvinnoförbund, SSKF), do Inga Thorsson đứng đầu, là thành viên của phái hòa bình đó, và sau này trở thành tiếng nói phản đối vũ khí hạt nhân mạnh mẽ nhất.
Thủ tướng Thụy Điển cầm quyền 1946-1969 Erlander có lẽ là người duy nhất có khả năng giải quyết thách thức này. Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế và khoa học chính trị, trước đó ông từng học vật lý ở đại học và quan tâm đến nghiên cứu hạt nhân trước cả khi khi hai quả bom nguyên tử được ném xuống. Trong Chiến tranh Thế giới II, ông thảo luận các kết quả nghiên cứu hạt nhân mới nhất với người bạn học cũ Torsten Gustafson, giáo sư vật lý Đại học Lund. Sau chiến tranh, Gustafson trở thành cố vấn của Erlander về các vấn đề hạt nhân. Trong hồi ký, Erlander kể về việc mình đọc các bài báo khoa học và nói chuyện về ứng dụng, dân sự cũng như quân sự, của nghiên cứu hạt nhân với Gustafson và các nhà khoa học hàng đầu, như hai nhà vật lý đoạt giải Nobel Niels Bohr và Patrick Blackett2.
Thủ tướng Thụy Điển Tage Erlander, năm 1952. (Nguồn ảnh: Wikimedia Commons, PD-US-1996.)
Tại thời điểm đó, Erlander muốn tránh các tranh luận công khai về vấn đề hạt nhân. Quan điểm của ông là nên đạt được sự đồng thuận trong đảng trước khi thương lượng với Đảng Tự do và Đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, việc Đảng Bảo thủ thúc đẩy sở hữu vũ khí hạt nhân quyết liệt hơn đã đặt Erlander vào thế khó. Và vì chính đảng của mình cũng đang chia rẽ về vấn đề này, ông không chắc nên trả lời thế nào.
Mặc dù FOA đã bàn về khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân được một thời gian, nhưng phải đến tháng 11 năm 1955, chính phủ mới có cuộc họp đầu tiên về vấn đề này, và đến tháng 2 năm 1956, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội mới chính thức ngồi xuống thảo luận về nó. Trước cuộc họp của đảng, Erlander đã có một số cuộc nói chuyện với những thành viên quan trọng trong đảng đại diện cho các quan điểm khác nhau, để có một bức tranh rõ ràng hơn về tình hình. Dựa trên đó, Erlander chuẩn bị một đề xuất mà ông hy vọng sẽ gỡ được những bế tắc và xung đột.
Trong đề nghị của mình, Erlander cho rằng Thụy Điển có thể hoãn đưa ra một quyết định về vũ khí hạt nhân. Ông đưa ra hai lý do. Thứ nhất, chưa cần phải quyết định tại thời điểm đó, vì chính phủ chưa có hiểu biết đầy đủ về những điều kiện tiên quyết để sản xuất vũ khí hạt nhân. Thứ hai, đàm phán quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ đang diễn ra, và Thụy Điển không nên làm phức tạp thêm bằng cách quyết định sản xuất vũ khí hạt nhân; điều đó rất có thể làm tăng thêm chạy đua vũ trang trên toàn cầu.
Cuộc họp kéo theo các tranh luận nảy lửa, và sự bất đồng giữa phe phản đối và phe ủng hộ càng làm tăng thêm chia rẽ trong Đảng Dân chủ Xã hội. Đáng chú ý nhất là việc bà Thorsson tuyên bố SSKF sẽ công khai phản đối lựa chọn vũ khí hạt nhân. Bà và một lãnh đạo nữ khác, Bộ trưởng Ulla Lindström, bỏ họp giữa chừng để phản đối. Cuối cùng, Erlander thuyết phục được ban lãnh đạo đảng hoãn quyết định cuối cùng đến năm 1958.
Thời điểm quyết định
Đến năm 1958, các nhà khoa học tự tin rằng Thụy Điển có thể làm bom hạt nhân, nếu muốn. Trong khi đó, vấn đề chính trị ngày càng trở nên gai góc cho Erlander và nội các của mình. Sự chỉ trích ngày càng mạnh trong đảng và trên truyền thông, cùng với một chiến dịch quần chúng phản đối vũ khí hạt nhân, buộc Erlander phải tìm cách thỏa hiệp với các đảng khác trong Riksdag.
Chính phủ Erlander đưa ra hai đề xuất. Đề xuất thứ nhất, được gọi là chương trình thiết bị, sẽ được thực hiện nếu Riksdag lựa chọn vũ khí hạt nhân. Đề xuất thứ hai, chương trình bảo vệ, sẽ được thực hiện nếu Riksdag bỏ phiếu không tán thành. Nó sẽ tập trung vào chuẩn bị cho quân đội sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân, thay vì thiết kế một thiết bị hạt nhân. Nghiên cứu kỹ lưỡng về phòng vệ dân sự và về tiềm lực vũ khí hạt nhân của các quốc gia khác sẽ là cần thiết để Thụy Điển có thể tự bảo vệ trước một kẻ thù có vũ khí hạt nhân. Chính phủ Erlander khuyến nghị thông qua chương trình bảo vệ, với lập luận rằng chưa đến lúc phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc phát triển vũ khí hạt nhân tấn công.
Tháng 7 năm 1958, Riksdag thông qua một đạo luật tăng thêm ngân sách nghiên cứu quân sự cho FOA. Đảng Tự do và Đảng Trung dung đồng ý với chính phủ Erlander rằng một quyết định về vũ khí hạt nhân ở thời điểm đó là vội vã. Đảng Bảo thủ tuyên bố ủng hộ sở hữu vũ khí hạt nhân chiến lược, dù chưa đòi hỏi một quyết định tức thời.
Trong khi đó, sự phản đối vũ khí hạt nhân ngày càng tăng trong nội bộ Đảng Dân chủ Xã hội gây sức ép lên Erlander, như nhật ký của ông tiết lộ. Ông do dự không biết làm sao giải quyết mối xung đột có nguy cơ chia cắt đảng của mình. Từ năm 1957, chính Erlander bắt đầu nghi ngờ về lựa chọn hạt nhân. Ông viết trong hồi ký rằng mình “cần khá nhiều năm đọc, thảo luận và suy nghĩ trước khi đạt đến được một vị trí khiến tôi hài lòng”3. Một lý do khiến Erlander thận trọng là năng lực và hiểu biết khoa học của ông. Cái gốc khoa học tự nhiên và niềm yêu thích vật lý giúp ông hiểu rõ hơn hầu hết các nhà chính trị cùng thời về những khả năng cũng như những trở ngại của năng lượng và vũ khí hạt nhân.
Erlander không công khai bày tỏ phản đối việc sở hữu vũ khí hạt nhân, kể cả với các lãnh đạo khác của Đảng Dân chủ Xã hội. Thay vào đó, ông ưu tiên giành lấy sự đồng thuận chính trị rộng rãi về vũ khí hạt nhân giữa các đảng Dân chủ Xã hội, Trung dung, và Tự do. Để duy trì vị trí trung lập, Erlander mở ra thảo luận công khai về vấn đề hạt nhân giữa giới chính trị, truyền thông, các tổ chức hòa bình, và các nhóm đối lập.
Quyết định rút khỏi cuộc tranh luận của Erlander cho phép những người phản đối mạnh mẽ nhất trong đảng của ông khởi động các chiến dịch phản đối vũ khí hạt nhân. Thorsson tổ chức các buổi mít-tinh quần chúng, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Östen Undén thúc đẩy những bước đầu giải trừ vũ khí ở Liên Hợp Quốc. Sự phản đối vũ khí hạt nhân cũng có ở bên ngoài các đảng chính trị. Công đoàn, nhà thờ, phong trào hạn chế rượu, và các nhóm hòa bình bắt đầu công khai phản đối lựa chọn vũ khí hạt nhân.
Cung điện các quốc gia tại Geneva, trụ sở châu Âu của Liên Hợp Quốc, một nơi diễn ra nhiều cuộc đàm phán giải pháp cho vấn đề vũ khí hạt nhân, khoảng đầu những năm 1960. (Nguồn ảnh: Becks, CC BY 2.0.)
Năm 1958, 21 người nổi tiếng gồm nhà văn, học giả và cha xứ ký một kiến nghị sau đó trở thành nền móng của Mạng lưới Hành động Phản đối Vũ khí Hạt nhân (Aktionsgruppen mot svensk atombomb, AMSA). Thành viên của mạng lưới khá đa dạng về chính trị, tuy nhiên để tránh bị truyền thông và các đối thủ tấn công, họ không cho phép các Đảng viên Cộng sản tham gia với tư cách diễn giả hoặc có các vị trí quan trọng trong tổ chức. AMSA đưa các học giả nổi tiếng và các nhân vật văn hóa đến các cuộc tọa đàm và tranh luận để trình bày quan điểm phản đối vũ khí hạt nhân. Truyền thông cũng góp phần quan trọng đưa vấn đề phản đối vũ khí hạt nhân đến với công chúng. Từ năm 1954 đến năm 1959, đã có gần 3000 bài báo [về vấn đề hạt nhân] trên các tờ báo và tạp chí ở Thụy Điển4.
Từ tháng 1 năm 1957, Thụy Điển là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và có vai trò lớn trong ủy ban đảm nhiệm các vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân. Cùng tháng, Thụy Điển đưa ra một đề xuất tạm hoãn thử hạt nhân. Trong những năm tiếp theo, Undén làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy việc giải trừ vũ khí trên toàn thế giới và có ảnh hưởng lớn đến dư luận Thụy Điển.
Những thay đổi đồng thời diễn ra trong Đảng Dân chủ Xã hội. Tháng 12 năm 1958, Erlander tuyên bố thành lập một ủy ban của đảng để nghiên cứu và đánh giá lựa chọn hạt nhân. Với tư cách chủ tịch ủy ban, ông chỉ định các thành viên thuộc cả hai phe với mong muốn đạt được một vị trí đồng thuận. Trong nghiên cứu hoàn thành cuối năm 1959, ủy ban thảo luận nhiều trở ngại kỹ thuật đối với việc sản xuất vũ khí hạt nhân, cùng với tình hình chính trị quốc tế. Họ kết luận rằng Riksdag có thể trì hoãn đưa ra quyết định ít nhất là đến giữa thập kỷ 1960, khi các diễn biến trên thế giới sẽ trả lời cho câu hỏi liệu Thụy Điển có thể an toàn mà không cần vũ khí hạt nhân. Trong khi chờ đợi, nghiên cứu quốc phòng vẫn cần được tiếp tục.
Dù gặp nhiều khó khăn trong việc phân định nghiên cứu tấn công với nghiên cứu phòng vệ, ủy ban vẫn xác định được một giới hạn: không thực hiện những nghiên cứu có mục đích trực tiếp phục vụ cho sản xuất vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong thực tế, FOA vẫn nghiên cứu thiết kế vũ khí và tính toán chi phí sản xuất vũ khí hạt nhân. Khái niệm nghiên cứu phòng vệ đóng vai trò vỏ bọc cho những chuẩn bị liên tục về mặt kỹ thuật để Thụy Điển có thể nhanh chóng chuyển sang phương án vũ khí hạt nhân nếu thay đổi chính sách. Riksdag tiếp tục ủng hộ chính sách tự do hành động đó thêm vài năm nữa5.
Trong khi đó, chiến dịch phản đối tiếp tục thu được thành công. Dư luận bắt đầu ngày càng ngả về phía nói không với vũ khí hạt nhân. Các kết quả thăm dò dư luận thể hiện rõ điều này: năm 1957, có 40% ủng hộ lựa chọn hạt nhân, 36% phản đối và 24% do dự; năm 1965, chỉ có 17% ủng hộ, còn lại 69% phản đối và 14% do dự.
Sự ủng hộ của quân đội yếu dần
Trong khi dư luận chuyển sang phản đối vũ khí hạt nhân, và Thụy Điển ngày càng tích cực tham gia các đàm phán quốc tế về giải trừ vũ khí, bộ tư lệnh quân đội chuẩn bị một kế hoạch quốc phòng mới. Sự đồng thuận mạnh mẽ trước đó trong quân đội về việc trang bị vũ khí hạt nhân cho các lực lượng phòng vệ Thụy Điển bắt đầu tan rã.
Alva Myrdal, người chủ trì xây dựng và lãnh đạo một chương trình giải trừ vũ khí, vào năm 1966. (Nguồn ảnh: Cơ quan Lưu trữ quốc gia Hà Lan, CC BY-SA 3.0 NL.)
Có một số lý do giải thích sự chia rẽ này. Thứ nhất là học thuyết đáp trả ồ ạt, trong đó các quốc gia dùng vũ khí hạt nhân để phá hủy nặng nề lãnh thổ của kẻ thù trong giai đoạn đầu của chiến tranh, không còn được ưa chuộng dưới chính quyền [Tổng thống Mỹ] Kenedy. Vai trò suy giảm rõ rệt của vũ khí hạt nhân trong tư duy chiến lược của quân đội Mỹ khiến các nhà lập kế hoạch của quân đội Thụy Điển phải tính toán lại. Trong chiến lược mới, vũ khí hạt nhân nhiều khả năng sẽ được sử dụng trên quy mô nhỏ, phụ thuộc vào những đánh giá cụ thể về yêu cầu của tình hình6. Tuy rõ ràng nhượng bộ, các lãnh đạo quân đội vẫn tin rằng cần phải để ngỏ các lựa chọn và tiếp tục thảo luận về khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân chiến lược.
Một lý do khác là mâu thuẫn lớn dần giữa các quân chủng. Cả lục quân và hải quân đều lo ngại trong tương lai sẽ thất thế trong cuộc tranh giành ngân sách, vì phần tài nguyên lớn liên quan đến hạt nhân sẽ được dành cho không quân. Nhưng ngay cả trong không quân cũng có những nghi ngại ngày càng tăng về ưu thế của việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Không quân có những dự án tốn kém khác cần ngân sách, chẳng hạn dự án phát triển một máy bay chiến đấu mới. Nếu các dự án hạt nhân được triển khai, có thể dự án máy bay đó sẽ bị ngưng hoặc cắt giảm. Đến năm 1965, quân đội đã lùi xa khỏi vị trí ủng hộ mạnh mẽ ban đầu. Một báo cáo năm 1965 của tổng tư lệnh quân đội nói rằng quyết định hạt nhân là một vấn đề chính trị, và nó đơn thuần yêu cầu ngân sách để tiếp tục các nghiên cứu liên quan đến hạt nhân.
Phản ứng của Mỹ
Để hiểu rõ việc quân đội ngừng thúc đẩy sở hữu vũ khí hạt nhân, cần liên hệ với quan điểm của Mỹ về vũ khí hạt nhân. Hợp tác về hạt nhân giữa hai nước bắt đầu vào cuối những năm 1940, nhưng không bình đẳng. Thụy Điển không chỉ cần Mỹ trợ giúp về hạt nhân, mà cần cả trợ giúp phát triển sức mạnh quân sự. Cái giá của sự hợp tác với Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng: phụ thuộc hơn, và hạn chế về khả năng kết hợp các kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân với chương trình nước nặng dân sự7. Mỹ lo sợ rằng nếu một quốc gia hòa bình và dân chủ như Thụy Điển có vũ khí hạt nhân, nguy cơ lan rộng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới sẽ tăng đáng kể.
Thụy Điển và Mỹ hợp tác sâu hơn về chính sách quốc phòng trong nửa sau thập kỷ 1950. Rồi Thụy Điển được phép mua và sản xuất các hệ thống tên lửa của Mỹ. Sự phụ thuộc vào công nghệ tên lửa của Mỹ càng khiến Thụy Điển bị hạn chế và tạo ưu thế cho các nhà lãnh đạo Mỹ để thuyết phục Thụy Điển không theo đuổi vũ khí hạt nhân. Đến năm 1960, Chính phủ Mỹ đã chọn chính sách kiên quyết phản đối việc Thụy Điển sở hữu vũ khí hạt nhân.
Chương trình năng lượng hạt nhân dân sự cũng khiến Thụy Điển thêm phụ thuộc vào hợp tác công nghệ với Mỹ. Để hạn chế vũ khí, Mỹ hạ giá uranium đã làm giàu, qua đó làm giảm đáng kể giá nhiên liệu cho các lò phản ứng nước nhẹ. Chính sách đó, có hiệu lực vào cuối thập kỷ 1950, có hai lý do. Thứ nhất, sản xuất nguyên liệu cho vũ khí từ chất thải của lò phản ứng nước nhẹ thì khó hơn là từ chất thải của lò phản ứng nước nặng. Thứ hai, bất kỳ nước nào mua uranium đã làm giàu của Mỹ đều phải đồng ý không sử dụng nó để sản xuất vũ khí8. Mặc cho những hạn chế đó, Thụy Điển quyết định rằng một chương trình nước nặng cho mục đích dân sự là quá tốn kém, trong khi một chương trình nước nhẹ rẻ hơn đang sẵn có. Chính sách mới của Mỹ đã mở cánh cửa để Thụy Điển chuyển sang các lò phản ứng nước nhẹ.
Từ quan điểm của Mỹ, họ sẽ có lợi nếu giúp Thụy Điển trong trường hợp nước này bị Liên Xô tấn công. Một tài liệu năm 1960 của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ viết “trong trường hợp Khối Xô-viết tấn công một mình Thụy Điển”, Mỹ sẽ “sẵn sàng tới trợ giúp Thụy Điển, như một phần của sự đáp trả của NATO hoặc Liên Hợp Quốc đối với hành động tấn công”9.
Không có bằng chứng Mỹ cho Chính phủ Thụy Điển biết về điều đó. Tuy nhiên, bộ tư lệnh có vẻ đã nhận thấy thay đổi trong thái độ của Mỹ và hiểu rằng Thụy Điển đã nằm dưới sự bảo vệ hạt nhân của Mỹ. Niềm tin đó giúp quân đội từ bỏ tham vọng hạt nhân dễ dàng hơn, và cũng khiến phe ủng hộ một Thụy Điển có vũ khí hạt nhân, như Đảng Bảo thủ, từ bỏ các kế hoạch đó dễ dàng hơn.
Đảo ngược thành công
Đầu thập kỷ 1960, các nỗ lực quốc tế dưới sự lãnh đạo của Undén đẩy mạnh phong trào giải trừ vũ khí. Năm 1961, Erlander nói với Undén suy nghĩ của ông rằng việc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ làm Thụy Điển dễ bị tấn công hơn, và làm giảm cả an ninh quốc gia lẫn an ninh quốc tế. Thay vì thụ động thay đổi chính sách quốc phòng của Thụy Điển để thích nghi với tình hình quân sự – công nghệ của thế giới, Erlander và Undén quyết định Thụy Điển cần tìm cách xây dựng một trật tự thế giới hòa bình và ủng hộ giải trừ quân bị trên toàn thế giới.
Một chiếc máy bay Saab 32 Lansen. Thụy Điển đã cân nhắc sử dụng máy bay chiến đáu này để chở vũ khí hạt nhân. (Nguồn ảnh: Mattias Björklund, CC BY-SA 3.0.)
Undén chỉ định Alva Myrdal xây dựng và lãnh đạo một chương trình giải trừ quân bị. Myrdal là một thành viên quan trọng của Đảng Dân chủ Xã hội, đồng thời là nhà xã hội học và nhà ngoại giao. Trong cuốn sách The Game of Disarmament của mình, bà viết rằng mình ngay lập tức vạch ra một kế hoạch xây dựng các chiến lược để Thụy Điển có thể thuyết phục các cường quốc hạt nhân giải trừ vũ khí. Dưới sự lãnh đạo của bà, năm 1962, tại Geneva, Thụy Điển trở thành một thành viên của Ủy ban 18 quốc gia về Giải trừ quân bị (mở rộng từ Ủy ban 10 quốc gia trước đó – ND). Ủy ban được Liên Hợp Quốc thành lập để tạo một đối thoại giữa Mỹ và Liên Xô, và tổ chức các cuộc đàm phán giải trừ quân bị. Thụy Điển tích cực đóng góp vào công việc của ủy ban và thúc đẩy thành công chính sách giải trừ quân bị10. Năm 1982, Myrdal được nhận giải Nobel Hòa bình.
Khi Thụy Điển ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và chính thức từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vào năm 1968, FOA và AE, về cơ bản, đã tập hợp được mọi tài nguyên cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, một vài thành phần quan trọng trong dây chuyền sản xuất vẫn còn thiếu: một cơ sở tái chế uranium và một nguồn cung cấp nước nặng. Một bài toán khác chưa có lời giải là hệ thống mang vũ khí hạt nhân. Mặc dù đã có những kế hoạch để hai máy bay chiến đấu sẵn có của Thụy Điển, chiếc Saab 32 Lansen và chiếc Saab 35 Draken, trở thành máy bay ném bom, vẫn cần phát triển thêm về mặt kỹ thuật để thực hiện chúng.
Những quyết định của Erlander không phải là những lý do duy nhất khiến Thụy Điển bỏ kế hoạch vũ khí hạt nhân đã tiến khá xa. Sự kết hợp của nhiều nguyên nhân cuối cùng đã dẫn đến việc từ bỏ lựa chọn hạt nhân: sự phản đối ngày càng tăng của dư luận, mâu thuẫn giữa mục tiêu phát triển năng lượng hạt nhân dân sự và mục tiêu duy trì tự do hành động đối với vũ khí hạt nhân, và chính sách của Mỹ không ủng hộ Thụy Điển sản xuất bom hạt nhân. Dù vậy, khó có thể hình dung Thụy Điển sẽ thay đổi kế hoạch trở thành quốc gia hạt nhân nếu không có tài điều hành của Erlander.
Chúng ta học được gì từ quyết định không sản xuất vũ khí hạt nhân của Thụy Điển? Một bài học là phát triển vũ khí hạt nhân là một quá trình lâu dài và phức tạp về kỹ thuật, ngay cả với một nước đã sẵn có cơ sở hạ tầng hạt nhân. Ở một nước càng cởi mở và dân chủ thì quá trình đó càng tạo điều kiện cho các phong trào phản đối vũ khí hạt nhân của các đối thủ chính trị.
Vì sự phức tạp của quá trình sản xuất, một nước có tham vọng vũ khí hạt nhân có thể phải hợp tác với các nước khác. Sự hợp tác đó dẫn đến phụ thuộc vào các nước có khoa học kỹ thuật phát triển hơn, hoặc phụ thuộc vào các tổ chức đa quốc gia; các nước hay tổ chức đó có thể tác động để nước có tham vọng vũ khí hạt nhân cân nhắc lại về kế hoạch của mình. Thật đáng tiếc là quyết định rút lui mới đây của Mỹ khỏi một thỏa thuận hạt nhân với Iran cho thấy Tổng thống Trump và các cố vấn chưa học được bài học thứ hai. Như câu chuyện Thụy Điển cho thấy, ngoại giao và các thỏa thuận không phổ biến vũ khí là cách đúng đắn, nếu mục đích là để có ít hơn, chứ không phải nhiều hơn, quốc gia vũ khí hạt nhân trên thế giới. □
Nguyễn Hoàng Thạch dịch
Physics Today 72, 9, 40 (2019); doi: 10.1063/PT.3.4293
Tài liệu tham khảo
1. T. Jonter, The Key to Nuclear Restraint: The Swedish Plans to Acquire Nuclear Weapons During the Cold War, Palgrave Macmillan (2016).
2. T. Erlander, Tage Erlander, 1955–1960, Tiden (1976), p. 245.
3. Ref. 2, p. 75.
4. P. Ahlmark, Den svenska atomvapendebatten (The Swedish Nuclear Weapons Debate), Aldus/Bonnier (1965), p. 9.
5. T. Jonter, Sweden and the Bomb: The Swedish Plans to Acquire Nuclear Weapons, 1945–1972, SKI Report 01:33, prepared for the Swedish
Nuclear Power Inspectorate (September 2001).
6. Kärnladdningsgruppen, Kärnladdningsgruppens betänkande (Re- port of the Nuclear Device Group; February 1962), HH 006, FOA Archives, National Archives of Sweden, Stockholm.
7. T. Jonter, in Security Assurances and Nuclear Nonproliferation, J. W. Knopf, ed., Stanford U. Press (2012), chap. 10.
8. Ref. 7, p. 237.
9. US Department of State, Office of the Historian, “Statement of U.S. Policy Toward Scandinavia (Denmark, Norway and Swe-den),” doc. 300 (6 April 1960), in Foreign Relations of the United States, 1958–1960: Western Europe, vol. 7, part 2 (1993).
10. A. Myrdal, The Game of Disarmament: How the United States and Russia Run the Arms Race, Pantheon Books (1976).