Hạn chế nhà khoa học nước ngoài gây bất lợi cho Indonesia?

Mặc dù một trong các xu hướng của thế giới là mở rộng hợp tác quốc tế nhưng dường như Chính phủ Indonesia lại đi ngược lại điều đó.

Họ đã đưa ra một dự thảo luật bao gồm những quy định khắt khe và cả hình thức phạt như án tù đối với những nhà nghiên cứu nước ngoài dám phá vỡ những quy định này.

Vào tháng 8/2017, bản dự thảo đã được báo cáo tại Hạ viện với những điều luật vô cùng khắt khe như các nhà khoa học nước ngoài sẽ cần giấy phép của chính phủ để thực hiện nghiên cứu và cần một văn bản thỏa thuận chuyển giao đặc biệt để đưa các mẫu vật, mẫu thí nghiệm khỏi Indonesia. Nhà nghiên cứu nào vi phạm các quy định này sẽ bị khép tội hình sự với các hình phạt khác nhau như án tù tối đa hai năm, nộp phạt tới 2 tỷ rupiah Indonesia (tương đương 143.000 USD). Các nhà khoa học quốc tế sẽ phải nộp dữ liệu thô cho Bộ Khoa học; các đồng nghiệp Indonesia sẽ được coi là đối tác ngang hàng trong dự án nghiên cứu; tên các nhà khoa học Indonesia tham gia dự án sẽ được xuất hiện trên các công bố quốc tế.

Dù đây mới chỉ là đề xuất nhưng các nhà khoa học Indonesia vẫn cảm thấy e ngại, nếu được thông qua, nó sẽ cản trở những hợp tác tiềm năng và cả các thực nghiệm cần thiết trong nghiên cứu. Do đó vào tháng tới, đại diện của hai viện hàn lâm khoa học Indonesia sẽ có cuộc găp gỡ các nhà chính trị với hi vọng sẽ thuyết phục họ xem xét kỹ các đề xuất trên.

Berry Juliandi – thành viên của Viện Hàn lâm khoa học trẻ và là nhà sinh học tại trường Đại học Nông nghiệp Bogor, nhận xét: “Những quy định mới sẽ chỉ ngăn cản các nhà khoa học nước ngoài thực hiện nghiên cứu ở Indonesia, và về thực chất thì nó bất lợi cho khoa học Indonesia”. Những đóng góp của các nhà khoa học quốc tế quan trọng với nghiên cứu của đất nước này bởi các tổ chức khoa học quốc tế không chỉ rót nhiều kinh phí mà còn đem đến nhiều công nghệ tiên tiến hơn cho những dự án được thực hiện ở Indonesia, anh nói thêm.Ngoài ra, những quy trình khắt khe của dự thảo còn hạn chế việc thu hút kinh phí nước ngoài trong thực hiện các đề tài nghiên cứu trong khi kinh phí nghiên cứu là vấn đề đau đầu của các nhà khoa học Indonesia.

Bảo vệ khoa học Indonesia?

Các tài liệu của Chính phủ Indonesia giải thích, những quy định này nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tăng cường năng lực nghiên cứu của khoa học Indonesia. Việc Chính phủ Indonesia đề xuất những quy định này không phải không có cơ sở. Vào tháng 2/2018, Sadjuga – giám đốc cơ quan sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Indonesia), phát biểu tại một hội thảo về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu: trong quá khứ, một số nhóm nghiên cứu quốc tế đã “bỏ qua” đóng góp của nhiều nhà khoa học Indonesia và loại tên họ khỏi các công trình. Trong số 832 công bố là sản phẩm của các dự án nghiên cứu quốc tế được thực hiện ở Indonesia giữa năm 2010 và 2016, có 6% không có tên đồng tác giả Indonesia.

Một vấn đề khác là Chính phủ Indonesia e ngại tình trạng đánh cắp sinh học (biopiracy) – một thuật ngữ được dùng để miêu tả việc các nhà nghiên cứu vẫn thường sử dụng những hiểu biết truyền thống hoặc khai thác các nền văn hóa, các nền sinh học bản địa dù không được phép. Họ cho rằng nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài vẫn áp dụng nhiều cách để lấy trộm những nguồn gene quý của đất nước. Indonesia là một trong những khu vực đa dạng sinh học phong phú bậc nhất thế giới, vì thế hằng năm thu hút rất nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài tới thực hiện nghiên cứu, chủ yếu trong lĩnh vực động vật học, thực vật học, sinh vật biển…

Ông Rosichon Ubaidillah – người đứng đầu nhóm nghiên cứu về động vật của Phòng nghiên cứu sinh học thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Indonesia (LIPI), cho rằng, “các nhà nghiên cứu nước ngoài có thể đã thu thập tài liệu nghiên cứu một cách hợp pháp nhưng những gì họ làm không phải lúc nào cũng mang tính đạo đức”. Năm 2017, Viện LIPI đã phải hủy bỏ hợp tác khoa học với một tổ chức của Đức vì từ chối thay đổi một thỏa thuận về chuyển giao vật liệu nghiên cứu mà họ cho là bất lợi với Indonesia.

Ủng hộ và phản đối

Bản dự thảo còn yêu cầu các nhà khoa học quốc tế phải đem lại “những sản phẩm có lợi cho Indonesia”. Erik Meijaard, một nhà khoa học về bảo tồn người Hà Lan làm việc tại trường Đại học Queensland tại St Lucia, Australia và hiện đang nghiên cứu về loài đười ươi ở Borneo, nhận xét: đề xuất của Chính phủ Indonesia “không khả thi” với các nhà nghiên cứu quốc tế. “Anh có thể thực hiện một nghiên cứu trong vòng vài năm, tìm ra được một số kết quả nhưng điều đó không có lợi cho Indonesia thì không được quyền công bố ư”. Meijaard cho biết thêm, về tổng thể, dự thảo có vẻ mơ hồ và “chắc chắn khiến các nhà nghiên cứu nước ngoài từ bỏ kế hoạch nghiên cứu ở Indonesia và ngăn cản nhiều người nghiên cứu ở Indonesia nếu không muốn phải đối mặt với nguy cơ không rõ ràng là có thể bị phạt hoặc bị bỏ tù”.

Tuy vậy, Muhammad Dimyati – tổng giám đốc phụ trách vấn đề thúc đẩy R&D của Bộ Khoa học Indonesia cho rằng đất nước ông có quyền bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình vì lợi ích của người dân. “Các hình thức trừng phạt này chỉ nhằm mục tiêu nhắc nhở các nhà khoa học về vai trò của họ trong xã hội là tập trung vào tìm kiếm đổi mới sáng tạo để đem lại lợi ích cho con người mà không vi phạm các quy định của quốc gia”.

Không phải tất cả các nhà khoa học đều coi những hình phạt này là sai trái. Laksana Handoko – nhà vật lý tại LIPI ở Jakarta, ủng hộ các hình phạt cho các nhà nghiên cứu mang những mẫu vật ra khỏi Indonesia mà không có thỏa thuận chuyển giao. Đó là hành động ăn cắp, ông bình luận.

Theo quan điểm của Jason von Meding của trường Đại học Newcastle ở Australia, hiện đang nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro ở Đông Nam Á, các nhà khoa học ở những nước đang phát triển cần bảo vệ công việc của mình và các nhà khoa học quốc tế không nên sợ hãi dự thảo nếu không làm điều gì sai trái. “Không quá khó khăn để một nhà nghiên cứu có đạo đức tuân thủ các quy định này”, von Meding nói. Tuy nhiên ông cũng nghĩ, sẽ phù hợp hơn nếu những hình phạt ở mức độ thấp hơn tội hình sự.

Thanh Nhàn tổng hợp từ NatureAsiapacificreport

Nguồn: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/vai-goi-y-de-co-so-du-lieu-khcn-quoc-gia-tiem-can-voi-yeu-cau-cua-cmcn4/2018052303400200p1c785.htm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)